Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Tinh Tấn Ba La Mật đa - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM CHÍN

PHẨM TINH TẤN BA LA MẬT ĐA  

TẬP MỘT  

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là Đại Bồ Tát tinh tấn Ba la mật đa?

Bồ Tát tu hạnh tương ưng tinh tấn Ba la mật đa, trước hết khiến cho việc ma ẩn mất không hiện, kế đến là không thoái lui, đầy đủ tinh tấn dũng mãnh, không tiếc thân mạng, hùng dũng kiên cố, chí cầu tu tập.

Văn chánh pháp Bồ Tát tạng này, nếu ai có thể biên chép, thọ trì, lắng nghe, đọc tụng, giải thích nghĩa thú, trình bày cho mọi người, Đại Bồ Tát đối với các Khế Kinh cũng hướng dẫn dạy dỗ cho mọi người lắng nghe, biên chép, thọ trì, đọc tụng, truyền bá cho mọi người.

Này Xá Lợi Tử! Ví như có người thực hành hạnh chân thật, cầm các loại khí trượng kim cang, chiến đấu với trăm ngàn người không có khiếp sợ, dũng mãnh chiến đấu với quân địch không tiếc thân mạng.

Đại Bồ Tát thực hành hạnh tinh tấn cũng như vậy, phải kiên cố phát khởi tinh tấn tối thượng, chí cầu chánh pháp Bồ Tát Tạng chưa từng xả bỏ, phát khởi giải hạnh thù thắng, tinh tấn không thoái lui.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nếu Đại Bồ Tát thực hành hạnh tinh tấn kiên cố, không tiếc thân mạng, trong tam thiên Đại Thiên Thế Giới, các loài thuộc noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, không phải có tưởng.

Không phải không tưởng, cho đến các loài nằm trong số hữu tình, trong một sát na, một lạp phược, một mâu hô lật đa, như vậy lần lượt đủ một kiếp rồi, từ xưa đến nay chưa từng thọ sinh, nay mới thọ sinh làm được thân người, phải nên tinh tấn đọc tụng, thọ trì cho đến diễn nói cho mọi người, khiến người khác thọ trì.

Này Xá Lợi Tử! Nay ta nói thí dụ để làm sáng tỏ nghĩa trên. Ví như có người thực hành hạnh chân chánh, cầm kiếm bén chế ngự ác hữu, chém đứt thân mạng toàn thắng trở về.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát cũng như vậy, nhất tâm phát khởi, tinh tấn dũng mãnh, tâm không sợ hãi, luôn thọ trì chánh pháp Bồ Tát tạng.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát có thể đầy đủ hạnh tinh tấn không thoái chuyển, lại có thể mau chóng đầy đủ vô lượng sức tinh tấn như: Tịnh tâm dũng mãnh, trì giới dũng mãnh, nhẫn nhục dũng mãnh, tinh tấn dũng mãnh, Tam Ma Địa dũng mãnh, tuệ thù thắng dũng mãnh, hạnh thù thắng dũng mãnh.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát tuy có thể khởi những hạnh dũng mãnh như vậy, nhưng chưa bao giờ có một niệm khởi ý giết hại. Không phải như bạn ác hễ khởi tâm dũng mãnh là giết hại.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Ta cho rằng Đại Bồ Tát này cũng như Phạm Vương, như Trời Đế Thích, như núi Diệu Cao, không thể lay động.

Có đại Từ, đại bi và thiện giải thù thắng, lại còn có khả năng thông đạt địa không thoái chuyển cảnh giới thần thông, khéo biết các tâm hạnh của hữu tình, tâm như đại địa tất cả bình đẳng, như nước, lửa, gió và hư không tâm đều bình đẳng, lại có khả năng trừ diệt tất cả lỗi lầm tham sân si.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Ví như đem hết bảy báu trong hằng hà sa số Thế Giới để bố thí, nhưng không bằng Đại Bồ Tát nghe chánh pháp Đại Thừa Bồ Tát tạng, tinh tấn tư duy, lại có khả năng tu hành chứng đắc quả Chánh Đẳng, Chánh Giác. Các Đại Bồ Tát phải nên vắng lặng suy nghĩ tu học như vậy.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát có thể tùy thuận tu học hạnh rong lớn như vậy thì nhất định đạt được thiện căn to lớn viên mãn vô lượng. Do nghe hạnh Tinh Tấn Ba la mật đa như vậy, nên có thể thành tựu quả thù thắng vi diệu.

Vì sao?

Vì có tâm ham thích nên nhất định thành Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát đối với chánh pháp Bồ Tát tạng lắng nghe, đọc tụng, biên chép, thọ trì và diễn nói cho mọi người phải nên phát khởi tinh tấn dũng mãnh như vậy, kiên cố lần lượt vượt qua các hiểm nạn không biết lao khổ.

Sao gọi là khó vượt qua mà có thể vượt qua?

Nghĩa là hướng đến Niết Bàn vi diệu, khiến cho Ma Ba Tuần không tìm được sơ hở.

Đây gọi là Bồ Tát chánh sĩ tu hạnh tương ưng, dũng mãnh tinh tấn vì cầu đạo Tam Thừa Niết Bàn như vậy.

Trong ba đường ác, khiến các hữu tình đoạn trừ các pháp tạp nhiễm, phải nên đa văn tu tập trì giới nhẫn nhục, các Ba la mật đa và mong cầu xuất ly. Nếu có hữu tình tạo nghiệp bất thiện, lại thêm biếng nhác, thì Bồ Tát nên sinh lòng thương xót, khiến chúng phát tinh tấn dũng mãnh.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát có trí tuệ tăng trưởng thù thắng thì đối với hữu tình biếng nhác phải nên xa lìa, còn đối với hữu tình tinh tấn nên ở chung.

Vì sao?

Vì Bồ Tát chỉ mong cầu Niết Bàn tối thượng giải thoát thanh tịnh đệ nhất.

Này Xá Lợi Tử! Lại nữa, Đại Bồ Tát khi thực hành tinh tấn Ba la mật đa và cũng hướng dẫn tất cả hữu tình cùng thực hành. Bồ Tát còn có thể làm lợi lạc tất cả hữu tình, khéo nói chánh hạnh, khiến tất cả đều được giác ngộ và hướng dẫn hữu tình đi vào đạo vô thượng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Tinh tấn dũng mãnh đều khong ngại

Thường được tôn trọng không ai bằng

Đối với chánh pháp Bồ Tát tạng

Được xưng đại trí khéo giữ gìn

Suy nghĩ nghĩa chánh pháp tối thượng

Được môn trí tuệ chẳng nghĩ bàn

Lại đối chánh pháp cầu xuất ly

Sẽ được Như Lai thân thọ ký

Dũng mãnh tu tập đại thắng tuệ

Ngồi cội Bồ Đề nghĩ chân chánh

Khiến bọn ma sợ hãi khuất phục

Do trì trí tuệ sức tinh tấn

Hiện khắp tất cả giới thanh tịnh

Học hết sự nghiệp ở thế gian

Lại hay lợi lạc các hữu tình

Đầy đủ tinh tấn không tổn giảm.

Này Xá Lợi Tử! Sau khi ta diệt độ sau năm trăm năm, nếu có ai thực hành hạnh này, hâm mộ thọ trì các Khế Kinh, thì sẽ được tuệ thù thắng vô lượng phước đức, giàu có tôn nghiêm và được mười lực, bốn vô sở úy, bốn pháp chánh đoạn, từ, bi, hỷ, xả, mười tám pháp bất cộng của Như Lai, cho đến tất cả pháp Phật.

Nói chung là hiểu rõ tất cả, tâm được thanh tịnh, trừ khử việc ma, khiến các hữu tình hết khổ sinh tử, hướng đến đạo Niết Bàn, xả bỏ mọi cảnh trái thuận.

Này Xá Lợi Tử! Nếu lúc đó các loại hữu tình tương ưng với trí tuệ phương tiện khéo léo, mong cầu tiến đến Chánh Đẳng, Chánh Giác, tu trì tịnh giới, ưa thích đa văn, tu tập các thiền định, tu hành sự nghiệp trí tuệ và thắng giải thoát, giải thoát tri kiến.

Tinh tấn cầu pháp Phật và ham thích làm lợi ích tất cả hữu tình, đoạn trừ tà kiến, thích cầu chánh kiến, thoát khỏi luân hồi, tu hành Thánh đạo, diễn nói chánh pháp, đồng thời phá các ma chướng, diệt trừ tham sân si, cắt đứt vô minh tối tăm khiến sinh tuệ sáng.

Này Xá Lợi Tử! Nếu ai có thể lắng nghe pháp này thì phát sinh tất cả căn lành, tích tập thành tựu tinh tấn tối thượng. Nếu ai có thể lắng nghe chánh pháp này thì ma không được tiện lợi, từ đó không còn sinh nghi hoặc đối với tất cả pháp Phật.

Này Xá Lợi Tử! Lúc đó, hữu tình phước lực đầy đủ, nội tâm chánh hạnh, sẽ được Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lại nữa, hữu tình này, đối với các Khế Kinh mà có thể lắng nghe đọc tụng, ham thích thọ trì trong tinh thần hoan hỷ, đối với chánh pháp Bồ Tát tạng mà thọ trì đọc tụng, tu hành thành tựu sinh tâm hoan hỷ cũng như vậy. Ta cho rằng người này đối với tất cả giáo pháp của Như Lai nhất định được thành tựu.

Giá như có người không chuyên chú đọc tụng, chỉ tạm đến lắng nghe, mà tác ý ham thích, sinh tâm hoan hỷ, cũng được tinh tấn kiên cố tối thượng đệ nhất. Cho đến đối với chánh pháp Bồ Tát tạng hành tướng chân thật vi diệu, có thể đem một phần nhỏ diễn nói cho người khác.

Này Xá Lợi Tử! Ví như trong biển cả có trái cây chin muồi, đầy đủ sắc hương đang trôi nổi trên mặt nước.

Có một người trượng phu thấy trái cây này, khởi thắng hạnh tinh tấn dũng mãnh bơi vào biển cả, mặc dù sóng lớn dữ dội, nhưng người ấy không sợ nhận chìm, hai tay cố lấy cho bằng được trái cây ấy. Hoặc lấy một, hai, ba trái rồi thoát ra khỏi biển. Sau đó, đến một nơi vắng lặng, anh ta xem xét trái này rồi mới nếm thử vị của nó.

Nem xong anh ta nghĩ: Xưa nay ta chưa từng biết đến trái cây này và cũng không biết sắc hương thơm ngon.

Rồi lại nghĩ tiếp: Ta nay phát đại dũng mãnh trở lại biển cả lấy lại quả ấy. Nhưng khi anh ta đến nơi thì không còn thay trái cây đâu nữa, mà chỉ thấy nước biển đập dữ dội. Thấy thế, anh ta sinh khổ não thoái lui suy nghĩ: Trái cây này sắc hương thơm ngon thù thắng, thật rất thích, tại sao lúc trước ta không lấy cho nhiều!

Này Xá Lợi Tử! Sau khi ta diệt độ năm trăm năm, lúc chánh pháp sắp diệt, nếu có hữu tình nào đối với các pháp bố thí, trì giới, thắng tuệ, tinh tấn mà ít có tin hiểu cũng lại như vậy.

Vì lý do đó cho nên đối với các Khế Kinh, mỗi khi lắng nghe khen ngợi, thọ trì, đọc tụng, diễn nói cho mọi người, cho đến bài kệ bốn câu, cũng đều bị Ma Ba Tuần quấy nhiễu não hại, không thể kiến lập, nên thọ trì đọc tụng, phát tâm cúng dường, khen ngợi tán thán, do đó mà nên đều bị xả bỏ.

Lại nữa, có hữu tình ít lắng nghe, đọc tụng, thọ trì, ở chỗ vắng vẻ suy nghĩ tu tập, bị ma xen vào, cho nên đối với nhất thiết xứ đều bị thoái lui.

Lúc đó hành giả than như vậy: Khổ thay, khổ thay! Ta đối với pháp tối thượng của Như Lai bị giảm mất, chúng ta không còn lắng nghe thọ trì chánh pháp chân thật, cho đến thời gian mâuhô lật đa nhớ nghĩ Như Lai Chánh Đẳng, Chánh Giác cũng không còn kịp nữa rồi.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử!  Các Bí Sô bị ma quản lý nắm giữ, đối với các Khế Kinh không thể lắng nghe đọc tụng.

Lúc đó, ma Ba tuần hiện ra trước đại chúng, hủy báng đủ điều, như nói: Khế Kinh này không phải là Phật nói, chỉ là van trau chuốt hư giả của thế gian.

Này Xá Lợi Tử! Trong đại chúng ấy có các Bí Sô nghe lời đó rồi, đối với nhất thiết xứ bị ma lực gia hại, nên không chịu lắng nghe.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Nếu người nghe chánh pháp này rồi

Khiến các chúng ma đều xa lìa

Đối với tất cả pháp của Phật

Nhất định tin hiểu trừ nghi hoặc

Nếu các hữu tình phước mỏng manh

Không thể lắng nghe chánh pháp này

Vì các hữu tình phước mỏng đó

Có nghe cũng không thể tin hiểu

Hoặc có người đầy đủ phước lực

Lắng nghe thọ trì sinh tin hiểu

Ít chịu lắng nghe chánh pháp này

Hay khiến tất cả các việc ma

Các hữu tình phước mỏng như vậy

Đối chánh pháp này không tin hiểu

Do không tin nên đọa đường ác

Cũng như người mù không thấy gì

Nếu người có đầy đủ phước lực

Tin hiểu sâu xa chánh pháp này

Do thâm tín nên sinh đường thiện

Nhanh chóng như sữa rơi xuống nước

Một loại hữu tình ít phước báo

Nghe pháp lần lượt sinh phiền não

Người ấy nhiều kiếp chịu khổ não

Vì ngu si nên không giải thoát

Đối Phật Bồ Đề đều xả bỏ

Mau chóng đọa vào trong đường ác.

Này Xá Lợi Tử! Như Lai có pháp trí tuệ trong sáng.

Xá Lợi Tử! Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp sắp diệt, trong bốn chúng, có một hạng Bí Sô, Bí Sô Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đối với các Khế Kinh lắng nghe đọc tụng, ham thích thọ trì. Hoặc có một hạng hữu tình nào đối với nhất thiết xứ không thể ham thích thọ trì đọc tụng, Như Lai biết rõ từng chi tiết của hữu tình ấy.

Lại nữa, các hữu tình nghe Khế Kinh này rồi, phát khởi hạnh chân chánh như lý tu hành, sẽ được đầy đủ bốn pháp thanh tịnh trong sạch không chướng ngại:

1. Đạt được giới pháp Ba la mật đa thanh tịnh trong sạch đầy đủ không chướng ngại.

2. Thường gặp Như Lai, thấy các tướng tốt thanh tịnh trong sạch đầy đủ không chướng ngại.

3. Được thấy Từ Thị Như Lai, đạt được pháp thanh tịnh trong sạch, đầy đủ không chướng ngại.

4. Đạt được các sức thiện căn tương ưng như lý, thanh tịnh trong sạch đầy đủ không chướng ngại.

Này Xá Lợi Tử! Sau khi ta diệt độ pháp sắp diệt rồi, đối với hạnh đại thừa hành tướng như vậy, người nào tu hạnh tương ưng, phát khởi hạnh tinh tấn thù thắng, lại còn thọ trì đọc tụng Khế Kinh, diễn nói cho mọi người, lần lượt lắng nghe. Khi ấy, hữu tình lại có mười thứ ma sự, người trí phải nên biết rõ, không nên tùy thuận với việc ma này, trái lại phải phát khởi tinh tấn dũng mãnh để thành tựu Phật sự.

Sao gọi là mười thứ ma sự?

Này Xá Lợi Tử! Nếu có Bí Sô đối với các Khế Kinh ham thích thọ trì đọc tụng. Lúc đó có Ma Ba Tuần đến quấy nhiễu não hại. Đây là ma sự thứ nhất. Người trí nên biết rõ việc này không nên tùy thuận.

Này Xá Lợi Tử! Nếu có Bí Sô ham thích thọ trì đọc tụng Khế Kinh. Lúc đó có Ma Ba Tuần đến quấy phá nhiễu hại, khiến cho đôi mắt sinh ra các bệnh. Đây là ma sự thứ hai. Người trí nên biết rõ việc này không nên thoái lui.

Này Xá Lợi Tử! Nếu có Bí Sô ham thích thọ trì đọc tụng Khế Kinh. Lúc đó có Ma Ba Tuần đến quấy phá nhiễu hại, khiến các phần trên thân sinh các bệnh khổ. Đây là ma sự thứ ba. Người trí nên biết rõ việc này không nên thoái lui.

Này Xá Lợi Tử! Nếu có Bí Sô ham thích thọ trì đọc tụng Khế Kinh, nhưng tâm còn tán loạn không thích thiền định. Đây là ma sự thứ tư. Người trí nên biết rõ việc này không nên tùy thuận.

Này Xá Lợi Tử! Nếu có Bí Sô ham thích thọ trì đọc tụng Khế Kinh, nhưng tâm còn nổi lên giận dữ tranh cãi lẫn nhau, không thể an lập được các Khế Kinh. Đây là ma sự thứ năm. Người trí nên biết rõ điều đó, không nên tùy thuận.

Này Xá Lợi Tử! Nếu có Bí Sô ham thích thọ trì đọc tụng Khế Kinh, khiến cùng nhau đấu tranh, đều phạm vào tội của quốc gia. Dùng lời thô ác chửi nhau bén như tên độc, tổn hại lẫn nhau, mọi hành tướng như vậy khiến các Khế Kinh không được lưu truyền, do nghiệp đấu tranh nên mau chóng thoái chuyển. Đây là ma sự thứ sáu. Người trí nên biết rõ việc này không nên tùy thuận.

Này Xá Lợi Tử! Nếu có Bí Sô ham thích thọ trì đọc tụng các Khế Kinh. Lúc đó Ma Ba Tuần dụ dỗ đến nhà bạch y, lại khiến khởi lên đấu tranh. Hành tướng như vậy không thể thọ trì các Khế Kinh, khiến sinh phỉ báng, do nghiệp đấu tranh tố tụng cho nên mau chóng phá hoại. Đây là ma sự thứ bảy. Người trí nên biết rõ việc này, không nên tùy thuận.

Này Xá Lợi Tử! Khi pháp sắp diệt, hoặc có các thiếu niên Bí Sô, xuất gia chưa được bao lâu, ham thích thọ trì pháp này, tin hiểu kiên cố, đối với các Khế Kinh phát tâm Chánh Đẳng, Chánh Giác. Lúc Bí Sô nghe Kinh này rồi rất hoan hỷ.

Khi ấy, thân giáo sư mới nói với Bí Sô thiếu niên ấy rằng: Đây chẳng phải Phật Bồ Đề, chẳng phải pháp luật của Phật, vậy không nên thọ trì. Các Bí Sô nghe lời này rồi, chỉ trong thời gian ngắn không còn tin thọ Phật Bồ Đề.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần