Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Ca Diếp Bồ Tát - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

PHẨM HAI MƯƠI BỐN

PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT  

PHẦN HAI  

Này thiện nam tử! Đức Như Lai thành tựu đầy đủ tri chư căn trí lực, do đây nên biết rõ căn tánh thượng trung hạ của tất cả chúng sanh: Biết rõ rằng người này từ bậc hạ lên bậc trung, biết rõ rằng người này từ bậc trung lên bậc thượng, biết rõ rằng người này từ bậc thượng thành bục trung, biết rõ rằng người này từ bậc trung thành bậc hạ.

Do đây nên biết rằng căn tánh của chúng sanh không quyết định, vì không quyết định nên hoặc đã dứt căn lành rồi trở lại sanh căn lành.

Nếu căn tánh của chúng sanh là quyế định thời trọn không có đã dứt mà lại sanh, cũng chẳng nên nói rằng hạng Nhất xiển đề đọa địa ngục một kiếp.

Này thiện nam tử! Do đây nên Đức Như Lai nói rằng tất cả pháp không có tướng quyết định.

Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai đầy đủ tri chư căn trí lực, biết chắc rằng Thiện Tinh sẽ dứt mất căn lành, tại sao lại cho Thiện Tinh xuất gia?

Này thiện nam tử! Thuở ta mới xuất gia, em ta là Nan Đà, em họ là A Nan và Đề Bà Đạt Đa, con trai ta là La Hầu La, những người đó đều theo ta xuất gia tu hành. Nếu ta chẳng cho Thiện Tinh xuất gia, thời Thiện Tinh sẽ nối ngôi Vua có quyền thế sẽ phá hoại Phật Pháp, do đó nên ta cho Thiện Tinh xuất gia.

Này thiện nam tử! Nếu Thiện Tinh chẳng xuất gia cũng dứt mất căn lành trong vô lượng đời đều không lợi ích.

Nay đã xuất gia dầu mất căn lành, nhưng có thể trì giới cung kính cúng dường bậc đức hạnh, tu tập Sơ Thiền nhẫn đến Tứ Thiền những điều này gọi là nhân lành, nhân lành này có thể sanh pháp lành, pháp lành đã sanh thời có thể tu tập đạo hạnh, đã có thể tu tập đạo hạnh thời có thể được vô thượng bồ đề, do đây nên ta cho Thiện Tinh xuất gia.

Nếu ta chẳng cho Thiện Tinh xuất gia thọ giới thời ta chẳng được gọi là Như Lai Thế Tôn đầy đủ mười trí lực.

Này thiện nam tử! Đức Phật quán sát chúng sanh đủ cả pháp lành và pháp chẳng lành. Người này dầu đủ hai pháp như vậy, nhưng chẳng bao lâu sẽ dứt mất tất cả căn lành mà đủ cả pháp chẳng lành. Vì những chúng sanh này chẳng gần gũi bạn lành, chẳng nghe chánh pháp, chẳng khéo tư duy, chẳng thật hành đúng pháp, do đây nên sẽ dứt mất căn lành.

Đức Như Lai lại biết người này hiện đời hoặc đời vị lai, lúc trẻ hoặc lúc già, sẽ gần gũi bạn lành được nghe chánh pháp, thời có thể sanh căn lành trở lại.

Ví như có khe suối gần xóm làng, nước suối ngọt ngon đủ tám công đức. Có người nóng nảy khát nước muốn đến khe suối, người trí quyết định biết rằng người khát này sẽ đến bên nước, vì không còn con đường nào khác. Đức Như Lai quán sát chúng sanh cũng như vậy. Do đây nên Như Lai gọi là có đũ tri chư căn trí lực.

Đức Thế Tôn lấy chút đất để trên móng tay rồi bảo Ca Diếp Bồ Tát rằng: Đất này nhiều hay đất nơi mười phương thế giới nhiều?

Bạch Thế Tôn! Đất dính trên móng tay đâu có thể sánh với đất trong mười phương thế giới!

Này thiện nam tử! Có người đã chết trở lại được thân người, bỏ thân trong ba đường ác mà được thân người, căn thân đầy đủ, sanh nơi Trung Quốc, có đủ chánh tín, có thể tu tập đạo hạnh, có thể tu tập chánh đạo, có thể được giải thoát, có thể nhập Đại Niết Bàn. Được những điều trên đây thật là hy hữu như số lượng đất trên móng tay.

Bỏ thân người mang thân ba đường ác, bỏ thân ba đường ác trở lại thọ thân ba đường ác, thân căn chẳng đầy đủ, sanh nơi Biên Địa, tà kiến điên đảo, thật hành đạo tà, chẳng được giải thoát, chẳng được Niết Bàn, những hạng này đông nhiều như số lượng đất trong muời phương thế giới.

Này thiện nam tử! Người hộ trì cấm giới tinh tấn chẳng biến trể, chẳng phạm bốn tội trọng, chẳng gây năm tội nghịch, chẳng lạm dụng vật của Tăng, chẳng dứt căn lành, chẳng làm Nhất xiển đề, tin thọ Kinh Điển Đại Niết Bàn này, những người đây tất hy hữu như lượng số đất trên móng tay.

Người lười biếng phá giới, phạm bốn tội trọng, gây năm tội nghịch, lạm dùng của Tăng, làm Nhất xiển đề dứt mất căn lành, chẳng tin Kinh Niết Bàn này, số lượng đông nhiều như đất trong mười phương thế giới.

Này thiện nam tử! Đức Như Lai biết rõ căn tánh thượng trung hạ của chúng sanh như vậy nên gọi là đầy đủ tri chư căn trí lực.

Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai có đủ tri chư căn trí lực như vậy, nên biết rõ căn tánh thượng trung hạ của tất cả chúng sanh, biết rõ căn tánh của chúng sanh đời hiện tại, cũng biết rõ căn tánh của chúng sanh đời vị lai, biết rõ những chúng sanh này sau khi Phật nhập diệt sẽ nói rằng Đức Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn hoặc nói rằng Đức Như Lai không rốt ráo nhập Niết Bàn.

Hoặc nói có ngã, hoặc nói không ngã, hoặc cho rằng có trung ấm, hoặc không trung ấm, hoặc nói có thối thất, hoặc không thối thất, hoặc nói thân Như Lai là hữu vi hoặc nói là vô vi, hoặc có kẻ nói mười hai nhân duyên là pháp hữu vi.

Hoặc nói là pháp vô vi, hoặc nói tâm là thường trụ, hoặc nói tâm là vô thường, hoặc có người nói hưởng vui ngũ dục thời hay chướng Thánh Đạo, hoặc nói chẳng chướng ngại.

Hoặc có kẻ nói thế đệ nhất chỉ thuộc về Cõi Dục hoặc nói thuộc về cả ba cõi, hoặc nói bố thí chỉ thuộc nơi ý nghiệp, hoặc nói bố thí thuộc nơi ngũ ấm, hoặc nói có ba pháp vô vi, hoặc nói không ba pháp vô vi, hoặc nói có tạo sắc, hoặc nói không tạo sắc, hoặc nói có vô tác sắc, hoặc nói không vô tác sắc, hoặc nói có tâm sở, hoặc nói không tâm sở.

Hoặc nói có năm đại chủng, hoặc nói có sáu đại chủng.

Hoặc nói giới Ưu Bà Tắc thọ đầy đủ bát quan trai, hoặc nói chẳng thọ được đầy đủ.

Hoặc nói Tỳ Kheo đã phạm tội tứ trọng mà giới Tỳ Kheo vẫn còn, hoặc nói chẳng còn.

Hoặc nói bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, đều được thành Phật, hoặc nói chẳng được thành.

Hoặc nói chính nơi chúng sanh có Phật Tánh, hoặc nói rời chúng sanh có Phật Tánh.

Hoặc nói hạng Nhất xiển đề phạm bốn tội trọng năm tội nghịch đều có Phật Tánh, hoặc nói không có Phật Tánh.

Hoặc nói có Chư Phật mười phương, hoặc nói không có Chư Phật mười phương.

Đức Như Lai thành tựu đầy đủ tri chư căn trí lực như vậy, tại sao hôm nay chẳng nói quyết định?

Này thiện nam tử! Những nghĩa như vậy chẳng phải là nhãn thức biết được nhẫn đến chẳng phải là ý thức biết được, đây là chỗ biết của trí huệ. Nếu với người có trí huệ, thời ta trọn chẳng nói phân hai, người trí này cũng cho rằng Phật chẳng nói phân hai. Với người vô trí thời ta nói bất định người vô trí này cũng cho rằng Phật nói bất định.

Này thiện nam tử! Tất cả công hạnh lành của Như Lai đều vì điều phục chúng sanh. Như tất cả phương thuốc của lương y đều để chữa trị những bệnh khổ.

Này thiện nam tử! Vì Quốc Độ, vì thời tiết, vì ngôn ngữ của người, vì độ người, vì căn tánh sai khác, nên Đức Như Lai ở trong một pháp mà nói phân hai, nơi một danh từ nói thành vô lượng danh từ, nơi trong một nghĩa nói thành vô lượng, nơi trong vô lượng nghĩa nói thành vô lượng.

Thế nào là một danh từ nói thành vô lượng danh từ?

Như Niết Bàn, cũng gọi là Niết Bàn, là vô sanh, là vô xuất, là vô tác, là vô vi, là quy y, là nhà cửa, là giải thoát, là quang minh, là đèn sáng, là bờ kia, là vô úy, là bất thối, là chỗ an ổn, là tịch tịnh, là vô tưởng, là bất nhị, là nhất hạnh, là thanh lương, là không tối tăm, là không chướng ngại, là vô tránh, là vô trược, là quảng đại, là cam lộ, là cát tường.

Thế nào là một nghĩa nói thành vô lượng?

Như Đế Thích: Cũng gọi là Đế Thích, cũng gọi là Kiều Thi Ca, là Bà Ta Bà, là Phú Lan Đà La, là Ma Pháp Bà, là Nhân Đà La, là Thiên Nhãn, là Xá Chỉ Thiên, là Kim Cang, là Bửu Đảnh, là Bửu Tràng.

Thế nào là nơi vô lượng nghĩa nói thành vô lượng?

Như Phật Như Lai cũng gọi là Như Lai, vì nghĩa khác nên tên cũng khác, gọi là A La Ha, cũng gọi là Tam Miệu Tam Phật Đà, cũng gọi là Thuyền Sư, cũng gọi là Đạo Sư, là Chánh Giác, là Minh Hạnh Túc, là Sư Tử Vương, là Sa Môn, là Bà La Môn, là Tịch Tịnh, là Thí Chủ, là Đáo Bĩ Ngạn, là Đại Y Vương.

Là Đại Tượng Vương, là Đại Long Vương, là Thí Nhãn, là Đại Lực Sĩ, là Đại Vô Uùy, là Bửu Tựu, là Thương Chủ, là Đắc Thoát, là Đại Trượng Phu, là Thiên Nhân Sư, là Đại Vân Đà Lợi, là Vô Đẳng Lữ, là Đại Phước Điền, là Trí Huệ Hải, là Vô Tướng, là Bát Trí.

Lại có một nghĩa mà nói thành vô lượng danh từ, như ấm: Cũng gọi là ấm, cũng gọi là điên đảo, là đế, là tứ niệm xứ, là tứ thực, là chỗ ở của tứ thức, là hữu, là đạo, là thời, là chúng sanh, là thế, là đệ nhất nghĩa, là ba pháp tu: Thân, giới và tâm, là nhân quả, là phiền não, là giải thoát, là mười hai nhân duyên, là Thanh Văn, là Bích Chi Phật, là Phật, là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Nhân, Thiên, là quá khứ, hiện tại, vị lai.

Này thiện nam tử! Đức Như Lai vì chúng sanh nên trong rộng mà nói lược, trong lược mà nói rộng, nơi đệ nhất nghĩa đế nói thành thế đế, nơi thế đế nói thành đệ nhất nghĩa đế.

Thế nào trong rộng mà nói lược?

Như ta bảo các Tỳ Kheo: Hôm nay ta giảng nói mười hai nhân duyên.

Thế nào gọi là mười hai nhân duyên?

Chính là nhân quả.

Thế nào gọi là trong lược mà nói rộng?

Như ta bảo các Tỳ Kheo: Hôm nay ta giảng nói khổ tập diệt đạo. Khổ là vô lượng sự khổ, tập là vô lượng phiền não, diệt là vô lượng giải thoát, đạo là vô lượng phương tiện.

Thế nào gọi là nơi đệ nhất nghĩa đế nói là thế đế?

Như ta bảo các Tỳ Kheo.

Thân của ta đây có già bệnh chết.

Thế nào gọi là nơi thế đế nói là đệ nhất nghĩa đế?

Như ta bảo Kiều Trần Như: Vì ông đắc pháp nên gọi là A Nhã Kiều Trần Như.

Do vì tùy theo người tùy theo ý, tùy theo thời như vậy, nên gọi Đức Như Lai có đủ tri chư căn trí lực.

Này thiện nam tử! Đối với những nghĩa như vậy nếu ta nói quyết định thời ta chẳng được gọi là Đức Như Lai có đủ tri chư căn trí lực. Người có trí biết rằng chỗ mang chở của Hương Tượng chẳng phải lừa ngựa mang nổi.

Tất cả chúng sanh có vô lượng hành nghiệp, nên Đức Như Lai vì họ mà nói vô lượng pháp, đó là do vì chúng sanh có vô lượng phiền não.

Nếu Đức Như Lai nói một hạnh một pháp thời chẳng gọi là Đức Như Lai có đủ tri chư căn trí lực.

Do đây nên trong các Kinh khác ta nói rằng có năm hạng chúng sanh chẳng nên vì họ nói năm thứ pháp: Vì người chẳng có lòng tin thời chẳng tán thán chánh tín, vì người phá giới cấm thời chẳng tán thán trì giới, vì người xan tham thời chẳng tán thán bố thí, vì người giải đãi thời chẳng tán thán đa văn vì người ngu si thời chẳng tán thán trí huệ.

Nếu người trí vì năm hạng này mà nói năm việc trên đây, thời nên biết rằng người thuyết pháp này chẳng có đủ tri chư căn trí lực, cũng chẳng được gọi là thương xót chúng sanh.

Vì năm hạng này nếu nghe giảng nói năm điều trên đây thời họ sẽ sanh lòng nghi, lòng ác, lòng sân hận, mà phải chịu quả báo khổ trong vô lượng đời.

Do đây nên trước kia trong các Kinh khác ta bảo Xá Lợi Phất rằng: Ông phải cẩn thận chớ vì người lợi căn mà rộng thuyết pháp, chớ vì người độn căn mà lược thuyết pháp.

Xá Lợi Phất bạch rằng tôi chỉ vì thương xót mà thuyết pháp, chẳng phải là có đủ tri chư căn trí lực mà thuyết pháp.

Này thiện nam tử! Thuyết pháp hoặc rộng hoặc lược là cảnh giới của Phật, chẳng phải hàng Thanh Văn và Duyên Giác biết được.

Này thiện nam tử! Như ông nói rằng sau khi Phật nhập Niết Bàn hàng đệ tử đều nói khác nhau, những người đó đều vì điên đảo nên chẳng được chánh kiến, chẳng thể lợi mình lợi người.

Này thiện nam tử! Chúng sanh chẳng phải chỉ có một tánh một hạnh, một căn, một Quốc Độ, một thiện tri thức. Do đây nên Đức Như Lai vì chúng sanh mà tuyên nói nhiều pháp yếu. Do nhân duyên này nên Chư Phật trong mười phương ba đời vì chúng sanh mà khai thị diễn thuyết mười hai Bộ Kinh.

Này thiện nam tử! Đức Như Lai nói mười hai Bộ Kinh đây chẳng phải để lợi cho mình mà chỉ vì lợi ích cho người, nên trí lực thứ năm của Như Lai gọi là giải lực.

Do hai trí lực này nên Đức Như Lai biết rõ người này hiện tại có thể dứt căn lành người này đời sau có thể dứt căn lành, người này hiện tại có thể được giải thoát, người này đời sau có thể được giải thoát, do đây nên Đức Như Lai được là vô thượng lực sĩ.

Này thiện nam tử! Nếu nói rằng Đức Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn, hoặc nói chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn, những người này chẳng hiểu ý của Như Lai nên nói những lời như vậy.

Này thiện nam tử! Trong núi Hương Sơn có năm mươi ba ngàn vị Tiên Nhân, những vị này đã tu tập công đức nơi Đức Phật Ca Diếp thuở quá khứ, họ chưa được chánh đạo, chưa được gần gũi Phật để nghe chánh pháp.

Vì muốn độ những vị Tiên Nhân này nên Đức Như Lai bảo A Nan rằng ba tháng sau ta sẽ nhập Niết Bàn. Chư thiên truyền lời này đến núi Hương Sơn.

Các vị Tiên Nhân nghe tin Phật sắp nhập Niết Bàn bèn sanh lòng hối hận mà bảo nhau rằng tại sao chúng ta được sanh trong nhân đạo mà chẳng được gần gũi Phật. Chư Phật ra đời rất khó gặp như hoa Ưu Đàm. Nay chúng ta nên đến ra mắt Đức Thế Tôn để được nghe chánh pháp.

Này thiện nam tử! úc đó năm mươi ba ngàn Tiên Nhân liền đến ra mắt ta.

Ta bèn theo cơ của họ mà thuyết pháp: Này các Đại Sĩ! Sắc là vô thường, vì nhân duyên của sắc là vô thường. Đã từ nhân vô thường mà sanh thời sắc đâu phải là thường trụ. Như sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Các Tiên Nhân sau khi nghe pháp yếu trên đây tất cả đều chứng được quả A La Hán.

Này thiện nam tử! Trong thành Câu Thi Na Kiệt có ba mươi muôn lực sĩ tự thị sức mạnh của mình ngạo nghễ không chịu tùng phục ai.

Vì muốn điều phục các lực sĩ này nên ta bảo Mục Liên đến điều phục các lực sĩ ấy. Lúc đó Mục Kiền Liên tuân lịnh ta, trọn năm năm giáo hóa nhiều cách, nhưng chẳng thể điều phục được một lực sĩ.

Do đây nên ta bảo A Nan rằng sau ba tháng Đức Phật sẽ nhập Niết Bàn. Các lực sĩ nghe được tin này bèn họp nhau sửa sang đường sá.

Đến ngày ta từ nước Tỳ Xá Ly đến thành Câu Thi Na.

Giữa đường thấy các lực sĩ, ta liền hóa thân làm vị Sa Môn hỏi các lực sĩ rằng: Bọn đồng tử kia làm việc gì thế?

Các lực sĩ đều nổi giận nói rằng: Này Sa Môn! Tại sao ông gọi chúng ta là đồng tử?

Ta bảo các lực sĩ bọn ngươi đến ba mươi muôn người mà không đủ sức dời nổi hòn đá nhỏ nhít này, nên ta gọi là đồng tử đâu phải lời quá đáng.

Các lực sĩ nói nếu ông gọi chúng ta là đồng tử, thời ông phải là bậc Đại Nhân.

Này thiện nam tử! Lúc đó ta dùng hai ngón chân hất văng hòn đá ấy.

Các lực sĩ thấy như vậy liền hết khinh ngạo mà nói rằng: Này Sa Môn! Nay ông có thể dời hòn đá này ra khỏi đường chăng?

Ta nói này các Đồng Tử! Do nhân duyên gì mà các người sửa sang con đường này?

Các lực sĩ nói này Sa Môn! Đức Thích Ca Như Lai sẽ do con đường này đi đến rừng Ta La mà nhập Niết Bàn, nên chúng tahọp nhau lại sửa sang.

Ta khen rằng: Lành thay! Các đồng tử đã phát tâm tốt như vậy, ta sẽ dời hòn đá này cho các ông.

Nói xong ta liền lấy tay bưng hòn đá dồi lên giữa hư không. Các lực sĩ kinh hải muốn chạy tránh.

Ta liền bảo họ rằng: Các ngươi chẳng nên kinh sợ! Rồi ta lấy tay hứng bắt hòn đá để trên bàn tay mặt.

Các lực sĩ đều vui mừng khen ngợi hỏi rằng: Này Sa Môn! Hòn đá ấy là thường hay vô thường?

Ta liền dùng miệng thổi hòn đá tan nát ra như cát bụi.

Các lực sĩ thấy như vậy đồng cất tiếng xướng rằng hòn đá ấy là vô thường! Họ sanh lòng hổ thẹn không còn có tâm niệm kiêu mạn.

Ta liền hiện lại hình Phật mà vì họ thuyết pháp. Ba mươi muôn lực sĩ đều phát tâm vô thượng bồ đề.

Này thiện nam tử! Nơi thành Câu Thi Na có người thợ tên Thuần Đà.

Người này nơi thời kỳ Đức Phật Ca Diếp đã phát nguyện rằng: Lúc Thích Ca Như Lai nhập Niết Bàn ta sẽ là người cúng dường bữa ăn cuối cùng cho Phật.

Do đây nên ta ở nước Tỳ Xá Ly bảo Tỳ Kheo Ưu Bà Ma Na rằng sau ba tháng ta sẽ nhập Niết Bàn nơi rừng Ta La trong thành Câu Thi Na, ông nên qua cho Thuần Đà hay!

Này thiện nam tử! Trong thành Vương Xá có vị Ngũ Thông Tiên Nhân tên là Tu Bạt Đà La được một trăm hai mươi tuổi. Tiên Nhân này thường tự xưng là bậc Nhất thiết trí sanh lòng kiêu mạn. Tiên Nhân này đã vun trồng căn lành nơi vô lượng Chư Phật thuở quá khứ.

Vì muốn điều phục Tiên Nhân này nên ta bảo A Nan rằng sau ba tháng ta sẽ nhập Niết Bàn! Tu Bạt Đà La nghe tin này sẽ sanh lòng kính tin mà đến ra mắt ta. Ta sẽ độ ông chứng quả A La Hán.

Này thiện nam tử! Nơi thành La Duyệt Kỳ, Thái Tử Thiện Kiến muốn hại Vua cha là Tần Bà Ta La, mà chưa có dịp hại được. Lúc đó Đề Bà Đạt Đa cũng muốn hại ta, bèn tu tập chứng được ngũ thông, làm bạn thân với Thái Tử Thiện Kiến. Vì Thái Tử mà hiện thần thông. Thái Tử rất kính mến cúng dường trọng hậu.

Một lúc kia Thái Tử thưa với Đề Bà Đạt Đa rằng: Bạch Đại Sư Thánh Nhân, nay tôi muốn thấy hoa Mạn Đà La.

Đề Bà Đạt Đa liền đến cung Trời Đao Lợi, xin bông Mạn Đà La, vì phước đã hết nên không vị Trời nào chịu cho. Xin không được bông, Đề Bà Đạt Đa suy nghĩ rằng: Cây Mạn Đà La vốn không ngã, không ngã sở, nếu ta tự lấy bông nào có tội gì. Nghĩ xong Đề Bà Đạt Đa đến bên cây muốn lấy bông, liền mất thần thông, trở lại thấy thân mình ở nơi thành Vương Xá, sanh lòng hổ thẹn chẳng dám đến gặp Thái Tử Thiện Kiến.

Đề Bà Đạt Đa lại nghĩ rằng nay ta nên đến chỗ Phật đòi đại chúng. Nếu Phật cho ta sẽ tùy ý sai bảo Xá Lợi Phất v.v…

Đề Bà Đạt Đa liền đến chỗ Phật mà bạch rằng: Ngưỡng mong Đức Như Lai đem đại chúng này giao phó cho tôi, tôi sẽ thuyết pháp giáo hóa họ.

Phật nói: Người ngu si! Xá Lợi Phất v.v… là bậc thông minh đại trí mọi người tin phục, mà ta còn chẳng đem đại chúng giao phó, huống ngươi là người ngu si ăn nước miếng của kẻ khác ư!

Lúc đó Đề Bà Đạt Đa càng sanh ác tâm nói rằng: Này Cù Đàm!

Nay dầu ông điều phục đại chúng, nhưng thế cũng chẳng được lâu sẽ phải bị tiêu diệt! Vừa nói xong đất liền rúng động, Đề Bà Đạt Đa té xuống đất, bên thân ông ấy phát ra luồng gió mạnh thổi bụi đất lấm dơ cả mình.

Đề Bà Đạt Đa thấy tướng xấu này lại nói rằng: Nếu thân ta hiện đời phải đọa A tỳ địa ngục, ta phải báo sự oán thù lớn này.

Đề Bà Đạt Đa liền đến chỗ Thái Tử Thiện Kiến.

Thái Tử: Hỏi Đại Sư Thánh Nhân cớ sao dung nhan tiều tụy sắc diện lo buồn?

Đề Bà Đạt Đa nói: Ta luôn luôn như vậy mà Thái Tử chẳng biết ư?

Thái Tử hỏi: Có nhân duyên gì như vậy?

Xin Đại Sư dạy rõ.

Đề Bà Đạt Đa nói: Nay ta cùng Thái Tử thân mến nhau. Người ngoài mắng nhiếc Thái Tử, lẽ đâu ta chẳng lo buồn.

Thái Tử hỏi: Người ta mắng nhiếc tôi như thế nào?

Đề Bà Đạt Đa nói: Mọi người mắng Thái Tử là vị sanh oán.

Thái Tử hỏi: Sao lại gọi tôi là vị sanh oán?

Ai đặt ra danh từ này?

Đề Bà Đạt Đa nói: Lúc chưa sanh Thái Tử, tất cả tướng sư đều bảo rằng lúc đứa trẻ này lớn lên sẽ giết cha do đó người ngoài đều gọi Thái Tử là vị sanh oán. Người trong cung vì muốn Thái Tử vui lòng nên đặt là Thiện Kiến.

Vi Đề Hy phu nhân nghe lời tướng sư, lúc sanh Thái Tử từ trên lầu cao ném xuống đất, làm gãy mất một ngón tay của Thái Tử. Do cớ này nên mọi người lại gọi tên Thái Tử là Chiết Chỉ. Ta nghe những việc này trong lòng lo buồn, nhưng lại chẳng dám nói với Thái Tử.

Đề Bà Đạt Đa đem những việc ác như vậy xúi Thái Tử giết Vua cha mà bảo rằng: Nếu Thái Tử giết Vua cha, thời ta cũng có thể giết Sa Môn Cù Đàm.

Thái Tử hỏi đại thần Võ Hành. Đại Thần thuật sự tích đặt tên đúng như lời của Đề Bà Đạt Đa.

Thái Tử nghe xong liền cùng đại thần bắt Vua cha giam ở ngoài thành sai bốn đội binh giữ gìn nghiêm ngặt. Phu nhân Vi Đề Hy đến thăm Vua. Người giữ cửa nhà giam chẳng cho vào.

Phu nhân cả giận bèn quở mắng. Người giữ cửa đem việc này thưa với Thái Tử. Thái Tử Thiện Kiến giận dữ vào cung nắm tóc mẹ rút gươm muốn chém.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần