Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Mười Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH

KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI

VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU

CHỨNG LIỄU NGHĨA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường  

PHẦN MƯỜI BA  

Này Khánh Hỷ! Ông nay muốn đi ngược dòng ái dục đã dẫn đến sanh tử. Ông muốn đi ngược dòng chảy qua các căn để đến nơi tận cùng không sanh không diệt. Thế thì ông phải suy nghiệm sáu căn hoạt động như thế nào.

Những căn nào hoạt động khi tiếp xúc với trần cảnh của chúng và những căn nào hoạt động khi tách rời trần cảnh của chúng. Những căn nào dễ tu tập và những căn nào khó tu tập. Những căn nào có thể đạt đến viên thông và những căn nào chẳng viên mãn.

Nếu ông tỏ ngộ những căn nào có thể đạt đến viên thông, thì ông sẽ có thể đi ngược dòng nghiệp hư vọng đã siết buộc từ vô thỉ. Một ngày tu hành nương theo căn viên thông, tức sẽ bằng một kiếp tu hành nương theo căn chẳng viên thông.

Ta nay đã giải thích rõ ràng về công đức vốn có của sáu căn viên minh trạm nhiên, và số lượng của chúng như thế. Bây giờ chỉ tùy ông tuyển lựa kỹ càng là căn nào để có thể vào. Ta sẽ làm rõ việc này để giúp ông tiến bước dũng mãnh.

Chư Như Lai trong mười phương đều chọn một trong mười tám giới để tu hành và thảy đắc đạo vô thượng viên mãn. Đối với các Ngài, không một cái nào ở trong mười tám giới là ưu việt hay hạ liệt. Nhưng do ông đang ở bậc thấp kém và vẫn chưa có thể viên mãn tự tại ở trong đó, nên ta mới tuyên nói để giúp ông chọn một căn duy nhất và xem nó như một cánh cửa để vào sâu tu hành. Nếu ông vào sâu tu hành và chẳng còn hư vọng ở trong một căn, thì các căn còn lại sẽ đồng thời thanh tịnh.

Ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Làm sao con có thể vào sâu tu hành ở trong một căn để ngược dòng sanh tử và khiến sáu căn đồng thời thanh tịnh?

Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Nay ông đắc Quả Nhập Lưu và đã đoạn diệt cái thấy si hoặc của chúng sanh thế gian ở trong ba cõi. Nhưng ông vẫn còn chưa biết tập khí hư vọng từ vô thỉ đã sanh ra và tích chứa ở trong căn. Ông sẽ tu hành không chỉ trừ các tập khí này, mà cũng phải đoạn vô số tập khí vi tế của chúng khi trải qua sanh trụ dị diệt.

Bây giờ ông hãy quán sát sáu căn hiện tiền là một hay sáu.

Này Khánh Hỷ! Nếu bảo là một thì tại sao tai không thể thấy và mắt chẳng thể nghe?

Tại sao đầu chẳng thể đi và chân không thể nói?

Nếu sáu căn này nhất định là sáu, thì như bây giờ ta đang tuyên dương pháp môn vi diệu ở giữa chúng hội, căn nào ở trong sáu căn của ông đến lãnh thọ?

Ngài Khánh Hỷ thưa rằng: Dạ thưa, con dùng tai để nghe.

Đức Phật bảo: Nếu tai của ông tự có thể nghe thì nó liên quan gì đến thân và miệng của ông chứ?

Thế nhưng, ông dùng miệng để hỏi nghĩa lý và ông dùng thân để bày tỏ khâm tuân phụng thừa. Cho nên phải biết rằng, nếu chúng không phải là một thì là sáu. Và nếu chúng không phải là sáu thì phải là một. Nhưng cũng không thể nói rằng chúng vốn là một mà cũng là sáu.

Này Khánh Hỷ! Phải biết rằng, các căn này chẳng phải một hay sáu. Do ông điên đảo luân phiên từ vô thỉ cho đến nay, nên mới sanh ra ý tưởng một và sáu ở trong viên minh trạm nhiên. Tuy ông đã tiêu trừ được sáu ở Quả Nhập Lưu, nhưng vẫn còn chưa tan mất được một.

Ví như có người muốn chứa một ít hư không ở trong những thùng đựng. Do những thùng đựng có hình dáng khác nhau nên hư không ở trong đó cũng có hình dáng sai khác. Nếu bỏ đi thùng đựng rồi nhìn hư không ở trong nó, ông sẽ bảo rằng hư không là một.

Thế nhưng làm sao hư không bao la kia trở nên hợp nhất hoặc phân ly là do bởi ông chứ?

Hà huống còn gọi hư không là một hay chẳng phải một. Cho nên ông phải hiểu rõ rằng, sáu căn thọ dụng thì cũng lại như vậy.

Do bởi hai loại sáng với tối cùng hiện ra ở trong diệu giác viên minh trạm nhiên và chúng vướng vào đó nên phát khởi tánh thấy tinh nguyên. Tiếp đến tánh thấy tinh nguyên hiển lộ hình sắc, rồi kết giao với hình sắc mà thành căn mắt. Căn mắt tinh nguyên được làm từ bốn đại thanh tịnh. Do vậy mà nó gọi là thể của mắt. Con mắt có hình dáng như trái nho và được làm từ bốn đại thô nhiễm. Căn mắt chạy loạn ra ngoài để tìm hình sắc.

Do bởi hai loại động với tĩnh cùng xung đột lẫn nhau ở trong diệu giác viên minh trạm nhiên và chúng vướng vào đó nên phát khởi tánh nghe tinh nguyên. Tiếp đến tánh nghe tinh nguyên hiển lộ âm thanh, rồi cuốn hút với âm thanh mà thành căn tai. Căn tai tinh nguyên được làm từ bốn đại thanh tịnh. Do vậy mà nó gọi là thể của tai. Lỗ tai có hình dáng như chiếc lá tươi cuộn lại và được làm từ bốn đại thô nhiễm. Căn tai chạy loạn ra ngoài để tìm âm thanh.

Do bởi hai loại khai thông với bế tắc cùng phát khởi ở trong diệu giác viên minh trạm nhiên và chúng vướng vào đó nên phát khởi tánh ngửi tinh nguyên. Tiếp đến tánh ngửi tinh nguyên hiển lộ mùi hương, rồi thu nạp mùi hương mà thành căn mũi. Căn mũi tinh nguyên được làm từ bốn đại thanh tịnh. Do vậy mà nó gọi là thể của mũi. Lỗ mũi có hình dáng như đôi móng rũ xuống và được làm từ bốn đại thô nhiễm. Căn mũi chạy loạn ra ngoài để tìm mùi hương.

Do bởi hai loại có vị với vô vị cùng tham dự ở trong diệu giác viên minh trạm nhiên và chúng vướng vào đó nên phát khởi tánh nếm tinh nguyên. Tiếp đến tánh nếm tinh nguyên hiển lộ vị nếm, rồi siết quấn vị nếm mà thành căn lưỡi. Căn lưỡi tinh nguyên được làm từ bốn đại thanh tịnh. Do vậy mà nó gọi là thể của lưỡi. Cái lưỡi có hình dáng như trăng lưỡi liềm và được làm từ bốn đại thô nhiễm. Căn lưỡi chạy loạn ra ngoài để tìm vị nếm.

Do bởi hai loại kết hợp với phân ly cùng ma xát ở trong diệu giác viên minh trạm nhiên và chúng vướng vào đó nên phát khởi tánh xúc tinh nguyên. Tiếp đến tánh xúc tinh nguyên hiển lộ xúc chạm, rồi bắt lấy xúc chạm mà thành căn thân.

Căn thân tinh nguyên được làm từ bốn đại thanh tịnh. Do vậy mà nó gọi là thể của thân. Thân thể có hình dáng như cái trống thắt hẹp ở giữa và được làm từ bốn đại thô nhiễm. Căn thân chạy loạn ra ngoài để tìm xúc chạm.

Do bởi hai loại sanh với diệt cùng tương tục ở trong diệu giác viên minh trạm nhiên và chúng vướng vào đó nên phát khởi tánh tri tinh nguyên. Tiếp đến tánh tri tinh nguyên hiển lộ pháp trần, rồi nhìn ngắm pháp trần mà thành căn ý. Căn ý tinh nguyên được làm từ bốn đại thanh tịnh. Do vậy mà nó gọi là ý tư. Căn ý được ví như sự nhìn thấy bốn đại thô nhiễm ở trong căn phòng tối. Căn ý chạy loạn ra ngoài để tìm pháp trần.

Này Khánh Hỷ! Khi sự hiểu biết được thêm vào bổn giác minh liễu, sáu căn như thế sanh ra từ đó. Kết quả là minh liễu tinh nguyên bị đánh mất và các căn vướng mắc hư vọng mà phát triển những chức năng. Cho nên nếu ông bây giờ lìa khỏi sáng và tối thì sẽ không có thể chất của thấy. Lìa khỏi động và tĩnh thì vốn chẳng có thể chất của nghe.

Không có khai thông và bế tắc thì tánh ngửi chẳng sanh. Không có vị và vô vị thì cảm giác nếm vị sẽ chẳng có chỗ để sanh ra. Chẳng có kết hợp và phân ly thì cảm giác xúc chạm vốn không. Chẳng có sanh và diệt thì tri giác sẽ an nghỉ.

Ông chỉ cần không hướng theo mười hai tướng hữu vi, gồm có sáng với tối, động với tĩnh, khai thông với bế tắc, có vị với vô vị, kết hợp với phân ly, và sanh với diệt. Kế đến tập trung vào một căn và kéo nó ra khỏi trần cảnh, rồi chuyển dẫn căn đó hướng vào trong.

Như vậy nó sẽ có thể quay về chân nguyên và phát huy ánh sáng rực rỡ của bổn giác. Ánh sáng rực rỡ này sẽ chiếu soi năm căn còn lại cho đến khi chúng hoàn toàn giải thoát. Một khi sáu căn thoát khỏi trần cảnh mà chúng hấp thu, sự hiểu biết sẽ không theo các căn. Do đó sự hiểu biết sẽ phát huy ở tất cả sáu căn và chúng sẽ hỗ tương hoạt động.

Này Khánh Hỷ! Ông há chẳng biết nay ở trong chúng hội, Bhikṣu Vô Diệt tuy bị mù nhưng vẫn có thể thấy. Hiền Hỷ Long Vương tuy bị điếc nhưng vẫn có thể nghe. Thần nữ của sông Hằng chẳng có mũi nhưng vẫn có thể ngửi mùi. Lưỡi của Bhikṣu Ngưu Tướng bị dị tật nhưng vẫn có thể biết vị. Thần hư không tuy chẳng có thân nhưng vẫn cảm giác xúc chạm và tạm hiện ra ở trong ánh hào quang của Như Lai.

Tuy nhiên, thể của ông ta vốn rỗng không và vô hình như gió. Các vị Thanh Văn chứng đắc diệt tận định, như là Bhikṣu Đại Ẩm Quang ở trong Pháp hội này, từ lâu đã diệt căn ý nhưng vẫn viên minh liễu tri mà chẳng nhờ tâm niệm.

Này Khánh Hỷ! Giả sử bây giờ tất cả căn của ông đã nhổ ra khỏi trần cảnh, một ánh sáng trong suốt sẽ chiếu soi từ bên trong. Tiếp đến những trần cảnh thô nhiễm và tướng của pháp thế gian sẽ biến hóa, ví như băng tan trong nước nóng. Ứng theo tâm niệm của ông, chúng sẽ hóa thành tri giác vô thượng.

Này Khánh Hỷ! Ví như có người ở thế gian chỉ nhìn thấy với con mắt của họ, nếu người ấy mau chóng nhắm mắt lại thì cảnh tượng đen tối sẽ hiện ra ngay. Sáu căn của người ấy sẽ bao trùm trong tối tăm. Mắt của người ấy sẽ không thể phân biệt nào là đầu hoặc chân ở trên thân người khác. Tuy nhiên vẫn có thể nếu người ấy dùng tay mò mẫm hình dáng ở ngoài. Mặc dù người ấy chẳng thấy, nhưng tri giác nhận biết về đầu hoặc chân thì giống nhau.

Nếu thị giác của người ấy nương nhờ ánh sáng, tức sẽ không thấy khi chìm vào đen tối. Mặc dù chẳng có ánh sáng nhưng người ấy vẫn có thể cảm nhận. Vì vậy mọi tướng đen tối đều vĩnh viễn không thể cản ngăn.

Cũng vậy, một khi các căn và các trần đã tiêu trừ, làm sao giác minh của ông mà không trở thành viên mãn vi diệu cho được?

Ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Như Phật đã dạy rằng, khi phát khởi đạo tâm muốn cầu thường trụ ở Nhân Địa thì tất phải tương ứng với Quả Địa.

Bạch Thế Tôn! Ở trong Quả Địa có những tên gọi khác nhau, như là giác đạo, tịch diệt, chân như, Phật Tánh, vô cấu thức, không của Như Lai Tạng, và đại viên kính trí. Danh xưng của bảy loại tên này tuy có khác nhưng đồng một nghĩa là thanh tịnh viên mãn, thể tánh kiên cố như kim cang vương và thường trụ bất hoại.

Nếu một khi thấy, nghe, và những giác quan khác tách rời sáng với tối, động với tĩnh, khai thông với bế tắc, có vị với vô vị, kết hợp với phân ly, và sanh với diệt, thì chúng cứu cánh chẳng có tự thể. Đây ví như ý niệm mà lìa khỏi pháp trần thì nó vốn không chỗ có.

Làm sao có thể mang các thức sẽ đoạn diệt này làm nhân để tu hành và muốn đạt đến quả vị thường trụ của Như Lai với bảy tên gọi chứ?

Bạch Thế Tôn! Nếu tách rời sáng và tối thì cứu cánh sẽ không thấy gì. Cũng vậy, nếu như chẳng có pháp trần thì tự tánh của ý niệm sẽ diệt mất. Con đã tìm đi tìm lại rất tỉ mỉ, nhưng vốn chẳng có cái gì gọi là tâm và vật của nó.

Thế thì con phải lập nhân gì để cầu vô thượng giác?

Những gì Như Lai vừa nói trái nghịch với lời dạy ở trước về thường trụ trạm nhiên viên mãn và cuối cùng nó trở thành hí luận.

Làm sao những lời nói đó bởi Như Lai có thể là chân thật chứ?

Kính mong Thế Tôn rủ lòng đại từ mà khai thị cho sự u mê và chấp trước của con.

Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Tuy ông đa văn học rộng nhưng các lậu vẫn chưa trừ sạch. Mặc dù trong tâm ông biết nguyên nhân của điên đảo, nhưng đến khi điên đảo thật sự hiện tiền thì ông đích thật chẳng thể nhận ra. Cho dù ông rất thành tâm nhưng ông vẫn chưa tín thọ giáo Pháp. Ta nay sẽ đưa ra những việc của trần thế để dứt trừ hoài nghi của ông.

Bấy giờ Như Lai bảo Bhikṣu Phú Chướng hãy gõ một tiếng chuông, rồi hỏi Ngài Khánh Hỷ rằng: Ông bây giờ có nghe chăng?

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng đều thưa rằng: Dạ nghe.

Khi tiếng chuông không còn vang nữa, Đức Phật lại hỏi rằng: Ông bây giờ có nghe chăng?

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng đều thưa rằng: Dạ không.

Lúc ấy Tôn Giả Phú Chướng lại gõ một tiếng chuông, và Đức Phật lại hỏi rằng: Ông bây giờ có nghe chăng?

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng lại thưa rằng: Dạ nghe.

Đức Phật hỏi Ngài Khánh Hỷ: Làm sao ông có thể nghe rồi lại chẳng nghe?

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng đều thưa với Phật rằng: Chúng con nghe tiếng chuông khi nó mới được gõ vào, nhưng một hồi lâu sau khi chuông vang tan mất thì chúng con không còn nghe nữa.

Như Lai lại bảo Bhikṣu Phú Chướng hãy gõ một tiếng chuông, rồi hỏi Ngài Khánh Hỷ rằng: Bây giờ có âm thanh chăng?

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng đều thưa rằng: Dạ có âm thanh.

Một lát sau khi âm thanh phai mất, Đức Phật lại hỏi rằng: Và bây giờ có âm thanh chăng?

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng đáp rằng: Dạ không có âm thanh.

Một lát sau Tôn Giả Phú Chướng lại gõ một tiếng chuông, và Đức Phật lại hỏi rằng: Và bây giờ có âm thanh chăng?

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng đều thưa rằng: Dạ có âm thanh.

Đức Phật hỏi Ngài Khánh Hỷ: Làm sao có âm thanh rồi lại chẳng có âm thanh?

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng đều thưa với Phật rằng: Khi chuông mới được gõ vào thì có âm thanh, nhưng một hồi lâu sau khi chuông vang tan mất thì không còn âm thanh nữa.

Phật bảo Ngài Khánh Hỷ và các đại chúng rằng: Sao ông nay lại trả lời mơ hồ như vậy?

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng đồng thời hỏi Phật rằng: Dạ thưa con trả lời mơ hồ nghĩa là sao?

Đức Phật bảo: Khi Ta hỏi rằng ông có nghe chăng thì ông nói là có. Ta lại hỏi có âm thanh chăng thì ông nói là có.

Câu trả lời bất định của ông giữa nghe và âm thanh, thế thì làm sao chẳng gọi là mơ hồ cho được?

Này Khánh Hỷ! Khi chuông vang phai mất thì ông nói là không còn nghe nữa. Nếu ông thật sự chẳng còn nghe nữa, tức là tánh nghe của ông đã diệt mất hoàn toàn. Vậy nghĩa là nó sẽ giống như cây khô và ông sẽ không bao giờ còn nhận biết tiếng chuông nào nữa. Tuy nhiên ông tự biết khi nào thì có và khi nào thì không, hoặc khi nào thì không và khi nào thì có về loại thanh trần này.

Thế nhưng tánh nghe của ông làm sao đã có rồi lại không?

Giả sử tánh nghe chẳng còn nữa thì ai sẽ biết âm thanh đã phai mất.

Cho nên, Khánh Hỷ! Mặc dù thanh trần ở trong tánh nghe tự có sanh diệt, nhưng tánh nghe của ông chẳng phải do thanh trần có sanh hay diệt mà khiến nó phải sanh hay diệt.

Ông vẫn còn điên đảo và nhầm lẫn âm thanh là tánh nghe.

Sao lại hôn mê mà cho rằng cái thường hằng là đoạn diệt chứ?

Ông vĩnh viễn chớ nên bảo rằng, tánh nghe lệ thuộc vào tiếng động và yên tĩnh, hoặc lệ thuộc vào lỗ tai khai thông hay bế tắc.

Ví như có người ngủ say ở trên giường. Giữa lúc kẻ kia đang say ngủ thì có người trong gia đình giặt giũ hay giã gạo. Anh ta ở trong mơ nghe tiếng giã gạo hoặc tiếng giặt giũ mà nhầm cho là tiếng trống đánh hoặc là tiếng chuông gõ. Liền ở trong mơ, anh ta lấy làm lạ là tại sao tiếng chuông lại như âm thanh phát ra từ gỗ hay đá. Khi hốt nhiên tỉnh giấc, anh ta lập tức nhận biết âm thanh của tiếng đập giã.

Anh ta nói với người nhà rằng: Giữa lúc đang mơ, tôi nhầm lẫn tiếng đập giã là tiếng trống.

Này Khánh Hỷ! Làm sao người ấy ở trong mơ mà có thể ghi nhớ tiếng động hay yên tĩnh?

Làm sao tai của người ấy không bị ngăn ngại và vẫn hoạt động?

Mặc dù thân thể của người ấy đã ngủ say nhưng tánh nghe chẳng hôn mê.

Cho dù thân thể của ông tan rã và mạng sống tiêu tan, nhưng tánh nghe này của ông làm sao lại có thể bị chúng diệt mất chứ?

Tuy nhiên từ vô thỉ cho đến nay, do các chúng sanh chạy theo hình sắc và âm thanh nên niệm niệm lưu chuyển và chưa từng khai ngộ tánh thanh tịnh vi diệu thường hằng. Họ chẳng theo chân thường mà lại chạy theo những sự sanh diệt. Do đó từ đời này sang đời khác, họ bị nhiễm ô và phải lưu chuyển. Nhưng nếu họ từ bỏ sanh diệt và giữ lấy chân thường thì ánh sáng thường hằng sẽ hiện tiền. Căn, trần, và thức tâm sẽ ứng thời tiêu tan.

Tưởng tướng là trần và thức tình là cấu nhiễm. Nếu lìa xa cả hai, pháp nhãn của ông sẽ ứng thời trong sáng.

Như thế làm sao mà không thành tựu vô thượng tri giác cho được?

Ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Tuy Như Lai đã thuyết giảng đệ nhị nghĩa môn, nhưng nay hãy quán sát về người cởi trói ở thế gian. Nếu họ chẳng biết nguyên gốc của chỗ bị buộc, thì con tin rằng người ấy sẽ không bao giờ có thể gỡ ra.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần