Phật Thuyết Kinh đại Pháp Cổ - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHÁP CỔ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẦN NĂM
Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có ngã thì sao sinh ra các cấu trược phiền não kia?
Phật bảo Ca Diếp: Lành thay, lành thay! Nên đem câu hỏi này để hỏi Như Lai.
Ví như người thợ vàng thấy tánh vàng kia bèn suy nghĩ rằng: Tánh vàng này do đâu mà sinh ra chất bám bẩn. Nay phải tìm tòi cái nguồn gốc sinh ra chất bám bẩn.
Người kia có tìm ra được nguồn gốc chăng?
Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn, khong!
Phật bảo Ca Diếp: Nếu suốt đời suy nghĩ tìm tòi cái tướng nhân ban đầu cho đến được cái bản tế vô thỉ chăng nữa thì đã chẳng được gốc cũng chẳng được vàng. Nếu bằng phương tiện khéo léo, siêng năng chẳng lười biếng, chùi đi chất bám bẩn của vàng kia thì mới được vàng ròng.
Phật bảo Ca Diếp: Như vậy ngã sinh ra khách trần phiền não.
Người muốn thấy ngã bèn nghĩ: Nay phải tìm tòi ngã và gốc của chất bám bẩn.
Người kia có tìm được gốc chăng?
Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn, không!
Phật bảo Ca Diếp: Nếu họ siêng năng dùng phương tiện để chùi rửa chất bẩn phiền não thì mới được ngã. Nghĩa là nghe được Kinh này trong thâm tâm kính tin, ưa thích chẳng hoãn, chẳng gấp, dùng phương tiện khéo léo chuyên tinh ba nghiệp. Do cai nhân duyên này mới được ngã.
Ca Diếp lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có ngã thì sao chẳng thấy?
Phật bảo Ca Diếp: Bây giờ ta sẽ nói ví dụ: Ví như người mới học, học câu năm chữ, giới hạn thành câu kệ, muốn biết nghĩa trước, sau đó mới học thì có biết chăng?
Hay phải học trước, sau đó mới biết. Người kia khéo học rồi sau đó thầy dạy, giới hạn thành nghĩa của câu, dẫn ví dụ để trình bày thì người kia có thể nghe nhận. Nhờ thầy mà được rõ giới hạn thành nghĩa của câu nên sẽ kính tin ưa thích.
Như vậy, nay ta vì chúng sinh bị phiền não che lấp mà nói: Này thiện nam! Như Lai tạng như vậy, như vậy… họ liền muốn thấy thì sẽ được thấy chăng?
Ca diep bạch: Bạch Thế Tôn, không!
Phật bảo Ca Diếp: Như họ chẳng biết giới hạn thành nghĩa của câu sẽ nhờ thầy mà tin như vậy.
Này Ca Diếp phải biết! Như Lai là người có lời nói thành thật, dùng lời thành thật nói có chúng sinh, về sau ông sẽ biết, như người kia học đã thành.
Nay sẽ vì ông, ta lại nói ví dụ. Như thí dụ bốn loại chúng sinh giới bị ngăn che. Đó là màng da che mắt, mây dầy ẩn trăng, như người đào giếng, đèn sáng trong bình. Phải biết bốn nhân duyên có Phật tạng này. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, có vô lượng tướng tốt trang nghiêm chiếu sáng.
Do cái tánh đó cho nên tất cả chúng sinh đều được vào Niết Bàn. Như mắt bị màng che kia là bệnh có thể trị được, chưa gặp thầy thuốc thì mắt kia thường tối tăm, đã gặp thầy thuốc rồi thì chúng thấy được màu sắc.
Vô lượng phiền não tạng như thế là màng che Như Lai tánh. Cho đến khi chưa gặp Chư Phật, Thanh Văn, Duyên Giác thì chấp ngã, phi ngã, ngã sở là ngã. Nếu gặp Chư Phật, Thanh Văn, Duyên Giác rồi mới biết được chân ngã.
Như trị lành bệnh thì mắt được mở sáng. Màng che ấy là các phiền não. Mắt ấy là tánh Như Lai.
Như mây che mặt trăng, trăng chẳng trong sáng, các phiền não tạng che lấp tánh Như Lai, tánh chẳng trong sáng. Nếu lìa tất cả mây phiền não che đậy thì tánh Như Lai thanh tịnh như mặt trăng tròn.
Như người đào giếng nếu gặp đất khô thì biết nước còn xa, nếu thấy đất ướt thì biết nước gần kề. Nếu được nước rồi thì đó là rốt ráo. Như vậy gặp được Chư Phật, Thanh Văn, Duyên Giác tu tập thiện hạnh, đào đất phiền não được nước tánh Như Lai.
Như đèn sáng trong bình, ánh sáng ấy không lọt ra ngoài, đối với chúng sinh trở nên vô dụng. Nếu đập bể bình thì ánh sáng kia chiếu khắp. Như vậy bình chứa các phiền não che đèn Như Lai tạng, tướng tốt trang nghiêm chẳng trong sáng, đối với chúng sinh trở nên vô dụng.
Nếu lìa tất cả các phiền não tạng thì tánh Như Lai kia dứt hết phiền não, tướng tot chiếu sáng, làm các Phật Sự, như đập bình, đèn sáng thì chúng sinh thọ dụng.
Như bốn thứ ví dụ nhân duyên này, nếu ngã có chúng sinh giới thì phải biết tất cả chúng sinh đều cũng giống như vậy. Chúng sinh giới kia trong sáng vô biên.
Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn!
Nếu tất cả chúng sinh có Như Lai tạng một tánh, một thừa thì vì sao Như Lai nói có ba thừa: Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Phật thừa.
Đức Phật bảo Ca Diếp: Bây giơ ta sẽ nói ví dụ! Như có vị trưởng giả giàu có, chỉ có một đứa con trai. Người con đi theo người vú bị lạc mất ở chỗ đông người.
Đến lúc gần chết, vị trưởng giả nghĩ: Ta chỉ có một đứa con đã bị lạc mất từ lâu, không còn đứa con nào khác, kể cả cha mẹ thân thuộc. Nếu một mai sau khi ta chết thì tất cả của cải vua đều lấy đi hết.
Trong lúc ông đang suy nghĩ thì đứa con vốn thất lạc đi ăn xin đến ngay cửa nhà ấy mà nó chẳng biết là nhà của cha mình.
Vì sao?
Vì thất lạc lúc còn nhỏ quá vậy.
Người cha biết đó là con mình mà chẳng dám nhận vì sao?
Vì sợ nó bỏ chạy nên cho nhiều của cải mà nói với nó: Ta vốn không có con cái, ngươi hãy làm con ta, đừng đi nơi khác.
Đứa con đáp: Tôi không thể ở đây.
Vì sao?
Vì ở đây thường khổ sở như bị trói buộc.
Trưởng giả nói: Ngươi muốn làm gì?
Người con lại đáp: Thà dọn dẹp đồ dơ uế, thả trâu, làm ruộng.
Ông trưởng giả nghĩ: Đứa con này bạc phước, ta phải biết lúc, chiều theo ý nó. Ông liền cho nó hốt dọn phân dơ.
Sau một thời gian lâu, đứa con kia thấy vị trưởng giả tự vui chơi năm thứ dục lạc nên tâm sinh vui sướng nghĩ: Xin ông đại trưởng giả thương nhận mình, cho nhiều của báu, nhận ta làm con. Nghĩ vậy rồi nó chẳng siêng năng làm việc.
Vị trưởng giả thấy vậy bèn nghĩ: Như vậy thì chẳng bao lâu nữa chắc chắn nó sẽ làm con ta.
Khi ấy, vị trưởng giả tìm đến nó nói với nó: Nay sao ngươi khởi tâm tưởng khác lạ, chẳng siêng năng làm việc.
Nó liền đáp: Ý nguyện muốn làm con nên sinh tâm như vậy.
Vị trưởng giả nói: Tốt lắm! Ta là cha ngươi, ngươi là con ta. Ta thật sự là cha ngươi nhưng ngươi chẳng biết. Các kho tàng ta có đều giao hết cho ngươi.
Rồi ở trước mọi người nói: Đây là đứa con của ta thất lạc lâu rồi, nay trở về nhà mà mình không tự biết. Ta bảo làm con mà lại chẳng chịu. Hôm nay tự xin làm con ta.
Này Ca Diếp! Vị trưởng giả kia dùng phương tiện dẫn dụ ý chí đứa con thấp hèn.
Trước tiên sai hắn quét dọn phân nhơ, sau đó mới giao của cải, ở trước mọi người ông nói: Đây vốn là đứa con của ta thất lạc đã lâu, nay nó may mắn tự tìm tìm đến làm con ta.
Này Ca Diếp! Cũng giống như vậy, người chẳng ưa một thừa thì nói cho họ nghe ba thừa.
Vì sao?
Vì đây là Như Lai khéo dùng phương tiện. Các Thanh Văn này đều là con ta, như người quét dọn phân nhơ nay mới tự biết.
Ca Diếp bạch Phật: Ôi lạ thay! Thanh Văn thừa này sao quá thấp hèn, thật là con Phật mà chẳng biết cha.
Phật bảo Ca Diếp: Nên học như vậy. Nếu ông chẳng kham quở trách hủy mắng thì nên lìa bỏ. Về sau khi thuần thục rồi thì ông sẽ biết.
Lại nữa, này Ca Diếp! Thanh Văn và Đại Thừa thường trái ngược nhau như thế tục với vô lậu, ngu si với thông minh.
Lại nữa, này Ca Diếp! Nếu kẻ hủy báng Kinh này nên phải nhiếp hóa họ.
Vì sao?
Vì kẻ kia hủy báng nên khi xả thân phải đọa vào nơi đen tối vô biên. Thương xót bọn họ nên phải lập ra phương tiện, dùng pháp Đại Thừa làm cho họ thành thục. Nếu người không thể trị được sẽ bị đọa địa ngục. Nếu có người tin thì tự người tự sẽ tin. Còn các chúng sinh khác nên dùng nhiếp sự để nhiếp hóa cho họ giải thoát.
Lại nữa, này Ca Diếp! Nếu có sĩ phu lúc mới bị bệnh chẳng nên cho thuốc và các trị liệu khác.
Vì sao?
Vì chưa đến lúc. Cần phải đợi đúng lúc mới trị liệu được. Chẳng biết hai điều đó thì là lang băm. Vậy nên bệnh thành thục mới trị liệu được. Nếu chưa thành thục thì cần phải đợi đúng lúc.
Cũng giống như vậy, chúng sinh hủy báng Kinh này, khi lỗi lầm thành thục mới tự hối trách: Ôi, khổ thay! Việc mà ta làm nay mới rõ biết. Đến lúc này nên dùng nhiếp sự mà nhiếp hóa họ.
Lại nữa, này Ca Diếp! Như có sĩ phu đi qua một vùng hoang vắng rộng lớn, nghe bầy chim kêu vang thì sĩ phu kia sợ hãi tiếng chim này, cho là có cướp bóc bèn đi qua đường khác. Đường ấy dẫn ông vào trong đầm trống, đến chỗ cọp, sói bị cọp ăn thịt.
Cũng giống như vậy, này Ca Diếp! Trong đời đương lai Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đối với tiếng hữu ngã, vô ngã, sợ tiếng hữu ngã mà vào đại không đoạn kiến, tu tập vô ngã. Đối với Như Lai tạng như thế là Kinh Điển sâu xa của Chư Phật không sinh kính tín, ưa thích.
Lại nữa, này Ca Diếp! Những lời ông hỏi ta, vì A Nan giảng nói, hễ có hữu thì có khổ vui, không có hữu thì không có khổ vui. Bây giờ ông hãy lắng nghe.
Này Ca Diếp! Như Lai chẳng phải hữu, chẳng phải chúng sinh, cũng chẳng hoại diệt.
Ca Diếp bạch Phật: Sao gọi là Thế Tôn?
Phật bảo Ca Diếp: Như dưới núi Tuyết có phát ra ánh sáng thanh tịnh, tánh quý báu của ngọc Ma ni. Có người khéo biết tướng quý báu của ngọc Ma ni thì thấy tướng là biết ngay, liền lấy mang đi. Như cách luyện vàng, loại bỏ cặn dơ, bỏ chất bẩn được trong sạch, hễ để ở bất cứ chỗ nào, gốc bẩn cũng chẳng nhiễm ô.
Vì sao?
Ví như sĩ phu cầm đèn mà đi, hễ đến chỗ nào, thì bóng tối đều xua tan, ánh đèn sáng tỏ. Ngọc báu Ma Ni kia cũng giống như vậy. Như luyện vàng ròng thì chất nhơ bẩn chẳng làm nhiễm ô được, trăng sao chiếu soi thì mưa nước sạch. Ánh sáng mặt Trời chiếu soi liền sinh ra lửa.
Cũng giống như vậy, này Ca Diếp! Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng, Chánh Giác xuất hiện ở đời, lìa hẳn tất cả sinh, già, bệnh, chết, phiền não tạp cấu, tất cả đều tiêu diệt, thường chiếu sáng rực rỡ như hạt châu sáng kia. Tất cả chẳng nhiễm ô như hoa sen trong sạch chẳng dính nước.
Lại nữa, này Ca Diếp! Thời của Như Lai như vậy, như vậy. Loại hình của Như Lai như vậy, như vậy.
Như Lai sẽ xuất hiện ở thế gian, hễ Ngài ứng hiện nơi nào thì thị hiện phàm thân, chẳng bị các thứ phàm phẩm thế gian của nơi sống kia làm nhiễm ô cấu bẩn, cũng lại chẳng thọ khổ vui của thế gian. Vui ấy là công đức năm thứ dục lạc của người, Trời, đó chính là khổ. Chỉ có giải thoát mới là rốt ráo thường vui.
Ca Diếp bạch Phật: Lành thay, lành thay! Bạch Thế Tôn! Con tự suy nghĩ, nay mới xuất gia, thọ giới Cụ Túc, được làm Tỳ Kheo, thành A La Hán. Đối với Đức Như Lai con biết ân và báo đền ân đức, vì ngày trước Như Lai đã chia cho con nửa chỗ ngồi, hôm nay lại còn ở trước bốn đại chúng, rót nước pháp đại thừa vào đỉnh đầu của con.
Lúc bấy giờ, trong chúng có người giữ sắc tượng nghi thức của Tỳ Kheo, hoặc có người giữ sắc tượng nghi thức của Ưu Bà Tắc, hoặc có người giữ sắc tượng nghi thức chẳng phải Ưu Bà Tắc đổ nghiêng, cúi ngửa, tất cả đều là việc làm của ma.
Lúc ấy, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Nay đại chúng này đã dứt bỏ phiền não, vững chắc chân thật, như một rừng Chiên đàn ở trong chúng như thế người kia an trụ ra sao?
Đức Phật bảo A Nan hỏi Tôn Giả Đại Ca Diếp.
A Nan thưa: Lành thay, vâng con sẽ hỏi!
Rồi liền hỏi Tôn Giả Ca Diếp: Ở trong chúng đây, người kia an trụ ra sao?
Ca Diếp đáp: Những người ngu si kia là quyến thuộc của ma, đã cùng với ma đến đây.
Cho nên này A Nan! Trước đây tôi đã nói rằng không có khả năng sau khi Như Lai diệt độ, dùng phương tiện khéo léo để giữ gìn chánh pháp, như khéo giữ ruộng vườn, cho nên trước tôi đã nói rằng thà gánh vác quả đất… nói rộng như trên.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn liền bảo tôi là sau khi Ngài diệt độ tôi phải chịu đựng giữ gìn chánh pháp cho đến khi chánh pháp diệt tận. Bấy giờ, tôi bạch Phật rằng mình có khả năng đảm nhận giữ gìn chánh pháp trong bốn mươi năm thì Đức Phật trách là sao tôi lười biếng không thể giữ gìn chánh pháp cho đến khi chánh pháp diệt tận.
Đức Phật bảo Ca Diếp: Ông hãy đi tìm ma, nếu tìm được thì có khả năng giữ gìn chánh pháp.
Ca Diếp liền dùng mắt Trời quan sát mà chẳng thấy.
Đức Phật bảo: Như ở nước Xá Vệ có một dã nhân, con nó lạc mất trong đám đông người, tìm con chẳng được, nó mệt mỏi quay về.
Này Ca Diếp! Dùng mắt Trời, ở trong đại chúng tìm ma chẳng được cũng giống như vậy.
Ngài Ca Diếp lien bạch Phật: Con chẳng đủ sức tìm ác ma. Cũng như vậy, tám mươi vị đại Thanh Văn đều nói rằng không có khả năng.
Đức Phật lại bảo năm trăm vị Bồ Tát như Tôn Giả Hiền Hộ… trừ một vị Bồ Tát tên là Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến, tìm kiếm ác ma cũng chẳng tìm được.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Ca Diếp: Ông không có khả năng khi chánh pháp sắp diệt tận giữ gìn chánh pháp trong hơn tám mươi năm. Các Bồ Tát ở phương Nam sẽ giữ gìn được, ông phải ở trong chúng năm trăm vị Bồ Tát như Hiền Hộ… làm người đi tìm cuối cùng.
Ca Diếp đáp: Lành thay, con sẽ tìm!
Rồi tìm được Đồng Tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến Ly xa nên bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đồng Tử Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến Ly xa chính là người ấy.
Phật bảo Ca Diếp: Ông hãy đến khuyến khích nhờ Đồng Tử ấy tìm kiếm ác ma.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Sáu - Phẩm Vương Tương ưng - Kinh Tứ Châu
Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Sáu - Từ
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Tám - Phẩm Vô Sở đắc - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vật Gì
Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Ba - Thiên Uẩn - Chương Năm - Tương ưng Sanh - Phần Bốn - Xúc
Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Mười Chín