Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý đức Vương Bồ Tát - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương
PHẨM HAI MƯƠI HAI
PHẨM QUANG MINH BIẾN CHIẾU
CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG BỒ TÁT
PHẦN SÁU
Bạch Thế Tôn!
Thế nào là Niết Bàn?
Thế nào là Đại Niết Bàn?
Đức Phật khen: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Nếu Bồ Tát đặng niệm tổng trì, mới có thể thưa hỏi như ông.
Này thiện nam tử! Như người đời nói: Có biển, có biển lớn. Có sông, có sông lớn. Có núi, có núi lớn. Có thành, có thành lớn. Có chúng sinh, có chúng sinh lớn. Có Vua, có Vua lớn. Có người, có người lớn. Có Trời, có Trời lớn. Có đạo, có đạo lớn.
Niết Bàn cũng như vậy: Có Niết Bàn và có Đại Niết Bàn.
Thế nào là Niết Bàn?
Như người đói đặng chút ít cơm ăn thời gọi là được an vui. Như người bệnh được lành thời gọi là an vui. Như người kinh sợ đặng chỗ nương dựa thời được an vui.
Như người nghèo cùng đặng châu báu thời được an vui. Như người quán xương trắng chẳng sanh lòng tham dục thời được an vui. Tất cả sự an vui trên đây cũng gọi là Niết Bàn, nhưng chẳng được gọi là Đại Niết Bàn, vì còn trong phạm vi tương đối.
Này thiện nam tử! Nếu người phàm phu nhẫn đến hàng Thanh Văn, hoặc nhân thế tục, hoặc nhân Thánh đạo, mà dứt được kiết sử, cõi dục thời được an vui. Có thể dứt kiết sử cõi Sơ Thiền nhẫn đến có thể dứt kiết sử cõi Phi Phi Tưởng thời được an vui. Những sự an vui này cũng gọi là Niết Bàn, nhưng chẳng được gọi là Đại Niết Bàn, vì còn có tập khí phiền não.
Thế nào gọi là tập khí phiền não?
Hàng Thanh Văn, Duyên Giác còn có tập khí phiền não, chính là những quan niệm: Thân tôi, áo tôi, tôi đi, tôi đến, tôi nói, tôi nghe, chư Phật Như Lai nhập Niết Bàn, bổn tánh Niết Bàn không ngã, không lạc, chỉ có thường và tịnh, Phật, Pháp và Tăng có tướng sai khác, Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn, chỗ chứng đặng Niết Bàn của Thanh Văn.
Duyên Giác cùng chư Phật đồng nhau không sai khác, những quan niệm trên đây là tập khí phiền não. Vì thế nên chỗ chứng đặng của hàng nhị thừa chẳng phải là Đại Niết Bàn, vì không có thường, lạc, ngã, tịnh. Có thường, lạc, ngã, tịnh mới được gọi là Đại Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Ví như vùng nào có thể chứa đựng tất cả những dòng nước thời gọi là biển lớn. Chỗ nào Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Chư Phật chứng nhập thời gọi là Đại Niết Bàn. Tứ Thiền, ba môn tam muội, tám pháp bội xả, tám pháp thắng xứ, mười pháp nhất thiết xứ, vị nào có thể nhiếp thủ vô lượng pháp lành như vậy thời gọi là Đại Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Ví như có con sông, hương tượng lớn nhất lội không đến đáy thời gọi là sông lớn. Hàng Thanh Văn, Duyên Giác nhẫn đến Thập Trụ Bồ Tát chẳng thấy Phật Tánh thời gọi là Niết Bàn, chẳng phải Đại Niết Bàn. Nếu có thể thấy rõ Phật Tánh thời được gọi là Đại Niết Bàn. Chỉ có Đại Tượng Vương mới có thể tột đến đáy sông lớn Đại Niết Bàn. Đại Tượng Vương đây là lệ cho Chư Phật.
Này thiện nam tử! Nếu các đại lực sĩ trải qua nhiều thời gian không thể leo lên được, mới gọi là núi lớn. Hàng Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát không thể thấy được mới gọi là Đại Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Nơi trấn giữ của các vị Tiểu Vương thời gọi là thành nhỏ, chỗ của Vua Chuyển Luân Vương trấn đóng mới gọi là thành lớn.
Chỗ chứng nhập của Thanh Văn, Duyên Giác: Tám muôn, sáu muôn, bốn muôn, hai muôn, một muôn kiếp, thời gọi là Niết Bàn. Chỗ chứng nhập của Như Lai Vô Thượng Pháp Vương mới được gọi là Đại Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Ví như có người thấy bốn đội binh lòng chẳng sợ sệt, nên biết người này gọi là đại chúng sanh. Nếu có chúng sanh đối với ác đạo phiền não ác nghiệp mà chẳng sợ sệt, có thể ở trong đó mà rộng độ chúng sanh, nên biết người này đặng Đại Niết Bàn.
Nếu có người cúng dường cha mẹ, cung kính Sa Môn và Bà La Môn thật hành pháp lành, lời nói thành thật không có khi dối, có thể nhẫn những sự ác hại, lại hay bố thí cho kẻ nghèo thiếu, thời gọi là bậc Đại Trượng Phu.
Cũng vậy, Bồ Tát có đại từ bi thương xót tất cả, xem chúng sanh như cha mẹ, đưa chúng sanh qua khỏi sông sanh tử, đem đạo Nhất Thừa chân thật chỉ dạy cho chúng sanh, đây gọi là Đại Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Chữ đại là nói chẳng thể nghĩ bàn, nếu chẳng thể nghĩ bàn mà chúng sanh chẳng thể tin được, thời gọi là Đại Niết Bàn, chỉ có Phật và Bồ Tát thấy được. Lại do vô lượng nhân duyên rồi sau mới có thể được nên gọi là đại. Vì có đại ngã nên gọi là Đại Niết Bàn. Vì Niết Bàn không có đại ngã là tự tại nên gọi là đại ngã.
Đại tự tại là vì có tám điều tự tại:
Một là có thể thị hiện một thân làm nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần đầy khắp mười phương vô lượng Thế Giới. Thân Như Lai thiệt chẳng phải vi trần vì sức đại tự tại mà thị hiện vi trần thân. Tự tại như vậy thời gọi là đại ngã.
Hai là thị hiện một thân vi trần đầy khắp cõi đại thiên, thiệt ra thân Như Lai chẳng đầy nơi Cõi đại thiên, vì là vô biên, do sức tự tại nên thị hiện đầy khắp Cõi Đại Thiên. Tự tại như vậy gọi là đại ngã.
Ba là có thể đem thân khắp Cõi đại thiên này bay trên hư không nhẹ nhàng đến nơi hai mươi hằng hà sa Thế Giới mà không chướng ngại. Thiệt ra thân Như Lai không có nặng nhẹ, do sức tự tại nên làm có nhẹ có nặng, đây gọi là đại ngã.
Bốn là Như Lai chỉ có nhất tâm an trụ chẳng động, do sức tự tại, vô lượng thân hình hóa hiện ra đều làm cho có tâm. Cũng do sức tự tại, có lúc Như Lai làm một việc mà khiến cho tất cả chúng sanh đều được thành tựu. Do sức tự tại thân Như Lai thường ở một cõi mà làm cho tất cả chúng sanh ở cõi khác đều thấy. Tự tại như vậy gọi là đại ngã.
Năm là căn tự tại, với một căn Như Lai có thể thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, cảm xúc, hay biết. Sáu căn của Như Lai thật ra chẳng thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm, biết, do sức tự tại nên làm cho sáu căn đều tự tại, do đây gọi là đại ngã.
Sáu là vì tự tại nên chứng đặng tất cả pháp, thật ra tâm Như Lai không có quan niệm chứng đặng, vì là vô sở đắc. Nếu pháp là có thời có thể gọi là chứng đắc, pháp vẫn không thật có, đâu được gọi là chứng đắc. Giả sử Như Lai có quan niệm chứng đắc thời chư Phật chẳng được Niết Bàn. Do vì không chứng đắc nên gọi là được Niết Bàn. Do tự tại mà chứng được tất cả pháp nên gọi là đại ngã.
Bảy là diễn thuyết tự tại. Như Lai diễn thuyết nghĩa một bài kệ trãi qua vô lượng kiếp cũng chẳng hết như nói về giới, định, thí, huệ v.v… Đức Như Lai chẳng có quan niệm rằng ta nói người nghe, cũng chẳng nghĩ là một bài kệ. Người đời dùng bốn câu làm một bài kệ, Như Lai thuận theo thế tục nên cũng nói là bài kệ. Tất cả pháp tánh cũng không có ngôn thuyết, do sức tự tại nên Như Lai diễn thuyết, vì diễn thuyết nên gọi là đại ngã.
Tám là Như Lai khắp đầy tất cả chỗ như hư không. Tánh hư không chẳng thể thấy được. Như Lai thiệt cũng chẳng thể thấy được, vì tự tại nên làm cho chúng sanh được thấy. Tự tại như vậy gọi là đại ngã. Do nghĩa tự tại này nên gọi là Đại Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Như kho báu chứa nhiều thứ châu báu lạ kỳ nên gọi là Đại Tạng. Cũng vậy, tạng pháp rất sâu, rất diệu của Như Lai chứa đầy những pháp kỳ lạ chẳng thể nghĩ bàn, nên gọi là Đại Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Phật nhiều vô biên mới gọi là đại, Niết Bàn vô biên, vô lượng nên gọi là đại.
Này thiện nam tử! Lại vì có đại lạc nên gọi là đại Niết Bàn, Niết Bàn vốn không sự vui, do vì bốn điều vui nên gọi là đại Niết Bàn. Một là vì dứt những sự vui, chẳng dứt sự vui thời gọi là khổ, nếu có khổ thời chẳng gọi là thiệt vui.
Vì dứt sự vui nên không có khổ, không khổ không vui mới gọi là đại lạc. Tánh Niết Bàn không khổ không vui nên Niết Bàn gọi là đại lạc. Do nghĩa này mà gọi là đại Niết Bàn.
Vui có hai thứ: Vui của phàm phu và vui của Chư Phật. Vui của phàm phu là vô thường bại hoại, nên không có thiệt vui. Vui của Chư Phật là thường là không biến đổi nên gọi là đại lạc.
Lại có ba thứ thọ: Một là khổ thọ, hai là lạc thọ, ba là bất khổ bất lạc thọ. Bất khổ bất lạc đây cũng là khổ. Niết Bàn dầu cũng chẳng khổ, chẳng vui nhưng là thật vui, do đây nên gọi là Đại Niết Bàn.
Hai là vì đại tịch tịnh gọi là đại lạc. Tánh Niết Bàn là đại tịch tịnh, vì xa lìa tất cả sự ồn náo, do đại tịch tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn.
Ba là vì biết tất cả nên gọi là đại lạc. Như Lai biết tất cả nên gọi là Đại Niết Bàn.
Bốn là vì thân chẳng hư hoại nên gọi là đại lạc. Thân Như Lai là thân kim cương không hư hoại, chẳng phải thân phiền não, chẳng phải thân vô thường, nên gọi là đại lạc, là Đại Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Danh tự của thế gian hoặc có nhân duyên đặt ra hoặc không nhân duyên đặt ra. Có nhân duyên đặt ra như Xá Lợi Phất, vì bà mẹ tên là Xá Lợi, nhân tên mẹ mà đặt tên ông là Xá Lợi Phất.
Như Ma Vu La Đạo Nhân, vì sanh quán tại nước Ma Vu La, nhân tên nước mà đặt tên cho Đạo Nhân.
Như Mục Kiền Liên, Mục Kiền Liên chính là họ, nhân họ đặt tên gọi là Mục Kiền Liên.
Như ta sanh trong dòng Cù Đàm, nhân dòng họ đặt tên gọi ta là Cù Đàm.
Như nhà thông thái Tỳ Xá Khư, Tỳ Xá Khư chính là tên một ngôi sao, nhân ngôi sao này đặt tên là Tỳ Xá Khư. Như người có sáu ngón tay, nhân đây gọi là người sáu ngón.
Như danh từ Phật nô, Thiên nô, nhân nơi Phật, nhân nơi Thiên, mà gọi là Phật nô, Thiên nô. Như nhân nơi ẩm ướt sanh ra nên gọi là loài thấp sanh.
Như nhân nơi tiến mà gọi là Ca Ca La, gọi là Cứu Cứu La. Những danh từ như vậy là có nhân duyên mà đặt tên. Không nhân duyên mà đặt ra, như hoa sen, như đất, nước, gió, lửa, hư không.
Như một danh từ mạn đà bà chỉ cho hai vật: Điện đường và uống nước, điện đường chẳng phải uống nước nhưng cũng đều được gọi là mạn đà bà. Như tát bà sa đa gọi là xà cái, thiệt chẳng phải là xà cái.
Như trên đây gọi là không nhân mà lập danh tự.
Này thiện nam tử! Đại Niết Bàn đây cũng không có nhân duyên mà lập danh tự. Như hư không chẳng nhân sự trống rỗng nhỏ mà gọi là đại không, Niết Bàn cũng chẳng nhân nơi tướng nhỏ mà gọi là Đại Niết Bàn.
Ví như có một vật chẳng thể cân lường chẳng thể nghĩ bàn thời gọi là đại, Niết Bàn cũng chẳng thể cân lường chẳng thể nghĩ bàn nên gọi là Đại Niết Bàn. Do vì thuần thanh tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn.
Thanh tịnh có bốn thứ: Một là hai mươi lăm cõi gọi là bất tịnh, vì có thể dứt hẳn nên gọi là thanh tịnh. Thanh tịnh đây tức là Niết Bàn. Niết Bàn này cũng đặng gọi là có.
Nhưng thiệt ra Niết Bàn chẳng phải là có, Như Lai thuận theo thế tục nên nói Niết Bàn là có. Ví như người đời chẳng phải cha gọi là cha chẳng phải mẹ gọi là mẹ, chẳng phải thiệt cha mẹ mà nói là cha mẹ. Cũng vậy, tùy thuận theo thế tục nên nói chư Phật có Đại Niết Bàn.
Hai là vì nghiệp thanh tịnh. Tất cả phàm phu vì nghiệp chẳng thanh tịnh nên không có Niết Bàn. Như Lai vì nghiệp thanh tịnh nên gọi là đại tịnh, do đại tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn.
Ba là vì thân thanh tịnh. Thân vô thường thời gọi là chẳng thanh tịnh. Thân Như Lai thường trụ không biến đổi nên gọi là đại tịnh, vì đại tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn.
Bốn là vì tâm thanh tịnh. Tâm nếu có ác lậu thời gọi là chẳng thanh tịnh. Tâm của Phật vô lậu nên gọi là đại tịnh, vì đại tịnh nên gọi là Đại Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Đây gọi là nam tử nữ nhân tu hành Kinh Đại Niết Bàn này thành tựu đầy đủ phần công đức thứ nhất.
Này thiện nam tử! Kế đây là Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ hai. Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn, xưa chỗ chẳng được mà nay được, xưa chỗ chẳng thấy mà nay được thấy, xưa chỗ chẳng nghe mà nay được nghe, xưa chỗ chẳng đến mà nay được đến, xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết.
Thế nào gọi là xưa chẳng được mà nay được?
Chính là nói về thần thông.
Thần thông có hai thứ: Một là ngoài, hai là trong. Thần thông ngoài thời cùng ngoại đạo giống nhau.
Thần thông trong lại có hai thứ: Một là của nhị thừa hai là của Bồ Tát. Thần thông của Bồ Tát, hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật chẳng có được. Hàng nhị thừa biến hóa một tâm hiện làm một chẳng hiện được nhiều. Bồ Tát ở trong một tâm thời có thể hiện đủ tất cả thân trong lục đạo, do vì được thế lực của Kinh Đại Niết Bàn.
Đây gọi là xưa chỗ chẳng được mà nay được. Lại Bồ Tát được thân tự tại, tâm tự tại. Tất cả phàm phu thân cũng như tâm đều chẳng tự tại hoặc tâm theo nơi thân, hoặc thân theo nơi tâm.
Ví như người say, rượu ở trong thân, lúc bấy giờ thân động tâm cũng động theo, cũng như thân mõi mệt thì tâm cũng mõi mệt theo, đây thời gọi là tâm theo nơi thân.
Lại như trẻ thơ, thân nó nhỏ bé, tâm nó nhỏ theo, người lớn thân lớn thì tâm cũng lớn theo. Lại như có người thân thể thô rít, tâm họ thường nghĩ đến dầu mỡ muốn thoa cho được trơn nhuyễn, đây cũng gọi là tâm theo nơi thân.
Thế nào gọi là thân theo nơi tâm?
Chính là đi, đến, ngồi, nằm, thật hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, người sầu não thời thân gầy héo, người vui mừng thời thân tươi nở, người kinh sợ thời thân run rẩy, chuyên tâm thính pháp thời thân vui vẻ, người buồn khóc thời nước mũi nước mắt chảy tuôn đây thời gọi là thân theo nơi tâm.
Bồ Tát thời chẳng như vậy thân tâm đều được tự tại, Đại Bồ Tát hiện thân tướng như vi trần, thân vi trần này có thể khắp đến vô lượng vô biên hằng hà sa thế giới không bị chướng ngại, mà tâm Bồ Tát thường định vẫn không di động, đây thời gọi là tâm chẳng theo nơi thân, và cũng gọi là xưa chỗ chẳng đến mà nay được đến, vì tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật chẳng thể đến được mà Bồ Tát đến được.
Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật dầu dùng thần thông chẳng có thể biến thân nhỏ như vi trần khắp đến vô lượng hằng hà sa thế giới. Thanh Văn, Bích Chi Phật lúc thân động thời tâm cũng động theo. Bồ Tát chẳng như vậy, tâm dầu chẳng động mà thân đến khắp tất cả chỗ, đây gọi là tâm chẳng theo nơi thân.
Lại Bồ Tát hóa thân lớn bằng đại thiên Thế Giới, đem thân to lớn này chui vào thân nhỏ như vi trần, tâm của Bồ Tát cũng chẳng nhỏ theo. Thanh Văn, Bích Chi Phật dầu có thể hóa thân to lớn như đại thiên Thế Giới nhưng chẳng thể đem thân to lớn này chui vào thân nhỏ như vi trần.
Trong việc này nhị thừa còn chẳng làm được huống là có thể khiến tâm chẳng động theo. Đây gọi là Bồ Tát tâm chẳng theo nơi thân.
Đại Bồ Tát dùng một âm thanh có thể làm cho tất cả chúng sanh trong đại thiên Thế Giới đều nghe trong tâm Bồ Tát trọn chẳng nghĩ rằng khiến âm thanh này khắp đến các Thế Giới làm cho chúng sanh được nghe, Bồ Tát nói rằng do tôi thuyết pháp làm cho chúng sanh được nghe nên biết người này trọn chẳng thể đặng Vô Thượng, Chánh Giác.
Vì tâm tưởng như trên đây là tâm sanh tử, tất cả Đại Bồ Tát đã hết tâm sanh tử này vì thế nên thân tâm của Bồ Tát chẳng theo dõi nhau.
Này thiện nam tử! Tất cả phàm phu thân tâm theo nhau. Bồ Tát chẳng như vậy, vì hóa độ chúng sanh nên dầu hiện thân nhỏ nhưng tâm chẳng bé nhỏ vì tâm tánh của Bồ Tát luôn rộng lớn. Dầu lúc hiện thân lớn như đại thiên Thế Giới, nhưng tâm cũng chẳng lớn.
Do nghĩa này nên tâm của Bồ Tát chẳng theo nơi thân Đại Bồ Tát đã từ vô lượng, vô số kiếp xa lìa rượu chẳng uống, nhưng tâm cũng động, tâm không buồn khổ mà thân cũng rơi lệ, thiệt không kinh sợ mà thân cũng run rẩy, do đây nên biết rằng Bồ Tát thân tâm tự tại, chẳng theo dõi nhau. Đại Bồ Tát dầu hiện một thân, mà các chúng sanh mỗi người tự thấy sai khác.
Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn, xưa chỗ chẳng nghe mà nay được nghe?
Đại Bồ Tát trước lấy tướng các thứ tiếng: Tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng người, tiếng ốc, tiếng trống, tiếng ống tiêu, tiếng ca, tiếng cười v.v…
Mà luyện tập đó, do luyện tập nên có thể nghe tất cả tiếng của những địa ngục trong vô lượng đại thiên Thế Giới, lại càng tu tập thêm nên được nhĩ căn khác lạ, khác hơn thiên nhĩ của Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Vì nhĩ căn thanh tịnh của nhị thừa nếu nương tứ đại tịnh diệu, của Sơ Thiền thời chỉ nghe tiếng Cõi Sơ Thiền chẳng nghe được Cõi Nhị Thiền, nhẫn đến Tứ Thiền cũng như vậy, dầu có thể trong một lúc được nghe tất cả tiếng trong đại thiên Thế Giới nhưng chẳng thể nghe được tiếng trong vô lượng vô biên trong hằng sa Thế Giới.
Do nghĩa này nên gọi là Bồ Tát xưa chỗ chẳng nghe mà nay được nghe, Bồ Tát dầu nghe tiếng tâm mà trong lòng vẫn không có tướng nghe tiếng chẳng có tướng thường, lạc, ngã, tịnh, tướng chủ, tướng y, tướng tác, tướng nhân, tướng định, tướng quả. Do nghĩa này nên các vị Bồ Tát xưa chỗ chẳng nghe mà nay được nghe.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch rằng: Thế Tôn! Như Phật nói Bồ Tát chẳng thấy có tướng định, không tướng quả thời không được đúng.
Vì trước kia Như Lai nói: Nếu có người nghe một chữ một câu Kinh Đại Niết Bàn này quyết định được thành Vô Thượng Bồ Đề.
Giờ đây sao Như Lai lại nói là không định không quả?
Nếu được vô thượng bồ đề thời chính là tướng quyết định, chính là tướng quả, sao lại nói rằng không định không qua?
Vì nghe tiếng ác thời sanh tâm ác vì sanh tâm ác thời đọa tam đồ, nếu đọa tam đồ thời là định quả, sao lại nói rằng không định không quả?
Như Lai khen rằng: Lành thay! Ông có thể thưa hỏi như vậy. Giả sử Chư Phật nói các âm thanh là có tướng định quả, đây thời chẳng phải là tướng của Chư Phật, mà là tướng Ma Vương, là tướng sanh tử, là tướng xa lìa Niết Bàn. Vì tất cả Chư Phật chỗ nói ra không có tướng định quả.
Ví như dùng lưỡi dao sáng soi mặt người. Dựng đứng thời thấy mặt dài, để ngang thời thấy mặt rộng. Do nghĩa đây nên Chư Phật phàm nói ra không có tướng định quả.
Đại Niết Bàn thiệt chẳng phải kết quả của tiếng. Giả sử Niết Bàn là quả của tiếng thời Niết Bàn chẳng phải là pháp thường trụ.
Ví như những pháp trong Đời theo nhân mà sanh, có nhân thời có quả, không nhân thời không quả, vì nhân vô thường nên quả cũng vô thường, nhân cũng làm quả, quả cũng làm nhân, do nghĩa này nên tất cả pháp không có tướng nhất định.
Giả sử Niết Bàn từ nhân mà sanh, vì nhân vô thường nên quả cũng vô thường. Nhưng Niết Bàn chẳng từ nhân mà sanh, thể Niết Bàn chẳng phải là quả, vì thế nên Niết Bàn là thường trụ. Do nghĩa đây nên thể của Niết Bàn là không định không quả.
Này thiện nam tử! Luận về Niết Bàn, cũng có thể nói là định, cũng có thể nói là quả. Niết Bàn của tất cả Chư Phật là thường, lạc, ngã, tịnh, nên nói là định không sanh già hư hoại nên nói là định. Nhất Xiển Đề phạm bốn tội nặng, hủy báng Đại Thừa, tạo tội ngũ nghịch, rời bỏ bổn tâm, thời quyết định chứng đặng Niết Bàn, nên gọi là định.
Này thiện nam tử! Như ông vừa nói: Nếu có người nghe một chữ, một câu Kinh Đại Niết Bàn, thời đặng Vô Thượng Bồ Đề. Đối với nghĩa này, ông còn chưa hiểu rõ.
Ông nên lắng nghe! Nếu có người nghe một câu, một chữ Kinh Đại Niết Bàn, trong tâm chẳng có quan niệm tướng chữ, tướng câu, chẳng có tướng nghe, tướng Phật, tướng nói pháp, đây gọi là tướng, vô tướng. Do tướng vô tướng nên đặng vô thượng bồ đề.
Này thiện nam tử! Như ông vừa nói vì nghe tiếng ác, mà đến tam đồ, nghĩa đó không phải. Vì chẳng phải tiếng ác mà đến tam đồ. Phải biết quả này là do tâm ác. Vì như có người nghe tiếng ác mà tâm chẳng sanh ác, do đây nên biết chẳng phải do tiếng ác mà đọa trong tam đồ.
Nhưng chúng sanh do nơi phiền não ác tâm quá nhiều mà phải sanh vào ba đường ác, chẳng phải là do nơi tiếng ác. Nếu tiếng có tướng quyết định, những người nghe tiếng ác, lẽ ra tất cả đều sanh tâm ác.
Nay nghe tiếng ác, mà có người sanh tâm ác, có người chẳng sanh tâm ác, nên biết rằng tiếng không có tướng quyết định. Do vì không tướng quyết định nên dầu nghe tiếng ác mà chẳng sanh tâm ác.
Bạch Thế Tôn! Tiếng nếu không quyết định, cớ sao Bồ Tát nay đặng nghe chỗ xưa chẳng nghe?
Này thiện nam tử! Tiếng không có tướng quyết định nên làm cho Bồ Tát nay được nghe chỗ xưa chẳng nghe. Do nghĩa này nên Như Lai nói xưa chỗ chẳng nghe, mà nay được nghe.
Này thiện nam tử! Thế nào là chỗ xưa chẳng thấy mà nay được thấy?
Đại Bồ Tát tu Kinh Đại Niết Bàn, trước lấy tướng sáng: Những ánh sáng mặt trời, mặt trăng, tinh tú, đèn đuốc, bảo châu, lửa. Do tu tập ánh sáng mà đặng nhãn căn khác lạ, khác hơn thiên nhãn của Thanh Văn, Duyên Giác.
Thiên nhãn của nhị thừa nếu nương nơi nhãn căn tứ đại cõi dục thời chẳng thấy sơ thiền, nếu nương nơi nhãn căn Sơ Thiền thời chẳng thấy Cõi Trên, cũng chẳng thấy nhãn căn của chính mình, nhiều lắm là thấy tột đến đại thiên Thế Giới.
Đại Bồ Tát chẳng tu thiên nhãn, thấy sắc thân tốt đẹp đều là tướng xương trắng, dầu thấy sắc tướng trong hằng hà sa Thế Giới khác, nhưng chẳng tưởng là sắc tướng, chẳng tưởng là tướng thường, tướng có, tướng vật, tướng danh tự, chẳng tưởng là tướng thấy, cũng chẳng nói nhãn căn này có tướng thanh tịnh vi diệu, chỉ thấy là tướng nhân duyên cùng tướng chẳng phải nhân duyên.
Thế nào là nhân duyên?
Sắc là cảnh duyên của nhãn căn. Giả sử sắc chẳng phải là nhân duyên, thời tất cả phàm phu lẽ ra chẳng thấy tướng sắc.
Thế nào là chẳng phải nhân duyên?
Đại Bồ Tát dầu thấy sắc nhưng chẳng tường là tướng sắc, do đây nên chẳng phải là duyên. Vì thế nên Thiên Nhãn thanh tịnh của Bồ Tát khác với Thiên Nhãn của Thanh Văn, Duyên Giác. Trong một lúc, Bồ Tát thấy khắp chư Phật hiện tại ở mười phương Thế Giới.
Cũng có thể thấy vi trần. Hàng Thanh Văn Duyên Giác chẳng thấy được như thế. Bồ Tát dầu thấy nhãn căn của mình mà vẫn không có tướng thấy, thấy tướng vô thường, thấy thân của phàm phu có ba mươi sáu vật, chứa đầy những thứ bất tịnh, thấy rõ như xem trái A Ma Lặc trong bàn tay.
Nếu thấy sắc tướng của chúng sanh, Bồ Tát biết người này là căn tánh Đại Thừa hay Tiểu Thừa. Đụng chạm đến y phục của họ, Bồ Tát cũng biết người đó có những căn lành hay căn chẳng lành.
Do đây nên gọi là xưa chỗ chẳng thấy mà nay được thấy, cũng gọi là xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết. Vì khi thấy thời biết chỗ xưa chẳng biết, do vì biết nên thấy chỗ xưa chẳng thấy.
Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết?
Đại Bồ Tát dầu biết tâm tham, sân, si của phàm phu, nhưng vẫn chẳng tưởng là tâm và tâm sở, chẳng tưởng là chúng sanh cùng vật. Thường tu tướng rốt ráo không đệ nhất nghĩa, do tu tập tướng không, nên biết được chỗ xưa chẳng biết.
Biết như thế nào?
Biết không có ngã không có ngã sở, biết tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh. Vì có Phật Tánh nên hàng nhất xiển đề rời bỏ được bổn tâm thời sẽ đặng Vô Thượng, Chánh Giác. Những điều trên đây hàng Thanh Văn, Duyên Giác chẳng biết được mà Bồ Tát có thể biết. Vì thế nên gọi là xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết.
Đại Bồ Tát tu Kinh Đại Niết Bàn nhớ đời quá khứ tất cả chúng sanh bao nhiêu những dòng cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, bạn thân, kẻ thù. Trong một niệm Bồ Tát đặng trí khác lạ, khác với trí huệ của Thanh Văn, Duyên Giác.
Thế nào là khác?
Trí huệ của Thanh Văn, Duyên Giác nhớ đến dòng họ cha mẹ v.v…
Của chúng sanh đời quá khứ mà có tướng dòng họ cha mẹ v.v…
Bồ Tát dầu nghĩ nhớ dòng họ cha mẹ thuở quá khứ, nhưng trọn chẳng tưởng có tướng dòng họ cha mẹ v.v...
Mà thường thấy tướng không tịch. Đây gọi là Bồ Tát xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết.
Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn đặng tha tâm trí khác với Thanh Văn, Duyên Giác.
Thế nào là khác?
Hàng Thanh Văn, Duyên Giác lúc dùng một niệm trí biết tâm của người, thời chẳng thể biết tâm của Chư Thiên, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Địa Ngục. Trong một niệm Bồ Tát biết khắp tất cả tâm của lục đạo chúng sanh. Đây gọi là Bồ Tát xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết.
Bồ Tát lại ở nơi trong một tâm rõ biết từ sơ tâm đến tâm thứ mười sáu của Tu Đà Hoàn. Do đây nên gọi là xưa chỗ chẳng biết mà nay được biết. Đây là Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ hai.
Này thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ ba?
Đại Bồ Tát bỏ lòng từ đặng lòng từ, lúc đặng lòng từ chẳng do nhân duyên.
Thế nào là bỏ lòng từ đặng lòng từ?
Từ gọi là thế đế. Đại Bồ Tát bỏ lòng từ thế đế đặng lòng từ đệ nhất nghĩa. Lòng từ đệ nhất nghĩa chẳng do nhân duyên. Lòng từ nếu là có thể bỏ thời gọi là lòng từ của phàm phu, lòng từ nếu có thể được thời gọi là lòng từ vô duyên của Bồ Tát, đặng lòng từ lân mẫn, đặng lòng từ của Như Lai, lòng từ này là lòng từ không nhân duyên.
Lại bỏ lòng từ của hoàng môn, của người không căn, hai căn, nữ nhân, đồ tể thợ săn v.v… cũng bỏ lòng từ của Thanh Văn, Duyên Giác, đặng lòng từ vô duyên của Bồ Tát. Chẳng còn thấy lòng từ của mình cũng chẳng thấy lòng từ của người, cũng chẳng thấy trì giới, phá giới.
Dầu tự thấy lòng bi nhưng chẳng thấy tướng chúng sanh. Dầu có chịu khổ nhưng chẳng thấy người chịu khổ. Vì Bồ Tát tu hành chân thật không đệ nhất nghĩa nên thành tựu đầy đủ phần công đức thứ ba như vậy.
Này thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ tư?
Nơi đây có mười việc: Một là căn lành sâu không bị lay động, hai là đối với thân mình có quan niệm quyết định, ba là chẳng thấy phước điền và chẳng phải phước điền, bốn là tu tập công hạnh thanh tịnh Phật độ, năm là diệt trừ ba thứ hữu dư, sáu là dứt trừ nghiệp duyên, bảy là tu thân thanh tịnh, tám là rõ biết các duyên, chín là lìa những oán địch, mười là dứt trừ nhị biên.
Thế nào là căn lành sâu khó lay động. Căn lành đây là nói chẳng phóng dật, chẳng phóng dật là căn lành của Vô Thượng Bồ Đề. Cội gốc pháp lành của tất cả chư Phật đều do chẳng phóng dật. Vì chẳng phóng dật nên những căn lành khác lần lần được tăng trưởng.
Như trong các thứ dấu chân, dấu chân của voi là hơn hết, ở trong các pháp lành, chẳng phóng dật cũng là hơn hết.
Như trong các thứ ánh sáng, ánh sáng mặt trời là hơn hết, chẳng phóng dật cũng là hơn hết các pháp lành khác.
Như Vua Chuyển Luân là bậc nhất trong các Vua chúa, chẳng phóng dật cũng là bậc nhất trong các pháp lành.
Như trong các dòng nước, bốn sông là hơn hết, chẳng phóng dật cũng là hơn hết trong các pháp lành.
Như núi Tu Di là bậc nhất trong các núi, chẳng phóng dật cũng là hạng bậc nhất trong các pháp lành.
Như hoa sen xanh hơn tất cả những hoa mọc trong nước, chẳng phóng dật cũng là hơn hết trong các pháp lành.
Như hoa Bà Lợi Sư Ca hơn tất cả thứ hoa mọc trên đất, chẳng phóng dật cũng hơn hết các pháp lành khác.
Như trong các loài thú, sư tử là hơn hết, chẳng phóng dật hơn những pháp lành khác.
Như trong các loài chim, Kim Súy Điểu là bậc nhất, chẳng phóng dật cũng là bậc nhất trong các pháp lành.
Như trong loài thân to lớn, Vua A Tu La, La Hầu La, là to hơn cả, chẳng phóng dật cũng là hơn hết trong các pháp lành.
Như trong tất cả chúng sanh, Đức Như Lai là tôn quí nhất, chẳng phóng dật cũng là bậc nhất trong các pháp lành.
Như trong các đoàn thể, Chư Tăng là hơn hết, chẳng phóng dật cũng hơn hết trong các pháp lành.
Như trong giáo pháp của Phật, Kinh Đại Niết Bàn là hơn hết, chẳng phóng dật cũng là hơn hết trong các pháp lành. Do những nghĩa này nên căn lành chẳng phóng dật sâu bền khó lay động.
Thế nào là do chẳng phóng dật mà được thêm lớn các căn lành?
Những căn lành: Tín, giới, bố thí, trí huệ, nhẫn nhục, đa văn, tinh tấn, niệm định, thiện tri thức đều do chẳng phóng dật mà được thêm lớn.
Này thiện nam tử! Thế nào là đối với thân mình Bồ Tát có quan niệm quyết định?
Bồ Tát quyết định biết rằng thân của ta đây quyết định sẽ làm pháp khí vô thượng bồ đề ở đời vị lai, chẳng có tâm hẹp nhỏ, chẳng có tâm biến đổi, chẳng sanh tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật, chẳng sanh tâm ma, tâm tự hưởng vui, tâm sanh tử. Thường vì chúng sanh cầu tâm từ bi. Đây gọi là Đại Bồ Tát tu hành Kinh Đại Niết Bàn đối với thân mình sanh lòng quyết định.
Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát chẳng thấy phước điền và chẳng phải phước điền?
Những gì là phước điền?
Ngoại đạo trì giới trên đến Chư Phật đây gọi là phước điền. Nếu có người nghĩ rằng những bậc này thuộc về phước điền nên biết tâm niệm này hẹp kém.
Đại Bồ Tát quán sát tất cả chúng sanh không ai chẳng phải là phước điền do vì Bồ Tát khéo tu tập niệm xứ khác lạ, nên quán sát chúng sanh không thấy có trì giới cùng hủy giới. Thường quán sát bốn pháp bố thí của Phật nói ra đều đặng quả báo thanh tịnh.
Những gì là bốn thứ bố thí?
Một là thí chủ thanh tịnh, người thọ chẳng thanh tịnh.
Hai là thí chủ chẳng thanh tịnh, người thọ thanh tịnh.
Ba là thí chủ cùng người thọ đều thanh tịnh.
Bốn là thí chủ cùng người thọ đều chẳng thanh tịnh.
Thí chủ có đủ trì giới đa văn trí huệ rõ biết nhân cùng quả bố thí, người thọ thời phá giới tà kiến không tin bố thí cùng quả báo, đây gọi thí chủ thanh tịnh mà người thọ chẳng thanh tịnh.
Nếu thí chủ phá giới tà kiến không tin bố thí cùng quả báo, người thọ thời trì giới đa văn trí huệ biết có nhân cùng quả bố thí, đây gọi là thí chủ chẳng thanh tịnh người thọ thời thanh tịnh.
Nếu người bố thí cùng người thọ đều trì giới đa văn trí huệ biết có bố thí cùng quả báo, đây gọi là người thí người thọ đều thanh tịnh.
Nếu người thí người thọ đều phá giới tà kiến không tin nhân cùng quả bố thí, đây gọi là người thí kẻ thọ đều chẳng thanh tịnh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Ma Ha Bát Nhã Sao - Phẩm Ba - Phẩm Công đức - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Hai Mươi Tám - Tu Hành Của Ba Bậc đệ Tử
Phật Thuyết Kinh Bát đại Linh Tháp Danh Hiệu
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Nói Về Cảnh Giới Phật Không Thể Nghĩ Bàn - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Bảy - Phẩm Trường Thọ Vương - Kinh Chi Ly Di Lê
Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi - Phẩm Sáu - Phẩm Trở Về Bổn Quốc