Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Năm - Phẩm Năm Bài Kệ - Chuyện Con Nai Vàng Tiền Thân Suvannamiga
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP MƯỜI
CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
CHƯƠNG NĂM
PHẨM NĂM BÀI KỆ
CHUYỆN CON NAI VÀNG
TIỀN THÂN SUVANNAMIGA
Hỡi chân vàng hãy dồn hết sức. Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một thiếu nữ thuộc gia đình quí phái ở Xá Vệ.
Cô ta là con gái của một người hầu cận hai vị Trưởng Tỳ Kheo ở Xá Vệ và là một tín đồ thuần thành, liên hệ thân thiết với Phật, Pháp, Tăng, thường xuyên làm việc thiện, thông tuệ đối với đạo giải thoát, chuyên tâm bố thí và những hành vi đạo đức như thế.
Một gia đình khác ở Xá Vệ, cùng một đẳng cấp nhưng theo ngoại đạo hỏi cưới cô ta.
Cha mẹ cô bảo: Con gái của chúng tôi là một tín đồ thuần thành, quy y Tam Bảo, bố thí và làm các việc thiện, nhưng ông bà lại có quan điểm ngoại đạo.
Và vì ông bà sẽ không cho phép nó bố thí, hoặc nghe pháp, hoặc đến thăm Tinh Xá, giữ giới luật đạo đức, tuân hành các ngày trai giới như nó vẫn muốn nên chúng tôi sẽ không gả nó về nhà quý vị được. Hãy chọn một thiếu nữ thuộc một gia đình ngoại đạo giống như quý vị vậy.
Khi lời cầu hôn của gia đình kia bị từ chối, họ bảo: Xin cứ cho con gái của quý vị đến nhà chúng tôi và làm mọi việc như thế đúng theo ý muốn của cô. Chúng tôi sẽ không ngăn cản cô ta đâu. Xin hãy chấp thuận yêu cầu ấy.
Gia đình cô gái bảo: Thế thì quý vị hãy đem nó về đi. Lễ cưới được cử hành vào một ngày tốt lành và cô gái được đưa về nhà chồng. Cô tỏ ra rất chuyên chính trong việc hoàn tất các bổn phận, là một người vợ tận tụy, một nàng dâu đảm đang đối với cha mẹ chồng.
Một hôm cô nói với chồng: Chàng ơi, em muốn cúng dường các Tỳ Kheo của gia đình ta.
Ðược lắm, em ạ. Em cứ cúng dường đúng như em thích. Thế là một hôm cô mời các Tỳ Kheo ấy và tổ chức một cuộc khoản đãi lớn.
Cô cúng dường các thức ăn hảo hạng và cung kính ngồi cách xa các vị ấy và bảo: Bạch chư Tôn Giả, gia đình này ngoại đạo và không có lòng tin. Họ không biết giá trị của Tam Bảo. Dù thế, xin chư vị cứ tiếp tục nhận thực phẩm nơi đây cho đến khi họ hiểu được giá trị của Tam Bảo.
Các Tỳ Kheo nhận lời và tiếp tục thọ thực tại đó.
Cô lại bảo với chồng: Chàng ơi, quí Tỳ Kheo vẫn thường xuyên đến đây luôn, sao chàng không ra gặp các Ngài?
Nghe thế, chàng đáp: Tốt lắm, ta sẽ ra gặp các Ngài. Ngày hôm sau, khi các Tỳ Kheo thọ thực xong, cô ta lại nhắc chồng. Chàng đến ngồi xuống một bên và từ tốn thưa chuyện cùng các vị ấy. Thế rồi tướng quân chánh pháp Sàriputta thuyết pháp cho chàng.
Chàng rất thích thú nghe giảng và nhìn thấy thái độ nhu hòa ân cần của các Tỳ Kheo, nên từ hôm đó trở đi chàng luôn luôn soạn sẵn thảm cho các Trưởng Lão ngồi và lọc nước cho các vị ấy dùng và trong khi các vị ấy thọ thực, chàng chăm chú nghe giảng pháp.
Chẳng bao lâu, chàng không còn theo các quan điểm ngoại đạo nữa. Thề rồi một hôm, Trưởng Lão giảng pháp, tuyên thuyết Tứ Ðế cho hai vợ chồng ấy và khi bài thuyết giảng chấm dứt, cả hai vợ chồng đều đắc quả Dự Lưu.
Từ đó, tất cả mọi người trong gia đình ấy, từ các bậc cha mẹ cho đến người giúp việc đều bỏ hết các tà kiến ngoại đạo và hết lòng vì Phật, Pháp, Tăng.
Một hôm, cô gái bảo với chồng: Chàng ơi, em có gì liên quan với đời sống gia đình nữa đâu?
Em mong được sống đời tu hành.
Chàng đáp: Tốt lắm em ạ, ta cũng muốn trở thành một nhà tu khổ hạnh.
Thế là chàng vui vẻ dẫn cô đến một Ni chúng và cô được nhận làm một Sa Di Ni, còn chàng cũng đến với bậc Ðạo Sư để xin vào Tăng Ðoàn. Lúc đầu bậc Ðạo Sư nhận chàng làm Sa Di, sau đó cho chàng thọ giới Tỳ Kheo. Cả hai đều đạt Tuệ Nhãn và chẳng bao lâu đắc Thánh Quả.
Một hôm, các Tỳ Kheo bàn tán trong Pháp Đường: Này các Hiền Giả, người phụ nữ nọ nhờ lòng tin của chính mình và của chồng mà trở thành một Sa Di Ni. Rồi cả hai người sống cuộc đời phạm hạnh, đạt Tuệ Nhãn và đắc Thánh Quả.
Bậc Ðạo Sư đến hỏi các Tỳ Kheo đang ngồi bàn chuyện gì và sau khi nghe thuật lại, Ngài dạy: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ bây giờ cô ấy mới giải thoát cho chồng khỏi những ràng buộc của khổ đau.
Xưa kia cũng thế, cô cũng đã giải thoát các Bậc Hiền trí khỏi những ràng buộc của cái chết.
Ngài dạy đến đó rồi im lặng, nhưng vì các Tỳ Kheo thúc nài, Ngài kể một chuyện quá khứ.
Ngày xưa, khi Vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba La Nại, Bồ Tát sinh ra là một con nai vàng và lớn thành một con vật đẹp đẽ duyên dáng với màu sắc vàng ròng.
Ðôi chân trước và sau của Ngài như được phủ bằng một thứ sơn bóng. Sừng như bằng bạc, mắt như những viên ngọc, miệng như một cuộn len đỏ. Con nai cái, vợ Ngài, cũng là một con vật rất xinh đẹp.
Cả hai sống hòa hợp, hạnh phúc với nhau. Tám vạn nai đốm đi theo hầu Bồ Tát.
Trong khi bầy nai sống nơi ấy, một người thợ săn đặt bẫy vào chỗ nai lui tới. Một hôm, đang dẫn dắt bầy nai, Bồ Tát bị mắc chân vào bẫy. Ðể làm đứt dây thòng lọng, Ngài giật mạnh đến đứt cả da chân.
Ngài lại giật nữa và bị đứt tới thịt. Lần thứ ba, Ngài lại giật và bị phạm tới gân. Rồi cái dây thắt vào tận xương. Không thể phá bẫy được, nai rúng động vì sợ chết đến độ kêu la từng hồi.
Nghe thế bầy nai kinh hoàng chạy trốn.
Nhưng con nai cái, trong lúc chạy trốn, không thấy Bồ Tát trong bầy liền nghĩ: Hẳn là nỗi kinh hoàng có liên hệ đến chồng ta rồi.
Rồi Nai cái vội phóng đến bên chồng tuôn trào nước mắt và than: Chàng ơi, chàng mạnh mẽ đến thế, sao lại không thắng được cái bẫy chứ?
Hãy cố sức mà tàn phá bẫy đi!
Ðể khích lệ Bồ Tát, vợ Ngài đọc bài kệ đầu:
Hỡi chân vàng, hãy dồn hết sức,
Ðể thoát ra cho dứt bẫy này,
Mất chàng, há thiếp vui say
Thảnh thơi dong ruổi đó đây trong rừng?
Nghe thế, Bồ Tát đọc bài kệ thứ hai:
Ta đây đã quá chừng cố gắng,
Tự do nào đạt đặng đâu mà!
Càng vùng để thoát thân ra,
Mối dây càng thắt thịt da thế này.
Thế rồi nai cái bảo: Chàng ơi, đừng sợ. Em sẽ hết sức van xin người thợ săn và sẽ hy sinh mạng sống của em và để xin đổi mạng cho chàng. Vừa an ủi bậc Ðại Sĩ, vợ Ngài vẫn tiếp tục ôm lấy Bồ Tát mình đang rớm máu.
Nhưng người thợ săn tay cầm gươm và lao đã đến gần, giống như một ngọn lửa hủy diệt vào lúc mở đầu một chu kỳ.
Khi thấy người ấy, nai cái bảo: Chàng ơi, người thợ săn đã đến. Em sẽ đem hết khả năng để cứu chàng. Chàng chớ sợ.
An ủi chồng xong, Nai cái đến gặp người thợ săn, đứng cách một khoảng để tỏ vẻ kính trọng, nai chào người ấy và nói: Thưa Ngài, chồng tôi là một con nai có màu vàng ròng, đầy đủ mọi đức hạnh và là Vua của tám vạn con nai.
Ca ngợi Bồ Tát xong, nai xin hy sinh mạng sống của mình để Vua bầy nai khỏi bị hại.
Rồi Nai đọc bài kệ thứ ba:
Nơi đây, hãy trải lá dày
Chúng tôi sẽ ngã xuống ngay đây mà,
Thợ săn, hãy rút gươm ra
Giết tôi, rồi giết tiếp là chồng tôi!
Nghe thế, người thợ săn rất kinh ngạc, liền nghĩ: Ngay cả người ta cũng không hy sinh đời mình cho Vua nữa huống chi là loài vật.
Thế này nghĩa là gì chớ?
Con vật nói với một giọng êm dịu như tiếng người. Hôm nay, ta sẽ tha mạng cho nó và cho chồng nó.
Rất thích thú nai cái, người thợ săn đọc bài kệ thứ tư:
Con vật nói tiếng người
Ta chưa thấy trên đời
Nai hiền, an tâm nhé!
Chân vàng, dứt sợ thôi!
Thấy Bồ Tát được tha ra, Nai cái vô cùng sung sướng liền quay lại cám ơn người thợ săn và đọc bài kệ thứ năm:
Hôm nay tôi thích thú đầy tràn,
Nai vĩ đại này được thoát thân,
Vậy thợ săn, người vừa gỡ bẫy,
Hãy vui vầy với mọi thân nhân.
Bấy giờ Bồ Tát tự nghĩ: Người thợ săn này đã tha mạng ta và vợ ta và cả tám vạn Nai kia. Ông đã là nơi nương nhờ của ta, vậy ta cũng phải là nơi nương nhờ của ông ta.
Và với tính chất của một bậc đức hạnh tối cao, Ngài nghĩ: Ta phải đền cho ân nhân của ta.
Rồi Ngài trao cho người thợ săn một viên ngọc kỳ diệu mà Ngài đã tìm được ở nơi Ngài thường đi kiếm ăn và nói: Này bằng hữu, từ nay, chớ giết hại sinh vật nào nữa, với viên ngọc này, hãy xây dựng gia đình, vợ con, hãy bố thí và làm các việc thiện khác. Khuyến dụ xong Nai biến vào trong rừng.
Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài dạy ở đây và nhận diện tiền thân: Bấy giờ Channa Xa Mặc là người thợ săn, Sa Di Ni ấy là con nai cái, còn ta là nai chúa kia.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba