Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Sáu Mươi Tám - Phẩm Phương Tiện Thiện Xảo - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ HAI  

PHẨM SÁU MƯƠI TÁM

PHẨM PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO  

PHẦN HAI  

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phật nói Đại Bồ Tát phải thường siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa phải không?

Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng vậy! Đúng vậy! Ta nói Đại Bồ Tát phải thường siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào muốn được hoàn toàn tự tại đối với các pháp thì phải học bát nhã Ba la mật đa.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật đa sâu xa đầy đủ thế lực lớn, làm cho các Đại Bồ Tát được hoàn toàn tự tại đối tất cả pháp.

Thiện Hiện nên biết: Bát nhã Ba la mật đa sâu xa là cửa ngõ mà các pháp lành hướng đến, giống như biển lớn là nơi mà tất cả các dòng nước chảy về.

Vì vậy, này Thiện Hiện! Hữu tình thuộc Thanh Văn Thừa, hoặc hữu tình thuộc Độc Giác Thừa, hoặc hữu tình thuộc Bồ Tát thừa đều nên siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa sâu xa này.

Thiện Hiện! Lúc siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa này, các Đại Bồ Tát phải thường tu học bố thí Ba la mật đa cho đến tịnh lự Ba la mật đa, phải thường an trụ vào pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không.

Phải thường an trụ vào chân như cho đến cảnh giới bất khả tư nghì.

Phải thường an trụ vào Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo.

Phải thường tu học bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo.

Phải thường tu học bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Phải thường tu học tám giải thoát cho đến mười biến xứ.

Phải thường tu học pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện.

Phải thường tu học Bậc Đại Bồ Tát. Phải thường tu học tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa.

Phải thường tu học năm loại mắt, sáu phép thần thông.

Phải thường tu học mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng.

Phải thường tu học pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả.

Phải thường tu học trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Phải thường tu học tất cả hạnh Đại Bồ Tát. Phải thường tu học quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật. Phải thường tu học trí nhất thiết trí.

Thiện Hiện! Giống như người bắn giỏi, lại có áo mũ chắc chắn và cung tên như ý thì chẳng sợ kẻ thù. Cũng vậy, các Đại Bồ Tát nào nắm giữ phương tiện thiện xảo bát nhã Ba la mật đa và đầy đủ các công đức, thì tất cả ma quân ngoại đạo dị học chẳng thể làm khuất phục.

Vì vậy,

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí, thì phải siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào thường siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa liền được Chư Phật Thế Tôn ở vô lượng, vô số, vô biên Thế Giới khắp mười phương thường cùng nhau hộ niệm.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát thường siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa sâu xa, thì được Chư Phật Thế Tôn ở vô lượng, vô số, vô biên Thế Giới khắp mười phương thường cùng nhau hộ niệm?

Phật Bảo Thiện Hiện: Đại Bồ Tát nào có thể thường siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa thì có thể tu hành bố thí Ba la mật đa cho đến tu hành trí nhất thiết trí. Do đó Chư Phật Thế Tôn ở vô lượng, vô số, vô biên Thế Giới khắp mười phương thường cùng nhau hộ niệm.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Vì sao Đại Bồ Tát này tu hành bố thí Ba la mật đa cho đến tu hành trí nhất thiết trí, liền được Chư Phật Thế Tôn ở vô lượng, vô số, vô biên Thế Giới khắp mười phương thường cùng nhau hộ niệm.

Phật Bảo Thiện Hiện: Lúc tu hành bố thí Ba la mật đa, Đại Bồ Tát này quán bố thí Ba la mật đa là bất khả đắc. Cho đến lúc tu hành trí nhất thiết trí, vị ấy quán trí nhất thiết trí là bất khả đắc, nên được Chư Phật Thế Tôn ở vô lượng, vô số, vô biên Thế Giới khắp mười phương thường cùng nhau hộ niệm.

Lại nữa, Thiện Hiện! Chư Phật Thế Tôn ở vô số khắp mười phương do sắc bất khả đắc, nên thường cùng nhau hộ niệm Đại Bồ Tát này. Do thọ, tưởng, hành, thức bất khả đắc, nên thường cùng nhau hộ niệm Đại Bồ Tát này, cho đến trí nhất thiết trí bất khả đắc, nên thường hộ niệm Đại Bồ Tát này.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Chư Phật Thế Tôn ở vô số Thế Giới khắp mười phương không phải do sắc, nên cùng nhau hộ niệm Đại Bồ Tát này. Không phải do thọ, tưởng, hành, thức, nên cùng nhau hộ niệm Đại Bồ Tát này, cho đến không phải do trí nhất thiết trí, nên cùng nhau hộ niệm Đại Bồ Tát này.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Các Đại Bồ Tát tuy học rất nhiều pháp nhưng không có sở học.

Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng vậy! Đúng vậy! Các Đại Bồ Tát tuy học rất nhiều pháp nhưng không có sở học.

Vì sao?

Vì thật sự ở trong đó không có pháp để Bồ Tát tu học.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đã giảng tóm lược, hoặc giảng rộng pháp tương ưng với sáu pháp Ba la mật đa cho các Đại Bồ Tát nghe. Đại Bồ Tát nào muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí, thì đối với pháp tương ưng với sáu pháp Ba la mật đa này, dù giảng tóm lược, hoặc được giảng rộng, đều nên lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, hoàn toàn thông suốt.

Sau khi đã thông suốt phải tư duy đúng lý. Sau khi đã tư duy đúng lý, phải quán sát kỹ càng, đúng đắn. Sau khi đã quán sát đúng đắn, phải làm cho tâm và tâm sở không bị lay động bởi các cảnh mà nó duyên theo.

Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói.

Lại nữa, Thiện Hiện! Lúc các Đại Bồ Tát siêng năng tu tập giáo pháp tương ưng với sáu pháp Ba la mật đa mà Chư Phật Thế Tôn đã giảng nói tóm lược, hoặc giảng rộng thì phải biết rõ như thật tướng rộng, hẹp của các pháp.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát phải làm sao để biết rõ như thật tướng rộng, hẹp của tất cả các pháp?

Phật Bảo Thiện Hiện:

Đại Bồ Tát nào biết rõ như thật tướng chân như của sắc, biết rõ như thật tướng chân như của thọ, tưởng, hành, thức.

Biết rõ như thật tướng chân như của nhãn xứ cho đến tướng chân như của ý xứ.

Biết rõ như thật tướng chân như của sắc xứ cho đến tướng chân như của pháp xứ.

Biết rõ như thật tướng chân như của nhãn giới cho đến tướng chân như của ý giới.

Biết rõ như thật tướng chân như của sắc giới cho đến tướng chân như của pháp giới.

Biết rõ như thật tướng chân như của nhãn thức giới cho đến tướng chân như của ý thức giới.

Biết rõ như thật tướng chân như của nhãn xúc cho đến tướng chân như của ý xúc.

Biết rõ như thật tướng chân như của các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, cho đến tướng chân như của các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra.

Biết rõ như thật tướng chân như của địa giới cho đến tướng chân như của thức giới.

Biết rõ như thật tướng chân như của nhân duyên cho đến tướng chân như của tăng thượng duyên.

Biết rõ như thật tướng chân như của vô minh cho đến tướng chân như của lão tử.

Biết rõ như thật tướng chân như của bố thí Ba la mật đa cho đến tướng chân như của bát nhã Ba la mật đa.

Biết rõ như thật tướng chân như của pháp nội không cho đến tướng chân như của pháp vô tính tự tính không.

Biết rõ như thật tướng chân như của Thánh đế khổ cho đến tướng chân như của Thánh đế tập, diệt, đạo.

Biết rõ như thật tướng chân như của bốn niệm trụ cho đến tướng chân như của tám chi Thánh đạo.

Biết rõ như thật tướng chân như của bốn tịnh lự cho đến tướng chân như của bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Biết rõ như thật tướng chân như của tám giải thoát cho đến tướng chân như của mười biến xứ.

Biết rõ như thật tướng chân như của pháp môn giải thoát không, cho đến tướng chân như của pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện.

Biết rõ như thật tướng chân như của Tịnh Quán Địa cho đến tướng chân như của Như Lai Địa.

Biết rõ như thật tướng chân như của Cực Hỷ Địa cho đến tướng chân như của Pháp Vân Địa.

Biết rõ như thật tướng chân như của tất cả pháp môn Đà La Ni cho đến tướng chân như của tất cả pháp môn Tam Ma Địa.

Biết rõ như thật tướng chân như của năm loại mắt, tướng chân như của sáu phép thần thông.

Biết rõ như thật tướng chân như của mười lực Như Lai cho đến tướng chân như của mười tám Pháp Phật bất cộng.

Biết rõ như thật tướng chân như của ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Bậc Đại Sĩ.

Biết rõ như thật tướng chân như của pháp không quên mất, tướng chân như của tánh luôn luôn xả.

Biết rõ như thật tướng chân như của trí nhất thiết, tướng chân như của trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Biết rõ như thật tướng chân như của quả Dự Lưu, cho đến tướng chân như của Độc Giác Bồ Đề.

Biết rõ như thật tướng chân như của tất cả hạnh Đại Bồ Tát và tướng chân như của quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Biết rõ như thật tướng chân như của trí nhất thiết trí thì Đại Bồ Tát này biết rõ như thật tướng rộng hẹp của các pháp.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng chân như của sắc?

Thế nào là tướng chân như của thọ, tưởng, hành, thức?

Cho đến thế nào là tướng chân như trí nhất thiết trí mà các Đại Bồ Tát biết rõ như thật và học những pháp đó thì có thể biết rõ như thật tướng rộng hẹp của các pháp?

Phật Bảo Thiện Hiện: Chân như của sắc không sanh, không diệt, cũng không trụ, không khác mà có thể phô bày, nên nói là tướng chân như của sắc.

Chân như của thọ, tưởng, hành, thức không sanh, không diệt, cũng không trụ, không khác mà có thể phô bày, nên nói là tướng chân như của thọ, tưởng, hành, thức.

Cho đến chân như của trí nhất thiết trí không sanh, không diệt, cũng không trụ, không khác mà có thể phô bày, đó gọi là tướng chân như của trí nhất thiết trí.

Các Đại Bồ Tát nào biết rõ như thật và học các pháp đó thì sẽ biết rõ như thật tướng rộng hẹp của tất cả pháp.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát biết rõ như thật tướng thật tế của sắc. Tướng thật tế của thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến biết rõ như thật tướng thật tế của trí nhất thiết trí thì Đại Bồ Tát đó biết rõ như thật tướng rộng hẹp của tất cả các pháp.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng thật tế của sắc?

Thế nào là tướng thật tế của thọ, tưởng, hành, thức?

Cho đến thế nào là tướng thật tế của trí nhất thiết trí mà các Đại Bồ Tát biết rõ như thật và học những pháp đó thì biết rõ như thật tướng rộng hẹp của tất cả pháp?

Phật Bảo Thiện Hiện: Không có bờ mé của sắc là tướng thật tế của sắc. Không có bờ mé của thọ, tưởng, hành, thức nên nói là tướng thật tế của thọ, tưởng, hành, thức.

Cho đến không có bờ mé của trí nhất thiết trí nên nói là tướng thật tế của trí nhất thiết trí. Các Đại Bồ Tát biết rõ như thật và học các pháp đó thì biết rõ như thật tướng rộng hẹp của tất cả các pháp.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào biết rõ như thật tướng pháp giới của sắc, tướng pháp giới của thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến biết rõ như thật tướng pháp giới của trí nhất thiết trí thì Đại Bồ Tát ấy biết rõ như thật tướng rộng hẹp của tất cả pháp.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng pháp giới của sắc, tướng pháp giới của thọ, tưởng, hành, thức, cho đến thế nào là tướng pháp giới của trí nhất thiết trí mà các Đại Bồ Tát biết rõ như thật và học ở trong đó thì biết rõ như thật tướng rộng hẹp của tất cả các pháp?

Phật Bảo Thiện Hiện: Sắc như hư không, không ngăn, không ngại, không sanh, không diệt, không gián đoạn, không liên tục mà có thể phô bày, nên nói là tướng pháp giới của sắc. thọ, tưởng, hành, thức như hư không, không ngăn, không ngại, không sanh, không diệt, không gián đoạn, không liên tục mà có thể phô bày, nên nói là tướng pháp giới của thọ, tưởng, hành, thức.

Cho đến trí nhất thiết trí như hư không, không ngăn, không ngại, không sanh, không diệt, không gián đoạn, không liên tục mà có thể phô bày, nên nói là tướng pháp giới của trí nhất thiết trí. Các Đại Bồ Tát biết rõ như thật, và học ở trong thì biết rõ như thật tướng rộng hẹp của các pháp.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào để biết tướng rộng hẹp của tất cả các pháp?

Phật Bảo Thiện Hiện: Đại Bồ Tát nào biết rõ như thật tất cả các pháp không hợp, không tan thì Đại Bồ Tát này sẽ biết tướng rộng hẹp của tất cả các pháp.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch: Bạch Thế Tôn! Những pháp nào là pháp không hợp, không tan?

Phật Bảo Thiện Hiện: Sắc không hợp, không tan. Thọ, tưởng, hành, thức không hợp, không tan. Nhãn xứ cho đến ý xứ không hợp, không tan.

Sắc xứ cho đến pháp xứ không hợp, không tan. Nhãn giới cho đến ý thức giới không hợp, không tan.

Sắc giới cho đến pháp giới không hợp, không tan. Nhãn thức giới cho đến ý thức giới không hợp, không tan. Nhãn xúc cho đến ý xúc không hợp, không tan.

Các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra không hợp, không tan. Địa giới cho đến thức giới không hợp, không tan. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên không hợp, không tan. Vô minh cho đến lão tử không hợp, không tan. Tham dục, sân nhuế, ngu si không hợp, không tan.

Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới không hợp, không tan. bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa không hợp, không tan. Pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không không hợp, không tan.

Chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì không hợp, không tan. Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo không hợp, không tan. Bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo không hợp, không tan.

Bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc không hợp, không tan. bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc không hợp, không tan. Tám giải thoát cho đến mười biến xứ không hợp, không tan. pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện không hợp, không tan.

Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa không hợp, không tan. Cực Hỷ địa cho đếp Pháp Vân địa không hợp, không tan. Tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa không hợp, không tan.

Năm loại mắt, sáu phép thần thông không hợp, không tan. Mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp bất cộng không hợp, không tan. Ba mươi hai tướng Đại Sĩ, tám mươi vẻ đẹp không hợp, không tan.

Pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả không hợp, không tan. Trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng không hợp, không tan. Quả Dự Lưu cho đến Độc Giác Bồ Đề không hợp, không tan.

Tất cả hạnh Đại Bồ Tát không hợp, không tan. Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật không hợp, không tan. Trí nhất thiết trí không hợp, không tan. Cảnh giới hữu vi không hợp, không tan. Cảnh giới vô vi không hợp, không tan.

Vì sao?

Vì các pháp ấy đều không có tự tánh. Nếu không có tự tánh thì không có sở hữu. Nếu không có sở hữu thì không thể nói là có hợp, có tan. Vì tất cả pháp các Đại Bồ Tát biết rõ như vậy thì có thể biết rõ tướng rộng hẹp.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch: Bạch Thế Tôn! Như vậy gọi là tóm lược tất cả Ba la mật đa. Nếu các Đại Bồ Tát học ở trong đó thì có thể làm được nhiều việc.

Bạch Thế Tôn! Pháp Ba la mật đa tóm lược này, Đại Bồ Tát sơ phát tâm cho đến Đại Bồ Tát thuộc địa thứ mười đều phải thường tu học pháp ấy.

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào học pháp Ba la mật đa tóm lược này thì biết rõ như thật tướng rộng hẹp tất cả các pháp.

Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói.

Thiện Hiện nên biết: Pháp Môn Ba la mật đa tóm lược này các Đại Bồ Tát lợi căn mới thể nhập, Bồ Tát độn căn không thể nhập.

Người lợi căn mới thể nhập, người không lợi căn không thể nhập.

Người siêng năng tinh tấn mới thể nhập, người lười biếng không thể nhập.

Người đầy đủ chánh niệm mới thể nhập, người không đầy đủ chánh niệm chẳng thể nhập.

Người đầy đủ trí tuệ vi diệu mới thể nhập, người không có trí tuệ chẳng thể nhập.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào muốn trụ ở địa vị bất thối chuyển thì phải siêng năng tìm cách thể nhập vào pháp môn này.

Cho đến Đại Bồ Tát nào muốn trụ vào địa thứ mười thì phải siêng năng tìm cách thể nhập vào pháp môn này.

Cho đến Đại Bồ Tát muốn đạt được trí nhất thiết trí thì phải tìm cách thể nhập vào pháp môn này.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào học theo ý chỉ của bát nhã Ba la mật đa này thì Đại Bồ Tát đó liền có thể theo học bố thí Ba la mật đa, cho đến bát nhã Ba la mật đa. Cũng có thể theo học pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không. Cũng có thể theo học chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì.

Cũng có thể theo học Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo.

Cũng có thể theo học bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo.

Cũng có thể theo học bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Cũng có thể theo học tám giải thoát cho đến mười biến xứ.

Cũng có thể theo học pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện.

Cũng có thể theo học các Bậc của Bồ Tát. Cũng có thể theo học tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa.

Cũng có thể theo học năm loại mắt, sáu phép thần thông.

Cũng có thể theo học mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng.

Cũng có thể theo học pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả.

Cũng có thể theo học trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Cũng có thể theo học tất cả hạnh Đại Bồ Tát.

Cũng có thể theo học quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Cũng có thể theo học trí nhất thiết trí.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào nương tựa đúng như ý chỉ của bát nhã Ba la mật đa sâu xa mà học thì Đại Bồ Tát này ngày càng đến gần trí nhất thiết trí mà mình mong cầu.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào học theo ý chỉ của bát nhã Ba la mật đa này thì tất cả nghiệp chướng và ma sự của Đại Bồ Tát ấy vừa phát sanh liền bị tiêu diệt.

Vì vậy, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào muốn mau diệt trừ tất cả nghiệp chướng và các ma sự, muốn giữ gìn đúng đắn sức phương tiện thiện xảo thì nên học bát nhã Ba la mật đa.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào hành bát nhã Ba la mật đa này, tu bát nhã Ba la mật đa này, tập bát nhã Ba la mật đa này thì được Chư Phật Thế Tôn hiện đang thuyết pháp ở vô lượng, vô số, vô biên Thế Giới khắp mười phương cùng nhau hộ niệm.

Vì sao?

Thiện Hiện! Vì Chư Phật ở quá khứ, vị lai, hiện tại đều từ bát nhã Ba la mật đa mà xuất hiện.

Vì vậy, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào có thể thực hành bát nhã Ba la mật đa, thì phải nghĩ như vậy: Ta cũng sẽ chứng đắc các pháp mà Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đã chứng đắc.

Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát nên siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Ai siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa sâu xa, thì có thể mau chứng đắc trí nhất thiết trí.

Vì vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát không nên xả bỏ tác ý tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa và việc tu hành bát nhã Ba la mật đa.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào như thật tu hành bát nhã Ba la mật đa này trong khoảng thời gian khảy móng tay, thì thu được rất nhiều phước đức.

Giả sử có người giáo hóa tất cả hữu tình ở ba ngàn đại thiên Thế Giới làm cho đều an trụ vào bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã, hoặc làm cho an trụ vào giải thoát và giải thoát tri kiến.

Hoặc làm cho an trụ vào quả Dự Lưu cho đến Độc Giác Bồ Đề, thì người này tuy được vô lượng phước đức nhưng phước ấy vẫn không bằng phước đức mà người thật sự tu hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa trong khoảng thời gian khảy móng tay có được.

Vì sao?

Này Thiện Hiện! Vì bát nhã Ba la mật đa này có thể sanh tất cả bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Có thể sanh tất cả giải thoát và giải thoát tri kiến.

Có thể sanh tất cả quả Dự Lưu cho đến Độc Giác Bồ Đề. Chư Phật Thế Tôn ở vô số thế gian khắp mười phương trong hiện tại đều nhờ bát nhã Ba la mật đa sâu xa mà được xuất hiện. Chư Phật đời quá khứ, vị lai cũng vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào không xa lìa tác ý tương ưng với bát nhã Ba la mật đa sâu xa này và tu hành bát nhã Ba la mật đa trong chốc lát, hoặc một buổi, hoặc một ngày, hoặc nửa tháng, hoặc một tháng, hoặc một mùa, hoặc một năm, hoặc trăm năm, hoặc lâu hơn nữa thì Bồ Tát ấy thu được rất nhiều phước đức.

Phước đức này hơn cả phước đức có được nhờ giáo hóa tất cả hữu tình ở hằng hà sa số Thế Giới khắp mười phương, giúp họ đều an trụ vào bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã.

Hoặc giúp họ an trụ vào giải thoát và giải thoát trí kiến, hoặc giúp họ an trụ vào quả Dự Lưu cho đến Độc Giác Bồ Đề.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật đa này sanh ra Chư Phật Thế Tôn ở đời quá khứ, vị lai, hiện tại, như thật phô bày bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa cho các hữu tình.

Phô bày như thật giải thoát và giải thoát trí kiến. Phô bày như thật quả Dự Lưu cho đến Độc Giác Bồ Đề. Phô bày như thật quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật. Vì vậy, phước đức này hơn hẳn phước đức kia.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào trụ theo ý chỉ của bát nhã Ba la mật đa sâu xa thì nên biết Đại Bồ Tát này không còn thối chuyển trở lại, thường được Chư Phật hộ niệm, thành tựu phương tiện thiện xảo thù thắng, đã gần gũi cúng dường vô lượng, trăm ngàn, trăm ức, muôn ức Đức Phật, đã trồng vô số thiện căn vi diệu nơi các Đức Phật, đã được vô số thiện tri thức chân chánh dạy dỗ, đã tu tập bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa trong một thời gian dài, từ lâu đã an trụ vào nội không cho đến vô tính tự tính không.

Từ lâu đã an trụ vào chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì.

Từ lâu đã an trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo.

Từ lâu đã tu tập bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Từ lâu đã tu tập bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Từ lâu đã tu tập tám giải cho đến mười biến xứ.

Từ lâu đã tu tập pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện.

Từ lâu đã tu tập các Bậc Bồ Tát. Từ lâu đã tu tập tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa.

Từ lâu đã tu tập năm loại mắt, sáu phép thần thông. Từ lâu đã tu tập mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng.

Từ lâu đã tu tập trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Từ lâu đã tu tập tất cả hạnh Đại Bồ Tát.

Từ lâu đã tu tập quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật. Từ lâu đã tu tập trí nhất thiết trí.

Nên biết Đại Bồ Tát này trụ ở đồng chân địa, tất cả ước nguyện đều được đầy đủ, thường diện kiến Chư Phật không lúc nào lìa bỏ, thường không xa lìa các thiện căn, thường có thể làm thành thục các hữu tình đã được giáo hóa, thường trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật mà mình ở.

Từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, cúng dường cung kính, tôn trọng, ngợi khen Chư Phật Thế Tôn, lắng nghe, ghi nhớ, tu hành pháp Vô Thượng Thừa.

Nên biết Đại Bồ Tát này đã được biện tài không gián đoạn, không chấm dứt. Đã đắc pháp Đà La Ni vi diệu, thành tựu sắc thân vi diệu tối thượng. Đã được Chư Phật thọ ký viên mãn, tùy theo sự ưa thích để độ các hữu tình, chỉ dạy các hữu tình đã được tự tại.

Nên biết Đại Bồ Tát này khéo nhập vào sở duyên, khéo nhập hành tướng.

Khéo nhập pháp có chữ, khéo nhập pháp không chữ. Khéo nhập lời nói, khéo nhập không lời nói.

Khéo nhập một ngôn ngữ, khéo nhập hai ngôn ngữ, khéo nhập nhiều ngôn ngữ.

Khéo nhập ngôn ngữ nữ, khéo nhập ngôn ngữ nam, khéo nhập ngôn ngữ chẳng nữ chẳng nam.

Khéo nhập ngôn ngữ thời quá khứ, khéo nhập ngôn ngữ thời vị lai, khéo nhập ngôn ngữ thời hiện tại.

Khéo nhập các nghĩa, khéo nhập các văn, khéo nhập sắc, khéo nhập thọ, khéo nhập tưởng, khéo nhập hành, khéo nhập thức.

Khéo nhập uẩn, khéo nhập xứ, khéo nhập giới. Khéo nhập duyên khởi, khéo nhập chi nhánh của duyên khởi. Khéo nhập thế gian, khéo nhập Niết Bàn.

Khéo nhập pháp tướng, khéo nhập tướng hữu vi, khéo nhập tướng vô vi, khéo nhập tướng hữu vi, vô vi.

Khéo nhập hành tướng, khéo nhập phi hành tướng.

Khéo nhập tướng tướng, khéo nhập tướng phi tướng.

Khéo nhập hữu tánh, khéo nhập phi hữu tánh.

Khéo nhập tánh mình, khéo nhập tánh người.

Khéo nhập hợp, khéo nhập ly, khéo nhập hợp ly.

Khéo nhập tương ưng, khéo nhập chẳng tương ưng, khéo nhập tương ưng chẳng tương ưng.

Khéo nhập chân như, khéo nhập tánh không hư vọng, khéo nhập tánh không biến đổi,

khéo nhập pháp tánh, khéo nhập pháp giới, khéo nhập pháp định, khéo nhập pháp trụ.

Khéo nhập duyên tánh, khéo nhập phi duyên tánh.

Khéo nhập các Thánh đế.

Khéo nhập bốn tịnh lự, khéo nhập bốn vô lượng, khéo nhập bốn định vô sắc.

Khéo nhập sáu Ba la mật đa. Khéo nhập bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo.

Khéo nhập tám giải thoát cho đến mười biến xứ.

Khéo nhập pháp môn Đà La Ni, khéo nhập pháp môn Tam Ma Địa.

Khéo nhập ba pháp môn giải thoát, khéo nhập tất cả tánh không.

Khéo nhập năm loại mắt, khéo nhập sáu phép thần thông.

Khéo nhập mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng.

Khéo nhập pháp không quên mất, khéo nhập tánh luôn luôn xả.

Khéo nhập trí nhất thiết, khéo nhập trí đạo tướng, khéo nhập trí nhất thiết tướng.

Khéo nhập cảnh giới hữu vi, khéo nhập cảnh giới vô vi. Khéo nhập giới, khéo nhập phi giới.

Khéo nhập tác ý của sắc cho đến tác ý của thức.

Khéo nhập tác ý của nhãn xứ cho đến tác ý của ý xứ.

Khéo nhập tác ý của sắc xứ cho đến tác ý của pháp xứ.

Khéo nhập tác ý của nhãn giới cho đến tác ý của ý giới.

Khéo nhập tác ý của sắc giới cho đến tác ý của pháp giới.

Khéo nhập tác ý của nhãn thức giới cho đến tác ý của ý thức giới.

Khéo nhập tác ý của nhãn xúc cho đến tác ý của ý xúc.

Khéo nhập tác ý của các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến tác ý của các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra.

Khéo nhập tác ý của địa giới cho đến tác ý của thức giới.

Khéo nhập tác ý của nhân duyên cho đến tác ý của tăng thượng duyên.

Khéo nhập tác ý về vô minh cho đến tác ý về lão tử.

Khéo nhập tác ý về bố thí Ba la mật đa cho đến tác ý về bát nhã Ba la mật đa.

Khéo nhập tác ý về pháp nội không cho đến tác ý về pháp vô tính tự tính không.

Khéo nhập tác ý về chân như cho đến tác ý về cảnh giới bất tư nghì.

Khéo nhập tác ý về Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo.

Khéo nhập tác ý về bốn niệm trụ cho đến tác ý về tám chi Thánh đạo.

Khéo nhập tác ý về bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc.

Khéo nhập tác ý về tám giải thoát cho đến tác ý về mười biến xứ.

Khéo nhập tác ý về pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện.

Khéo nhập tác ý về Tịnh quán địa cho đến tác ý về Như Lai địa.

Khéo nhập tác ý về Cực Hỷ địa cho đến tác ý về Pháp Vân địa.

Khéo nhập tác ý về tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa.

Khéo nhập tác ý về năm loại mắt, sáu phép thần thông.

Khéo nhập tác ý về mười lực Như Lai cho đến tác ý về mười tám Pháp Phật bất cộng.

Khéo nhập tác ý về ba mươi hai tướng Đại Sĩ, tám mươi vẻ đẹp.

Khéo nhập tác ý về pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả.

Khéo nhập tác ý về trí nhất thiết trí, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Khéo nhập tác ý về quả Dự Lưu cho đến tác ý Độc Giác Bồ Đề.

Khéo nhập tác ý về tất cả hạnh Đại Bồ Tát.

Khéo nhập tác ý về quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật. Khéo nhập tác ý về trí nhất thiết trí.

Khéo nhập tác ý về sắc và tướng không của sắc.

Khéo nhập tác ý về thọ, tưởng, hành, thức và tướng không của thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy cho đến khéo nhập vào trí nhất thiết trí và tướng không của trí nhất thiết trí. Khéo nhập đạo khinh an, khéo nhập đạo chẳng khinh an. Khéo nhập sanh, khéo nhập diệt, khéo nhập trụ và biến đổi.

Khéo nhập chánh kiến, khéo nhập tà kiến. Khéo nhập kiến, khéo nhập phi kiến.

Khéo nhập tham, sân, si, khéo nhập không tham, không sân, không si.

Khéo nhập tất cả kiết sử trói buộc như kiến chấp triền cái, tùy miên, khéo nhập sự dứt trừ tất cả kiến sử trói buộc như kiến chấp, triền cái, tùy miên.

Khéo nhập danh, khéo nhập sắc, khéo nhập danh sắc.

Khéo nhập sở duyên duyên, khéo nhập tăng thượng duyên.

Khéo nhập nhân duyên, khéo nhập đẳng vô gián duyên.

Khéo nhập hành, khéo nhập tướng. Khéo nhập nhân, khéo nhập quả.

Khéo nhập khổ, tập, diệt, đạo. Khéo nhập địa ngục và đường dẫn đến địa ngục.

Khéo nhập bàng sanh và đường dẫn đến bàng sanh.

Khéo nhập cõi quỷ và đường dẫn đến cõi quỷ.

Khéo nhập cõi người và đường dẫn đến cõi người, khéo nhập Cõi Trời và đường dẫn đến Cõi Trời.

Khéo nhập Dự Lưu, quả Dự Lưu, và đường dẫn đến quả Dự Lưu.

Khéo nhập Nhất Lai, quả Nhất Lai, và đường dẫn đến quả Nhất Lai.

Khéo nhập Bất Hoàn, quả Bất Hoàn, và đường dẫn đến quả Bất Hoàn.

Khéo nhập A La Hán, quả A La Hán, và đường dẫn đến quả A La Hán.

Khéo nhập Độc Giác, Độc Giác Bồ Đề, và đường dẫn đến Độc Giác Bồ Đề.

Khéo nhập tất cả Đại Bồ Tát và tất cả các hạnh của Đại Bồ Tát.

Khéo nhập tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Khéo nhập tất cả trí nhất thiết và đường dẫn đến trí nhất thiết, khéo nhập trí đạo tướng và đường dẫn đến trí đạo tướng, khéo nhập trí nhất thiết tướng và đường dẫn đến trí nhất thiết tướng.

Khéo nhập căn, khéo nhập căn viên mãn, khéo nhập căn hơn kém.

Khéo nhập trí tuệ, khéo nhập tuệ nhanh nhẹn, khéo nhập tuệ bén chạy, khéo nhập tuệ may mắn, khéo nhập tuệ có lực, khéo nhập tuệ thông đạt, khéo nhập tuệ rộng rãi, khéo nhập tuệ sâu xa, khéo nhập tuệ vĩ đại, khéo nhập tuệ không gì bằng, khéo nhập tuệ chân thật, khéo nhập tuệ trân bảo.

Khéo nhập đời quá khứ, khéo nhập đời vị lai, khéo nhập đời hiện tại.

Khéo nhập phương tiện, khéo nhập nguyện của hữu tình.

Khéo nhập ý muốn, khéo nhập ý muốn tăng thượng. Khéo nhập tướng văn nghĩa, khéo nhập các Thánh pháp.

Khéo nhập phương tiện an lập ba thừa.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào thực hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dẫn dắt bát nhã Ba la mật đa sâu xa, tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa thì được các loại lợi ích thù thắng như vậy.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm sao để hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Làm sao để dẫn dắt bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Làm sao tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa?

Phật Bảo Thiện Hiện: Các Đại Bồ Tát nên quán sắc cho đến thức là điêu tàn, là hư hoại, là ly tán, là không tự tại, là không chắc thật, là tánh hư ngụy để hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Thiện Hiện! Còn điều ông hỏi là các Đại Bồ Tát nên làm sao để dẫn dắt bát nhã Ba la mật đa sâu xa thì trả lời là các Đại Bồ Tát nên dẫn dắt bát nhã Ba la mật đa sâu xa như dẫn dắt cái không hư không.

Còn về việc ông hỏi là các Đại Bồ Tát nên làm sao để tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa thì trả lời là các Đại Bồ Tát nên phá hoại các pháp để tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát nên trải qua thời gian bao lâu để hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dẫn dắt bát nhã Ba la mật đa sâu xa, và tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa?

Phật Bảo Thiện Hiện: Các Đại Bồ Tát nên hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dẫn dắt bát nhã Ba la mật đa sâu xa và tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa từ lúc mới phát tâm cho đến lúc an tọa nơi tòa Bồ Đề vi diệu.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát nên trụ ở những tâm vô gián nào để hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dẫn dắt bát nhã Ba la mật đa sâu xa và tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa?

Phật Bảo Thiện Hiện: Từ lúc mới phát tâm cho đến khi an tọa nơi tòa Bồ Đề vi diệu, các Đại Bồ Tát không cho các tác ý khác phát sanh mà chỉ an trụ vào tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, để hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dẫn dắt bát nhã Ba la mật đa sâu xa và tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này làm thế nào cho tâm và tâm sở pháp không bị lay động đối với cảnh giới được gọi là hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dẫn dắt bát nhã Ba la mật đa sâu xa và tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, dẫn dắt bát nhã Ba la mật đa sâu xa, tu hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa sẽ chứng đắc trí nhất thiết trí phải không?

Thiện Hiện! Không!

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát không hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, không dẫn dắt bát nhã Ba la mật đa sâu xa, không tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa sẽ chứng đắc trí nhất thiết trí phải không?

Thiện Hiện! Không!

Bạch Thế Tôn! Đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa này, các Đại Bồ Tát vừa hành vừa không hành, vừa dẫn vừa không dẫn, vừa tu, vừa không tu, sẽ được trí nhất thiết trí phải không?

Thiện Hiện! Không!

Bạch Thế Tôn! Đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát không hành chẳng không hành, không dẫn dắt chẳng không dẫn dắt, không tu chẳng không tu sẽ đạt được trí nhất thiết trí phải không?

Thiện Hiện! Không

Bạch Thế Tôn! Vậy thì các Đại Bồ Tát phải làm thế nào để đạt được trí nhất thiết trí?

Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát phải như chân như để chứng đắc trí nhất thiết trí.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là chân như?

Thiện Hiện! Như thật tế.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là thật tế?

Thiện Hiện! Như pháp giới.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là pháp giới?

Thiện Hiện! Cảnh giới của cái ta, cảnh giới hữu tình, cảnh giới người sống, cảnh giới người sanh, cảnh giới người nuôi dưỡng, cảnh giới sĩ phu, cảnh giới chúng sanh.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là cảnh giới của cái ta cho đến cảnh giới của người?

Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?

Hoặc cái ta, hoặc hữu tình, hoặc người sống, hoặc người sanh, hoặc người nuôi dưỡng, hoặc người tạo tác, hoặc con người là những thứ ta có thể đắt được không?

Bạch Thế Tôn! Không!

Thiện Hiện! Hoặc cái ta cho đến con người đã bất khả đắc thì làm sao ta có thể tạo ra cảnh giới của cái ta cho đến cảnh giới của con người?

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào không tạo ra bát nhã Ba la mật đa, không tạo ra trí nhất thiết trí, không tạo ra tất cả các pháp thì Đại Bồ Tát đó nhất định sẽ chứng đắc trí nhất thiết trí.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Vì chỉ có bát nhã Ba la mật đa là chẳng thể tạo ra hay tịnh lự Ba la mật đa cho đến bố thí Ba la mật đa cũng không thể tạo ra?

Phật Bảo Thiện Hiện: Chẳng những bát nhã Ba la mật đa không thể tạo ra mà tịnh lự Ba la mật đa cho đến bố thí Ba la mật đa cũng không thể tạo ra. Hoặc pháp Thanh Văn, hoặc pháp Độc Giác, hoặc pháp Bồ Đề, hoặc pháp Như Lai cũng không thể tạo ra.

Thiện Hiện!

Tóm lại mà nói: Tất cả các pháp hoặc hữu vi, hoặc vô vi đều không thể tạo ra.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Nếu tất cả các pháp đều không thể tạo ra, vì sao lại có thể tạo ra địa ngục, bàng sanh, cõi quỷ, Nhơn, Thiên, Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Độc Giác, Bồ Tát, Như Lai và tất cả các pháp?

Phật Bảo Thiện Hiện: Ý ông nghĩ sao?

Sự tạo ra hữu tình và các pháp thật sự có thể đắc được không?

Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Không! 

Phật Bảo Thiện Hiện: Nếu sự tạo ra hữu tình và pháp thật sự bất khả đắc thì ta làm sao có thể tạo ra địa ngục, bàng sanh, cõi quỷ, nhơn, Thiên, Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Độc Giác, Bồ Tát, Như Lai và tất cả các pháp.

Thiện Hiện! Lúc hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát nên học tất cả pháp đều không thể tạo ra để hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch: Bạch Thế Tôn! Lúc hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, lẽ nào Đại Bồ Tát không nên học về sắc, không nên học về thọ, tưởng, hành, thức học.

Như vậy cho đến không nên học về trí nhất thiết trí?

Phật Bảo Thiện Hiện: Lúc hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát nên học sắc không tăng, không giảm, nên học về thọ, tưởng, hành, thức không tăng, không giảm. Như vậy cho đến nên học về trí nhất thiết trí không tăng, không giảm.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch: Bạch Thế Tôn! Lúc hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát phải làm sao để học về sắc không tăng, không giảm. Làm sao để học về thọ, tưởng, hành, thức không tăng, không giảm.

Như vậy cho đến làm sao để học về trí nhất thiết trí không tăng, không giảm?

Phật Bảo Thiện Hiện: Lúc hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát dùng bất sanh, bất diệt để học về sắc. Dùng bất sanh, bất diệt để học về thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy cho đến dùng bất sanh, bất diệt để học về trí nhất thiết trí.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Lúc hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát phải làm sao để dùng bất sanh, bất diệt để học về sắc. Làm sao để dùng bất sanh, bất diệt để học về thọ, tưởng, hành, thức.

Cho đến làm sao để dùng bất sanh, bất diệt để học về trí nhất thiết trí?

Phật Bảo Thiện Hiện: Lúc hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát phải học sắc không phát sanh, không tạo các hành, hoặc tu, hoặc điều khiển. Phải học thọ, tưởng, hành, thức không phát sanh, không tạo các hành, hoặc tu, hoặc điều khiển.

Như vậy cho đến phải học trí nhất thiết trí không phát sanh, không tạo các hành, hoặc tu, hoặc điều khiển?

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Lúc hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát phải làm thế nào để học sắc không phát sanh, không tạo các hành, hoặc tu, hoặc điều khiển. Phải làm thế nào để học thọ, tưởng, hành, thức không phát sanh, không tạo các hành, hoặc tu, hoặc điều khiển.

Như vậy, cho đến phải làm thế nào để học trí nhất thiết trí không phát sanh, không tạo các hành, hoặc tu, hoặc điều khiển?

Phật Bảo Thiện Hiện: Lúc hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, các Đại Bồ Tát phải quán tự tướng của tất cả các pháp là không, học sắc không phát sanh, không tạo các hành, hoặc tu, hoặc điều khiển. Nên quán tự tướng của tất cả các pháp là không, để học thọ, tưởng, hành, thức không phát sanh, không tạo các hành, hoặc tu, hoặc điều khiển.

Như vậy cho đến nên quán tự tướng của tất cả các pháp là không, để học trí nhất thiết trí không phát sanh, không tạo các hành, hoặc tu, hoặc điều khiển.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần