Phật Thuyết Kinh Diệu Tý Bồ Tát Sở Vấn - Phần Bảy - Biết Gần Tất địa
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH DIỆU TÝ BỒ TÁT SỞ VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Thiên, Đời Tống
PHẦN BẢY
BIẾT GẦN TẤT ĐỊA
Lại nữa, hành nhân tự xem xét sự Trì Tụng có lực tăng gấp bội mà sinh lòng yêu thích. Ở nơi nhiễm cảm, tâm chẳng bám theo duyên. Ở các sự vi phạm, tội chẳng sinh khởi.
Tự mình không có các điều: Nóng lạnh, đói khát, khổ não đến các loài muỗi mòng, phi trùng loài côn trùng biết bay, rắn độc, loài hút máu chẳng thể hại được. Lại nữa, các loài Quỷ đói Preta, Tỳ Xá Tả Piśāca, Yết Tra Bố Đan Nẵng Kaṭapūtana đều chẳng dám hớp bóng ảnh của hành nhân.
hành nhân mỗi mỗi tin nhận tất cả ngôn giáo nên sự hiểu biết, thông minh, trí tuệ tăng lên gấp bội. Khéo giải nghĩa lý của văn tự, sách, sớ, lời nói. Chỉ vui với tất cả pháp lành, siêng năng tinh tiến.
Lại được thấy kho báu trong lòng đất không bị ngăn che, thân thể không có bệnh chẳng nhiễm bụi dơ, thân toả mùi thơm khiến tất cả yêu thích. Người thấy kẻ nghe thảy đều vui vẻ. Lại không có các người nữ ham thích dục lạc đến để mê hoặc, điều ấy làm cho thân tâm thanh tịnh.
Lại được nghe ngôn ngữ của Chư Thiên trong trong hư không, hoặc được thấy thân thể của người Trời, cho đến được thấy loài A Tu La, Càn Đạt Bà, Dạ Xoa.
Người Hành Trì Tụng nếu được tướng tốt lành như vậy hiển hiện, liền nên vui mừng, tự biết đã gần Tất Địa của chân ngôn và nên chuẩn bị làm việc pháp thành tựu.
Lại nữa, hành nhân muốn khởi công đạt Tất Địa. Trước tiên, nên giữ đủ tám Giới. Trong bốn ngày, ba ngày hoặc hai ngày đêm nhịn ăn rồi mới cầu Tất Địa.
Bấy giờ, Diệu Tý Bồ Tát nghe Kim Cương Thủ Bồ Tát nói như thế xong, liền trầm mặc trong giây lát rồi bạch với Kim Cương Thủ Bồ Tát rằng: Trước kia Bồ Tát có nói là: Chẳng do nhịn ăn mà được thanh tịnh.
Vì sao bây giờ lại nói là: Phải nhịn ăn?
Như đức Phật có dạy: Sự ăn của con người giống như cho dầu mỡ vào xe. Nếu xe chẳng được bôi dầu mỡ thì khó có thể đi về phía trước.
Do vậy, việc này cần phải hiểu như thế nào?
Thời Kim Cương Thủ Bồ Tát dùng âm thanh vang như sấm nổ nói rằng: Nay tôi chẳng vì khiến cho tâm tịnh mà có lời nói ấy. Chẳng qua vì thân của hữu tình vốn chẳng tịnh.
Chỉ tuân theo tinh huyết mà tạo ra xương, tạo tủy, sinh thịt làm da, tạo tóc trên đầu, lông trên thân, mặt, mắt, tai, mũi, mỡ màng, bao tử, nước rãi, nước bọt cho đến đại tiểu tiện, chín khiếu giao lưu. Thân phần như thế có mọi thứ cấu uế dựa theo đất, nước, lửa, gió lưu chuyển biến hóa. Nếu cầu Tất Địa thì trước tiên cần phải thanh tịnh, chẳng muốn vào lúc thành tựu lại có thứ đại tiểu tiện tung ra.
Vì thế nói nhịn ăn để cầu thanh tịnh chứ chẳng phải làm hại đạo mà nói việc đó. Có thanh tịnh như thế thì thân được an vui, ắt lúc thành tựu không bị nhiễm ô uế.
Lại nữa, hành nhân vào lúc này chợt sinh phiền não mà có tham dục thì nên dùng tuệ tác pháp quán tưởng là: Thân này do thứ bất tịnh tạo thành, lại mượn các vị của thức ăn để nuôi dưỡng giữ gìn. Nếu tác tưởng như vây thì niệm đã khởi lúc trước liền bị tiêu diệt ngay cho đến toàn bộ thân mệnh, tiền tài cũng không hề tiếc rẻ.
Ví như ban đêm có vô lượng sự hắc ám, khi ánh sáng mặt trời xuất hiện thì tất cả đều hết. hành nhân cũng lại như thế, nếu tu trì đến đây, cần phải tự biết Tất Địa chẳng xa.
Lại nữa, biết như vậy rồi. Vào ngày 8, ngày 14, ngày 15 của kỳ Bạch Nguyệt Śukla: 15 ngày đầu của tháng lấy đất sạch hòa chung với Cù Ma Di phân bò mới sạch rồi tô xoa mặt đất. Tiếp dùng hương xoa mặt đất cho sạch, làm Hiền Thánh vị vị trí của Hiền Thánh. Khi vị trí đã thanh tịnh rồi, đặt các Hiền Thánh ấy ngồi ở mặt Đông phía Đông của Đàn. Dùng hương, hoa, đèn sáp, thức ăn uống v.v… theo thứ tự cúng dường.
Trước tiên dâng hiến Phật, tiếp theo dâng hiến Bản Bộ Minh Chủ của Đại Kim Cương Tộc, tiếp đến dâng hiến vị Chủ của chân ngôn Sở Trì. Như thế theo thứ tự từ Phật đến Bồ Tát cho đến Minh Chủ, mỗi mỗi cúng dường tán thán. Xong lại nên phát khởi tâm Đại Bồ Đề, tâm đại từ bi, nguyện cứu độ tất cả chúng sinh bị phiền não về sinh già bệnh chết.
Tác niệm đó xong.
Lại nên chuyển đọc Kinh Ma Ha Tam Ma Nhạ Mahā Samaja: Đại Tập Hội Già Đà Gāthā: Kệ Tụng Cát Tường, Kinh Như Lai Bí Mật Đại Trí Đăng và Kinh Chuyển Tối Thượng Pháp Luân. Các Kinh như vậy, hoặc chuyển đọc hết hoặc tùy đọc một Kinh.
Sau đó kết Bát Phương Giới, Địa Giới và Hư Không Giới. Giới đó giống như bên ngoài nơi cư trú của người đời có bức tường dùng để ngăn tránh các điều ác. Kết Giới phòng Ma cũng giống như thế sẽ khiến cho các loài có tâm ác, loài gây chướng, Thiên Ma, A tu la cho đến tất cả các loài quỷ thần đều chẳng đến gần được. Đồng thời lại Niệm Bị Giáp Châu Ngôn dùng hộ chính thân mình.
Trước kia, Tôi đã nói về mọi loại Man Noa La Pháp Maṇḍala dharma: Đàn pháp nên dùng phấn ngũ sắc tùy ý làm một Man Noa La. Làm xong, trước hết tùy ý làm một vị Thần hộ tám phương, vị Thần đó hay đập nát các loại gây chướng nạn.
Lại bốn góc của Man Noa La vẽ các chày Kim Cương, Tam Cổ Xoa. Sau đó tụng Hiến Sư Tử Tọa Minh, Chú lên chỗ ngồi có trải cỏ Tranh.
Đặt vật sở thành tựu ở chính giữa Man Noa La. Thoạt tiên, dùng ba cái lá Bồ Đề để làm vật chứa đựng, tiếp theo dùng bốn cái lá Bồ Đề che phủ rồi đặt lên trên Tòa. Xong dùng chú chú vào nước thơm rồi rưới rẩy để trừ ma chướng. Sau đó, tự mình ngồi phía bên trái, tụng chân ngôn tương ứng. Trong phút chốc lại dùng nước thơm rưới rẩy cho thanh tịnh sái tịnh.
Sau đó lại dùng pháp tương ứng Hộ Ma một ngàn biến, chuyên tâm trì tụng chẳng được gián đoạn cho đến khi hiện ra ba loại tướng, đấy là được thành tựu pháp.
Ba loại Tướng là: Tướng nóng nhiệt, tướng khói yên, tướng lửa diễm.
Nếu được tướng nóng sẽ được tất cả sự yêu trọng của thế gian.
Nếu được tướng khói sẽ được ẩn thân.
Nếu được tướng lửa sẽ được biến thành thân vi diệu, thành Trì Minh Tiên, phi hành trên hư không, thọ mệnh lâu dài.
Được tướng Tất Địa như người bị chết, hơi lạnh chạy vào thân, chạm vòng khắp cơ thể. Lại như trung ấm đi vào Thai Tạng thì chỉ người có mang tự biết. Lại như thế gian có các mùi thơm, tuy mùi thơm không có hình bóng nhưng người ta có thể ngửi được.
Lại như trái cầu lửa Hỏa Châu chiếu sáng được là nhờ ánh mặt trời, khi ánh sáng mặt trời nhập vào thì lửa liền hiện ra. Các hữu hành nhân được Tất Địa nhập vào thân cũng lại như thế. Trước tiên nơi thành tựu là các vật tượng bên ngoài, hoặc là bên trong tâm của người cầu thành tựu có biểu tượng riêng.
Người Hành Trì tụng kia chuyên chú chẳng gián đoạn ắt cảm thấy linh nghiệm được sự thành tựu.
Hoặc thấy nơi tượng cúng dường có sự chấn động.
Hoặc được mặt tượng tỏa hào quang chiếu diệu.
Hoặc được thân tượng chấn động.
Hoặc được trên hư không rải hoa xuống.
Hoặc lúc không có mây mà tuôn mưa nhỏ nhiệm.
Hoặc giáng tỏa mùi thơm kỳ diệu.
Hoặc cảm thấy mặt đất lay động.
Hoặc nghe âm thanh tự nhiên của trống Trời.
Hoặc nhìn thấy người Trời, A tu la… trụ trong hư không.
Hoặc nghe âm thanh nói chuyện của người Trời.
Hoặc nghe tiếng vang của mọi loại vật trang sức đại trang nghiêm, anh lạc, vòng xuyến.
Hoặc thấy lửa đèn tăng thêm ánh sáng màu vàng trong.
Hoặc thấy đèn bị hết dầu mà lửa chuyển mạnh mẽ.
Hoặc nghe trong hư không có âm thanh khiến nói về ước nguyện mong cầu.
Hoặc biết tất cả sợi lông trên thân đều dựng đứng.
Hoặc hiện tướng như vậy rồi thì quyết định biết là thành tựu Tất Địa mong cầu. Nên dùng vật khí thật sạch tốt đựng đầy hoa tươi, mài các chất nước thơm với năm loại báu hoà chung với nhau làm nước Ứ Già Argha rồi quỳ dài dâng hiến Bản Tôn và tụng chân ngôn cho đến dùng Diệu Già Đà mà bày tỏ tán thán. Nên phát tâm vui vẻ chính tín, tinh tiến chẳng trễ nãi, lễ bái cúng dường.
Tác như vậy xong, đem việc mong cầu, mỗi mỗi nói thành lời. Thành tâm chẳng gián đoạn thì có cầu ắt ứng.
Được như nguyện rồi, một lòng chuyên chú. Đối với Bản Tôn luôn tin vui ca ngợi, lại dùng Ứ Già phụng hiến cúng dường, liền niệm chân ngôn của Bản Tôn, lại niệm chân ngôn Phát Khiển của các Bộ. Nên y theo Nghi Quỹ, tụng chân ngôn xong rồi lễ bái thỉnh các Hiền Thánh quay trở về Bản Vị.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một