Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Mười Một - Phẩm Tuệ Thù Thắng Ba La Mật đa - Tập Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI MỘT
PHẨM TUỆ THÙ THẮNG BA LA MẬT ĐA
TẬP BẢY
Này Xá Lợi Tử! Các Bồ Tát đối với chánh pháp tạng này, học như vậy rồi sẽ đạt đến bờ giác. Thế nên đối với tất cả Ba la mật đa của đại thừa này nên học như vậy.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nếu thiện nam, thiện nữ nào đối với chánh pháp Bồ Tát tạng này mà thọ trì, đọc tụng, khai thị rộng rãi, diễn nói cho mọi người nên đều được mười công đức khen ngợi:
1. Sau khi chết thông đạt tất cả sự nghiệp.
2. Được sinh vào dòng thánh.
3. Đầy đủ danh tiếng.
4. Lời nói ra được mọi người hoan hỷ tin theo.
5. Được giàu có vô lượng.
6. Được Trời người kính mến.
7. Làm Chuyển Luân Vương.
8. Được sinh lên Phạm Thiên.
9. Nguyên trong bản chữ Phạn thiếu.
10. Dù ở đâu cũng được tâm bồ đề không có thoái thất.
Lại nữa, đạt được mười công đức khen ngợi:
11. Không sống chung với các loại Ni càn đà.
12. Không khởi ngã kiến.
13. Không khởi nhân kiến.
14. Không khởi chúng sinh kiến.
15. Không khởi thọ giả kiến.
16. Không khởi thường kiến.
17. Không khởi đoạn kiến.
18. Nên xả bỏ các ngọc báu đẹp.
19. Phát tâm tịnh tín, thường thích xuất gia.
20. Mau chóng hiểu rõ danh cú văn.
Lại nữa, đạt được mười công đức khen ngợi:
1. Chánh niệm.
2. Thông minh lanh lợi.
3. Tổng trì.
4. Thắng tuệ.
5. Sát na được đầy đủ.
6. Được túc trụ niệm.
7. Tánh ít tham dục.
8. Tánh ít sân nhuế.
9. Tánh ít ngu si.
10. Không bị lửa dữ trong ba cõi thiêu đốt.
Lại nữa, đạt được mười công đức khen ngợi:
1. Tuệ thù thắng hy hữu.
2. Tuệ thù thắng khinh an.
3. Tuệ thù thắng dũng mãnh lanh lẹ.
4. Tuệ thù thắng nhanh chóng.
5. Tuệ thù thắng to lớn.
6. Tuệ thù thắng thậm thâm.
7. Tuệ thù thắng quyết trạch.
8. Tuệ thù thắng vô ngại.
9. Hiện tiền được thấy Như Lai và có khả năng dùng kệ khen ngợi Như Lai.
10. Cùng Như Lai thâm tâm vấn đáp.
Lại nữa, đạt được mười công đức khen ngợi:
1. Có thể dẫn dắt bảo hộ các ác tri thức.
2. Giải thoát các trói buộc của ma.
3. Phá các quân ma.
4. Đoạn các hoặc nhiễm.
5. Đối với các hành nghiệp có khả năng trừ phục kiêu mạn.
6. Hướng đến các nẻo thiện.
7. Hướng đến cửa Niết Bàn.
8. bố thí nhận thí vượt mọi luân chuyển.
9. Theo học tất cả đạo bồ đề.
10. Thuận tất cả lời dạy của Chư Phật.
Này Xá Lợi Tử! Đối với chánh pháp Bồ Tát tạng phải nên thọ trì, đọc tụng, khai thị rộng rãi diễn nói cho mọi người đều đạt được công đức khen ngợi như vậy.
Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên liền lập lại bằng kệ rằng:
Những bậc có trí lớn
Khéo rõ văn cú nghĩa
Thọ trì Kinh Vua này
Được vô lượng thắng tuệ
Tỳ Kheo Pháp Sư ấy
Thường hành pháp thí này
Thọ trì Kinh Vua này
Sinh hoan hỷ tối thắng.
Vì mọi người nghe pháp
Tuyên nói pháp như vậy
Thọ trì Kinh Vua này
Được công đức khen ngợi
Được thắng tuệ này rồi
Đối pháp không tổn giảm
Đối với thắng niệm lực
Hay diễn câu vô thượng.
Người khéo nói pháp yếu
Thường khen lời Phật dạy
Thọ trì Kinh Vua này
Thường đầy đủ đa văn.
Người nghe rồi thọ trì
Không đắm trước văn tự
Tùy nghĩa thường quán sát
Tăng trưởng trí tuệ Phật
Do trí tuệ vô biên
Thâm đạt thắng nghĩa đế
Tuyến bố khắp mười phương
Nghe rồi được khen ngợi.
Tham, nhuế và si mê
Từ đó được giảm dần
Tâm thanh tịnh tối thượng
Nghe rồi được khen ngợi.
Thọ dụng mọi tiền của
Xưng dương nghĩa như thật
Hiểu rõ phi chân thật
Bỏ nhà cầu giải thoát.
Thích sống nơi vắng lặng
Nghe pháp thường không chán
Thưa hỏi Đức Thế Tôn
Pháp thí không xan lận
Khiến trí tuệ tăng trưởng
Trong sạch không giảm mất.
Khi Đức Thế Tôn nói kệ rồi, bảo Xá Lợi Tử: Này Xá Lợi Tử! Các Bồ Tát này đối với hạnh tuệ thù thắng Ba la mật đa, nên dũng mãnh dùng bốn nhiếp pháp nhiếp thọ hữu tình.
Bốn pháp ấy là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.
Sao gọi là bố thí?
Ấy là bố thí tiền, bố thí pháp và thí vô úy.
Sao gọi là ái ngữ?
Là nói lời nhẹ nhàng đối với người nghe pháp.
Sao gọi là lợi hành?
Là ý luôn vui vẻ hòa thuận viên mãn đối với mình và người.
Sao gọi là đồng sự?
Là đối với trí này khởi lên tưởng công đức, nhiếp thọ hữu tình, an trụ vào pháp này.
Lại nữa, người bố thí nghĩa là ý phải hết sức thanh tịnh, đối với tất cả những ai đến xin. Ái ngữ là đoạn mọi hợp tập. Lợi hành là khiến không thoái lui. Đồng sự là hồi hướng đại thừa.
Lại nữa, bố thí là tùy chuyển tâm đại bi không có hối tiếc. Ái ngữ là tùy tâm hỷ xả. Lợi hành là vì các hữu tình, thân tâm dũng mãnh, mặc đại giáp trụ. Đồng sự là tâm xả cao thấp, hướng đến nhất thiết trí.
Lại nữa, bố thí là như pháp mong cầu bỏ mọi tài sản tư cụ. Ái ngữ là đem chánh pháp hướng dẫn mọi người. Lợi hành là tự lợi lợi tha đều khởi bình đẳng. Đồng sự là lợi ích các hữu tình, đồng khởi tâm nhất thiết trí.
Lại nữa, bố thí là tự xả tất cả pháp trong ngoài. Ái ngữ là đối với các pháp thực hành công đức trí tuệ, thiện quyền khen ngợi. Lợi hành là xả mọi tự lợi chuyển đổi lợi tha. Đồng sự là thành thục bồ đề. Ví như trái Am ma la lặc trong lòng bàn tay, đem ban cho mọi người không còn khiếp nhược.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Pháp thí nghĩa là khi mình nghe pháp rồi đem diễn nói cho mọi người. Ái ngữ là khai thị chân chánh không mong báo đền. Lợi hành là diễn nói cho mọi người không biết mệt mỏi. Đồng sự là đối với nhất thiết trí ham thích pháp thậm thâm, tâm không xa lìa.
Lại nữa, Pháp thí là đối với người nghe pháp nói không tán loạn. Ái ngữ là đến các phương xa khác diễn nói các pháp. Lợi hành là vì cầu ý nghĩa của chánh pháp mà cung cấp tất cả các thứ đồ ăn, thức uống, y phục, ngọa cụ, thuốc thang, cho đến dùng thân che chở các Pháp Sư. Đồng sự là khiến chủng tánh huân tập an trụ.
Lại nữa, Pháp thí là tối thượng hơn tất cả các thí. Ái ngữ là phân biệt nghĩa lợi. Lợi hành là theo nghĩa chứ không theo văn cú. Đồng sự là khiến viên mãn tất cả pháp Phật.
Lại nữa, bố thí là bố thí Ba la mật đa, ái ngữ là trì giới, nhẫn nhục Ba la mật đa, Lợi hành là tinh tấn Ba la mật đa, đồng sự là thiền định, thắng tuệ Ba la mật đa.
Lại nữa, bố thí là Bồ Tát mới phát tâm. Ái ngữ là Bồ Tát thực hành hạnh thắng giải. Lợi hành là Bồ Tát trụ địa không thoái. Đồng sự là Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ.
Lại nữa, bố thí là trụ căn bồ đề. Ái ngữ là làm hạt mầm bồ đề phát triển. Lợi hành là nở hoa bồ đề. Đồng sự là kết trái bồ đề.
Này Xá Lợi Tử! Thế nên các Đại Bồ Tát trong nhiều kiếp dùng bốn nhiếp sự nhiếp thọ hữu tình, đối với hạnh bồ đề, các Ba la mật đa có khả năng tùy chuyển, đối với bốn nhiếp sự ấy lại còn có vô lượng vô biên nhiếp sự khác nữa.
Khi ấy, Đức Phật bảo Xá Lợi Tử: Này Xá Lợi Tử! Đức Đại Uẩn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác vì Thái Tử Tinh Tấn Hạnh mà khai thị đạo bồ đề và được Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại khen ngợi.
Lúc đó, Thái Tử Tinh Tấn Hạnh ở chỗ Đức Phật ấy nghe chánh đạo bồ đề như vậy và nghe Chư Phật ba đời khen ngợi hết sức vui mừng vì được thiện lợi. Lại trải qua chín mươi chín câu chi năm dùng các món đồ ăn, thức uống, y phục, ngọa cụ, thuốc thang cúng dường tôn trọng tán thán Đức Đai Uẩn Như Lai và chúng Thanh Văn ấy.
Này Xá Lợi Tử! Đức Đại Uẩn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác liền thọ ký cho Thái Tử thành Chánh Đẳng, Chánh Giác bồ đề.
Khi ấy, Đức Phật bảo Xá Lợi Tử: Này Xá Lợi Tử! Các ông chớ cho rằng Thái Tử Tinh Tấn Hạnh được thọ ký rồi mà khởi lên dị kiến sinh nghi hoặc.
Vì sao?
Vì Thái Tử Tinh Tấn Hạnh này đã trải qua thời quá khứ chín mươi chín câu chi năm thân cận cúng dường tôn trọng tán thán đức Đại Uẩn Như Lai và chúng Thanh Văn, cũng đem các món đồ ăn, thức uống, y phục, ngọa cụ, thuốc thang tinh cần cung cấp không thiếu thứ gì.
Vì bản nguyện nên Đức Thế Tôn ấy đã thọ ký Chánh Đẳng, Chánh Giác cho Thái Tử rằng: Đời vị lai quá A tăng kỳ kiếp, ông được thành Phật hiệu là Bảo Thân Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật ấy có tám mươi Na Do Đa đại chúng Thanh Văn đều là A La Hán, đã dứt sạch các lậu, không còn phiền não, tâm được tự tại, đến bờ giải thoát.
Này Xá Lợi Tử! Vào thời điểm đó, có Vua ra đời tên là Thiện Hiện.
Vị Vua ấy chỉ đem thiện pháp hóa độ cai trị dân chúng, chuyển bánh xe chánh pháp, tu hạnh tinh tấn, bốn bộ binh nghiêm vệ, đầy đủ bảy báu như: Luân báu, voi báu, ngựa báu, ma ni báu, nữ báu, chúa binh báu, chúa tạng báu. Bảy báu như vậy thù thắng không ai sáng bằng.
Lại có thành lớn ten là Diêm phù đàn kim. Đông, Tây của thành ấy rộng mười hai du thiện na. Nam, Bắc bằng nhau bảy du thiện na. Nhân dân trong nước ấy lìa các gian khổ, những vật cần dùng đều như ý, có thần thông lớn hưởng mọi thú vui thù thắng vi diệu, hữu tình sống trong thành ấy đông đảo như vậy.
Trong thành ấy lại có trưởng giả tên là Thiện Tuệ, đầy đủ trân báu thọ dụng không thiếu. Các kho chứa của ông ta đều đầy ắp cả. Ông ta đã từng gieo trồng các căn lành ở nơi các Đức Phật và được Chư Phật ấn khả.
Này Xá Lợi Tử! Khi ấy Đức Bảo Thân Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác, quán sát trưởng giả Thiện Tuệ ấy và biết được căn cơ của ông ta có thể nắm giữ chánh pháp Bồ Tát tạng, là pháp khí của Chư Phật. Biết như vậy rồi, Đức Như Lai Bảo Thân liền đến chỗ ấy hiện đại thần lực, ngồi kiết già ở giữa hư không, tùy ứng mà nói đạo pháp Bồ Tát, nhưng lại khen ngợi Chư Phật ba đời.
Này Xá Lợi Tử! Khi trưởng giả ấy nghe pháp rồi, thâm tâm ngưỡng mộ, tin hiểu thanh tịnh, vui mừng khôn xiếc, suốt trong ngàn năm đem các đồ ăn, thức uống, y phục, ngọa cụ, thuốc thang và các món cần dùng lễ bái cúng dường, tôn trọng, tán thán Đức Như Lai Bảo Thân và chúng Thanh Văn.
Tuy mãn ngàn năm làm việc như vậy nhưng không biết biếng nhác mệt mỏi, lại còn phát thệ rằng: Con nguyện sẽ thành Chánh Đẳng, Chánh Giác. Nghe lời thề này, Đức Như Lai ấy liền thọ ký.
Này Xá Lợi Tử! Ông chớ cho rằng trưởng giả này được thọ ký mà khởi lên dị kiến nghi hoặc. Lúc đó, ta nguyện cầu bồ đề cũng đem các món đồ ăn, thức uống, y phục, ngọa cụ, thuốc thang trong ngàn năm cúng dường cung kính, tôn trọng tán thán Đức Như Lai Bảo Thân và chúng Thanh Văn, nhưng Đức Thế Tôn ấy không thọ ký cho ta thành Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Khi ấy, Đức Bảo Thân Như Lai bảo Thiện Tuệ: Đến đời vị lai qua A tăng kỳ kiếp, ông sẽ thành Phật hiệu là Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Trong pháp Đức Phật ấy có Vua tên là A Xà Thế. Vua ấy có thành tên là Liên hoa cụ túc. Nhân dân trong nước ấy lìa các khổ nạn, luôn được an ổn, tùy ý thành tựu.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tam Di Ly đề - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Hai Mươi Mốt
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Sáu - Phẩm Tổng Trì
Phật Thuyết Kinh Nhuy Tứ Gia - Phẩm Bốn - Phẩm Tịnh địa
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Tập địa Tạng Thập Luân - Phẩm Ba - Phẩm Vô Y Hành - Phần Hai