Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bất Không, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU
BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bất Không, Đời Đường
PHẦN BA
An trụ không, vô tướng, vô nguyện
Thị hiện sinh tử hoặc Niết Bàn
Không sinh, không trụ, chẳng đến, đi
Nên tôi thưa hỏi trí thanh tịnh.
Thấy biết sâu xa không giới hạn
Thanh Văn, Duyên Giác, các chúng khác
Không thể nêu hỏi và xét lường
Tôi vì như vậy hỏi Thế Tôn.
Ưa thích, thông đạt nơi chánh pháp
Pháp, chẳng phải pháp đều không chấp
Đối với pháp thiện tâm không loạn
Nên tôi thưa hỏi pháp của Phật.
Không đoạn trừ Phật chủng, Hiền Thánh
Giữ gìn chánh pháp và Tăng Bảo
Được Chư Phật ba đời khen ngợi
Nên tôi hỏi Đấng biển công đức.
Bồ Tát Đại Hư Không Tạng dùng kệ đáp Bồ Tát Công Đức Vương Quang Minh xong, thưa với Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát tu hành bố thí Ba la mật giống như hư không?
Thế nào là Bồ Tát tu các hành trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ Ba la mật giống như hư không?
Thế nào là tu hành hai loại trang nghiêm là phước đức và trí tuệ như hư không?
Thế nào là Bồ Tát không xa lìa mà luôn nhớ nghĩ về Phật, Pháp, Tăng, Xả, Giới, Thiên?
Thế nào là Bồ Tát tu tập các hanh về Niết Bàn?
Thế nào là Bồ Tát biết rõ về hành tướng của tất cả chúng sinh?
Thế nào là có thể giữ gìn kho báu của pháp Phật, biết đúng như thật về Như Lai Đẳng Giác, về tánh và tướng của các pháp?
Thế nào là Bồ Tát khéo nhận biết về bản tánh thanh tịnh của chúng sinh để tạo cho họ mọi thành tựu đầy đủ?
Thế nào là Bồ Tát tương ưng đúng như lý để tu tập pháp Phật đạt được rốt ráo?
Thế nào là Bồ Tát chứng đắc thần thông bất hoại, tự tại đối với tất cả các pháp?
Thế nào là Bồ Tát an trú trong diệu lý sâu xa của pháp Phật, tất cả hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật không thể lường xét?
Thế nào là Bồ Tát nhập vào trí duyên khởi thiện xảo, xa lìa tất cả biên kiến?
Thế nào là Bồ Tát dùng ấn của Như Lai để ấn chứng pháp chân như, không làm gián đoạn trí thiện xảo?
Thế nào là Bồ Tát nhập vào diệu lý của pháp giới, thấy rõ hết thảy các pháp là một tánh bình đẳng, hỗ tương hiện bày khắp?
Thế nào là Bồ Tát tâm ý luôn an lạc bền vững như kim cang, đối với pháp đại thừa chẳng mảy may dao động?
Thế nào là Bồ Tát ở nơi cảnh giới của mình luôn được thanh tịnh như cảnh giới của Phật?
Thế nào là Bồ Tát chứng đắc Đà La Ni, không quên việc thực hành chánh pháp?
Thế nào là Bồ Tát đạt được sức hộ trì của Như Lai về biện tài vô ngại?
Thế nào là Bồ Tát luôn có được tự tại trong sinh tử?
Thế nào là Bồ Tát hàng phục mọi thứ oán địch, vượt khỏi bốn ma?
Thế nào là Bồ Tát chứa nhóm vô lượng phước đức hành trang, làm nơi nương tựa cho mọi chúng sinh?
Thế nào là Bồ Tát sinh trong đời không có Phật, vì muôn loài mà làm việc Phật?
Thế nào là Bồ Tát chứng đắc Tam Muội Hải ấn, không đắm nhiễm nơi tâm hành của tất cả hữu tình?
Thế nào là Bồ Tát không chấp trước, tâm như gió giữa hư không, chẳng bị chướng ngại?
Thế nào la Bồ Tát khéo nhận biết các phương pháp tu hành, xa lìa si ám, đạt được ánh sáng trí tuệ, chứng đắc trí tự nhiên, không nhờ vào người khác, nhanh chóng đạt đến trí nhất thiết trí của bậc Đại Thừa?
Khi ấy, Phật bảo Bồ Tát Đại Hư Không Tạng: Lành thay, lành thay! Này bậc Đại Sĩ! Hôm nay, ông có thể khéo thưa hỏi Như Lai về nghĩa lý sâu xa như vậy, vì chúng sinh mà nêu bày các câu hỏi như thế.
Ông có thể thấu đạt về pháp của hết thảy Chư Phật, đã từng cúng dường, phụng sự vô lượng Chư Phật trong quá khứ, đã ở nơi trú xứ của Chư Phật vun trồng căn lành, mặc áo giáp tinh tấn cầu pháp không hề chán bỏ, dùng gươm trí tuệ ra khỏi cảnh giới của ma.
Thường vui thích tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, vượt khỏi tám pháp khen, chê… của thế gian, tâm bình đẳng như hư không, từ lâu đã tích tập trí nhất thiết trí, công đức của Đại Sĩ thật không có giới hạn, đã từng thưa hỏi nghĩa lý này nơi vô số Chư Phật đời quá khứ.
Cho nên, này Bồ Tát Đại Hư Không Tạng! Ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ.
Vì ông, Như Lai sẽ phân biệt, giảng nói về công đức của hàng Đại Bồ Tát đã đạt được để chứng đắc trí nhất thiết trí của đại thừa.
Bồ Tát Đại Hư Không Tạng thưa: Bạch Thế Tôn! Con xin được lãnh hội.
Đức Phật bảo Bồ Tát Đại Hư Không Tạng: Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu bốn pháp thì tu hành bố thí Ba la mật như hư không.
Những gì là bốn pháp?
Đó là:
1. Do ngã thanh tịnh nên chúng sinh thanh tịnh.
2. Do chúng sinh thanh tịnh nên bố thí thanh tịnh.
3. Do bố thí thanh tịnh nên hồi hướng thanh tịnh.
4. Do hồi hướng thanh tịnh nên bồ đề thanh tịnh.
Này thiện nam! Đó là bốn pháp mà Bồ Tát cần thành tựu thì tu hành bố thí như hư không. Lại nữa, nếu Bồ Tát thành tựu tám pháp thì có thể tu hành bố thí Ba la mật thanh tịnh.
Đó là: Dùng ngã thanh tịnh, ngã sở thanh tịnh, nhân thanh tịnh, kiến thanh tịnh, tướng thanh tịnh, dị tướng thanh tịnh, tâm chẳng mong quả báo thanh tịnh và tâm bình đẳng như hư không thanh tịnh để bố thí. Đó là tám pháp mà Bồ Tát phải thành tựu thì có thể tu hành bố thí Ba la mật thanh tịnh.
Này thiện nam! Như hư không, không có biên vực, sự thực hành bố thí vô hạn của Bồ Tát cũng vậy. Như hư không rộng lớn không bị chướng ngại, hành bố thí hồi hướng của Bồ Tát cũng như vậy. Như hư không, không có màu sắc, sự xa lìa sắc tướng, hành bố thí của Bồ Tát cũng vậy. Như hư không, không có sự thọ nhận, sự xa lìa thọ nhận, hành bố thí của Bồ Tát cũng vậy.
Như hư không không nhiễm vướng, sự xa lìa nhiễm đắm hành bố thí của Bồ Tát cũng vậy. Như hư không, chẳng có tạo tác, sự xa lìa pháp hữu vi, bố thí của Bồ Tát cũng vậy. Như hư không, không có thức, tưởng, sự xa lìa thức, tưởng, hành bố thí của Bồ Tát cũng vậy.
Như hư không hiện bày khắp các Cõi Phật tâm từ bi lớn của Bồ Tát hành bố thí duyên khắp hết thảy chúng sinh nơi Quốc Độ của tất cả Chư Phật cũng vậy. Như hư không, không cùng tận, Bồ Tát hành bố thí, hồi hướng không để mất hạt giống Tam bảo cũng vậy. Như hư không, không tối tăm, sự thực hành bố thí, xa lìa phiền não tối tăm của Bồ Tát cũng vậy.
Như hư không, không hiện bày các tướng, sự thực hành bố thí với tâm thanh tịnh của Bồ Tát cũng vậy. Như hư không, hàm chứa hết tất cả, sự thực hành bố thí, thu tóm khắp hết thảy chúng sinh của Bồ Tát cũng vậy.
Lại như nhà ảo thuật thể hiện sự biến hóa mà tâm họ không phân biệt, không mong cầu sự báo đáp, Bồ Tát hành bố thí cũng vậy, đều xem tất cả như huyễn hóa, xa lìa mọi chủ thể và đối tượng, không mong cầu quả báo.
Này thiện nam! Bồ Tát hành bố thí, dùng trí tuệ tối thắng để dứt trừ các phiền não, dùng trí tuệ phương tiện nên không xa lìa muôn loài. Đó là Bồ Tát hành bố thí Ba la mật giống như hư không.
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Đăng Thủ, từ trong chúng hội, đứng dậy thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Bậc Đại Bồ Tát dùng những tướng gì để tu hành bố thí Ba la mật như vậy?
Phật nói: Này thiện nam! Đại Bồ Tát nên dùng vô tướng để tu hành bố thí Ba la mật như vậy.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp không có thân tướng, vì thân tướng thanh tịnh. Không có tướng chúng sinh, vì tướng chúng sinh thanh tịnh. Không có tướng của pháp, vì tướng pháp thanh tịnh. Không có tướng của trí, vì tướng của trí thanh tịnh.
Không có tướng của tuệ, vì tướng của tuệ thanh tịnh. Không có tướng của tâm, vì tướng của tâm thanh tịnh. Không có tướng của thế gian, vì tướng của thế gian thanh tịnh. Không có tướng của sắc, vì tướng của sắc thanh tịnh. Không có tướng của kiến, vì tướng của kiến thanh tịnh.
Như vậy cho đến không tối, không sáng… xa lìa tất cả mọi tướng, là vô tướng, rốt ráo nơi mọi giới hạn, đạt được nhẫn vô tận, được Như Lai thọ ký chắc chắn trụ ở ngôi vị Chánh Giác, dùng ấn Bất thoái để ấn chứng, được pháp quán đỉnh của Phật, thành tựu tất cả pháp bình đẳng của Chư Phật, biết rõ mọi hành tướng của hết thảy chúng sinh, Bồ Tát nên dùng các hạnh như thế để tu hành bố thí Ba la mật.
Lúc Đức Phật thuyết giảng pháp này xong, có một vạn sáu ngàn Bồ Tát ở trong các pháp thấy được pháp tánh giống như hư không, chứng đạt pháp nhẫn vô sinh.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Tâm thường thanh tịnh hành bố thí
Cầu bồ đề, không mong quả báo
Hoan hỷ bố thí, không hối tiếc
Là thí vi diệu, đạt giải thoát.
Bậc trí biết pháp đều như huyễn
Không tiếc thân mạng và tài sản
Những vật dụng khác đều không tham
Chí nguyện, bồ đề tâm quyết định.
Bình đẳng bố thí, không thương, ghét
Không hề thoái chuyển, luôn tinh tan
Do quán các pháp như hư không
Nên chẳng vui mừng, không chán bỏ.
Biết tánh, tướng pháp vốn thanh tịnh
Bồ đề, bố thí cũng như vậy
Vì chỗ bố thí không tham đắm
Nên thường xả bỏ mọi hý luận.
Bình đẳng bố thí, lìa suy xét
Không hề phân biệt thượng, trung, hạ
Tâm ý thanh tịnh không nhơ bẩn
Đạt được tuệ, thí, không mong cầu.
Biết thân huyễn hóa, chẳng thường còn
Tài sản không chắc như mộng, chớp
Khởi tâm từ bi thương thế gian
Thực hành bố thí không nhiễm vướng.
Hành thí vô ngã phiền não sạch
Liền được tạo lập nơi pháp Phật
Ma vương không thể quấy phá được
Bố thí như thế thật khó lường.
Bậc Mười Lực giảng nói tâm thí
Nên trụ ở giới hạnh thanh tịnh
Do vậy khéo tu, đạt tịch tĩnh
Trí tuệ mới mau được viên mãn.
Thí, giới và tâm đều thanh tịnh
Phiền não diệt hết, không còn sinh
Mình và mọi người đều lợi ích
Đạt an lạc Niết Bàn vô vi.
Vì trừ tham kết hành bố thí
Do vậy, không đắm cũng không nhiễm
Nhờ đó không còn các khổ não
Đạt được nhân bồ đề thanh tịnh.
Tâm bố thí không hề thoái chuyển
Nhân đấy thấy được tánh Bồ Tát
Đã thấy đức thanh tịnh bồ đề
Nên hóa độ được vô lượng chúng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Dhananjani
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Mười Tám - Phẩm Bạn Lành
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bát
Phật Thuyết Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Ly Văn Tự Phổ Quang Minh Tạng
Phật Thuyết đại Cát Tường Thiên Nữ Mười Hai Khế Một Trăm Lẻ Tám Danh Vô Cấu đại Thừa Kinh - Phần Một