Phật Thuyết Kinh đẳng Tập Chúng đức Tam Muội - Phần Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẲNG TẬP CHÚNG ĐỨC TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN CHÍN  

Lại nữa, này Bồ Tát Văn Thù! Thế nào là Bồ Tát tu tập không mất tam muội, đạt được vô lượng phước đức trí tuệ?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Này Bồ Tát Câu Tỏa! Muốn biết việc Bồ Tát thì nên thực hành bốn pháp.

Đó là: Không tiếc thân mạng, không cầu lợi dưỡng cúng dường, thực hành các môn không, vô tướng, vô nguyện, không chí hướng đến Thanh Văn, Duyên Giác, muốn được trí tuệ Phật, tư duy các hạnh, đối với các thông tuệ buông bỏ sự tư duy vọng tưởng, thích hợp không thích hợp, bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, hội nhập vào các hạnh, vượt ra ngoài ngã, nhân, thọ mạng cũng không nắm bắt được. Đó là bốn.

Bồ Tát Câu Tỏa lại hỏi Bồ Tát Văn Thù: Tam muội ấy sau này sẽ đi về đâu.

Hoặc Bồ Tát thọ trì ghi nhớ Kinh Điển hoặc phát sinh nhẫn nhục, hoặc tại gia, xuất gia hoặc nhân duyên hữu học, hoặc hạnh hữu học?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Sau này, nếu có người được tam muội ấy, nếu có người nghe được tên tam muội thì chẳng phải nhân duyên của tại gia, xuất gia.

Vì sao?

Này Bồ Tát Câu Tỏa! Nếu! Bồ Tát trụ nơi tam muội thì xa lìa hai vọng tưởng, du hành tự tại, tuổi thọ trí tuệ không cùng tận, không quên mất, giáo hóa chúng sinh không nhàm chán, không tự thị hiện vô lượng hình tướng Bồ Tát, cũng không nhân duyên.

Này Bồ Tát Câu Tỏa! Ví như mặt trời, mặt trăng vận hành khắp nơi. Bồ Tát cũng vậy, quán xét không dựa vào các hạnh, hoặc tại gia lệ thuộc ở nhà, cũng chẳng phải xuất gia làm hạnh xuất gia, cũng không lệ thuộc công đức xuất gia. Đối với hai việc này cũng không ái mộ.

Vì sao?

Vì Bồ Tát xuất gia không còn vướng mắc.

Này Bồ Tát Câu Tỏa! Người không thủ đắc mới thành chánh giác. Bồ Tát này có bốn việc thực hành.

Đó là: Thực hành pháp tối tôn, tối thượng, tối thắng, trừ bỏ kiến chấp, hội nhập vào tất cả pháp Chư Phật, đó là bốn.

Bồ Tát Câu Tỏa lại hỏi Bồ Tát Văn Thù: Thế nào là Bồ Tát tự tại khắp nơi?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Bồ Tát có bốn việc thực hành, đó là: Từ, bi, hỷ, xả. Bồ Tát thực hành bốn phạm hạnh ấy mới gọi là tự tại khắp nơi.

Lại có bốn pháp, đó là: Hoặc đi vào thôn xóm nhà cửa, đó là tự tại khắp nơi, hoặc đi vào chỗ thanh vắng, hoặc đi vào chốn lầu gác cũng ở trong đó tự tại, đó là bốn.

Bồ Tát Văn Thù lại hỏi Bồ Tát Câu Tỏa: Người không tu hành theo bốn phạm hạnh này mà tự nói: Ta được tự tại khắp nơi, người ấy bị hàng Trời, Người khen chê.

Vì sao?

Vì Chư Phật Thế Tôn nói bốn phạm hạnh mới là tự tại khắp nơi. Bốn phạm hạnh này là đỉnh cao nhất, phạm hạnh thanh tịnh tự tại khắp nơi, tại các quốc độ, thọ nhận phẩm vật cúng dường oai thần cao tột.

Này Bồ Tát Câu Tỏa! Người không thấy được bốn phạm hạnh ấy tức là xa lìa bốn tâm từ, bi, hỷ, xả.

Người có tu phạm hạnh thanh tịnh đều nhờ bốn phạm hạnh này mà đạt được trí tuệ của Bậc Thánh, không vì thế gian để hiện thân thì cao ngạo tự đại vọng tưởng không trừ.

Bồ Tát Câu Tỏa lại hỏi Bồ Tát Văn Thù: Thế nào là Bồ Tát thực hành tâm từ?

Thế nào là thực hành tâm bi, tâm hỷ, tâm xả?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Đúng pháp như huyễn để cứu độ chúng sinh là hành tâm từ. Dùng pháp như huyễn để độ thoát chun g sinh là tâm bi. Dùng pháp như huyễn làm an ổn chúng sinh là hành tâm hỷ. Giảng thuyết pháp như huyễn, khiến các chúng sinh đạt được giải thoát là hành tâm xả.

Lại nữa, này Bồ Tát Câu Tỏa! Tin hiểu về cảnh giới của chúng sinh là không, tức là hành tâm từ. Tin hiểu về pháp giới của chúng sinh là vô tác, chẳng phải vô tác, là hành tâm bi. Tin hiểu về cảnh giới của chúng sinh là không vướng mắc, không giải thoát, tức là hành tâm hỷ. Tin hiểu về cảnh giới của chúng sinh là mong cầu, không có chỗ mong cầu là hành tâm xả.

Lại nữa, này Bồ Tát Câu Tỏa! Tất cả chúng sinh không có ngã, ngã sở, cũng không sợ hãi, đó là hành tâm từ. Tất cả chúng sinh đều là thanh tịnh cũng không sợ hãi tức là hành tâm bi. Tất cả các pháp, pháp giới bình đẳng cũng không lo sợ, tức là hành tâm hỷ. Tin hiểu phân biệt, tất cả Cõi Phật vô tận, tức là hành tâm xả.

Lại nữa, này Bồ Tát Câu Tỏa! Tướng không nguy hại gọi là từ. Tướng không gì sánh gọi là bi. Tướng không hai gọi là hỷ. Tướng không có danh xưng, không có lệ thuộc gọi là xả.

Lại nữa, Bồ Tát Câu Tỏa! Không trụ nơi tâm từ là không đại từ. Không trụ nơi tâm bi là không đại bi.

Sao gọi là không đại từ?

Giống như Thanh Văn, suy nghĩ muốn cho chúng sinh đều được an ổn, tâm từ ấy của Thanh Văn là không đại từ.

Sao gọi là đại từ?

Nếu tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, độ thoát tất cả khổ hoạn cho chúng sinh thì đó gọi là đại từ.

Sao gọi là không đại bi?

Thương xót chúng sinh ở trong năm đường, ở trong sinh tử mà muốn cứu độ, đó gọi là tâm bi mà không đại bi.

Thế nào là đại bi?

Thấy chúng sinh chịu sinh tử trong năm cõi mà cứu giúp, ở trong sinh tử mà thương yêu họ, xả bỏ thân mạng cứu giúp chúng sinh nơi năm cõi, có thể cứu độ chúng sinh, tùy thời xây dựng đạo bình đẳng, đó là đại bi.

Này Bồ Tát Câu Tỏa! Nên quán như vậy. Thanh Văn có tâm từ mà không đại từ, có tâm bi mà không đại bi.

Thế nên, này Bồ Tát Câu Tỏa! Bồ Tát nên thực hành đầy đủ đại từ, đại bi.

Khi Bồ Tát Văn Thù giảng nói về ý nghĩa này tám ngàn hàng Trời, người đều phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng cùng nhau khen ngợi: Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ tu theo hạnh này. Bồ Tát Văn Thù vừa thuyết giảng xong, trăm ngàn hàng Trời, người đều được pháp tam muội ấy, tám ngàn Bồ Tát đạt được pháp nhẫn Vô sinh.

Bấy giờ, Bồ Tát Câu Tỏa bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn Giảng nói, do tạo công đức gì mà được trăm phước tướng, giống như Phật Thế Tôn đã thành tựu?

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát Câu Tỏa! Ví như Hằng hà sa Thế Giới Chư Phật đều cùng tập hợp, chúng sinh đầy khắp trong đó có đủ công đức, làm Chuyển Luân Vương, bao nhiêu phước đức của chúng sinh này đều như Chuyển Luân Vương, cùng nhau tập họp là phước của Đế Thích.

Lại có Hằng hà sa Thế Giới Chư Phật khác, tất cả chúng sinh đều đầy đủ phước đức thành tựu như Trời Đế Thích đều cùng tập hợp. Phước các chúng sinh này như phước Đế Thích, ngang bằng với phước của một Phạm Thiên.

Lại có chúng sinh ở trong hằng hà sa Thế Giới Chư Phật khác đều có phước đầy đủ như Phạm Thiên, phước của chúng sinh này đều như Phạm Thiên, tập hợp các phước này dùng làm thành phước Thanh Văn. Lại có chúng sinh ở trong hằng hà sa Thế Giới Chư Phật khác, đều có công đức như Thanh Văn, tập hợp đầy đủ các phước này mới là phước của một Duyên Giác.

Lại có chúng sinh ở trong hằng hà sa Thế Giới Chư Phật khác, đều có đầy đủ phước đức như Duyên Giác, tập hợp các phước này mới là phước của một Bồ Tát. Phước của Bồ Tát thì vượt quá hơn các phước đức kia, không thể tính kể được.

Nếu đạt được tam muội Đẳng tập chúng đức này, giả sử chúng sinh trong ba ngàn đại thiên Thế Giới đều đạt được tam muội Đẳng tập chúng đức ấy, tập hợp phước đức tam muội của chúng sinh này thì không gì ngăn ngại, tuệ không lỗi lầm, tuệ không vọng tưởng.

Này Bồ Tát Câu Tỏa! Đem các tuệ này tập hợp lại thì phước đức ấy mới là một tướng đại nhân của Như Lai. Như vậy đem so sánh ba mươi hai tướng, mỗi tướng đều như thế mới thành tựu đầy đủ thân tướng Như Lai, tất cả chúng sinh đều không thể nghĩ bàn. Đó gọi là trăm phước tướng không thể nghĩ bàn của Như Lai.

Khi Đức Phật nói về công đức trăm phước tướng của bậc đại nhân, ba ngàn đại thiên Thế Giới đều chấn động sáu cách, ánh sáng chiếu khắp Thế Giới, mưa xuống hoa Trời, trăm kỹ nhạc không tấu tự vang lên. Chư Thiên, loài người đều cho là việc lạ hiếm có, hoan hỷ, vui mừng, cùng chấp tay làm lễ Đức Phật, đồng thanh tán thán bạch Phật.

Thiện Nam nào phát tâm chánh chân vô thượng đạt được sự lợi ích hoan hỷ vô cùng mới đạt được trăm phước tướng như vậy, thì vượt hơn hẳn Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên vương, tất cả Thanh Văn, Duyên Giác.

Bạch Thế Tôn! Người nghe được tam muội Đẳng tập chúng đức này, khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Là đạt được lợi ích của Bồ Tát, hoặc được nghe tên của tam muội này thì phước đức khó sánh bằng, huống chi là người ấy lắng nghe, tin hiểu, phụng hành.

Nếu có người thọ trì tam muội này ở khắp mọi nơi tức là ủng hộ chúng sinh ở cõi nước ấy, khiến cho Kinh Điển ấy lan truyền khắp nơi, kiến lập Cõi Phật ở cõi nước đó. Nếu Hằng hà sa Thế Giới Chư Phật lửa tràn khắp trong đó, người ấy vượt qua nạn lửa cầu nghe pháp kinh này tức được an ổn trở về.

Đức Phật dạy: Đúng vậy! Đúng vậy! Này Thiên Tử! Đúng như lời ông nói! Nếu có người nghe tam muội này mà không tin hiểu, không lãnh thọ là bị ma trói buộc. Nếu có Bồ Tát không nghe tam muội này cũng không thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết thì ta không gọi Bồ Tát ấy có trí tuệ hiểu rộng.

Thiên Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai chỉ dạy tạo lập pháp này, khiến cho đời sau được lưu truyền rộng rãi.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn phóng ra tướng ánh sáng dưới hai chặng mày, ánh sáng ấy chiếu khắp vô lượng vô biên Thế Giới của Chư Phật. Trong ánh sáng ấy tự nhiên phát ra âm thanh khen ngợi Như Lai đã tạo lập pháp này.

Lúc này, Đức Thế Tôn bảo Hiền Giả A Nan: Không bao lâu nữa, ta sẽ nhập Niết Bàn.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ta đã phó chúc Kinh Điển này cho ông, ông nên thọ trì, vì chúng sinh mà phân biệt, giảng thuyết rõ ràng. Nếu có người nào, hoặc Bồ Tát thọ trì tam muội này tức là Phật không diệt độ, pháp không diệt tận.

Vì sao?

Này Tôn Giả A Nan! Vì thọ trì hành theo pháp này tức là thấy Phật. Nếu vì chúng hội giảng thuyết là hộ trì giáo pháp.

Lúc ấy, Hiền Giả A Nan rơi lệ, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Thế Tôn trú lại ở đời một kiếp hoặc hơn một kiếp, để tăng thêm sự thương xót, tăng thêm sự nhớ nghĩ, tăng thêm sự an ổn cho Chư Thiên, loài người.

Đức Phật dạy: Này Tôn Giả A Nan! Thôi đi! Chớ có buồn rầu nữa, vừa rồi ta không nói chăng?

Đầy đủ pháp này là Phật còn tồn tại, cũng lại không xa lìa Chư Phật Thế Tôn.

Vì sao?

Không nên dùng sắc để quán Như Lai, cũng chẳng phải tướng tốt. Nếu thấy pháp này thì thấy Như Lai.

Lúc Đức Phật thuyết giảng như vậy, Bồ Tát Câu Tỏa, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Ly Cấu Oai và các Bồ Tát, Hiền Giả A Nan và chúng đại Thanh Văn, tất cả chúng hội, Chư Thiên, loài Người, Rồng, Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân đều hoan hỷ cúi đầu đảnh lễ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần