Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Tám - Phẩm Công đức Không Lỗi Lầm Của Như Lai - Tập Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI

KIỀN TỬ SỞ THUYẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM TÁM

PHẨM CÔNG ĐỨC

KHÔNG LỖI LẦM CỦA NHƯ LAI  

TẬP NĂM  

Rồi nói kệ rằng:

Cù Đàm tu chánh hạnh

Vì lợi các quần sinh

Nên đối với các pháp

Tất cả được tự tại.

Nghĩ hộ các chúng sinh

Không hành tâm giết, trộm

Bởi thế với tài mạng

Sinh đâu cũng tự tại.

Thường hành thiền, thí pháp

Dứt hẳn các nhân ác

Nghiệp tâm không chướng ngại

Sinh nơi thường tự tại.

Thường nghĩ gốc Bồ Đề

Tâm không buồn chúng sinh

Khen ngợi phước Tam Bảo

Lợi ích khắp chúng sinh,

Ba nghiệp hành theo trí

Tâm thường trụ pháp giới

Sinh nơi ý, tánh, nguyện

Trí, Pháp thường tự tại.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm đã hoàn toàn thành tựu pháp ba mươi bảy phẩm Bồ Đề phần, đó là: Bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần và tám Thánh đạo.

Sa Môn Cù Đàm đã thành tựu pháp thanh tịnh như thế. Cho nên ta nói là không có lỗi lầm.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là bốn niệm xứ của Như Lai?

Đáp: Đại Vương!

Bốn niệm xứ của Sa Môn Cù Đàm là:

1. Thân niệm xứ.

2. Thọ niệm xứ.

3. Tâm niệm xứ.

4. Pháp niệm xứ.

Đại Vương nên biết!

Thân niệm xứ của Sa Môn Cù Đàm nghĩa là quán chiếu trong thân, ngoài thân và trong ngoài thân.

Ngay ở thân này khởi lên hai cách quán: Một là quán bất tịnh, hai là quán tịnh.

Quán bất tịnh là quán sát thân này không thanh tịnh, đầy dẫy ô uế, dối gạt phàm phu.

Quán tịnh là suy nghĩ rằng, nay ta nhờ thân bất tịnh này mà được thân thanh tịnh của Phật, được pháp thân thanh tịnh, được thân công đức thanh tịnh, được thân mà tất cả chúng sinh thích nhìn.

Quán như thế rồi, biết thân thanh tịnh có hai hạnh. Đó là vô thường và thường.

Thế nào là vô thường?

Quán rồi, không vì tấm thân này mà tạo những nghiệp ác, mưu sống bằng tà mạng.

Vì thân này tu tập ba pháp kiên cố: Một là tu thân vững chắc. Hai là tu mạng vững chắc. Ba là tu tài của vững chắc.

Quán như thế rồi, xa lìa tất cả mọi sự quanh co về thân, khẩu và ý, làm theo tâm chánh trực.

Thế nào là thường?

Quán vô thường rồi được thân thường. Nhân vô thường nên đạt được thân công đức. Nhờ vô thường nên không đoạn hạt giống Phật, Pháp, Tăng.

Vì sao?

Tu Thân niệm xứ, quán sát tất cả thân chúng sinh rốt ráo được thành tựu pháp thân Chư Phật. Vì có pháp thân nên khi khởi quán chiếu đạt được tâm bình đẳng, không có tâm phân biệt. Không khởi các lậu. Nghĩa là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Không thấy có ngã và ngã sở, trụ ở cảnh giới như thật, thành nhất thiết trí. Đó gọi là thân niệm xứ.

Đại Vương nên biết! Thọ niệm xứ của Sa Môn Cù Đàm, nghĩa là quán nội cảm thọ, ngoại cảm thọ và nội ngoại cảm thọ.

Ở trong sự cảm thọ đó khởi lên hai cách quán: Thường và vô thường. Khởi tâm từ bi quán các chúng sinh. Nếu khi cảm thọ vui thì sinh tâm tham đắm, còn khi cảm thọ khổ đau thì sinh tâm sân hận. Nếu khi thọ nhận cái cảm thọ không khổ, không vui thì sinh tâm si.

Ta suy nghĩ rằng: Hễ có cảm thọ đều đau khổ. Người muốn an lạc hoàn toàn phải đoạn dứt mọi cảm thọ, tức là thường lạc, tùy chỗ thọ sinh và thường sinh lòng từ bi.

Nếu khi thọ nhận cảm thọ vui của mình hay cảm thọ vui của người thì phải xa lìa tâm nhiễm ô và sinh tâm từ bi. Nếu khi thọ khổ nên quán chiếu ba đường ác, xa lìa tâm sân hận và sinh tâm từ bi. Nếu khi thọ cái cảm thọ không khổ, không vui, thì xa lìa tâm vô minh, phát sinh tâm xả.

Quán chiếu tất cả mọi cảm thọ đều vô thường, khổ và vô ngã. Khi thấy người thọ vui liền biết là khổ. Khi thấy người thọ khổ thì biết như ung nhọt, lở loét. Khi thấy người thọ cái cảm thọ không khổ không lạc là không phải tịch tịnh. Quán thọ lạc liền biết vô thường. Quán khổ liền biết là không. Quán thọ không khổ, không vui liền biết là vô ngã. Người quán như thế gọi là thọ niệm xứ.

Đại Vương nên biết! Tâm niệm xứ của Sa Môn Cù Đàm, nghĩa là quán nội tâm, ngoại tâm và nội ngoại tâm.

Ở trong tâm khởi lên hai cách quán: Thường và vô thường. Quán thường là quán tánh Bồ Đề của tự thân, không quên, không mất, chánh niệm không loạn, quán tâm như thế. Lại quán chỗ phát tâm Bồ Đề, tánh của tâm là sinh rồi liền diệt, niệm niệm không dừng. Không ở nội nhập, không ở ngoại nhập và không ở nội ngoại nhập. Không ở trong ấm, không ở trong giới.

Lúc này, khởi suy nghĩ: Duyên tâm như thế là khác hay không khác. Nếu tâm khác duyên thì trong lúc ấy sẽ có hai tâm. Nếu tâm là duyên thì không được trở lại quán ở tự tâm. Cũng như đầu ngón tay không tự tiếp xúc.

Cũng vậy, tâm khởi quán rồi, thấy tâm không trụ, vô thường và biến đổi thì mới biết rằng, tâm này chẳng phải từ duyên sinh, không phải không từ duyên sinh, không thường, không đoạn, không trong, không ngoài, không có, không không. Tâm bồ đề cũng vậy. Nó là tâm chẳng phải sắc nên không thể thấy được, như huyễn, như hóa, không có chướng ngại.

Tự quán tâm rồi, quán tâm tánh của tất cả các chúng sinh, cũng như tánh tâm của chính mình, như tướng tâm của chính mình thì tánh tâm và tướng tâm của tất cả chúng sinh cũng đều như vậy. Biết tự tâm vốn không thì tâm tất cả chúng sinh cũng đều không. Tự quán tâm bình đẳng và quán tâm bình đẳng của các chúng sinh cũng đều như vậy. Đó gọi là tâm niệm xứ.

Đại Vương nên biết! Pháp niệm xứ của Sa Môn Cù Đàm, nghĩa là quán nội pháp, ngoại pháp và nội ngoại pháp.

Ở trong pháp ấy khởi lên hai cách quán: Thường và vô thường. Thường là dùng Phật nhãn để thấy tất cả các pháp, cho đến lúc ngồi trong Đạo Tràng chưa từng mất. Khi quán các pháp không thấy có một pháp nào, dầu cho tất cả các tướng vi tế cũng không lìa không, vô tướng, vô nguyện.

Không tạo tác, không sinh, không diệt, không vật. Không thấy tất cả pháp cho đến một tướng vi tế, mà không nằm trong mười hai duyên khởi. Thấy pháp, phi pháp đều là pháp.

Thế nào là pháp?

Nghĩa là không có ta, không có chúng sinh, không có thọ mạng và không có người, đó gọi là pháp.

Thế nào là phi pháp?

Nghĩa là thấy có ta, thấy có chúng sinh, thấy có thọ mạng, thấy có người, thấy đoạn, thấy thường, thấy có và thấy không, đó gọi là phi pháp.

Sa Môn Cù Đàm thấy tất cả pháp là pháp và phi pháp.

Vì sao?

Quán không, vô tướng và vô nguyện, đó gọi là tất cả pháp là pháp. Quán ngã mạn, kiêu mạn, ngã và ngã sở, bao gồm các kiến hoặc, đó gọi là quán tất cả pháp là phi pháp.

Khởi quán chiếu tánh các pháp như thế rồi, không thấy pháp nào mà chẳng phải là nhân bồ đề, chẳng phải là nhân đạo xuất thế, chắc chắn là pháp xuất thế. Nếu không như vậy mà cầu các pháp thì gọi là diệt pháp. Nhưng người xuất ly từ duyên, diệt cũng từ duyên.

Khi quán như thế thì phải quán ba hạnh: Hạnh ác, hạnh thiện và hạnh bất động. Ở trong ba hạnh này thường thực hành hạnh phước. Thực hành mười thiện pháp làm thanh tịnh ba nghiệp. Thanh tịnh thân nghiệp vì cầu ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp Chư Phật, người khác không thể hại.

Thanh tịnh khẩu nghiệp thì khi thuyết pháp chúng sinh thích nghe. Thanh tịnh ý nghiệp, tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, thường nhập vào thiền định. Dùng phương tiện như vậy để quán chiếu Pháp niệm xứ, lìa bỏ tất cả những sự chướng ngại làm cấu nhiễm bồ đề.

Không chấp thường kiến, không rơi vào đoạn kiến, thực hành trung đạo kiến. Trung đạo như vậy thì trí tuệ thế gian không thể thấy được, không thể tuyên thuyết và không thể chỉ bày, không có tướng trạng, không có cảnh sắc, không có chỗ, không lấy và không bỏ mà thanh tịnh vắng lặng.

Không thể dùng mắt để thấy, cho đến không thể tiếp xúc, cũng không có chỗ đến, không ở tại thế gian, không ra khỏi thế gian, không thể tuyên thuyết. Chẳng nhiều, chẳng ít. Chẳng thường, chẳng đoạn. Chẳng phải tướng, chẳng phải phi tướng. Chẳng phải giác, chẳng phải không giác.

Không hư, không thật. Không đây, không kia. Chẳng có chẳng không. Không hữu vi, không vô vi. Chẳng phải hạnh, chẳng phải phi hạnh. Không sinh không diệt. Không Niết Bàn không tác pháp. Đó gọi là trung đạo.

Không thể dùng nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn để quán pháp niệm xứ.

Vì sao?

Vì ba mắt này không có tướng trạng. Cho nên quán pháp phải dùng pháp nhãn để quán, nhưng không đắm trước, không đánh mất các pháp. Đó gọi là pháp niệm xứ.

Đại Vương nên biết! Tu tập bốn niệm xứ thì đạt được bốn cách lìa pháp: Quán thân bất tịnh để ra khỏi sự thanh tịnh điên đảo. Quán thọ là khổ để ra khỏi cái vui điên đảo. Quán tâm vô thường để ra khỏi cái thường điên đảo. Quán pháp vô ngã để ra khỏi cái ngã điên đảo.

Lại nữa, quán thân niệm xứ xa lìa đoàn thực. Quán thọ niệm xứ xa lìa xúc thực. Quán tâm niệm xứ xa lìa thức thực. Quán pháp niệm xứ xa lìa tư thực.

Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm hoàn toàn thành tựu niệm xứ như thế, cho nên ta nói Ngài không có lỗi lầm.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Những gì là bốn pháp chánh cần của Đức Như Lai?

Đáp: Đại Vương nên biết! Bốn pháp chánh cần cua Sa Môn Cù Đàm nghĩa là bốn pháp tinh tấn để ngăn ngừa hai loại ác pháp và tích tập hai loại pháp thiện. Sa Môn Cù Đàm thành tựu tánh thiện, tâm trụ trong pháp thiện. Những pháp ác chưa sinh và đã sinh, không cần tinh tấn khiến nó tiêu diệt. Những pháp thiện chưa sinh và đã sinh cũng không cần dùng tinh tấn khiến nó phát sinh.

Vì sao?

Vì ở trong vô lượng đời, Sa Môn Cù Đàm thường tu tánh thiện, tất cả pháp ác tự nhiên không sinh và tat cả pháp thiện tự nhiên đầy đủ. Pháp ác, là bè đảng với phi giới uẩn, bè bạn với phi định uẩn, bè bạn với tuệ uẩn. Khi quán bốn niệm xứ thì phải lìa các tâm biếng nhác, và năm triền cái phiền não ngăn che tâm mắt.

Nếu xa lìa năm thiện căn như tín…, tức là các pháp ác chưa sinh thì không để phát sinh, sinh rồi liền diệt, đó là siêng cần tinh tấn vậy. Pháp thiện là đối với các thiện căn chưa sinh khiến sinh, sinh rồi làm tăng trưởng, đó là cầu tinh tấn vậy. Đó gọi là bốn pháp chánh cần.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm thành tựu hoàn toàn bốn pháp chánh cần như thế, cho nên ta nói là không có lỗi lầm.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là bon phần Như ý của Như Lai?

Đáp: Đại Vương! Bốn phần như ý của Sa Môn Cù Đàm là:

1. Dục như ý.

2. Tinh tấn như ý.

3. Tâm như ý.

4. Tư duy như ý.

Đó là bốn pháp, lấy từ, Bi, Hỷ, Xả làm căn bản, là thường gần gũi bốn Vô lượng tâm. Thường gần gũi nên tâm đạt được sự điều hòa. Tâm điều hòa nên được nhập vào Sơ Thiền, đệ Nhị Thiền, đệ Tam Thiền, đệ Tứ Thiền. Nhập vào các thiền định thân được khinh an, thành tựu được thân thanh thoát.

Tâm điều hòa như thế thì đã nhập vào phần như ý. Nhập vào phần như ý liền sinh thần thông, hoặc dục, hoặc tinh tấn là thành tựu được pháp ấy. Tâm là quán sát pháp ấy. Tư duy là phương tiện thành tựu pháp ấy. Phần như ý như thế thì đã đạt được thần thông. Dục là trang nghiêm, tinh tấn là thành tựu, tâm là trụ trong chánh niệm, tư duy là có khả năng phân biệt hoàn toàn.

Sa Môn Cù Đàm đã đạt được bốn điều Như ý, hiểu theo pháp ấy và hành động như pháp ấy.

Tâm được tự tại, tùy ý đi lại, làm các nghiệp thiện, hoàn toàn thành tựu tất cả bốn hạnh, như gió bay giữa hư không bị chướng ngại và đạt được bốn pháp tự tại:

1. Thọ mạng tự tại.

2. Thân tự tại.

3. Pháp tự tại.

4. Thần lực tự tại.

Thọ mạng tự tại là điều phục chúng sinh, tùy theo chỗ thọ sinh, hoặc Trời, hoặc người. Ở trong tuổi thọ ngắn thì thể hiện sự trường thọ, ở trong chỗ trường thọ thể hiện sự tuổi thọ ngắn. Đó gọi là mạng tự tại.

Thân tự tại là vì tự tại nên theo tâm mà hiện thân, theo tâm khởi các cảnh sắc, thể hiện oai nghi. Vì chúng sinh nên muốn cùng với tất cả chúng sinh đồng thân tướng ấy, thường đều làm được. Đó gọi là thân tự tại.

Pháp tự tại là có khả năng biết tất cả pháp xuất thế, nhưng vẫn thị hiện việc thế gian chúng sinh, khéo biết sâu xa mười hai nhân duyên, đạt được biện tài vô ngại, có khả năng nói tùy theo từng ngôn ngữ của chúng sinh, khiến họ trụ trong chánh tín. Đó gọi là pháp tự tại.

Thần thông tự tại là có khả năng làm cho nước trong bốn biển lớn hợp thành một biển, không đến, không đi, không có tướng xao động. Có thể khiến cho các núi Tu Di trong tam thiên đại thiên Thế Giới hợp thành một hòn núi, không đến, không đi và không có sự tăng giảm, như cũ không thay đổi.

Ở địa vị Tứ Thiên Vương của Cõi Trời Tam Thập Tam không bị chướng ngại. Muốn khiến cho tam thiên đại thiên Thế Giới đều được trang nghiêm bằng bảy báu, vàng bạc, chiên đàn, hương hoa đều hiện ra để làm, có thể làm theo ý muốn. Đó gọi là Thần lực tự tại.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm rốt ráo thành tựu bốn phần Như ý như thế. Cho nên ta nói là không có lỗi lầm.

Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm đã thành tựu bốn phần như ý như thế rồi, có thể nhập vào tất cả các cảnh giới thiền định, thần thông, giải thoát, bốn vô lượng tâm, không còn ngăn ngại.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Thế nào là thiền định của Như Lai?

Đáp: Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm có chín bậc thiền định theo thứ tự nhập vào Tam Ma Bạt Đề:

1. Sơ Thiền.

2. Nhị Thiền.

3. Tam Thiền.

4. Tứ thiền.

5. Không xứ.

6. Thức xứ.

7. Bất dụng xứ.

8. Phi hữu tưởng và phi vô tưởng xứ.

9. Diệt tận định xứ.

Đại Vương nên biết! Sa Môn Cù Đàm đã xa lìa các dục, pháp ác bất thiện. Có giác, có quán, lìa sự phát sinh hỷ lạc, nhập vào hạnh Sơ Thiền.

Lìa các dục ác nghĩa là Sơ Thiền đối trị các pháp ái nhiễm, xa lìa pháp ấy gọi là lìa các dục. Lìa các pháp bất thiện, nghĩa là nhân lúc tham, sân, si khởi lên mười nghiệp bất thiện như sát sinh…, đó gọi là pháp bất thiện. Lìa bỏ pháp ấy gọi là Sơ Thiền.

Có giác, nghĩa là có đủ giác vậy.

Vậy giác là cái gì?

Nương vào cảnh giới nào để tùy thuận Sơ Thiền?

Giác có nhiều loại, nghĩa là tri giác, tư duy, quán thiền định…, đó gọi là giác.

Thế nào là quán?

Tức là nói tùy thuận theo Sơ Thiền giác hạnh, tư duy quán, thọ dục định và tri giác, đó gọi là quán. Nương vào hạnh nhàm chán cùng với nó có giác, có quán mà thành Sơ Thiền y. Đối với hạnh nhàm chán cùng với nó có hỷ có lạc mà thành Sơ Thiền hành. Đó gọi là có hỷ, có lạc, nhập vào Sơ Thiền hành. Hành là thọ trì, niệm, hộ, hỷ, lạc và tri, đó gọi là hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần