Phật Thuyết Kinh đại Thừa đồng Tánh - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Da Xá, Đời Chu

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA ĐỒNG TÁNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Da Xá, Đời Chu   

PHẦN SÁU  

Khi ấy, Đức Thế Tôn từ chỗ ngồi, đứng dậy, cùng với vô số các Bồ Tát, lần lượt trước sau. Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông ở bên phải, Bồ Tát Di Lặc ở bên trái, ở trong không trung yên lặng mà đi.

Khi đến bảo điện trang nghiêm, Đức Thế Tôn cùng chúng Bồ Tát bước vào trong. Trong điện, ở phía Đông, có Tòa Sư Tử vuông vức, cao vô số do tuần. Đức Thế Tôn bèn ngồi lên Tòa Sư Tử.

Khi Thế Tôn ngồi lên Tòa Sư Tử, bảo điện trang nghiêm ấy, chấn động sáu cách, phát ra trăm ngàn ức na do tha vô lượng lưới ánh sáng lớn, đó là: Các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tím, vàng ròng. Các Thiên Tử tấu lên các bản âm nhạc ở cõi Trời để ca tụng. Làm mưa các hoa Trời lớn.

Cứ như vậy, các hương Trời vẫn thoảng đưa không dứt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với chúng Bồ Tát: Các Thiện Trượng Phu! Các vị mỗi người nên trải tòa hoa sen mà ngồi. Sau khi được Thế Tôn cho phép, chúng Bồ Tát mỗi vị liền trải tòa hoa sen mà ngồi. Phật cùng chúng Đại Bồ Tát ngồi xong.

Đại Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông liền suy nghĩ: Hôm nay, ta cúng dường Đức Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác và hỏi về Phật Địa.

Nghĩ rồi, Đại Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông, liền từ chỗ ngồi, đứng dậy, nương theo ý nghĩ sinh ra hằng vô lượng, vô biên A tăng kỳ hương hoa, hương xoa, hương bột, mũ hoa, y phục, cờ phướn, lọng báu và âm nhạc, ca ngợi cúng dường Thế Tôn, cùng chúng Bồ Tát, với lòng cung kính tôn trọng, thực hiện việc cúng dường, sinh tâm rất hiếm có, cúng dường xong rồi.

Lại xuất ra những đồ cúng dường rất đặc biệt, đó là những vật báu như ngọc châu, xâu chiên đàn ngưu đầu, hoa bảy báu. Còn tay thì cầm đại bảo châu, tên là Sư Tử vô ngại bảo tạng thanh tịnh, trong suốt, cúng dường Thế Tôn, cùng các vị Bồ Tát, cúng dường bằng cách tung rải khắp trên thân của chư Như Lai.

Rải xong, lạy dưới chân Thế Tôn nhiễu quanh ngàn vòng, rồi hướng về Phật, chắp tay, dùng kệ ca ngợi:

Hiện ra vô lượng thân tướng đẹp

Ngay ngắn, đoan nghiêm không tỳ vết

Búi tóc như màu ong, Khổng Tước

Trán bằng, tươi đượm và rộng mở.

Hào tướng mở tròn như diệu hoa

Hình đôi mày tựa trăng mới mọc

Mũi cao thẳng đẹp không gì bằng

Mắt như vầng nhật, màu sen xanh.

Thùy tai đẹp như thân ba tiêu

Răng đều như Bạch Câu vật đầu

Lưỡi rộng màu hồng, được thắng vị

Môi dày đầy đặn, màu xích châu.

Tay lớn tròn trịa không khuyết lõm

Lỏng tay như gió thổi Bà La

Các móng dài đẹp, màu đồng đỏ

Màn giữa các ngón, như Nga Vương.

Bàn chân ngàn bước tướng diệu luân…

Do xưa làm người ban cho lớn

Thắng công đức, hình ngực Sư Tử

Hình thể trang nghiêm đẹp lạ thường.

Eo như cung ba, chày Kim Cang

Tướng âm không hiện như mã tàng

Gân mạch tròn đầy như mũi voi

Đầu gối ngay ngắn lại tròn trịa.

Màn lưới bàn tay như Nga Vương

Bước đi thong thả như Sư Tử

Như Lai mọi tướng đều trọn đủ

Vì vậy cúi lạy Công đức Vương.

Sau khi ca ngợi, Đại Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông, lại bạch: Bạch Thế Tôn! Con nay có điều, muốn hỏi Như Lai, Đấng Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, nếu Phật Thế Tôn bằng lòng giải tỏa mối nghi cho con, con mới dám hỏi.

Khi Bồ Tát đã nói xong, Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông: Thiện Trượng Phu! Nay nếu có điều gì muốn hỏi, ta sẽ phân biệt giải thích, để khiến cho ông được vui vẻ.

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông bạch: Bạch Thế Tôn! Phật Địa có bao nhiêu mà tất cả Bồ Tát và hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, không thể thực hành được?

Phật bảo: Lành thay! Lành thay! Thiện Trượng Phu! Nay vì muốn cho tất cả Bồ Tát, được sáng suốt, được lợi ích an lạc, để Phật trí hiển hiện mà ông hỏi Như Lai việc này.

Vậy thì, Thiện Trượng Phu! Hãy lắng nghe! Lắng lòng lãnh nhận, suy nghĩ thật khéo, ta sẽ vì ông mà phân biệt giải thích.

Này Thiện Trượng Phu! Phật có mười địa mà tất cả hàng Bồ Tát và hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật đều không thể thực hành được.

Mười địa đó là:

1. Thậm thâm nan tri quảng minh trí đức địa.

2. Thanh tịnh thân phân oai nghiêm chẳng thể nghĩ bàn minh đức địa.

3. Thiện minh nguyệt tràng bảo tướng hải tạng địa.

4. Tinh diệu kim quang công đức thần thông trí đức địa.

5. Hỏa luân oai tạng minh đức địa.

6. Hư không nội thanh tịnh vô cấu diễm quang khai tướng địa.

7. Quảng thắng pháp giới tạng minh giới địa.

8. Tối tịnh phổ giác trí tạng năng tịnh vô cấu biến vô ngại trí thông địa.

9. Vô biên ức trang nghiêm hồi hướng năng chiếu minh địa.

10. Tỳ Lô Giá Na trí hải tạng địa.

Thiện Trượng Phu! Đây là danh hiệu mười địa của Như Lai, với trí tuệ của Chư Phật, cũng không thể nào nói đủ.

Này Thiện Trượng Phu! Sơ địa của Phật, là nơi tất cả các tập khí nhỏ nhất đều được trừ sạch, tất cả pháp được tự tại.

Địa thứ hai là chuyển bánh xe pháp, thuyết pháp sâu xa. Địa thứ ba là thuyết các giới của hàng Thanh Văn, rồi lại hiển thuyết ba thừa.

Địa thứ tư là thuyết tám vạn bốn ngàn pháp môn, rồi lại hàng phục bốn loại ma.

Địa thứ năm là như pháp mà hàng phục các ngoại đạo, rồi lại hàng phục ngạo mạn và các tội lỗi.

Địa thứ sáu là giáo hóa vô lượng chúng sinh trong sáu đường, rồi lại hiện rõ sáu phép đại thần thông. Nghĩa là hiện vô biên Cõi Phật thanh tịnh, công đức trang nghiêm, hiện rõ đại chúng Bồ Tát vây quanh, hiện rõ vô biên Cõi Phật rộng lớn, hiện rõ vô biên tự thể Cõi Phật, hiện rõ trong vô biên Cõi Phật từ cõi Trời Đâu Suất, xuống thác vào thai mẹ, cho đến pháp diệt mất, cũng hiện ra vô biên các thần thông.

Địa thứ bảy, vì các Bồ Tát mà nói như thật bảy bồ đề phần, không chỗ có, rồi lại không dính mắc.

Địa thứ tám, bốn lần thọ ký cho tất cả Bồ Tát thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Địa thứ chín là vì các Bồ Tát mà hiện ra phương tiện tốt.

Địa thứ mười là vì các Bồ Tát, nói tất cả các pháp là không chỗ có, rồi lại dạy cho biết tất cả các pháp xưa nay vốn vắng lặng, đại Niết Bàn.

Thế Tôn nói xong danh xưng mười địa của Như Lai, tức thời Cõi Phật Ta Bà, cho đến các Cõi Phật, không thể nói hết, trong mười phương, liền hiện ra mười tám loại tướng lớn, đó là: Trong chấn động có chấn động lớn, chấn động khắp, trong rung chuyển có rung chuyển lớn, rung chuyển khắp. Trong âm thanh có âm thanh lớn, âm thanh biến khắp.

Trong tiếng rống gầm có tiếng rống gầm lớn, có tiếng rống gầm khắp cả. Trong tiếng kích động có tiếng kích động lớn, có tiếng kích động khắp cả. Các Cõi Phật ấy, hoặc Đông vọt lên thì Tây chìm xuống, Tây vọt lên thì Đông chìm xuống. Hoặc Nam vọt lên thì Bắc chìm xuống, Bắc vọt lên Nam chìm xuống. Hoặc chính giữa vọt lên thì bên mé chìm xuống, bên mé vọt lên thì chính giữa chìm xuống.

Tất cả Cõi Phật như vậy, lần lượt hiện ra mười hai tướng. Trong các tướng ấy, mọi chúng sinh đều không có não hại. Phóng đại thắng quang chiếu các Cõi Phật, diệt trừ tất cả tối tăm trong thế gian, ánh sáng chiếu khắp tất cả. Tất cả các Cõi Phật đều hiện lên trong Cõi Phật này.

Hiện trong Cõi Phật hoặc có Phật, hoặc không Phật, hoặc thành, hoặc hoại, cũng đều hiện trong Cõi Phật này. Các Cõi Phật ấy, đều có mưa hoa Trời lớn, mưa khắp cả các Cõi Phật, không thể nói không thể nói trong mười phương.

Đó là các loài hoa như hoa Mạn Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La, hoa Mạn Thù Sa, hoa Ma Ha Mạn Thù Sa, hoa Lô Giá, hoa Ma Ha Lô Giá, hoa Nguyệt, hoa Đại Nguyệt, hoa Thiện Nguyệt.

Cho đến trong tất cả cõi, những âm nhạc không đánh mà tự kêu, các việc đại thật hiếm có thảy đều xuất hiện trong các Cõi Phật. Những vị hầu hạ ở các Cõi Phật ấy, đều đứng dậy khỏi tòa, mỗi vị hỏi Như Lai các việc hiếm có. Các Như Lai vì họ, mà rộng nói, giải tỏa mọi nghi vấn.

Bấy giờ, trong bảo điện trang nghiêm ấy, Đại Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông, cùng các Bồ Tát, với cả đại chúng, thảy đều kinh ngạc: Kỳ lạ thay! Do đâu mà Đức Thế Tôn nói tất cả những việc làm của Như Lai trong cảnh giới Phật sâu xa này, sâu xa khó biết, kín đáo khó thấy.

Chẳng phải là việc làm của các hàng Bồ Tát, huống là hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật?

Vì sao?

Chúng ta chưa từng được nghe về cảnh giới không thể nghĩ bàn về mười Địa của Như Lai như vậy. Vì việc lành này, chúng ta hãy cùng nhau thỉnh cầu Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, rộng nói về Phật Địa.

Các vị Đại Bồ Tát liền đứng dậy, chắp tay, hướng về Phật, nói kệ thưa:

Đấng Vô Thượng cao tột

Thế gian không xiết kể

Tất cả các Phật Địa

Hướng người, Phật gọi tên.

Chúng con nay kinh lạ

Chưa từng nghe pháp này

Nghe tên các Địa rồi

Tâm ý đều vui mừng.

Như đói nghĩ món ngon

Khát mong được suối ngọt

Như vậy con muốn nghe

Xin Phật nói các Địa.

Nói xong, các Bồ Tát ấy, nhiễu Phật ba vòng, lạy sát chân Phật, rồi ngồi lên tòa hoa sen. Khi ấy, như Vua Sư Tử, Đức Thế Tôn an nhiên quay nhìn, xem xét khắp mười phương.

Khi đã xem xét mười phương rồi bảo Đại Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông: Này Thiện Trượng Phu! Các địa của Như Lai sâu dày khó biết, không thể đạt được, khó thể hiểu thấu, ra khỏi tất cả câu văn lời nói.

Vì sao?

Thiện Trượng Phu! Vì các Địa của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, còn không thể nói, huống gì các Địa của Bồ Tát và tên tất cả địa của Phật Như Lai.

Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì bạch: Bạch Thế Tôn! Các địa của hàng Thanh Văn có bao nhiêu?

Phật bảo: Thiện Trượng Phu!

Thanh Văn địa gồm có mười, đó là:

1. Thọ Tam Quy Địa.

2. Tín Địa.

3. Tín Pháp Địa.

4. Nội Phàm Phu Địa.

5. Học Tín Giới Địa.

6. Bát Nhân Địa.

7. Tu Đà Hoàn Địa.

8. Tư Đà Hoàn Địa.

9. A Na Hàm Địa.

10. A La Hán Địa.

Này Thiện Trượng Phu! Đó là mười địa của Thanh Văn.

Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì lại bạch: Bạch Thế Tôn! Bích Chi Phật Địa có mấy?

Phật nói: Thiện Trượng Phu!

Bích Chi Phật Địa có mười:

1. Tích hạnh cụ túc địa.

2. Tự giác thậm thâm thập nhị nhân duyên địa.

3. Giác liễu tứ Thánh Đế địa.

4. Thậm thâm lợi trí địa.

5. Tám Thánh đạo địa.

6. Giác liễu pháp giới, hư không giới, chúng sinh giới địa.

7. Chứng tịch diệt địa.

8. Lục thông địa.

9. Triệt bí mật địa.

10. Tập khí tiệm bạc địa.

Này Thiện Trượng Phu! Đó là mười địa của Bích Chi Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần