Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Hai Mươi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý

HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Duy Tịnh, Đời Triệu Tống  

PHẦN HAI MƯƠI  

Lại có bốn pháp:

1. Thích cầu tài lợi dầu cho gian khổ.

2. Nếu được tài lợi mà không chia phần đồng đều cho kẻ khác.

3. Không muốn người đạt được lợi dưỡng.

4. Chính mình được lợi mà không hề biết đủ.

Lại có bốn pháp:

1. Thân luồn cúi, không có đạo hạnh oai nghi.

2. Lời nói quanh co không thật.

3. Tâm khúc mắc tạo tác các tội.

4. Tất cả chỗ khúc mắc là vì không nuôi dưỡng thân mạng một cách thanh tịnh.

Lại có bốn pháp:

1. Đối với người đồng trú đại thừa khởi tâm sân nhuế.

2. Vì tăng thượng mạn nên không thể hiểu rõ các việc ma.

3. Nghe điều chẳng chân chánh thì liền vui làm.

4. Nghe các điều thiện công đức, thì sinh phiền não.

Lại có bốn pháp:

1. Vì kiêu mạn nên không thể gần gũi chánh pháp.

2. Đối với Pháp Sư thuyết pháp không khởi lòng tôn trọng.

3. Đối với phụ mẫu, sư trưởng, thân giáo sư không sinh lòng quy kính.

4. Thân tâm hung dữ, các chỗ khởi làm thường sinh lòng trái nghịch.

Lại có bốn pháp:

1. Xiển dương đức hạnh của mình.

2. Che giấu đức hạnh người khác.

3. Bị ngã mạn thiêu đốt.

4. Hung dữ, sân giận.

Lại có bốn pháp:

1. Biếng nhác.

2. Hôn trầm.

3. Không chánh thuận.

4. Chấp trước.

Lại có bốn pháp:

1. Không điều phục.

2. Không tịch tĩnh.

3. Không ẩn mật.

4. Không nhu thiện.

Lại có bốn pháp:

1. Còn cạn cợt mà đi vào quốc thành, xóm làng.

2. Không đủ giới uẩn mà cầu lợi dưỡng.

3. Không giữ gìn oai nghi mà vào nhà nữ nhân.

4. Không trú định tâm đẳng dẫn để thể nhập căn tánh chúng sinh.

Lại có bốn pháp:

1. Không thể siêng tu bốn nhiếp pháp.

2. Xả bỏ sự thành tựu đầy đủ cho chúng sinh.

3. Hủy báng chánh pháp, không hề hộ trì.

4. Đối với người thuyết pháp lại sinh lòng quấy nhiễu.

Lại có bốn pháp:

1. Ngu si, thường sinh đa dục.

2. Sân hận, thích làm các việc lỗi lầm.

3. Tham ái, không sinh lòng biết đủ.

4. Cầu lợi, tâm thường không chán.

Lại có bốn pháp:

1. Bất tín nên thường trạo cử.

2. Thân cận bạn ác, không chán bỏ nghiệp tội.

3. Biếng trễ, làm giảm mất pháp thiện.

4. Phóng dật nên việc làm thiện căn đều tiêu mất.

Lại có bốn pháp:

1. Không thể quán sát bên trong nên thường không hổ.

2. Tuệ giải không sáng tỏ nên thường không thẹn.

3. Ngang bằng với nghiệp vô gián nên không biết tri ân.

4. Tuy đối với tha nhân đã không làm lợi ích mà chính mình còn đánh giết họ, lại còn vu khống cho kẻ khác.

Lại có bốn pháp:

1. Sân.

2. Phẫn.

3. Hận.

4. Hại.

Lại có bốn pháp:

1. Thân nghiệp không thể thanh tịnh.

2. Ngữ nghiệp không thể khéo giữ gìn.

3. Tâm nghiệp tạp nhiễm.

4. Ở trong đại thừa mà sinh lòng chán mệt.

Lại có bốn pháp:

1. Lừa dối chư Thánh.

2. Không hộ chư Thánh.

3. Khinh mạn thí chủ.

4. Đối với A La Hán khởi tăng thượng mạn.

Lại có bốn pháp:

1. Ở nơi chúng hội mà nói lời hai lưỡi.

2. Ở nơi Sư Trưởng, A Xà Lê mà phát ra ngôn từ thô ác.

3. Đối với người đến cầu xin thì nói lời thêu dệt.

4. Lừa dối trời, người.

Lại có bốn pháp:

1. Không giữ gìn giới uẩn.

2. Không vượt khỏi đời khác.

3. Đánh mất thiện căn.

4. Phá hoại sự trưởng dưỡng thắng hạnh.

Lại có bốn pháp:

1. Ở trong đại chúng khởi tâm ương bướng.

2. Ở chỗ chúng hội giữ tâm cao ngạo.

3. Thường nói ra lời ác, muốn trốn chạy tội lỗi.

4. Dùng lời tạp loạn mà cho là Kinh Điển thế gian.

Lại có bốn pháp:

1. Không đem tâm siêng hành ở chỗ vắng lặng.

2. Tâm nhiều tổn hại ở nơi chỗ náo nhiệt.

3. Không trồng thiện căn mà tưởng mình có phước đức.

4. Trộm danh Bồ Tát để cầu lợi nuôi thân.

Lại có bốn pháp:

1. Tâm không nhu thuận.

2. Tâm ấy thô bạo.

3. Tâm không điều phục.

4. Đối với chúng sinh khởi tâm phiền khổ.

Lại có bốn pháp:

1. Ỷ lại vào sự trì giới.

2. Ỷ lại vào đa văn.

3. Ỷ vào chỗ trú A lan nhã.

4. Ỷ lại vào công đức khổ hạnh.

Lại có bốn pháp:

1. Cho ngã là thù thắng.

2. Cho pháp là thù thắng.

3. Chỉ một chút thiện căn mà cho la tối thắng, không hồi hướng Bồ Đề.

4. Đầu tiên thì tu hạnh đại thừa nhưng giữa đường thì thích pháp Thanh Văn, Duyên Giác.

Lại có bốn pháp:

1. Chấp trước vào thân.

2. Chấp trước vào tâm.

3. Chấp trước vào giới.

4. Không hướng đến thắng đạo.

Lại có bốn pháp:

1. Thân hữu đến xin chỗ thì chẳng cho.

2. Chạy theo lợi dưỡng mà tự cho là thanh tịnh, lại còn vui mừng khi thấy kẻ phá giới.

3. Mê đắm nhà thế.

4. Đối với người giới luật tròn đủ mà lại sinh lòng sân hận, sinh khởi các sự ràng buộc bằng các việc làm gian khổ.

Lại có bốn pháp:

1. Làm nhiều việc.

2. Cầu lợi nhiều.

3. Nói năng nhiều.

4. Tri kiến nhiều.

Lại có bốn pháp:

1. Ngã kiến, chấp trước nơi ngã.

2. Chúng sinh kiến, chấp trước chúng sinh.

3. Đoạn kiến, chấp trước nơi vô tác.

4. Thường kiến, chấp trước nơi thân mạng.

Lại có bốn pháp:

1. Ở nơi một việc mà sinh khởi trùng trùng muôn việc.

2. Đã sinh khởi rồi thì không thể làm chủ.

3. Không thể làm chủ nên sinh mệt mỏi.

4. Vì mệt mỏi nên mới sợ hãi.

Lại có bốn pháp:

1. Không tu trí tuệ để thăng tiến lên các địa.

2. Không thể khéo tu thiền định.

3. Bỏ quên không hành thắng tuệ của chúng sinh.

4. Tu nguyện và phương tiện mà khởi chỗ thủ đắc.

Lại có bốn pháp:

1. Tùy miên chướng pháp mà căn tánh độn.

2. Tùy miên chướng nghiệp nên không siêng hành các thiện căn.

3. Tùy mien chướng phiền não, ba uẩn tùy chuyển.

4. Chạy theo việc ma bỏ quên tâm bồ đề.

Này Hải Ý! Những loại bốn pháp như vậy làm chướng ngại ở trong đại thừa.

Lúc Đức Thế Tôn Giảng nói đại thừa thâu giữ các pháp, trong chúng hội có bốn vạn bốn ngàn chúng sinh và một ngàn trời, người đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, có hai vạn tám ngàn Bồ Tát đắc pháp nhẫn vô sinh.

Khi ấy, tam thiên Thế Giới chấn đủ động sáu cách, có ánh sáng lớn tỏa chiếu khắp mười phương, một ngàn chúng trời, người ở trong hư không cùng phát lời khen ngợi và vui mừng vây quanh.

Lại có mưa xuống vô số hoa trời vi diệu, nhạc trời tấu vang, tiếng trống lời ca diệu mầu cúng dường, tất cả đều dùng diệu kệ khen ngợi:

Đại pháp tạng vô thượng như vậy

Hôm nay Như Lai tự mở bày

Đã lâu an trú đại từ bi

Vì các chúng sinh soi tỏ rõ.

Nói kệ này rồi, họ liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người đối với đại pháp bảo tạng này của Như Lai có thể thọ trì dẫu chỉ một phần rất nhỏ thì người ấy mau chóng giải thoát mọi sư sợ hãi của địa ngục, dần dần sẽ có thể chuyển pháp luân vô thượng.

Bạch Thế Tôn! Ví như có người đi đến một châu thành, làng xóm kia không xa lắm thấy kho chứa châu báu nơi lòng đất nhiều vô kể.

Vì người này có tâm lợi ích nên liền đến nơi châu thành ấy nói với mọi người: Các ngươi hãy khéo đến đó, nếu muốn tìm các châu báu thì ta biết nơi ấy, ta sẽ chỉ cho các ông vô số châu báu đang ẩn giấu.

Bạch Thế Tôn! Trong châu thành ay có một loại người tuy nghe lời nói ấy mà không chịu tin nhận. Lại có một loại người, thì tin vào lời nói ấy nên liền cùng với người kia đến chỗ đến chỗ cất giấu vật báu tùy theo sức và trí của mỗi người tha hồ lấy cac châu báu đem về, nhưng chỗ chỗ chứa này thì vô tận, cũng không phân biệt người này ta cho người kia, ta không cho người này được lấy người kia không được lấy.

Vì sao?

Vì chỗ cất chứa vật báu ấy không hề phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Chư Phật Thế Tôn thuyết đại pháp bảo tàng cũng lại như vậy. Đức Phật ở trong A tăng kỳ câu chi na do tha kiếp đã tích chứa Bảo tạng diệu pháp quảng đại vô thượng như vậy. Đã tích chứa rồi đến Đạo Tràng Bồ Đề thành đạo quả Chánh Giác.

Sau đó chuyển đại pháp luân ở vườn Lộc Uyển thuộc nước Ba La Nại. Hôm nay, Đức Thế Tôn lại chuyển chánh pháp trong đại hội này, mở bày Đại pháp bảo tạng vô thượng. Nhưng Phật Thế Tôn dùng tâm không chấp trước, luôn khởi tâm đại bi làm các việc lợi lạc cho mọi chúng sinh nhưng họ không hề hay biết.

Đức Phật Thế Tôn đã dùng Phạm âm nhiệm mầu khuyến dụ cùng khắp cả Trời, Người, A Tu La: Các ngươi nên đến đây để thọ trì Pháp bảo quảng đại vô thượng, pháp này có thể đoạn tận nguồn cội của sinh, lão, bệnh, tử, có thể ban phát tất cả niềm vui vi diệu vô tận.

Bạch Thế Tôn! Hoặc có một loại người ngu si, không đủ niềm tin, nên đối với chánh pháp này không sinh thắng giải, lại không thuận theo nẻo chánh không thể phân biệt nên không sinh tín tâm.

Hoặc có một loại người đủ niềm tin, đối với chánh pháp này có thể khéo phân biệt nên sinh thắng giải, lại khởi sự thuận hợp chân chánh có thể phân biệt rõ nên sinh lòng tin thanh tịnh sâu xa. Người đó mới có thể đối với đại pháp bảo tạng của Như Lai tùy sức nhận lãnh pháp bảo ấy.

Tự lấy pháp báu rồi, lại khiến cho người khác ở trong pháp giải thoát của các thừa sinh tâm tin, hiểu. Hoặc có kẻ tính thích trú ở thừa Thanh Văn, hoặc tánh thích trú thừa Duyên Giác, hoặc có người thích trú Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nhưng đại pháp bảo tạng tối thắng vô thượng của Như Lai thì không cùng tận, cũng không phân biệt.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nay Đại pháp bảo tạng vô thượng này đã khai mở, chỉ bày rộng lớn như vậy, nhưng các chúng sinh đối với pháp tổng lược này không thể nắm lấy dẫu cho một phần rất nhỏ. Những người đó vì không được pháp báu nên hành ba nẻo ác trong cõi sinh tử không cùng tận.

Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người đối với Đại pháp bảo tạng vô thượng tóm lược này, cho đến hoặc chỉ có thể thọ trì một bài kệ bốn câu, thì người ấy đầy đủ bảy Thánh tài, không bao giờ thiếu thốn, huống hồ là có thể tín phụng, thọ trì một phẩm chánh pháp tóm lược của pháp hội rộng lớn này. Hoặc lại thọ trì hai, ba, bốn, năm, mười, hai mươi, bảy mươi phẩm, cho đến có thể thọ trì trọn vẹn thì người ấy đạt được công đức không thể tính đếm.

Vì sao?

Vì pháp môn này không lìa tâm Bồ Đề, vì sự bức xúc đối với tất cả chúng sinh mà khởi tâm đại bi. Cho nên, nếu người nào có thể khởi tịnh tâm và thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng nói, nên biết người ấy sẽ được thọ ký Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, sẽ được ngồi Đạo Tràng, hàng phục quân ma, ở trong đại thừa đắc đại thần thông.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần