Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Công đức Thâm Sâu - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH

TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM MƯỜI BẢY

PHẨM CÔNG ĐỨC THÂM SÂU  

TẬP HAI  

Bạch Đức Thế Tôn! Tâm trước của Bồ Tát gần vô thượng bồ đề, tâm sau của Bồ Tát cũng gần vô thượng bồ đề.

Bạch Đức Thế Tôn! Tâm trước tâm sau mỗi mỗi không đồng nhau, tâm sau tâm trước cũng không đồng nhau.

Bạch Đức Thế Tôn, nếu tâm trước tâm sau không đồng nhau thì tại sao các thiện căn của Bồ Tát được tăng trưởng?

Tu Bồ Đề! Như khi thắp đèn, ánh sáng ban đầu nhờ vào tim đèn, ánh sáng sau cũng nhờ vào tim đèn, ý ông nghĩ thế nào về việc ấy?

Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng phải ban đầu thắp đèn mà không xa lìa tim đèn, cũng chẳng phải lúc sau thắp đèn mà không xa lìa tim đèn.

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào, tim đèn đó có cháy không?

Bạch Đức Thế Tôn! Đúng là nhờ tim đèn mới cháy được.

Tu Bồ Đề! Bồ Tát cũng vậy, chẳng phải nhờ tâm ban đầu đắc vô thượng bồ đề mà xa lìa tâm ban đầu, chẳng phải tâm sau đắc vô thượng bồ đề mà xa lìa tâm sau.

Bạch Đức Thế Tôn! Nhờ pháp nhân duyên thâm sâu ấy, chẳng phải tâm ban đầu của Bồ Tát đắc vô thượng bồ đề mà không xa lìa tâm ban đầu, chẳng phải tâm sau của Bồ Tát đắc vô thượng bồ đề mà không xa lìa tâm sau.

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào, nếu tâm đã diệt rồi thì tâm ấy mới sinh phải không?

Bạch Đức Thế Tôn, không phải vậy!

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào, nếu tâm sinh là tướng diệt phải không?

Bạch Đức Thế Tôn, là tướng diệt!

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào, nếu là tướng diệt thì pháp sẽ diệt chăng?

Bạch Đức Thế Tôn, không phải vậy!

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào, trụ trong như cũng là như trụ phải không?

Bạch Đức Thế Tôn! Trụ trong như cũng là như tru.

Tu Bồ Đề! Trụ trong như cũng là như trụ thì đó tức là thường chăng?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào, như đó có thậm thâm không?

Bạch Đức Thế Tôn! Như đó thật thậm thâm.

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào, như đó tức là tâm chăng?

Không phải, bạch Đức Thế Tôn!

Tu Bồ Đề! Xa lìa như tức xa lìa tâm phải không?

Không phải, bạch Đức Thế Tôn!

Tu Bồ Đề! Ông có thấy như ấy không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào, người nào hành như vậy là hành thậm thâm phải không?

Bạch Đức Thế Tôn! Người nào hành như vậy là không có việc gì để hành.

Vì sao?

Vì người đó không hành tất cả các hành.

Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật thì hành ở chỗ nào?

Bạch Đức Thế Tôn! Hành trong đệ nhất nghĩa.

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Bồ Tát hành đệ nhất nghĩa là hành nhân tướng chăng?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào, Bồ Tát đó có hủy hoại các tướng không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Tu Bồ Đề! Thế nào gọi là Bồ Tát hủy hoại các tướng?

Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát không học như vậy và nghĩ mình hành Bồ Tát đạo nên đối với thân này phải đoạn các tướng, nếu đoạn các tướng thì chưa đủ Phật đạo, sẽ làm Thanh Văn, bạch Thế Tôn, nhưng nhờ lực đại phương tiện nên Bồ Tát biết lỗi các tướng nhưng không chấp vô tướng.

Khi ấy Xá Lợi Phất nói với Tu Bồ Đề: Thưa Hiền Giả! Nếu trong mộng Bồ Tát tu ba pháp môn giải thoát: Không, vô tướng, vô tác thì có tăng thêm bát nhã Ba la mật không?

Nếu ban ngày được tăng thêm thì trong mộng cũng phải tăng thêm chứ?

Vì sao?

Vì Đức Phật nói ngày đêm, trong mộng không khác nhau.

Thưa Tôn Giả! Nếu Bồ Tát tu bát nhã Ba la mật tức là có bát nhã Ba la mật, cho nên trong mộng cũng phải tăng thêm bát nhã Ba la mật.

Xá Lợi Phất! Người nào tạo nghiệp trong mộng, nghiệp đó có quả báo không?

Đức Phật nói tất cả pháp đều như mộng, không có quả báo, nhưng khi tỉnh dậy phân biệt nên có quả báo.

Xá Lợi Phất, người nào sát sinh trong mộng và khi thức dậy biết rõ mình thích sát sinh thì nghiệp đó thế nào?

Tu Bồ Đề! Không có duyên thì không có nghiệp, không có duyên thì tư duy không sinh.

Như thế, này Tu Bồ Đề! Không có đủ duyên thì không có nghiệp, không có đủ duyên thì tư duy không sinh, nếu tâm hành theo trong các pháp thấy, nghe, hiểu, biết thì có tâm nhận cấu bẩn, có tâm nhận tịnh.

Cho nên, này Xá Lợi Phất! Có nhân duyên tạo nghiệp chứ chẳng phải không có, có nhân duyên sinh tư duy chứ chẳng phải không có.

Xá Lợi Phất hỏi Tu Bồ Đề: Nếu Bồ Tát bố thí trong mộng, hồi hướng lên ngôi vô thượng bồ đề, việc bố thí đó có được gọi là hồi hướng không?

Xá Lợi Phất! Bồ Tát Di Lặc đã được Đức Phật thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, nay đang ngự tại tòa, Hiền Giả có thể đến hỏi Bồ Tát sẽ giải đáp việc này.

Xá Lợi Phất liền đến hỏi Bồ Tát Di Lặc.

Bồ Tát Di Lặc nói với Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất! Nay ta lấy danh tự Di Lặc để trả lời, hoặc giả lấy sắc để trả lời chăng?

Lấy thọ, tưởng, hành, thức để trả lời chăng?

Hoặc giả lấy sắc trống không để trả lời chăng?

Lấy thọ, tưởng, hành, thức trống không để trả lời chăng?

Sắc trống không ấy không thể giải đáp. Thọ, tưởng, hành, thức trống không ấy không thể giải đáp.

Này Xá Lợi Phất! Ta đều chẳng thấy pháp ấy có thể có chỗ trả lời, cũng chẳng thấy người đáp, việc đã đáp, người dùng pháp để đáp và pháp có thể đáp, ta cũng không thấy các pháp đó được thọ ký vô thượng bồ đề.

Xá Lợi Phất nói với Bồ Tát Di Lặc: Thưa Bồ Tát! Theo lời thuyết pháp của Ngài, có thể chứng được pháp đó không?

Di Lặc nói: Tôi không chứng đắc theo sự thuyết pháp ấy.

Xá Lợi Phất nghĩ: Bồ Tát Di Lặc có trí tuệ thậm thâm, hành bát nhã Ba la mật suốt cả ngày đêm.

Lúc bấy giờ, Đức Phật biết tâm niệm của Xá Lợi Phất, Ngài nói với Xá Lợi Phất: Ý ông thế nào, ông thấy pháp đó chăng và có thể nương vào pháp đó để đắc A La Hán được chứ?

Xá Lợi Phất đáp: Bạch Đức Thế Tôn, không!

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát cũng vậy, có phương tiện hành bát nhã Ba la mật nên không nghĩ pháp đó được thọ ký vô thượng bồ đề, đã được thọ ký, đang được thọ ký, sẽ được thọ ký. Bồ Tát nào hành như vậy tức là hành bát nhã Ba la mật, không còn sợ không được đắc vô thượng bồ đề. Ta luôn tinh tấn thực hành như vậy nên chắc chắn sẽ đắc vô thượng bồ đề.

Xá Lợi Phất! Bồ Tát phải nên thường không lo sợ, cho dù ở trong ác thú cũng không lo sợ.

Vì sao?

Vì Bồ Tát nên nghĩ nếu mình bị ác thú ăn thịt thì mình sẽ bố thí, nguyện thực hành đầy đủ bố thí Ba la mật sẽ được gần vô thượng bồ đề. Ta tinh tấn thực hành như vậy nên khi đắc vô thượng bồ đề trong thế giới ấy không có.

Bồ Tát ở trong oán tặc không sợ sệt.

Vì sao?

Vì pháp của Bồ Tát là không tiếc thân mạng và nghĩ nếu thân mạng ta bị cướp đoạt thì không sinh sân giận, nguyện thực hành đầy đủ nhẫn nhục Ba la mật để được gần vô thượng bồ đề. Ta tinh tấn thực hành như vậy nên khi đắc vô thượng bồ đề trong thế giới ấy không có giặc oán thù và các sự cướp bóc tàn ác.

Bồ Tát ở chỗ không có nước, không lo sợ và nghĩ mình phải nên thuyết pháp để trừ sự khát cho tất cả chúng sinh, nếu có người chết vì khát thì ta nghĩ chúng sinh đó không có phước đức nên ở chỗ không có nước. Ta tinh tấn thực hành như vậy nên khi đắc vô thượng bồ đề trong Thế Giới ấy, dù ở chỗ không có nước, ta cũng khiến cho chúng sinh tinh tấn tu các phước đức, tự nhiên trong Thế Giới xuất hiện dòng nước có tám công đức.

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Bồ Tát ở chỗ đói khát không lo sợ và nghĩ ta nên tinh tấn thực hành như vậy để khi đắc vô thượng bồ đề thì trong thế giới ấy không có nạn đói khát, được đầy đủ khoái lạc như ý. Giống như trên Cõi Trời Đao Lợi các vị Trời suy nghĩ điều gì thì sẽ được toại nguyện. Bồ Tát gặp những việc như vậy mà không lo sợ, nên biết Bồ Tát đó có thể đắc vô thượng bồ đề.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát ở chỗ bệnh tật không nên lo sợ.

Vì sao?

Vì trong đó không có pháp bệnh tật và nghĩ ta nên tinh tấn thực hành như vậy để khi đắc vô thượng bồ đề thì tất cả chúng sinh trong thế giới ấy không có ba thứ bệnh, vì thế ta nên tinh tấn thực hành theo hành sự của Chư Phật.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Bồ Tát nghĩ về vô thượng bồ đề rất lâu mới có thể đắc không nên lo sợ.

Vì sao?

Vì thế giới từ trước đến nay như chỉ trong một tâm niệm, không nên sinh ý tưởng lâu xa, không nên nghĩ đời trước là lâu xa, đời trước tuy là lâu xa, nhưng vẫn cùng một niệm tương ứng. Vậy Xá Lợi Phất, Bồ Tát nghĩ lâu dài về vô thượng bồ đề và có thể đắc được mà không lo sợ thoái lui.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần