Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Ba Mươi Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH

KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI

VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU

CHỨNG LIỄU NGHĨA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường  

PHẦN BA MƯƠI HAI  

Này Khánh Hỷ! Những ai biết chỗ của hư vọng khởi sanh thì sẽ nói rằng nhân duyên của nó đến từ đâu. Những ai biết rằng hư vọng bổn không thì sẽ nói rằng nhân duyên của nó vốn không chỗ có. Huống chi là những người chẳng hề biết gì về nhân duyên và cho rằng các pháp là tự nhiên sanh ra. Cho nên Như Lai đã giải thích cho ông, rằng bổn nhân của năm uẩn đều là từ vọng tưởng.

Thân thể của ông sanh ra là nhân bởi nghĩ tưởng của cha mẹ ông, nhưng nếu tâm ông chẳng nghĩ tưởng thì ông sẽ không thể nào sanh đến. Thông qua nghĩ tưởng mà mạng sống tiếp nối. Như ta đã nói ở trước, khi tâm nghĩ về vị chua thì liền chảy nước miếng và khi tâm nghĩ đến đang bước trên bờ vực thẳm thì lòng bàn chân bỗng dưng đau nhức. Sự thật thì dưới lòng bàn chân chẳng có bờ vực thẳm và trong miệng cũng chẳng có vị chua.

Nếu không có sự liên hệ giữa thân thể của ông và vọng tưởng, thì nhân bởi gì mà làm cho miệng chảy nước miếng khi nhắc đến vị chua đây?

Bởi vậy phải biết rằng, sắc thân hiện tại của ông là một thí dụ của vật rắn chắc hư vọng. Đây là loại vọng tưởng thứ nhất.

Như đã nói ở trước, khi tâm nghĩ tưởng đang bước trên bờ vực thẳm thì lòng bàn chân của ông bỗng dưng đau nhức. Tương tự như thế, cảm thọ sanh bởi hư vọng cũng có thể tác động đến sắc thân của ông. Như hiện tại bây giờ, ông đang trải nghiệm cái gì là vừa ý với lợi ích và cái gì là nghịch ý với tổn hại. Hai loại trải nghiệm này đang tiếp nối truy đuổi, là một thí dụ của cảm thọ hư ảo. Đây là loại vọng tưởng thứ nhì.

Do đó niệm suy nghĩ khống chế sắc thân của ông.

Giả sử chẳng có sự liên hệ giữa thân thể của ông và ý niệm, thì nhân bởi gì mà làm cho sắc thân của ông tùy niệm sai sử đây?

Muôn cảnh tượng nắm lấy của thân là do sự nghĩ tưởng khởi sanh ở trong tâm và bởi thân tương ứng theo niệm. Do đó tâm ông nghĩ tưởng khi tỉnh giấc và ông nằm mơ khi đi ngủ. Tưởng niệm của ông dao động để tạo ra sự hiểu biết hư vọng, là tính năng hợp tác giữa thân và tâm. Đây là loại vọng tưởng thứ ba.

Kế đến có những sự biến hóa tuần tự chẳng ngừng nghỉ ở trong cơ thể. Chúng xoay vần với biến đổi vi tế, như là móng tay và tóc mọc dài, khí lực tiêu hao, và nếp nhăn trên khuôn mặt. Chúng tiếp nối thay đổi lẫn nhau suốt ngày lẫn đêm, nhưng ông thì hoàn toàn chẳng nhận ra chúng.

Này Khánh Hỷ! Nếu những sự biến hóa tuần tự này không phải là một phần của ông, thế thì tại sao thân thể của ông lại đổi dời?

Còn nếu đích thật chúng là một phần của ông, vậy thì làm sao ông lại chẳng cảm nhận chúng?

Các hành của ông niệm niệm chẳng ngừng và chúng ẩn khuất sâu kín trong tâm. Đây là loại vọng tưởng thứ tư.

Lại nữa, nếu đạt đến cảnh giới thường hằng và trạm nhiên bất động của tinh nguyên minh liễu, ông sẽ không còn trải nghiệm thị giác, thính giác, và những giác quan khác. Nếu tâm của ông thật sự đạt đến cảnh giới của tinh nguyên chân thật, nó sẽ chẳng còn dung thọ tập khí hư vọng.

Thế thì tại sao khi ông thấy qua cảnh tượng kỳ lạ nào đó ở quá khứ, rồi trải qua nhiều năm, ký ức nhớ và quên của việc đó đều xao lãng, nhưng về sau, khi hốt nhiên nhìn thấy cảnh tượng kỳ lạ tương tự như trước kia, ông lại nhớ rõ ràng như nó chưa từng bị xao lãng?

Tâm tinh nguyên minh liễu mà ông tính toán và cho rằng nó là trạm nhiên bất động, thật sự thì nó dung thọ và huân tập trong niệm niệm.

Này Khánh Hỷ! Nên biết rằng, tâm trạm nhiên đó không phải là chân tâm. Nhìn lướt qua thì có vẻ như rất tĩnh lặng, nhưng thật sự thì nó giống như dòng chảy xiết. Tuy ông nhìn chẳng thấy, nhưng nó đích thật tựa như một dòng chảy xiết.

Nếu ở trong thức uẩn của ông chẳng có căn nguyên của vọng tưởng, thì làm sao mà nó có thể dung thọ vọng tưởng tích tập đây?

Trừ phi sáu căn của ông hợp nhất và có thể thay thế hoạt động lẫn nhau, bằng không ông sẽ chẳng bao giờ diệt được vọng tưởng của mình. Đó là vì sao hiện tại, tâm trạm nhiên ấy của ông vẫn còn siết buộc với tập khí vi tế của thị giác, thính giác, và cho đến tri giác. Cũng như thế, những ảnh tượng giả tạo này nằm ở trong trạm nhiên minh liễu của thức uẩn thì dường như tồn tại nhưng lại chẳng tồn tại. Đây là loại điên đảo thứ năm về vọng tưởng vô cùng vi tế.

Này Khánh Hỷ! Năm uẩn được hình thành là do năm loại vọng tưởng đó.

Ông nay lại muốn biết ranh giới sâu cạn của mỗi uẩn. Sắc và không là biên tế của sắc. Chạm và rời là biên tế của thọ. Nhớ và quên là biên tế của tưởng. Diệt và sanh là biên tế của hành. Vào trạng thái trạm nhiên và hợp chung với trạm nhiên đó là biên giới của thức.

Năm uẩn này sanh khởi theo thứ lớp ở bổn nguyên của chúng. Sanh ra là nhân bởi thức mà có và diệt mất là bắt đầu với sự tiêu trừ của sắc. Ông có thể sẽ tỏ ngộ nghĩa lý tức khắc và nương giác ngộ mà có thể sẽ cho rằng năm uẩn đồng thời tiêu tan. Nhưng sự thật thì chúng không đồng thời diệt trừ mà chúng phải chấm dứt theo thứ tự.

Ta đã chỉ cho ông về điều này qua thí dụ tháo gút ở chiếc khăn choàng bông gòn. Tại sao ông vẫn không hiểu và lại hỏi ta về việc đó. Ông nên thấu hiểu thông suốt căn nguyên của vọng tưởng, rồi hãy truyền dạy cho những vị tu hành tương lai ở vào thời mạt pháp. Hãy làm cho họ nhận thức được hư vọng là do tự mình sanh ra để rồi có thể hết sức nhàm chán nó. Hãy làm cho họ biết có tịch diệt và không lưu luyến ba cõi.

Này Khánh Hỷ! Giả sử có người mang bảy báu tràn đầy hư không khắp mười phương để dâng lên Chư Phật nhiều như số vi trần với tâm thừa sự cúng dường trong niệm niệm.

Ý ông nghĩ sao?

Với nhân duyên cúng dường Chư Phật như thế, người ấy có được phước nhiều chăng?

Ngài Khánh Hỷ thưa rằng: Hư không là vô tận nên số lượng của trân bảo cũng vô biên. Thuở xưa có chúng sanh chỉ cúng dường bảy đồng tiền cho Đức Phật. Sau khi xả báo thân mà họ còn được ngôi vị của Vua Chuyển Luân.

Hà huống là phước đức của người cúng dường Chư Phật với số lượng trân bảo tràn đầy những Cõi Phật trải rộng đến tận cùng hư không. Dù có ai tính đếm trong muôn kiếp thì cũng không thể hết.

Phước đức ấy làm sao mà có giới hạn chứ?

Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Chư Phật Như Lai không bao giờ nói lời hư vọng. Giả sử có người vi phạm trọn bốn giới nghiêm trọng và mười giới ngăn cấm, trong nháy mắt thì liền đọa địa ngục Vô gián ở Thế Giới này, rồi trải qua ở các Thế Giới khác, và cho đến phải trải qua hết những địa ngục Vô giáN tại các Thế Giới tận cùng ở mười phương.

Tuy nhiên, nếu trong một niệm mà lưu truyền pháp môn này và khai thị cho những ai chưa học qua, thì tội chướng của người ấy liền ứng theo niệm mà tiêu diệt. Tất cả địa ngục mà họ phải trải qua thống khổ sẽ trở thành cõi nước an lạc.

Họ sẽ được phước đức và siêu việt người cúng dường ở trước gấp hơn trăm lần, ngàn lần, vạn lần, ức lần và như vậy cho đến toán số thí dụ thì cũng không thể tính xuể.

Này Khánh Hỷ! Nếu những chúng sanh nào mà có thể tụng Kinh hoặc có thể trì chú này, cho dù ta rộng nói công đức của họ suốt muôn kiếp thì cũng không hết. Những ai nương vào lời dạy của ta và như pháp hành đạo, họ sẽ thẳng đến giác ngộ và không còn gặp ma nghiệp.

Lúc Phật Thuyết Kinh này xong, các vị Bhikṣu, Bhikṣuṇī, thanh tín nam, thanh tín nữ, hàng Trời người cùng phi thiên trong hết thảy thế gian, cũng như chư Bồ Tát và những vị ở Nhị Thừa từ phương khác, cùng với chư Thánh Hiền, Tiên Nhân, đồng tử, và đại lực quỷ thần đã sơ phát khởi đạo tâm, đều rất vui mừng, rồi đảnh lễ Phật và cáo lui.

Kinh Đại Phật Đảnh Cứu Cánh Kiên Cố và Mật Nhân của Như Lai về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HOT

Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười - Mười Pháp - Phẩm Mười Ba - Phẩm Thanh Tịnh - Phần Một - Các Pháp Thanh Tịnh

Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Hai - Pháp Hội Vô Biên Trang Nghiêm - Phẩm Thứ Nhất - Vô Thượng đà La Ni - Phần Một

Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Một - Thiên Có Kệ - Chương Bảy - Tương ưng Bà La Môn - Phẩm Một - Phẩm A La Hán - Phần Hai - Phỉ Báng

Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Bất động Lợi ích - Phần Bốn - Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Xứ

Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Hai - Phẩm Phạm Chí - Kinh A Già La Ha Na

Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Ba - Thiên Uẩn - Chương Một - Tương ưng Uẩn - Năm Mươi Kinh ở Giữa - Phẩm A La Hán - Phần Ba - Hoan Hỷ

Phật Thuyết Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế âm Bồ Tát Quảng đại Viên Mãn Vô Ngại đại Bi Tâm đà La Ni - Phần Ba

Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Bốn - Pháp Hội Bảo Lương Tụ - Phẩm Thứ Bốn - Phẩm Doanh Sự Tỳ Kheo

Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Sáu - Thiên Cung Sự - Phẩm Bốn - Phẩm đỏ Sẫm - Phần Mười Hai - Lâu ðài Của Rajjumàlà Rajjumàlà Vimàna

Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Ly Thế Gian - Phần Hai Mươi