Phật Thuyết Kinh đẳng Tập Chúng đức Tam Muội - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẲNG TẬP CHÚNG ĐỨC TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN BỐN
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Lực sĩ Ly Cấu Oai: Này thiện nam! Nếu Bồ Tát nghe hạnh này thì nên siêng năng phụng hành.
Thế nào là lắng nghe lời dạy của Thế Tôn, thường cung kính, trừ bỏ kiêu mạn?
Lời nói nhu hòa, tâm tánh nhân từ, quán xét các pháp giống như thuốc hay. Đối với Sư Trưởng, Hòa Thượng tưởng như Thế Tôn, tự xét thân mình suy nghĩ chọn lựa giáo pháp tưởng như thầy thuốc hay.
Đối với chúng sinh xem như bệnh nhân, siêng mong cầu giáo pháp không nên tham đắm nơi thân mình, không tham mạng sống, không cầu tuổi thọ, không tham ái sắc đẹp, y phục, thường ưa thích Kinh Điển.
Lấy pháp làm căn bản, bố thí tất cả, không có luyến tiếc, bàn luận pháp lợi, xả bỏ tài lợi, hộ trì pháp bảo, xa lìa của báu ở đời, dùng pháp lợi để trừ bỏ tất cả của cải ở thế gian, dùng pháp bảo để trừ bỏ tất cả châu báu luyến tiếc ở đời. Muốn trừ bỏ tất cả lầm lỗi của ái dục và phiền não của chúng sinh thì thường phải ngưỡng mộ, mong cầu chánh pháp.
Muốn độ tất cả chúng sinh đạt đến giải thoát thì nên hộ trì, tuân theo chánh pháp. Vì hộ trì giáo pháp nên có thể đạt được tất cả công đức. Vì vậy cho nên, nếu như có người muốn cầu Phật đạo hoặc muốn thành tựu bậc Tối Chánh Giác, muốn đứng vững trong pháp Phật nên học rộng nghe nhiều.
Này thiện nam! Ví như núi chúa Tu Di làm cột trụ lớn giữa trời, hoặc làm cột trụ trên trời thì cao vời, che khắp tất cả, ở đó được trang sức như Cõi Trời Đao Lợi.
Đức Phật dạy: Như vậy Bồ Tát học rộng nghe nhiều là cột trụ trí tuệ, có thể du hóa khắp Cõi Trời, Người với ánh sáng rực rỡ.
Này thiện nam! Nếu có Bồ Tát chí mong cầu Phật đạo ta sẽ thành Phật thì nên hiểu rõ, thông suốt phương tiện thiện xảo, học rộng nghe nhiều, thường tu tinh tấn. Tất cả chúng sinh ở nơi trí tà thì nên vì họ thắp sáng ngọn đèn trí tuệ. Giả sử lúc Bồ Tát học rộng nghe nhiều, tinh tấn siêng cầu trí tuệ thì cũng làm cho chúng sinh đầy đủ trí tuệ, việc làm đã xong.
Bấy giờ Chư Thiên khen ngợi người ấy rồi sinh tâm thiện, hoan hỷ. Hôm nay Bồ Tát này bàn luận như thế, có năng lực học rộng nghe nhiều, đạt được mười lực, thành tựu chánh giác, các căn thông tỏ, lợi ích bàn luận ấy là hạnh Bồ Tát, cầm kiếm trí tuệ chặt đứt tất cả phiền não tham dục.
Nếu có Bồ Tát bàn luận như thế đạt được trí tuệ thông suốt, thuyết giảng kinh pháp thì có thể diệt trừ tất cả phiền não nguy hiểm của chúng sinh. Nếu có Bồ Tát bàn luận như vậy thì có thể thuyết pháp diệt trừ ái dục. Bồ Tát như thế thì có thể trở về chỗ du hóa xưa kia của Thế Tôn. Bàn luận như vậy thì có thể hàng phục ma và quyến thuộc của chúng, thành tựu như thế dùng mười hai việc chuyển pháp luân.
Này thiện nam! Bồ Tát tinh tấn học rộng nghe nhiều đứng vững trong hàng Thánh, tùy lúc biến khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới, nếu có các thứ ma thì làm cho chúng kinh sợ. Nay Bồ Tát này không nghe lời dạy, trái với bản tâm của ta, đều bị tổn hại không được tự tại.
Vì sao?
Này thiện nam! Người nghe theo thì đạt được trí tuệ. Trí tuệ đối với phiền não là tôn quý hơn hết. Người không phiền não thì ma không quấy nhiễu cho nên phải quán như vậy.
Nếu như Bồ Tát học rộng nghe nhiều phân biệt Kinh Điển, ưa thích giáo pháp thì từ đó trở đi có thể giảng dạy, thu phục chúng ma: Ma phiền não, ma năm ấm, ma sinh diệt, ma trời và quyến thuộc. Đó là bốn ma tự nhiên bị hàng phục.
Lại nữa, này thiện nam! Giống như xưa kia các Bồ Tát học rộng nghe nhiều phân biệt giáo pháp, ưa thích Kinh Điển, nay nên lược thuyết những điều quan trọng, mới thuật lại việc này: Vào thời xa xưa, trong vô số kiếp không thể nghĩ bàn.
Nơi kiếp ấy có một Tiên Nhân tên là Uất đát, ở tại rừng cây chứng được năm thần thông, thường thực hành bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả, ở chỗ thâm sâu tự suy nghĩ: Ta hành tâm từ, thân được nhẹ nhàng, thường thích an ổn, không thể dùng tâm từ để diệt trừ tham ái nối kết của chúng sinh, cũng không thể bỏ sân giận, ngu si phiền não và tham dục sâu dày. Không dùng tâm từ này mà có thể đạt đến chánh kiến của bậc Hiền Thánh, không thể đạt được phước lành, thành tựu các phép quán của Bậc Thánh.
Lại suy nghĩ: Thường có thể duyên theo hai việc để đạt đến chánh kiến của Bậc Thánh.
Hai việc đó là: Nhân duyên lắng nghe, xét kỹ âm thanh của người khác, suy nghĩ về hạnh tĩnh lặng liền sinh hoan hỷ phát tâm tinh tấn, cũng thâm nhập vào pháp Phật. Ta ở chỗ nào được nghe thuyết giảng thì mong muốn được nghe giáo pháp Kinh Điển, đi vào trong thành ấp, xóm làng, muốn cầu nghe Kinh Điển cũng không thể được.
Lúc đó, hàng Trời, Người, chúng ma đi đến chỗ ấy nói: Lại nữa, này thiện nam! Ta có nghe Đức Phật sắp hộ trì người đọc tụng Kinh Điển, nếu thiện nam thân chịu bức bách như bị mặt trời đốt cháy mà tai được nghe âm thanh hộ trì, sau đó mới biên chép, đọc tụng. Như vậy khiến ông được nghe bốn câu kệ tụng trong kinh.
Này thiện nam! Tiên Nhân Uất Đát suy nghĩ: Từ vô số kiếp đến nay, ta đã làm hao tổn thân này, ưa thích ở lao ngục, bị đánh bằng roi, gậy, hoặc dùng dao bén chặt thân ra từng khúc khiến thân thể tan rã, da thịt nát nhừ, vì ái dục nên bị trói buộc, gặp nhiều khổ hoạn như thế, không thể tính kể, đã để thân này chịu nhiều đau khổ, chưa hề dùng thân này làm lợi ích cho tất cả.
Nếu có thể tạo lợi ích cho chúng sinh thì ta sẽ dùng thân không kiên cố này, mong cầu được nghe Kinh Điển, thành tựu được thiện lợi, tâm rất vui mừng, nên từ nơi Cõi Trời, Người được nghe Kinh Điển hiếm có, gặp được Thế Tôn sinh tâm khát ngưỡng cung kính liền lấy dao bén tự chặt thân này, đau khổ như bị mặt trời đốt, từ tai lắng nghe cho dù Chư Thiên nói: Xin bậc trời diễn nói danh hiệu Phật, chúng tôi sẽ hộ trì, đọc tụng.
Vì ta cung kính pháp nên xả bỏ thân không tiếc mạng sống. Do nhân duyên ấy nên được nghe tam muội đẳng tập chúng đức.
Này thiện nam! Khi đó Tiên Nhân vô cùng khát ngưỡng giáo pháp như vậy, dung mạo đen thâm, tiều tụy, công đức khó thấy, ẩn mất không hiện.
Lúc này Tiên Nhân suy nghĩ: Ta không thử nghe câu kệ ấy sao?
Vì sự cung kính phụng hành theo giáo pháp nên xả bỏ thân, không tiếc mạng sống để được nghe chăng?
Ta đã từng cung kính Kinh Điển, sinh ra phước đức, không mất công đức, không bị mê hoặc. Giả sử ta hết lòng chí thành, không hư dối, chất trực không quanh co, thương yêu chúng sinh, không tham tiếc thân, xả bỏ mạng sống!
Người nghe pháp này, do tâm chí thành luôn vững chắc ấy, ở trong đời này phụng hành, tu tập giáo pháp nơi Cõi Phật ở phương kia, những người như vậy hiện tại được gặp Đức Phật, được nghe pháp, liền phát lời nguyện này.
Bấy giờ, ở phương Dưới, qua ba mươi hai cõi của Chư Phật, có Thế Giới tên là Phổ Đẳng Ly Cấu, Đức Phật ấy hiệu là Vô Cấu Xứng Vương Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác hiện đang thuyết pháp.
Đức Phật đó biết được tâm niệm của Tiên Nhân, lại muốn giáo hóa người cõi Diêm Phù Đề, giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, Đức Phật ấy, trong một khoảnh khắc như vậy, bỗng nhiên ẩn mất ở Cõi Phật kia, liền đến trước chỗ Tiên Nhân, cùng với năm trăm Bồ Tát. Đức Như Lai ấy vừa mới xuất hiện ở thế gian, tự nhiên ánh sáng chiếu khắp nơi, hoa trời rơi xuống, hàng ức trăm ngàn thứ nhạc không tấu mà tự vang lên.
Các vị Bồ Tát tụ hội nơi rừng sâu kia, lúc này tất cả thân cây, cành lá, hoa quả ở đấy đều vang ra âm thanh diễn nói giáo pháp. Tiên Nhân Thượng Thắng vừa nghe Đức Phật kia xuất hiện, tâm không sợ hãi, thân thể bình phục như trước, không có bệnh tật.
Này thiện nam! Tiên Nhân thấy Như Lai Vô Cấu Xứng Vương Chí Chân Đẳng Chánh Giác có tướng tốt, uy nghi giống như núi Tu Di, oai thần rực rỡ như mặt trời, mặt trăng, đạt được thần thông vi diệu của Bậc Thánh, làm thầy hàng Trời, Người, các căn tịch tĩnh giống như hư không, không thêm, không bớt nên rất hoan hỷ, vui mừng, phát sinh tâm thiện, liền đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai bên phải, quỳ gối sát đất, chấp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con xin quy y Phật, Pháp, Tăng, xin Thế Tôn vì con thuyết giảng chánh pháp.
Nếu được nghe kinh, con xin phụng hành, dứt trừ mọi thứ tham muốn của chúng sinh, phát sinh chánh kiến, dốc lòng lãnh hội Kinh Điển.
Này thiện nam! Như Lai Vô Cấu Xứng Vương Chí Chân Đẳng Chánh Giác do nhân duyên của Tiên Nhân, nên vì Chư Thiên và Bồ Tát mà phân biệt thuyết giảng Tam Muội Đẳng tập chúng đức, tám ngàn Thiên Tử ở trong chúng hội đều tạo lập các hạnh tu tập, luận bàn nghĩa lý liền đạt được pháp nhẫn. Tiên Nhân Thượng Thắng nghe tam muội này rồi thì hết sức vui mừng, hội nhập vào nẻo vi diệu, liền đạt được vô lượng biện tài.
Lúc Đức Như Lai thuyết giảng tám chương cú rồi lại thâu giữ.
Tám pháp đó là: Tất cả các pháp đều vốn thanh tịnh, từ vọng tưởng chấp thủ cho đến nguồn gốc tự nhiên thanh tịnh. Các pháp vô lậu, tất cả các lậu đều được dứt tận. Các pháp không chấp trước vì đều vượt qua tất cả các thứ chấp vướng. Các pháp không hư dối, cũng không phân biệt giữa ta và người, vì bình đẳng nơi tất cả các pháp môn.
Các pháp hiện bày theo nẻo nào?
Vì hiện khắp nơi hết thảy các pháp môn. Các pháp không đến cũng không đi. Các pháp luôn mong trở lại trừ sạch tất cả phiền não nơi các cõi. Các pháp bình đẳng vì đối với ba đời không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Vì không có hai nên này Thượng Thắng, đó là thuyết giảng tám chương cú, tất cả đều vượt qua sự chán nản, không còn các khổ hoạn.
Đức Phật bảo Tiên Nhân Thượng Thắng: Có tám môn cú đạt đến chỗ không hai. Đó là các pháp giả hiệu nên nương dựa vào danh. Các pháp giống như sắc do từ danh sinh ra. Các pháp tập hợp nên nương vào văn tự. Các pháp phân biệt nên tự tùy tiện.
Các pháp tự nhiên tức do vô minh tự nhiên. Các pháp là tận cùng nên tập hành theo ngu si. Các pháp không có chỗ đứng vững nên an trụ nơi vô thường. Các pháp bình đẳng nen từ tinh tấn hướng đến các pháp.
Này Thượng Thắng! Tám cú môn vốn không hai mà đạt đến hai.
Đức Phật bảo Tiên Nhân Thượng Thắng: Lại có tám câu tinh tấn đạt đến vô tận mà được tự tại.
Đó là: Vô là sự tu tập tinh tấn, khuyến khích, chú nguyện nơi Kinh Điển đã hành trì hiện bày khắp mọi nẻo. Bỉ là câu thực hành tinh tấn, nên có thể thị hiện pháp môn cứu cánh. Bất là câu tuân theo tinh tấn, trừ bỏ danh sắc, thị hiện chánh pháp, kinh pháp đã thuyết giảng đều khiến trừ bỏ.
Tha là phụng hành tinh tấn, hiện pháp tịch diệt. Bản là chí dốc tinh tấn, giảng thuyết kinh pháp, vượt qua tất cả các sự trở ngại. Vô bản là câu nhớ nghĩ tinh tấn, hiện ra pháp không gốc của Như Lai. Nhân là tinh tấn hiện rõ tất cả pháp tội phước của pháp duyên là tận cùng. Đẳng là Tam Muội tinh tấn, thị hiện các pháp phân biệt chỗ hướng đến.
Này Thượng Thắng! Đó là tám câu tinh tấn, biện tài vô ngại.
Đức Phật bảo Thượng Thắng: Lại có tám pháp là pháp cú vi diệu hiểu rõ các pháp đều là bình đẳng.
Những gì là tám?
Đó là: Ấn cú không là không chỗ nương tựa để hiện bày khắp. Ấn cú vô tướng là không chỗ kiến lập để hiện bày Kinh Điển. Ấn cú vô nguyện là không nương, không tựa, không đắm chấp, không mong cầu để hiện bày pháp. Ấn cú bản tế là câu của bản không mà cùng chế ngự để hiện bày Kinh Điển.
Ấn cú pháp giới là cùng ngăn chận các pháp để phần gốc hiển hiện. Ấn cú vô bản là hiện nhập vào các pháp. Ấn cú du như là trừ bỏ các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai, nhằm hiện bày nguồn gốc của pháp. Ấn cú diệt tận là diệt tận rốt ráo, vĩnh viễn diệt trừ chỗ hiện bày về gốc của các pháp.
Này Thượng Thắng! Đó là tám ấn cú thảy đều phân biệt bình đẳng về các pháp khiến được thành tựu.
Thế nên, Thượng Thắng! Cú tự tại, cú sở vấn, cú tinh tấn và các ấn cú thường nên hiểu rõ, thuận hành và siêng năng tu học.
Này thiện nam! Đối với những việc thưa hỏi, Như Lai Vô Cấu Xứng Vương đã phân biệt ở nơi trí hiện bày ấy đến Thế Giới kia cùng với chư vị Bồ Tát khác năm ngàn ức. Trăm ngàn triệu Bồ Tát chỉ trong khoảnh khắc tự phát tâm bồ đề, trở về Cõi Phật. Tuy trở về chỗ cũ mà không đến, không đi. Dân chúng nơi cõi ấy cũng không thấy Như Lai đến, đi.
Này thiện nam! Tiên Nhân Thượng Thắng đạt được biện tài vô tận không có nghi ngờ, cũng không quên mất, được Chư Thiên ủng hộ thu phục chúng ma và các học phái khác, rồi đi vào thành ấp, xóm làng, cõi nước.
Vì tất cả mọi người thuyết giảng kinh pháp, phân biệt diễn nói về tam muội đẳng tập chúng đức, tuyên dương Kinh Điển này đến cả ngàn năm, mở bày giáo hóa tám vạn bốn ngàn chúng sinh trụ nơi Thanh Văn, tám vạn bốn ngàn chúng sinh hướng đến bậc Duyên Giác, tám vạn bốn ngàn chúng sinh đều phát tâm Bồ Đề cầu đạt đạo quả chánh chân vô thượng.
Tám vạn bốn ngàn chúng sinh, sau đó đều làm Chuyển Luân Thánh Vương, tám vạn bốn ngàn chúng sinh được làm Đế Thích, Phạm Vương, hành từ, bi, hỷ, xả, vô số người được sinh trong Cõi Trời. Tiên Nhân Thượng Thắng sau khi qua đời sinh nơi cõi nước của Đức Như Lai Vô Cấu Xứng Vương Chí Chân Đẳng Chánh Giác, ở Thế Giới Phổ Đẳng Vô Cấu, cùng một vạn bốn ngàn Thiên Tử.
Đức Phật dạy: Này thiện nam! Ông muốn biết Tiên Nhân Thượng Thắng thời ấy là người nào khác chăng?
Chớ nghĩ như vậy.
Vì sao?
Vì đó là thân Ta. Do Ta chí thành kiến lập tâm nguyện, liền đến phương Dưới, ở tại Thế Giới của Như Lai Vô Cấu Xứng Vương Chí Chân Đẳng Chánh Giác thành tựu đạo quả Bồ Đề.
Do vậy, này thiện nam! Nên quán xét như vậy: Đối với Bồ Tát ưa thích pháp, Như Lai chưa từng chọn lấy sự diệt độ, chánh pháp được giáo hóa cũng không diệt tận. Bồ Tát ưa thích pháp thì Chư Phật Thế Tôn ở Thế Giới của phương khác liền hiện ra trước mắt.
Bồ Tát ưa thích pháp, nếu ở tại núi cao, hoặc ở bên gốc cây, một mình nơi chốn vắng vẻ, hoặc ngồi giữa khoảng đất trống, thì liền được thọ nhận pháp môn tổng trì đặt trong lòng bàn tay, hoặc hiện trên vạt áo, hoặc ở trên đầu, hoặc ở nơi đỉnh đầu, gần mà không xa.
Bồ Tát ưa thích pháp rồi thì từng thấy được Chư Phật thời quá khứ. Lại nữa, các hàng thiên, nhân đạt được biện tài ấy cũng thọ nhận từ nơi trí tuệ biện tài. Bồ Tát ưa thích pháp, đối với Kinh Điển này là không có cùng tận.
Chư Phật Thế Tôn và Chư Thiên, loài người không định đoạt nguyện ấy. Đạo đã kiến lập được tự tại, muốn có thể trụ vững nơi trăm đời, ngàn đời, một kiếp, quá hơn một kiếp, cũng được do nơi mình. Bồ Tát ưa thích pháp trừ bỏ sinh, già, bệnh, chết rồi phát nguyện, nguyện ấy luôn kiên cố ở nơi trí tuệ biện tài. Bồ Tát ưa thích pháp chưa từng sinh tâm phạm lỗi đối với người khác.
Thế nên, này Ly Cấu Oai! Người học rộng nghe nhiều tích tập tu hành, tinh tấn tuân theo nên sẽ đạt được đức ấy, lại càng gấp bội hơn, vô lượng vô số. Hoặc có Bồ Tát đạt được phước đức rộng lớn, nên hoan hỷ vô cùng. Hoặc Bồ Tát đã đạt được phước đức vô lượng, không thể cùng tận, không có giới hạn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Chín - Phẩm Chăn Trâu - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Vô Sở Hữu Bồ Tát - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Một - Phẩm Tựa
Phật Thuyết Kinh đại Phương Tiện Phật Báo ân - Phẩm Sáu - Phẩm ác Hữu
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Bốn Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Năm Mươi Hai - Phẩm Vô Não
Phật Thuyết Kinh Bảo Tàng Thần đại Minh Mạn Noa La Nghi Quỹ - Phần Một