Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH DIỆU PHÁP THÁNH NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Thiên, Đời Tống
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Thế Tôn đang ở trong đại chúng, có Trời, Người vây quanh, chiêm ngưỡng tôn nhan, mắt không tạm rời.
Khi ấy, các đại chúng đứng ở trước Đức Phật nói kệ:
Quy mạng nhất thiết trí
Bậc nhất trong ba cõi
Phô diễn âm vi diệu
Lợi ích khắp quần sinh.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dạy đại chúng, bằng kệ:
Nếu có các chúng sinh
Không giết, cho không sợ
Lòng lành hay nhịn nhục
Đoan nghiêm, thọ không sánh.
Nếu đối với hữu tình
Tưởng giống như cha mẹ
Hay lìa không cùng giữ
Phước trí tuệ vô lượng.
Hoặc thân làm nghiệp lành
Tâm lìa dục vững vàng
Không nhìn nữ sắc đẹp
Giải thoát các nẻo ác.
Nên xa lìa thế gian
Chứng đắc vui giải thoát
Như vàng ở trong quặng
Thể tánh vốn thanh tịnh.
Phiền não không điều phục
Gặp tốt đẹp sinh yêu
Không phân biệt tốt xấu
Kiếp phù sinh rất khổ.
Khổ vui do tâm khởi
Việc được, mất cũng vậy
Tốt xấu có hợp tan
Nhân quả không thiên lệch.
Hàng phục các loạn căn
Thực hành tâm bình đẳng
Lợi ích cho hữu tình
Đó là hạnh Tỳ Kheo.
Sa Môn, Bà La Môn
Nên đoạn trừ phiền não
Trí tuệ càng tăng trưởng
Khiến tâm không tán loạn.
Chứng đắc lý Niết Bàn
Nên xa lìa các khổ
Siêng phát tâm chánh kiến
Phật nói việc này khó.
Giải thoát các luân hồi
Tu Di ái không động
Mùi hương chiên đàn kia
Vị cam lồ, không sánh!
Tuy đã được cúng dường
Áo tốt thật mềm mại
Không dính mắc tham ái
Tâm vui vẻ biết đủ
Như cỏ bị lửa đốt
Biết rõ không rốt ráo
Cúng dường được phước tuệ
Nước lửa không xâm hại.
Nghiệp sạch quả chân trí
Sông nước trọn không hết
Không tham các cảnh giới
Phật nói hạnh Tỳ Kheo.
Ưa cầu đủ các trí
Tương ưng luôn hiện tiền
Hiểu rõ pháp chân thật
Không đọa các luân hồi.
Nếu người cầu pháp sạch
Khiến tâm không tán loạn
Tuệ cho khắp cảnh giới
Hỏa kiếp không thể hoại,
Các cõi vốn vô minh
Luân hồi từ đây sinh
Cần trừ bỏ phiền não
Hạnh Mâu Ni chân chánh.
Ưa thực hành nhẫn nhục
Đoan nghiêm lìa oán hại
Năng Nhân do tướng tốt
Người thấy tâm vui mừng.
Rừng vắng lìa rối loạn
Tâm yêu thích mừng vui
Thường mang bát thọ thực
Đó là hạnh Tỳ Kheo.
Giải thoát rất an vui
Ba đường rất là khổ
Chân như lìa kia, đây
Suy nghĩ không thể được.
Nghiệp lợi người bình đẳng
Nhu hòa thường thẳng ngay
Chánh hạnh mãi tương ưng
Xa lìa mọi tà chấp.
Ý căn ưa dính mắc
Ý căn rất cao cả
Ý căn rất mau chóng
Ý căn hay vui vẻ,
Diễn thuyết bằng kệ này
Hay làm cũng hay nói
Tẩy sạch các phiền não
Biết rõ quả nghiệp lành.
Biết rõ việc được mất
Hướng nẻo đẹp bồ đề
Tất cả các hữu tình
Thứ nhất trong sáu căn,
Thích dừng trụ giữa rừng
Xa lìa mọi oán tặc
Biết rõ sáu căn này
Chánh hạnh, từ đây sinh.
Thường trụ nơi thiền định
Tẩy sạch các nghiệp chướng
Thí như ở hư không
Gió mây không thể nhiễm.
Khéo giữ thân, khẩu, ý
Chánh kiến mãi tương ưng
Như đèn trí tuệ sáng
Chúng ma không thể hoại.
Không hại vật là thiện
Từ bi nhiều lợi ích
Oai nghi không khuyết phạm
Mới trụ tâm Tỳ Kheo.
Mắt bị cảnh sắc buộc
Ngăn ngại không thể đổi
Phiền não trói hữu tình
Không ra khỏi ba cõi.
Trí chân tục vi diệu
Việc khéo hiếm trở lại
Chư Phật đều cùng khen
Vận dụng rất khó nghĩ,
Học rộng cầu giải thoát
Tham giận không thể phạm
Khéo giữ thân ba nghiệp
Trừ bỏ khiến không sinh.
Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, bảo các đại chúng: Nếu có chúng sinh bị phiền não trói buộc, xoay tròn trong ba cõi, chịu các khổ não.
Hoặc làm mười điều lành, cảm được quả Cõi Trời, Người, sung sướng vui vẻ: Ví như mặt trăng tròn, không còn chướng ngại, trong sáng không gì bằng, thấy được rất vui vẻ.
Lại giống như củi khô dễ bị lửa thiêu đốt. Như vậy, ác nghiệp cần phải đoạn trừ. Phải xa lìa sinh tử luân hồi trong ba cõi, giải thoát các khổ.
Lại như loài chim bay được lìa sự trói buộc, tự tại không lo ngại. Hoặc các hữu tình không tạo các nghiệp, ra khỏi ba cõi, chứng lý Nhị không, khổ não không xâm hại, tham giận chẳng thể nhiễm, hiểu rõ luân hồi. Ví như đèn sáng, chiếu rõ mọi vật, chánh trí tương ưng, luôn không gián đoạn, lìa mọi tà chấp ưa thích vắng lặng, dưới cây hoang vắng lìa bỏ các ác, gần kề bạn lành.
Tỳ Kheo như vậy tu hạnh xuất gia, ưa thích tất cả các cảnh giới, không nên tham lam dính mắc, không thích cửa nhà, xa lìa việc buôn bán, đổi chác và lời nói giả dối, không Thích Ca múa, lìa bỏ sự thương ghét, ăn một lần giữa trưa nơi rừng, đối với Bồ Đề là trên hết.
Thường tìm đến chỗ an vui, xa lìa việc ôm giữ, dùng áo đơn sơ vui mừng vừa đủ dừng trụ nơi rừng hoang, tìm nơi vắng lặng suy nghĩ, xa lìa những loạn tưởng và tham lam giận dữ… luôn thực hành lòng lành, đem lợi lạc cho hữu tình, xa lìa ngu ám, tu tập trí tuệ lìa nghiệp phiền não, giải thoát sinh tử, tu tám Thánh đạo, trước mắt đạt được sự vắng lặng, phá tan tất cả các khổ phiền não.
Như vậy, Tỳ Kheo cần phải tu tập vững vàng các căn lành, xa lìa ham muốn lôi kéo, chuyên tâm một cảnh, ưa thích chân như tất cả trí tuệ, tăng trưởng pháp tịnh viên mãn vô lậu, biết rõ hữu lậu là giả dối không thật.
Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo: Nếu có Tỳ Kheo an trụ phạm hạnh, thanh tịnh như hòa, khéo tu chỉ quán, ưa thích thiền định, vui chơi giữa rừng, xa lìa mọi sự lôi kéo, hiểu rõ mê vọng. Cũng như chim bay, bóng theo hư không, Tỳ Kheo cũng vậy, ba áo theo thân, khéo tu bình đẳng, luôn nghĩ chánh pháp, diệt trừ phiền não, trí tuệ tương ưng, về nơi chánh đạo, cho đến bờ giác, rốt ráo Niết Bàn.
Tỳ Kheo nên biết! Quán sát như vậy sẽ an ổn vui vẻ, chớ đối với sự xoay tròn và già, bệnh chết thường là sợ hãi.
Giống như A Tu La và chúng Trời khác, vui vẻ cúng dường, được bát Tăng già lê tốt đẹp hơn cả không như đồ khác. Giữ gìn phạm hạnh, chẳng làm cho hủy phạm, trong sạch không nhơ, không bị các mùi vị và lợi dưỡng lôi kéo.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu các hữu tình lìa bỏ lòng thương xót, buông thả, ngạo khinh thiêu đốt các điều lành thì khó dứt hết các lậu.
Đức Thế Tôn bèn nói kệ:
Nếu xả Bi tinh tấn
Vô minh, mạn tương ưng
Vắng lặng không hiện có
Do lậu không trừ diệt.
Khi ấy, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu lại có người, đối với các ngọa cụ mềm mại thượng diệu, không có sự ưa thích, hiểu biết rõ vô minh là nguồn gốc của mê ám, các hoặc tùy theo đó phát sinh, vô minh ấy cùng khắc các tâm nhiễm.
Một lúc nào đó chẳng còn mê ám, thấu hiểu rõ ràng các pháp thiền định, tam muội, liền dứt sạch được các lậu.
Đức Phật lại bảo các Tỳ Kheo: Nếu các ông muốn kinh hành ở trong rừng, vắng lặng không loạn. Thì đối với các cảnh rượu chè sắc đẹp, với các pháp xấu không nên ưa thích.
Các Tỳ Kheo phải như vậy. Bởi có các chúng ma, do nghiệp ràng buộc, làm loạn khổ việc tu tập điều lành, giống như người uống độc, tự làm tự chịu, nay ông phá giới, thực hành tà mạng, bị phiền não trói buộc đọa đại địa ngục, chịu nhiều nỗi khổ.
Tỳ Kheo nên biết! Khi đi khất thực nếu thấy người nữ, tưởng đó như rắn độc, nên chuyên chú một lòng nhớ nghĩ chánh pháp, không cầu danh lợi và các cảnh đẹp, xa lìa nghiệp trói buộc, khiến tâm được bình đẳng, không có hành động chê bai. Hoặc vào xóm làng thì tưởng như vào rừng hoang.
Khi xin đồ ăn, thức uống tưởng để trị bệnh. Khi phiền não khởi lên tưởng như rừng cháy. Khi cầu diệu pháp, tưởng đến đường chánh, khi nằm trên giường, tưởng sợ hãi như nai. Nhập vào thiền định, tưởng dạo xem vườn.
Thấy A La Hán, tưởng làm ruộng phước, không thích cảnh giới và lời nói hý luận, luôn cầu giải thoát, quốc vương đại thần không vì lợi ích mà gần kề món ăn thức uống ngon ngọt nhất, cũng chớ tham tưởng là hiếm có. Thí chủ danh lợi, thường chẳng nên lừa dối. Tâm thực hành các phương tiện, không khởi sân giận.
Ngược lại, ham thích nhà cửa gần gũi kẻ quý tộc, như cá thích nước, muốn ở không rời xa lìa tri thức mê muội, quay lưng lại với chân thật, mong cầu sự giả dối trống rỗng như đèn chớp trong mộng, tưởng là giải thoát mà thật ra tôn trọng tà đạo, luôn cung kính, cho là chân thật cao tột nhất. Thì không bao giờ tỏ ngộ được.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Tập địa Tạng Thập Luân - Phẩm Ba - Phẩm Vô Y Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bất Bần
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Hỏi Về Trí Tuệ Siêu Việt Của Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Thập địa - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Mười Năm