Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Sáu - Phẩm Tổng Trì
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ SIÊU TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM SÁU
PHẨM TỔNG TRÌ
Bấy giờ vào lúc đầu đêm, Bồ Tát Nhu Thủ ra khỏi tịnh thất, tự nghĩ: Bản thân ta chẳng nên cùng một số ít quyến thuộc đến chỗ Nhà Vua mời. Nay ta nên đến các Cõi Phật khác để mời thêm các vị Bồ Tát cho họ được nghe thuyết giảng Kinh Pháp, đoạn trừ các hồ nghi và đến cung Vua A Xà Thế thọ thực.
Bồ Tát Nhu Thủ trong thời gian co duỗi cánh tay của lực sĩ, bỗng nhiên biến mất. Trong giây lát, Bồ Tát đã vượt qua tám muôn Cõi Phật, đến tận cõi Thường danh văn ở phương Đông, Đức Phật ở đó hiệu là Ly Văn Thủ Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, hiện đang thuyết pháp.
Ngài vì các vị Bồ Tát nói pháp điển thanh tịnh. Ở cõi pháp ấy, Đức Như Lai cùng một lúc chuyển pháp sáu độ vô cực, tự nhiên thông đạt đầy đủ, tuyên thuyết rộng rãi pháp không thoái chuyển. Ở cõi pháp ấy, tất cả các cây trổ không biết bao nhiêu loại hoa, quả trái sum suê. Từ những cây ấy đều tự nhiên phát ra tiếng Phật, tiếng Pháp, tiếng chúng Bồ Tát không thoái chuyển. Vậy nên, danh hiệu Thế Giới ấy là Thường danh văn.
Bồ Tát Nhu Thủ đến chỗ Đức Phật Ly Văn Thủ, cúi đầu dưới chân bạch Đức Như Lai: Kính thưa Thế Tôn! Xin Thế Tôn sai các vị Bồ Tát cùng với con đi đến cõi Nhẫn, tề tựu về cung của Vua A Xà Thế, theo lời mời của Vua.
Đức Như Lai Ly Văn Thủ bảo các vị Bồ Tát: Này các thiện nam! Các ông hãy cùng với Bồ Tát Nhu Thủ đến Thế Giới Nhẫn cho ông ấy vui lòng.
Hai vạn hai ngàn vị Bồ Tát Đại Sĩ đang ở trong hội cùng lúc lên tiếng đáp: Kính thưa Thế Tôn! Chúng con nguyện cùng với Bồ Tát Nhu Thủ đến cõi Nhẫn.
Lúc ấy, từ nước Thường danh văn, Bồ Tát Nhu Thủ cùng hai vạn hai ngàn vị Bồ Tát bỗng nhiên biến mất. Tất cả hiện đến trong thất của Bồ Tát Nhu Thủ. Bồ Tát Nhu Thủ nhóm họp các vị Bồ Tát Đại Sĩ vào đầu đêm thuyết giảng pháp tổng trì.
Thế nào gọi là tổng trì?
Sở dĩ gọi tổng trì vì bao gồm: Các pháp. Tâm chưa từng quên. Chí nguyện không loạn. Tâm ấy chưa từng bỏ phế. Học nghiệp trí tuệ. Xét tinh túy các pháp, quán sát kỹ càng nghĩa lý. Phân biệt chánh tuệ. Chứng được quả chỉ là văn tự vậy. Đạt đến tịch nhiên. Sắp đặt tất cả các pháp theo chương cú.
Nắm tất cả cốt yếu của Hiền Thánh. Chẳng đoạn dứt lời Phật dạy. Chẳng trái với Phật. Bao gồm tất cả chúng Hiền Thánh. Đối với Kinh Pháp, chia điển tịch. Nhập vào tất cả trí tuệ tuyệt vời. Chẳng dựa vào chúng hội, cũng không khiếp nhược.
Đi khắp các chúng hội tuyên dương Kinh Điển không sợ hãi. Phát xuất các thiện nam, đắn đo, kén chọn minh trí. Với Trời, Rồng, Thần, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc thông suốt các ngôn ngữ ấy mà vì họ nói pháp.
Phát ra tiếng Thích, Phạm. Hiểu thấu bình đẳng chân chánh, biết rõ các nguồn cội. Biết kén chọn tà kiến các chỗ kiến lập. Tổng trì quan sát tất cả nguồn gốc hướng đến của chúng sinh. Đã trụ tâm bình đẳng. Đối với tám pháp thế tục chẳng chuyển động. Đầy đủ tất cả pháp chân chánh. Tùy theo tội phước, báo ứng, quả chứng của họ mà vì họ thuyết pháp. Khơi dậy cho chúng sinh tạo ra ý chí. Kiến lập cho chúng sinh sống với giới cấm.
Trí tuệ ấy nhập vào khắp cả. Vì các chúng sinh gánh vác trách nhiệm năng nề. Chẳng do khổ cực mà nhàm chán. Hiểu rõ các pháp vốn tánh thanh tịnh. Do bản tánh thanh tịnh ấy mà vì người diễn nói. Do hiểu bản tánh tuệ thanh tịnh nên thiết lập đạo nghĩa. Trí tuệ không ngăn ngại. Tu tập thiết lập pháp khí. Tâm ấy kiên cố, chưa từng biếng nhác, mệt mỏi. Đã giảng nói thì không có nghi kết.
Chẳng tham tất cả lợi ích cúng dường. Chẳng quên bỏ các tâm thông tuệ. Gắng sức chứa nhóm nhiều các hạnh, ưa thích vắng lặng. Bố thí không biết nhàm chán đều khuyến giữ gìn các thông tuệ. Giữ cấm giới không nhàm chán, do đó khuyến hóa được tất cả chúng sinh.
Nhẫn nhục không nhàm chán, cầu giống như sắc thân Đức Phật. Tinh tấn không nhàm chán, tích tụ được các gốc đức. Nhất tâm không nhàm chán, tu hành tinh chuyên khiến không còn các tối tăm. Trí tuệ không nhàm chán nhập vào tất cả hạnh. Đem sự nghiệp đạo pháp đến với tất cả mà không chỗ sinh ra.
Này các thiện nam! Gọi là tổng trì là bao gồm tất cả, không thể nghĩ bàn, yếu nghĩa các pháp, nắm giữ các pháp, không có sự tạo tác cũng chẳng phải có sự tạo tác nên gọi tổng trì.
Lại nữa, này các thiện nam! Tổng trì ấy là bao gồm các pháp.
Sao gọi tổng trì các pháp?
Là nắm lấy tất cả các pháp, tất cả đều rỗng không, nắm lấy các pháp, tất cả không tưởng, nắm lấy các pháp, tất cả không nguyện, lìa các hành, tịch mịch không hình tướng đều không thật có, cũng không thể hiểu, cũng không thể hành, không có xứ sở, cũng không chỗ sinh, cũng không chỗ khởi.
Cũng không nơi đến, cũng chẳng diệt hết, không lại không qua, cũng không hoại, cũng không vượt qua, cũng không chỗ tan rã, cũng không chỗ tịnh, cũng không bất tịnh, cũng không nghiêm, cũng không chẳng nghiêm cũng không chấp trước, cũng không thật có, cũng không kiến, chấp cũng không nghe, cũng không đến, cũng không giáo hóa.
Cũng không hữu lậu, cũng không tưởng niệm, cũng chẳng rời tưởng niệm, không ứng, chẳng ứng, cũng không điên đảo, cũng không đầy đủ, không ta, không người, không thọ, không mạng, cũng không buông lung, cũng không giữ lấy, cũng không chấp thủ.
Cũng không đặc thù, giống như hư không không có tiếng khen, cũng không đạt được, không chỗ phá hoại, cũng không có hai, quả nhiên an trụ nơi bản tế. Tất cả pháp giới, tất cả các pháp đều an trụ nơi bản thể vô vi. Đó gọi là tổng trì.
Lại nữa, này các thiện nam! Tất cả các pháp ví như huyễn mà đều tự nhiên. Nắm giữ tự nhiên như mộng, tự nhiên như sóng nắng, tự nhiên như bóng, tự nhiên như tiếng vang, tự nhiên như hóa hiện, tự nhiên như bọt nước, tự nhiên như bong bóng, tự nhiên như hư không… phân biệt các pháp như thế thì chính là tổng trì.
Bồ Tát Nhu Thủ nói: Này các thiện nam! Ví như sự nâng đỡ của đất không chỗ nào chẳng giống nhau, chẳng thêm, chẳng bớt, cũng không chỗ đặt để, chẳng cho là nhàm chán. Giả sử Bồ Tát đạt được tổng trì thì có thể lợi ích tất cả chúng sinh, ban ân, cứu tế vô số kiếp, từ cội gốc đến cả các thông tuệ mà tâm tổng trì cũng không chỗ đặt để, chẳng nhàm chán.
Này các thiện nam! Ví như ở trên đất này, tất cả chúng sinh nhờ vào đó mà sinh sống, loài hai chân, loài bốn chân, không loài nào mà chẳng nhờ. Bồ Tát Đại Sĩ đạt được tổng trì cũng lại như vậy, nhiều loài chúng sinh được nhiều lợi ích.
Này các thiện nam! Ví như dược thảo, cây cối, trăm giống lúa, các loại trái cây đều nhờ đất sinh ra, giả sử Bồ Tát thành tựu được tổng trì cũng cũng lại như vậy, liền có thể mở được tất cả cội gốc đức và pháp của Chư Phật.
Này các thiện nam! Ví như sự nâng đỡ của đất cũng không chỗ đặt để, cũng chẳng lo lắng, chẳng động, chẳng lay, chẳng tăng, chẳng giảm. Bồ Tát cũng như vậy, không chỗ đặt để, chẳng lo lắng, chẳng tăng chẳng giảm, cũng chẳng lay động.
Này các thiện nam! Ví như ở trên đất này nhận nước Trời mưa chẳng nhàm chán. Như thế, Bồ Tát thành tựu được tổng trì đều nhận tất cả Kinh Điển của Chư Phật và pháp của các Bồ Tát. Tất cả Duyên Giác, Thanh Văn, kể cả người chánh kiến, người hành bình đẳng, Sa Môn, Phạm Chí khác, tất cả chúng sinh ở trên Trời, ở thế gian nghe nói pháp ấy chẳng nhàm chán, nghe nói Kinh chẳng mệt mỏi.
Này các thiện nam! Ví như việc gieo trồng trên đất đều theo thời tiết mọc lên, chẳng mất thời vụ, cũng chẳng lẫn lộn trái thời tiết, hợp thời vụ thì càng phát triển. Như thế, Bồ Tát đạt tổng trì thì bao gồm tất cả các pháp công đức, chẳng xâm phạm lừa dối người, cũng chẳng trái thời, đầy đủ các hạnh ngồi ở gốc cây Phật, nơi Đạo Tràng, đạt đến các thông tuệ.
Này các thiện nam! Ví như kẻ cao sĩ dũng mãnh ở các nước thành vào cuộc chiến đấu, hàng phục kẻ địch thì không ai mà chẳng theo về. Như thế, Bồ Tát đạt được tổng trì thì ngồi ở gốc cây Phật nơi Đạo Tràng, hàng phục chúng ma.
Này các thiện nam! Ví như xét tất cả pháp là thường, vô thường, nếu vi diệu thì an ổn, phi ngã và chấp cũng là vô thường cùng các lầm lỗi và khổ, cũng phi ngã.
Này các thiện nam! Vì rời hai phía nên gọi là tổng trì.
Này các thiện nam! Ví như hư không, không gì chẳng nắm giữ, cũng chẳng phải nắm giữ, cũng chẳng phải không nắm giữ. Như thế Bồ Tát đạt được tổng trì thì nắm tất cả yếu nghĩa các pháp.
Này các thiện nam! Ví như tất cả các pháp và các tà kiến đều là không, đều nắm lấy tất cả. Như vậy, tổng trì là bao gồm nghĩa lý của tất cả các pháp.
Này các thiện nam! Nếu nói về tổng trì thì không có khi nào hết được. Do không cùng tận thì không buông lung, do không buông lung thì không ở trung gian, đã bình đẳng thì không có thân, như cõi hư không, đã như hư không thì hư không và đất đều không có hai.
Bồ Tát Nhu Thủ vừa nói xong, năm trăm vị Bồ Tát cũng chứng đắc tổng trì này.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bản Nguyện Công đức - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số mười Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bảy - Phẩm Bảo Tích - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân Tồi Ma Oán địch Pháp
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A Nan Sở Vấn - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Tín Nữ Hằng Kiệt