Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẨM HAI MƯƠI BA
PHẨM SƯ TỬ HỐNG BỒ TÁT
PHẦN BỐN
Này thiện nam tử! Như có người sáng ngày sẽ uống chất tô, giờ đây đã sợ hôi. Nếu nói rằng trong sửa quyết định có chất lạc thời cũng như vậy.
Ví như có người dùng viết giấy mực hòa hiệp thành chữ, mà trong giấy này vốn không có chữ, vì vốn không có nên nhờ duyên mà thành có, nếu vốn đã có thời cần gì các duyên.
Như xanh vàng hợp lại thành màu lục, nên biết hai màu này vốn không có tánh của màu lục, nếu vốn đã có cần gì phải hiệp lại mới thành.
Như chúng sanh do ăn mà được sống. Nhưng trong vật thực này thiệt không có mạng sống. Nếu vốn đã có mạng sống thời lúc chưa ăn lẽ ra vật thực này là mạng sống.
Này thiện nam tử! Tất cả các pháp vốn không có tánh, do nghĩa này nên ta nói kệ rằng:
Trước không nay có
Trước có nay không
Ba đời có pháp
Không có lẽ đó.
Này thiện nam tử! Tất cả pháp do nhân duyên mà sanh cũng do nhân duyên mà diệt. Nếu chúng sanh có Phật Tánh, thời tất cả chúng sanh lẽ ra có thân Phật như ta hôm nay.
Phật Tánh của chúng sanh chẳng hư, chẳng hoại, chẳng bị kéo, bị bắt, chẳng bị trói, bị buộc. Như trong chúng sanh có hư không, vì tất cả chúng sanh đều có hư không chẳng chướng ngại, chúng sanh đều chẳng tự thấy mình có hư không này.
Giả sử nếu chúng sanh chẳng có hư không, thời không có những sự đến đi dứng ngồi nằm, chẳng sống chẳng lớn. Do nghĩa này nên trong Kinh ta nói tất cả chúng sanh đều có hư không giới, hư không giới đây gọi là hư không.
Phật Tánh của chúng sanh cũng như vậy. Bậc Thập Trụ Bồ Tát thấy được phần ít như châu kim cương.
Này thiện nam tử! Phật Tánh của chúng sanh là cảnh giới của Chư Phật, chẳng phải là hàng Thanh Văn, Duyên Giác biết được. Tất cả chúng sanh vì chẳng thấy Phật Tánh nên thường bị phiền não trói buộc mà phải lưu chuyển trong sanh tử.
Chư Phật vì thấy Phật Tánh nên phiền não kiết sử chẳng trói buộc được, do đây giải thoát sanh tử đặng Đại Niết Bàn.
Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: Thế Tôn! Tất cả chúng sanh có tánh của Phật Tánh như tánh chất lạc trong sửa.
Nếu sửa không tánh chất lạc, tại sao Phật nói có hai thứ nhân: Chánh nhân và duyên nhân.
Duyên nhân có hai: Ủ và ấm. Hư không vì là không tánh nên không có duyên nhân.
Này thiện nam tử! Giả sử trong sửa quyết định có tánh chất lạc, cần gì đến duyên nhân?
Bạch Thế Tôn! Vì có tánh nên phải cần duyên nhân. Vì muốn thấy rõ vậy. Duyên nhân đó chính là liễu nhân. Như trong nhà tối đã trước có những đồ vật, vì muốn thấy rõ nên dùng đèn soi sáng.
Nếu vốn không đồ vật thời đèn soi sáng những gì?
Như trong đất sét có bình, nên cần nhân công, nước, vòng dây, gậy v.v… mà làm liễu nhân. Như hột Ni câu đà cần đến nước, đất, phân mà làm liễu nhân. Trong sửa cũng như vậy, phải nhờ ủ ấm làm liễu nhân. Vì thế nên dầu trước đã có tánh phải nhờ liễu nhân rồi sau mới được thấy. Do nghĩa này nên quyết định biết trong sửa trước có tánh của chất lạc.
Này thiện nam tử! Giả sử nếu trong sửa quyết định có tánh của chất lạc thời tánh này chính là liễu nhân. Nếu đã là liễu nhân lại cần gì phải dùng liễu.
Này thiện nam tử! Nếu liễu nhân đây tánh nó là liễu thời lẽ ra phải thường tự liễu.
Nếu chẳng tự liễu thời đâu có thể liễu cái khác.
Nếu nói liễu nhân có hai thứ tánh:
Một là tự liễu, hai là liễu tha, thời không đúng nghĩa.
Vì một pháp liễu nhân làm sao lại có hai thứ tánh?
Nếu có hai tánh thời sửa lẽ ra cũng có hai thứ.
Giả sử trong sửa không có hai thứ, tại sao liễu nhân lại riêng có hai tánh?
Bạch Thế Tôn! Như người đời nói rằng chúng tôi cộng có tám người:
Liễu nhân cũng như vậy: Tự liễu và liễu tha.
Này thiện nam tử! Liễu nhân nếu như vậy thời chẳng phải là liễu nhân, vì là số, có thể đếm, sắc của mình, sắc của người nên được nói là tám, mà sắc tánh này tự nó không có liễu tướng, vì không liễu tướng phải nhờ trí tánh mới đếm được tự và tha. Do đây nên liễu nhân chẳng thể tự liễu cũng chẳng liễu được tha.
Này thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đã có Phật Tánh cớ gì lại phải tu tập công đức?
Nếu nói tu tập là liễu nhân thời đã đồng hư hoại như chất lạc.
Nếu nói trong nhân quyết định có quả thời giới, định, huệ lẽ ra không tăng trưởng. Nhưng người đời trước kia không giới, định, huệ theo Sư Trưởng học tập thời lần lần được có giới, định, huệ.
Nếu cho rằng Sư Trưởng dạy dỗ là liễu nhân, chính lúc dạy dỗ thời chưa có giới, định, huệ, nếu là liễu đó, lẽ ra là liễu thứ chưa có, sao lại gọi rằng liễu giới, định, huệ làm cho được tăng trưởng.
Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: Thế Tôn! Nếu liễu nhân là không, sao lại được rằng có sữa có lạc?
Này thiện nam tử! Sự đáp nạn của thế gian có ba: Một là chuyển đáp, như trước kia nói cớ gì gọi là giới?
Do vì chẳng ăn năn nhẫn đến vì được Đại Niết Bàn.
Hai là nín lặng mà đáp, như có Phạm Chí đến hỏi ta rằng: Ngã là thường ư?
Lúc đó ta nín lặng.
Ba là nghi đáp như trong Kinh đây nói: Nếu liễu nhân có hai tánh cớ gì trong sửa chẳng được có hai thứ?
Này thiện nam tử! Nay ta chuyển đáp, như người đời nói rằng có sửa có lạc, vì quyết định được nên được gọi rằng có sửa có lạc. Phật Tánh cũng như vậy có chúng sanh có Phật Tánh do vì sẽ được thấy.
Bạch Thế Tôn! Như lời Phật vừa nói không được đúng nghĩa.
Quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến thế nào gọi là có?
Nếu cho rằng sẽ có mà gọi là có đó, thời không đúng. Như người đời thấy không con cái bèn nói không con. Tất cả chúng sanh không có Phật Tánh, tại sao nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh.
Này thiện nam tử! Quá khứ gọi rằng có. Ví như trồng quít mọng mọc lên thời hột hư mất. Từ mọng lên cây nhánh lá, nhẫn đến kết trái, lúc trái chín bèn có vị ngọt.
Này thiện nam tử! Vị ngọt này đều không từ nơi hột, mọng, cây, nhánh, bông v.v… lúc trái chín thời sanh vị ngọt, vị ngọt này trước không nay có. Dầu trước không nay có mà chẳng phải là chẳng do nơi hột lúc trước. Thế nên hột lúc trước dầu đã quá khứ nhưng được gọi là có. Do nghĩa này nên quá khứ gọi rằng có.
Thế nào lại gọi rằng vị lai là có?
Ví như có người gieo trồng cây mè.
Có kẻ hỏi cớ gì trồng thứ này?
Đáp rằng vì có dầu. Thiệt ra thời chưa có dầu, khi cây mè đã già lấy hột hấp sôi, giã ép rồi sau mới có dầu chảy ra. Nên biết rằng người này trả lời như vậy chẳng phải là hư vọng. Do nghĩa này nên gọi rằng vị lai có.
Lại thế nào gọi rằng quá khứ có ư?
Ví như có người lén mắng nhà Vua, trải qua nhiều năm.
Lúc sau Vua nghe được đòi đến hỏi cớ sao mắng ta?
Tâu Đại Vương! Tôi chẳng mắng vì người mắng đó mất.
Vua bảo: Kẻ mắng cùng thân ta cả hai đều còn tại sao lại nói rằng mất?
Người kia không trả lời được nên phải bị tội chết.
Này thiện nam tử! Hai tánh ấy thiệt không mà quả chẳng mất, đây gọi là quá khứ có.
Thế nào lại gọi rằng vị lai có?
Như có người đến nhà thợ gốm hỏi có bình không?
Đáp rằng có.
Thiệt ra thợ gốm này chưa có bình vì có đất sét nên đáp rằng có bình, phải biết rằng thợ gốm này chẳng phải vọng ngữ. Trong sữa có chất lạc, chúng sanh có Phật Tánh cũng như vậy, muốn thấy Phật Tánh, phải nên quán sát thời tiết hình sắc, do đây nên ta nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh thiệt chẳng hư vọng.
Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: Thế Tôn! Tất cả chúng sanh không có Phật Tánh, làm sao mà được vô thượng bồ đề?
Do chánh nhân, nên khiến chúng sanh được vô thượng bồ đề.
Gì là chánh nhân?
Chính là Phật Tánh.
Bạch Thế Tôn! Nếu hột Ni câu đà không có cây Ni câu đà, tại sao gọi là hột Ni câu đà mà chẳng gọi là hột Khư đà la?
Bạch Thế Tôn! Như họ Cù Đàm chẳng được gọi là họ A Kỳ Da. Họ A Kỳ Da lại chẳng được gọi là Cù Đàm. Hột Ni câu đà chẳng được gọi là hột Khư đà la, còn hột Khư đà la chẳng được gọi là hột Ni câu đà.
Cũng như Đức Thế Tôn chẳng được bỏ lìa họ Cù Đàm. Phật Tánh của chúng sanh cũng như vậy. Do nghĩa này nên biết rằng chúng sanh đều có Phật Tánh.
Phật bảo: Này thiện nam tử! Nếu nói rằng trong hột có cây Ni câu đà thời không đúng.
Vì nếu là có cớ sao chẳng thấy?
Này thiện nam tử! Như những vật trong đời vì có nhân duyên nên chẳng thấy được. Ở xa chẳng thấy được như dấu chim bay giữa hư không. Vì gần nên chẳng thấy được như lông nheo rớt vào mắt. Vì hư hoại nên chẳng thấy như ngũ căn đã hư. Vì loạn tưởng nên chẳng thấy như tâm chẳng chuyên nhất.
Vì nhỏ nên chẳng thấy như vi trần. Vì bị che nên chẳng thấy như tinh tú bị mây phủ. Vì nhiều nên chẳng thấy như hột mè trên đống lúa. Vì tương tợ nên chẳng thấy như chẳng thấy như hột đậu trên đống đậu.
Cây Ni câu đà chẳng đồng tám thứ nhân duyên như vậy, nếu nó là có tại sao chẳng thấy?
Nếu cho rằng vì nhỏ bị che nên chẳng thấy thời không đúng, vì tướng cây to thô. Nếu cho rằng tánh vi tế thời thế nào lại thành cây lớn. Nếu cho rằng bị che ngăn thời lẽ ra luôn luôn chẳng được thấy.
Cây trước kia không có tướng thô to, nay thời thấy cây to, nên biết rằng tướng to này vốn không có tánh. Trước kia không có tánh thấy nay thời thấy được, nên biết rằng sự thấy này cũng vốn không có tánh.
Hột cũng như vậy: Trước không có cây nay thời có đó, như thế có lỗi gì?
Bạch Thế Tôn! Như lời Phật nói có hai thứ nhân: Chánh Nhân và liễu nhân. Hột Ni câu đà do đất, nước, phân làm liễu nhân khiến nhỏ được thành to.
Này thiện nam tử! Nếu trước đã có thời cần gì đến liễu nhôn?
Nếu trước là không thời liễu nhân là liễu cái gì?
Nếu trong hột Ni câu đà vốn không có tướng to, do liễu nhân bèn sanh to, cớ sao chẳng sanh cây Khư đà la, vì rằng hai thứ đều là không cả.
Này thiện nam tử! Nếu như nhỏ chẳng thấy được, thời lẽ ra to có thể thấy. Như một vi trần thời chẳng thấy được, nhiều vi trần hòa hiệp thời thấy được.
Trong hột lẽ ra cũng như vậy, to thời có thể thấy, vì trong đó đã có mọng cây, bông trái, trong mỗi mỗi trái có vô lượng hột, trong mỗi mỗi hột có vô lượng cây nên gọi là thô, vì là thô nên lẽ ra có thể thấy.
Nếu hột Ni câu đà có tánh cây Ni câu đà mà mọc lên cây, con mắt thấy hột này bị lửa đốt cháy thời lẽ ra tánh đốt cháy này cũng là đã có trước. Nếu tánh cháy vốn đã có thời lẽ ra cây chẳng mọc lên.
Nếu tất cả pháp vốn đã có sanh diệt, cớ sao trước sanh rồi sau diệt mà chẳng đồng một thời ư?
Do nghĩa này nên biết là không có tánh.
Bạch Thế Tôn! Nếu hột Ni câu đà vốn không tánh cây mà sanh ra cây, thời hột này cớ gì chẳng sanh ra dầu, vì cả hai tánh đều là không cả?
Này thiện nam tử! Hột ấy cũng có thể sanh ra dầu, dầu vốn không có tánh dầu, nhưng do nhân duyên mà có.
Bạch Thế Tôn! Cớ sao không gọi là dầu mè ư?
Này thiện nam tử! Vì chẳng phải là mè.
Như duyên lửa sanh ra lửa, duyên nước sanh ra nước. Dầu hai thứ lửa và nước đều từ nơi duyên, nhưng chẳng thể có lẫn nhau được. Hột Ni câu đà và dầu mè cũng như vậy, tuy cả hai đều từ nơi duyên mà đều chẳng sanh lẫn nhau.
Tánh chất của hột Ni câu đà hay trị bệnh hàn lãnh. Tánh chất của dầu mè hay trị được bệnh phong.
Như cây mía, do nhân duyên mà thành các thứ đường: Đường phèn, đường đen. Dầu cả hai thứ đường đều từ nơi chất mía, nhưng sắc tướng khác nhau, đường phèn trị bệnh nhiệt, đường đen trị hàn lãnh.
Bạch Thế Tôn! Như trong sữa không tánh lạc, trong mè không tánh dầu, trong hột Ni câu đà không tánh cây, trong đất sét không tánh bình tất cả chúng sanh không tánh Phật, cứ theo đây thời như trước kia Đức Phật nói:
Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh vì thế nên được vô thượng bồ đề. Nghĩa này xét ra không được đúng, vì Trời và người đều vô tánh. Vì vô tánh nên người có thể sanh làm Trời, Trời có thể sanh làm người. Đều là do nhân duyên của nghiệp, không phải do nơi tánh.
Đại Bồ Tát do nhân duyên của nghiệp nên được vô thượng bồ đề.
Nếu các chúng sanh có Phật Tánh thời do nhân duyên gì mà nhất xiển đề dứt căn lành phải đọa địa ngục?
Nếu bồ đề Tâm là Phật Tánh, thời nhất xiển đề lẽ ra chẳng dứt.
Nếu là có thể dứt được, sao lại được nói rằng Phật Tánh là thường?
Còn nếu chẳng phải là thường thời không gọi là Phật Tánh.
Nếu chúng sanh có Phật Tánh, cớ sao gọi là sơ phát tâm ư?
Tại sao lại gọi là bậc thối chuyển, bậc bất thối chuyển?
Nếu là bậc Thối Chuyển thời nên biết rằng người này không có Phật Tánh.
Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nhất tâm hướng đến vô thượng bồ đề, đại từ, đại bi, thấy tội lỗi của phiền não sanh tử. Quán sát Đại Niết Bàn không có các lỗi sanh tử phiền não. Tin ngôi Tam Bảo và nghiệp nhân quả báo, thọ trì giới cấm. Những tâm hạnh như vậy gọi là Phật Tánh.
Nếu rời lìa những tâm hạnh này mà có Phật Tánh, thời cần gì dùng những tâm hạnh này để làm nhân duyên.
Bạch Thế Tôn! Như sữa chẳng chờ duyên tất sẽ thành lạc, nhưng thành tô phải chờ đủ duyên: Nhân công, nước, bình, dây, khuấy. Cũng vậy, những chúng sanh có Phật Tánh lẽ ra không cần nhân duyên cũng được vô thượng bồ đề.
Nếu là quyết định có Phật Tánh, cớ sao người tu hành thấy sự khổ của ba ác đạo, sanh, gìa, bệnh, chết mà thối tâm?
Nếu quyêt định có Phật Tánh, cũng chẳng cần tu sáu môn Ba la mật, lẽ ra được vô thượng bồ đề, như sữa chẳng cần duyên mà thành lạc. Nhưng thật ra phải nhờ tu sáu môn Ba la mật mới được vô thượng bồ đề. Do những nghĩa này nên biết rằng chúng sanh đều không có Phật Tánh.
Như trước kia Đức Phật nói Tăng Bảo là thường trụ. Đã là thường thời tất chẳng phải là vô thường. Đã chẳng phải vô thường, tại sao Tăng Bảo được thành vô thượng bồ đề.
Tăng nếu là thường, sao lại nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh?
Bạch Thế Tôn! Giả sử nếu chúng sanh từ trước đến nay không tâm bồ đề, cũng không tâm vô thượng bồ đề, về sau mới có, thời Phật Tánh của chúng sanh cũng lẽ ra trước không, sau mới có. Do nghĩa trên đây nên tất cả chúng sanh lẽ ra không có Phật Tánh.
Phật nói: Lành thay! Lành thay! Ông từ lâu đã biết rõ nghĩa Phật Tánh. Nay ông vì chúng sanh mà thỉnh hỏi như vậy. Tất cả chúng sanh thiệt có Phật Tánh.
Này thiện nam tử! Ông nói rằng nếu chúng sanh có Phật Tánh lẽ ra chẳng nên có người sơ phát tâm. Phải biết rằng tâm không phải là Phật Tánh, vì tâm vốn vô thường, còn Phật Tánh là thường.
Ông nói cớ sao có người thối tâm. Thật ra không có thối tâm. Nếu tâm có thối thời tất là trọn chẳng thể được vô thượng bồ đề, vì được chậm nên gọi đó là thối.
Tâm bồ đề này thiệt chẳng phải là Phật Tánh, vì nhất xiển đề dứt căn lành đọa địa ngục. Nếu tâm bồ đề là Phật Tánh thời hạng nhất xiển đề, chẳng được gọi là nhất xiển đề. Tâm bồ đề cũng chẳng được gọi là vô thường. Do đây nên biết rằng tâm bồ đề thiệt chẳng phải là Phật Tánh.
Này thiện nam tử! Ông nói nếu chúng sanh có Phật Tánh thời lẽ ra chẳng cần nhờ nhân duyên mới được vô thượng bồ đề, như sữa thành lạc. Lời này không đúng nghĩa. Vì ông đã nói phải có năm duyên mới thành sanh tô, nên biết rằng Phật Tánh cũng như vậy.
Như trong các thứ đá có vàng, có bạc, có đồng, có sắt. Bốn thứ đá đều bổn thọ chất tứ đại, đồng tên là đá, đồng là vật có thiệt, nhưng mỗi thứ đá sản xuất mỗi chất không đồng nhau, phải cần nhờ đủ các duyên mới sản xuất ra chất vàng, bạc, đồng, sắt. Do đây nên biết rằng trước vốn không có, chờ đủ duyên mà sau mới có.
Phật Tánh của chúng sanh chẳng gọi là Phật. Phải do công đức được thấy Phật Tánh, rồi sau chúng sanh mới thành Phật.
Ông nói chúng sanh đều có Phật Tánh tại sao lại không thấy. Lời này không đúng nghĩa. Vì các duyên công đức chưa đầy đủ nên không được thấy.
Do nghĩa này nên ta nói có hai nhân: Chánh nhân và duyên nhân. Chánh nhân gọi là Phật Tánh, duyên nhân là phát tâm bồ đề. Do hai nhân duyên này mà được vô thượng bồ đề, như đủ duyên thời sản xuất vàng.
Ông nói Tăng Bảo thường trụ thời lẽ ra chúng sanh không có Phật Tánh đó. Phải biết rằng Tăng gọi là hòa hiệp.
Hoà hiệp này có hai: Thế gian hòa hiệp và đệ nhất nghĩa hòa hiệp.
Thế hòa hiệp gọi là Thanh Văn Tăng. Nghĩa hòa hiệp gọi là Bồ Tát Tăng.
Thế Tăng là vô thường. Phật Tánh là thường trụ. Như Phật Tánh, nghĩa Tăng cũng là thường trụ.
Lại có Tăng gọi là pháp hòa hiệp, chính là nói mười hai Bộ Kinh. Mười hai Bộ Kinh là thường, nên ta nói pháp và Tăng là thường trụ.
Này thiện nam tử! Tăng gọi là hòa hiệp. Hòa hiệp đây chính là nói mười hai nhân duyên. Trong mười hai nhân duyên cũng có Phật Tánh. Mười hai nhân duyên là thường, Phật Tánh cũng vậy. Do đây nên ta nói Tăng có Phật Tánh.
Ông nói: Nếu chúng sanh có Phật Tánh, tại sao có kẻ thối, người không thối?
Này thiện nam tử! Lắng nghe! Lắng nghe!
Ta sẽ phân biệt giải thuyết cho: Có mười ba điều làm cho Bồ Tát thối chuyển đạo vô thượng bồ đề:
Một là tâm chẳng tin.
Hai là tâm chẳng cố làm.
Ba là tâm nghi.
Bốn là tham tiếc thân mạng và của cải.
Năm là có quan niệm quá sợ sệt đối với Niết Bàn:
Thế nào làm cho chúng sanh diệt độ hẳn.
Sáu là tâm chẳng kham nhẫn.
Bảy là tâm chẳng điều nhu.
Tám là sầu não.
Chín là chẳng thích vui.
Mười là phóng dật.
Mười một là tự khinh thân mình.
Mười hai là tự thấy phiền não không thể phá.
Mười ba là không thích những pháp môn tiến tới bồ đề.
Trên đây là mười ba điều làm cho Bồ Tát thối chuyển đạo bồ đề vô thượng.
Lại có sáu điều làm hư tâm bồ đề:
Một là bỏn xẻn pháp.
Hai là có tâm chẳng lành chẳng đối với chúng sanh.
Ba là gần gũi bạn ác.
Bốn là chẳng siêng năng tinh tiến.
Năm là quá tự kiêu mạn.
Sáu là kinh doanh nghề nghiệp thế gian.
Này thiện nam tử! Có người được nghe Chư Phật là bậc Thầy của Cõi Trời và nhân gian, là đấng Tối Thượng trong tất cả chúng sanh, hơn tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác, là bậc có pháp nhãn sáng suốt thấy rõ tất cả pháp, có thể đưa chúng sanh qua khỏi biển khổ lớn.
Nghe như vậy rồi, người này phát nguyện lớn: Nếu trong đời có Đấng Vô Thượng như vậy, tôi cũng sẽ được. Do đây nên người này phát tâm vô thượng bồ đề.
Hoặc có người nhờ người khác khuyên dạy mà phát tâm bồ đề, hoặc có người nghe nói Bồ Tát trải qua vô số kiếp thật hành những khổ hạnh rồi sau mới được vô thượng bồ đề.
Nghe rồi tự nghĩ rằng: Nay tôi không thể kham nổi những khổ hạnh như vậy, thời làm sao được vô thượng bồ đề. Do đây nên có thối tâm.
Lại còn có năm điều thối tâm bồ đề:
Một là thích xuất gia theo ngoại đạo.
Hai là chẳng tu tâm đại từ.
Ba là ưa tìm lỗi Pháp Sư.
Bốn là thường thích ở trong vòng sanh tử.
Năm là không thích thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết mười hai Bộ Kinh.
Lại cũng có hai pháp làm thối tâm bồ đề:
Một là tham ưa ngũ dục.
Hai là chẳng thể cung kính tôn trọng ngôi Tam Bảo.
Này thiện nam tử! Do những nhân duyên như vậy làm cho Bồ Tát thối tâm bồ đề.
Thế nào lại gọi là tâm bất thối?
Có người nghe rằng Đức Phật có thể độ chúng sanh khỏi sanh lão bệnh tử. Là Đấng chẳng học với thầy. Tự tu tập được vô thượng bồ đề.
Nếu đạo bồ đề là quả có thể được, tôi cũng tu tập quyết được quả ấy. Do đây nên người này phát tâm bồ đề. Bao nhiêu công đức tu tập không luận nhiều ít đều hồi hướng cả về vô thượng bồ đề.
Người này thệ nguyện thường được gặp Phật cùng đệ tử Phật, thường được nghe pháp đại thừa thâm diệu nhãn nhĩ tỷ thiệt thân, cả năm căn đều hoàn cụ, nếu gặp cảnh khổ nạn cũng quyết không mất tâm bồ đề này.
Lại nguyện rằng: Mong Chư Phật, Chư Bồ Tát luôn có lòng hoan hỷ đối với tôi, nguyện tôi đủ năm căn lành. Nếu có chúng sanh nào chặt chém đánh đập giết hại tôi, đối với kẻ này, tôi khởi lòng đại từ, lòng vui mừng, vì nhờ họ mà tôi được thêm lớn công hạnh bồ đề. Nếu không có họ, tôi làm sao được quả vô thượng bồ đề.
Lại nguyện rằng: Đời đời tôi được khỏi những thân nữ, thân hai căn, không căn. Không bị làm nô lệ, không gặp chủ hung ác, không thuộc dưới quyền Vua chúa ác. Chẳng sanh vào nước ác.
Nếu được thân xinh tốt, dòng họ cao sang, giàu có, nguyện tôi không có lòng kiêu mạn. Nguyện tôi thường được nghe mười hai Bộ Kinh và thọ trì, đọc tụng, biên chép, giải thuyết. Lúc tôi giảng thuyết cho chúng sanh, nguyện cho thính gỉa đều kính tin không nghi, chẳng sanh ác tâm đối với tôi.
Nguyện cho tôi thà nghe pháp ít mà hiểu được nhiều nghĩa vị, chẳng muốn nghe nhiều mà chẳng rõ nghĩa lý.
Nguyện là thầy của tâm mình, chớ chẳng bị tâm sai sử. Thân, khẩu, ý, ba nghiệp chẳng giao tiếp với kẻ ác, điều ác. Có thể làm cho tất cả chúng sanh được an lạc. Giới hạnh nơi thân cũng như trí huệ nơi tâm đều vững chắc như núi không bị lay động.
Vì muốn thọ trì chánh pháp vô thượng nên chẳng lẫn tiếc thân mạng và tài sản. Chẳng đem vật bất tịnh làm phước nghiệp. Tâm không tà vạy. Tự sống với chánh mạng. Nếu thọ ơn thời nhớ mãi, trả nhiều hơn thọ. Biết rành những sự nghiệp thế gian. Hiểu rành ngôn ngữ của các địa phương, của mọi loài chúng sanh.
Đọc tụng biên chép mười hai Bộ Kinh không hề nhàm mỏi biếng lười.
Nếu có chúng sanh không thích nghe Kinh, thời tôi tìm phương tiện tiếp dẫn cho họ ưa nghe Kinh. Tôi thường nói lời diệu hòa, miệng không tuyên điều xấu ác.
Chúng bất hòa, tôi làm cho họ hòa hiệp. Người lo sợ, tôi làm cho họ được vững lòng. Thời kỳ đói kém, tôi làm cho mọi người được no đủ. Đời tật bệnh thời tôi sẽ làm vị đại lương y tự có đủ tài bảo cũng như thuốc men, làm cho người bệnh đều được lành bệnh.
Kiếp binh đao, tôi sẽ có thế lực trừ dứt hết sự tương tàn tương hại. Tôi sẽ làm cho chúng sanh khỏi các điều kinh sợ như bị giết, bị bắt giam nhốt đánh đập, những nạn về nước lụt, hỏa hoạn, nạn Vua chúa, nạn giặc cướp, sự nghèo khốn, phá giới, danh xấu, ác đạo.
Với cha mẹ Sư Trưởng tôi rất kính mến, với kẻ thù nghịch tôi khởi lòng từ. Tôi thường tu tập sáu chánh niệm, môn không Tam Muội, mười hai nhân duyên, quán sanh diệt vô thường, sở tức, Thiên hạnh, Phạm hạnh, Thánh hạnh, Kim Cang Tam Muội, Thủ Lăng Nghiêm định.
Nơi không có ngôi Tam Bảo, nguyện tôi được tâm tịch tịnh, nếu lúc thân tôi bị phải sự rất khổ, nguyện không hư mất tâm bồ đề vô thượng. Chẳng sanh lòng tri túc đối với Thanh Văn Bích Chi Phật. Chỗ không ngôi Tam Bảo tôi thường xuất gia trong hàng ngoại đạo để phá tà kiến của họ, đặng pháp tự tại, đặng tâm tự tại, nơi pháp hữu vi thấy rõ sự lỗi lầm.
Nguyện tôi sợ sệt đạo quả Nhị Thừa như người tiếc thân sợ chết.
Nguyện tôi vì chúng sanh nên thích ở trong ba ác đạo như chúng sanh thích ở Cõi Trời Đao Lợi.
Nguyện tôi vì mỗi mỗi chúng sanh mà chịu khổ địa ngục trong vô lượng kiếp chẳng sanh lòng hối hận.
Nguyện tôi thấy người khác được lợi ích chẳng sanh lòng ganh ghét, thường có lòng tùy hỉ như chính mình được.
Nếu gặp ngôi Tam Bảo, nguyện tôi sẽ đem y phục đồ uống ăn, thuốc men đồ nằm nhà cửa đèn sáng hoa hương kỹ nhạc, phan lọng, bảy báu cúng dường.
Nếu thọ giới pháp của Phật nguyện tôi giữ gìn bền chắc trọn chẳng sanh lòng hủy phạm. Nếu nghe khổ hạnh khó làm của Bồ Tát, trong lòng vui mừng chẳng hối hận.
Tự biết những việc đời trước trọn chẳng gây nghiệp tham sân si. Chẳng vì quả báo mà chứa nhóm nghiệp nhân. Đối với sự vui hiện tại chẳng sanh lòng tham đắm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba