Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Mười Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỘ THẾ PHẨM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN MƯỜI BỐN  

Nhờ oai thần của Như Lai, biện tài vô ngại, theo chốn độ vô cực, Bồ Tát ấy chẳng nghĩ: Những người đến từ phương Đông, Tây, Nam, Bắc mà không nhận được lời dạy bảo là điều chưa từng có, Bồ Tát không thấy có sự bất cập mà luôn dũng mãnh vô úy. Tất cả chúng sinh tùy ý muốn hỏi thì Bồ Tát tự tại, chẳng hề lo ngại chán sợ, đó là vô úy thứ hai.

Một mình dạo vào pháp không mà Bồ Tát chưa từng khởi tâm nghi ngờ. Nói đến chỗ làm của mình thì đã chuyển hóa, nói về thọ mạng của con người thì đã lìa năm ấm, các nhập, sáu mươi hai nghi tà kiến. Tâm ấy rộng lớn, bình đẳng như hư không, nên dùng sự vô niệm này mà không thấy có sự quấy nhiễu nơi thân, khẩu, ý. Bồ Tát không có cái thấy bất cập này.

Vì sao?

Vì các Chánh Sĩ ấy đã lìa tướng ngã, nhân, không hiện các tướng, cất bước đại phương tiện, dũng mãnh, bền chắc, đó là vô úy thứ ba.

Bồ Tát ấy đứng trên chỗ Phật kiến lập, trú nơi Phật lực mà vẫn ở nơi oai nghi, lễ tiết của Như Lai, không hề vọng tưởng và chẳng nghĩ: Mọi người sẽ không tìm sở trường, sở đoản và oai nghi chưa đủ của mình thì chưa từng có điều này. Không thấy sự bất cập mà dũng mãnh cất bước, ban tuyên kinh đạo ở nơi đại chúng, thân, khẩu, ý luôn thanh tịnh, đó là sự vô úy thứ bốn.

Lại nữa, Bồ Tát ấy phải nghĩ đến sự tẩy trừ hạnh ác, tu học thanh tịnh và từ hòa chăng?

Cũng chẳng có ý niệm này, hoặc có người tìm chỗ khuyết điểm ở thân, khẩu, ý của mình thì Bồ Tát lại dùng đại dũng mãnh vì chúng sinh mà giảng thuyết kinh đạo, đó là vô úy thứ năm. Bồ Tát ấy luôn được sự hộ trì của thần Kim Cang cầm chày Kim Cang, Chư Thiên, Long, Thần, A Tu Luân thấy được liền quy y.

Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương cũng đều thờ phụng và Chư Phật cũng đều gia hộ. Cho nên Bồ Tát ấy không có khởi ý là sợ chúng ma, thiên ma, các ngoại đạo dị học. Vì sự mê hoặc của các tà không thể nhiễu loạn và không bao giờ thấy được người ấy. Bồ Tát phải dùng đại dũng mãnh và chốn độ vô cực để khuyến phát tâm đầy đủ các hạnh Bồ Tát, đó là sự vô úy thứ sáu.

Bồ Tát lại được tuệ niệm của Phật, chưa từng quên mất, các căn thường định. Luôn vì chúng sinh thuyết pháp, diễn bày Thánh Điển để họ hiểu nghĩa Phật Đạo. Chỗ giảng nói pháp đó của Bồ Tát cũng như sự giảng nói từ kim khẩu của Phật, không bị ngăn ngại, mà Bồ Tát chẳng dấy lên ý nghĩ thấy sở đoản của họ và luôn phụng hành lời dạy của Như Lai, đó là sự vô úy thứ bảy.

Bồ Tát sáng rõ trí tuệ phương tiện, sáu độ vô cực, tiến thoái một mình mà chỉ dạy cho chúng sinh, không hề câu nệ. Dùng nguyện Phật Đạo và Thánh tánh vô cực mà phát khởi đại bi vô tận, thương xót chúng sinh.

Giả sử sinh ra ở chốn phiền não xấu, ác, Thế Giới uế trược thì có thể bao dung hết với tâm hoan hỷ và việc lớn đi cùng là dạy dỗ chúng sinh. Không khởi niệm là sẽ không có kẻ hủy báng tịnh hạnh trong sạch của Phật Đạo, đoạn tuyệt định ý và cửa giải thoát chánh thọ, tổng trì, biện tài. Cũng không hề thấy có.

Vì sao?

Vì Bồ Tát Đại Sĩ ở nơi tất cả các pháp được tự tại thì không thể đình chỉ đạo hạnh tu tập. Bồ Tát ấy ở nơi mười phương không hề phạm lỗi mà luôn theo sự đại dũng mãnh, ở nơi Cõi Phật trừ bỏ các ác và luôn giữ chánh niệm, đó là sự vô úy thứ tám. Bồ Tát không xả nhất thiết trí tâm, khéo trú nơi nghĩa đạo, ưa thích đại thừa. Dùng sức kiến lập của các thông tuệ, vì các Thanh Văn, Duyên Giác thị hiện các oai nghi, lễ tiết không thể bì kịp.

Bồ Tát không khởi niệm: Ta sẽ không lầm lạc vào đạo Thanh Văn, Duyên Giác, dùng đại tinh tấn hiển bày tất cả thừa, các độ vô cực, chỉ thích đại thừa và chốn hành tròn đủ. Đó là sự vô úy thứ chín. Bồ Tát khéo tích tập các pháp thanh tịnh, tập họp các gốc đức, đầy đủ thần thông, không bỏ nẻo giác ngộ dùng Phật Đạo cũng như hạnh Bồ Tát mà hóa độ. Dùng phổ trí của tất cả các Chư Phật để giáo hóa chúng sinh, không mất chánh hạnh, không hoại Kinh Pháp.

Tâm Bồ Tát không nghĩ: Chúng sinh không có các căn thuần thục, ta soi sáng không tới. Hiện bày cảnh giới Phật mà vẫn chưa có sự cảm ứng này. Bồ Tát dùng đại dũng mãnh, quán căn cơ nơi chúng sinh để hiển bày Phật địa. Tuy giáo hóa chúng sinh nhưng chốn hành hóa và đại nguyện vô cực của Bồ Tát không có khuyết sót. Đó là sự vô úy thứ mười. Bồ Tát trú ở đấy thì đạt đến bốn vô sở úy của Như Lai.

Bồ Tát có mười việc về pháp Bất cộng của Chư Phật.

Những gì là mười?

Bồ Tát tinh cần, không từ đâu sinh ra, độ chúng sinh qua đến bờ giác, vui thích bố thí trừ hết bỏn sẻn, giới cấm thanh tịnh, không phạm các ác, thành tựu đầy đủ pháp nhẫn nhục, bỏ các sân hận. Tu đại tinh tấn, việc tu Chánh Giác chưa từng thoái chuyển, thiền định kiên cố, bỏ các ý loạn, từ trí tuệ sinh ra, xa rời tà kiến, không hề ngôn thuyết.

Sao gọi là không từ đâu sinh ra?

Vì thường siêng năng phụng hành sáu độ vô cực, đó là bậc nhất vô ngôn của Bồ Tát.

Bồ Tát hiểu rõ các pháp độ qua bờ giác, thu giữ các cảnh giới của chúng sinh. Bố thí thì dùng tục thí và giảng nói pháp thí, nét mặt vui vẻ. Nói với kẻ đáng nói thì dùng ngôn ngữ âm thanh từ hòa, mọi người nghe được thì không ai mà không vui lòng.

Nghĩa lý đúng thời, hiểu rõ Phật Đạo, tâm không thiên lệch, bè nhóm mà bình đẳng nghĩ về chúng sinh. Chỗ tu trì của Bồ Tát không từ đâu sinh, dùng vô ngôn mà cứu tế chúng sinh đến cảnh giới tu tập. Đó là pháp thí thứ hai của Bồ Tát.

Chốn tu trì của Bồ Tát là từ bi trí tuệ, không hề vọng tưởng, không thích thế tục, dẫn dắt chúng sinh vào Phật Đạo. Hành định tu tập của Bồ Tát không bỏ Thánh tuệ của Như Lai chánh chân, chỉ rõ diệu dụng nơi chúng sinh mà khuyến giúp họ bằng vô sở thuyết, đó là Bồ Tát không có ngôn thuyết, tu các gốc đức, ngưỡng cầu Phật tuệ, vì chúng sinh mà bố thí thì đó là sự vô ngôn thứ ba của Bồ Tát.

Hành nghiệp Bồ Tát có hạnh thứ nhất là phương tiện quyền biến, tùy theo sở thích của chúng sinh mà không hề chán ghét. Dạo trong thế tục, tại các nơi phóng túng, xấu ác, những chỗ của Thanh Văn, Duyên Giác, tất cả muôn loài mà khai hóa họ chứ không cầu an cho riêng mình.

Thiền định, tam muội giải thoát, chánh thọ thì biết rõ tiến lùi, đắc định tự tại, không hề mỏi mệt. Quán nơi sinh tử thì cũng như mặt trời chiếu khắp, hủy diệt các cung điện ma, hiện khắp nơi xứ sở của Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Thiên Vương. Thường soi sáng, thấy các hàng dị học mà đều thấu biết tất cả kinh thư, điển tịch, văn thơ, toán thuật, sáu việc bản thân của tất cả thế tục.

Lại còn thấu biết điển tịch của Vua, điêu khắc hoa văn, in gấm thêu hoa, trau chuốt ngôn từ, âm thanh hoan lạc, sáu món cờ bạc hơn cả thiên hạ. Lại cũng hiểu rõ sự tiến dừng của người nữ, sự hoạt động của nam nhi, dự đoán được điềm lành, thiên văn địa lý, nhật nguyệt tinh tú, các sự thiên tai và pháp độ thế.

Nếu Thanh Văn, Duyên Giác đến hỏi thì không có việc gì mà không sáng rõ. Các việc độ thế thì Bồ Tát một mình hành dụng không ai sánh cùng, tất cả thiên hạ đều cùng kính ngưỡng.

Hiển bày oai nghi lễ tiết và chỗ không thể đạt đến của các thừa Thanh Văn, Duyên Giác và không xả Đại Thừa. Lúc phát tâm, biết chỗ thị hiện của chư Như Lai, không đoạn Kinh Điển. Bồ Tát tuân theo phương tiện quyền xảo cũng không đoạn dứt. Bồ Tát phụng tu gốc đức vắng lặng.

Dùng tuệ pháp lạc, một mình tự tại, ở nơi vô vi mà hiện ra cõi sinh tử, đến chỗ không nhân tướng mà giáo hóa chúng sinh chưa từng trái bỏ. Ở nơi chúng sinh mà luôn thanh tịnh an nhiên, thị hiện nơi đại phiền não cấu uế, tức là dùng nhất phẩm của thân pháp tuệ thị hiện nơi vô số thân chúng sinh, vô hạn nơi chốn, giống như hư không.

Dùng đại trí tuệ, vì chúng sinh mà thị hiện niềm vui nơi tất cả trần dục, vui nơi nhất phẩm lạc. Hiện ở ba cõi khai hóa chúng sinh, không rời vọng tưởng. Ở với trăm ngàn Ngọc nữ thì thường dùng pháp lạc mà tự vui sướng, dùng tướng tốt và trăm ngàn công đức mà tự trang nghiêm nơi chỗ sinh sống.

Thường tu hành thanh tịnh, chẳng có lỗi lầm, hiện sinh nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ở nơi trí tuệ Phật Đạo và các độ vô cực mà không hề động xả tuệ thân Bồ Tát. Trí tuệ như vậy không có bờ cõi. Vì vậy Bồ Tát đều hiểu rõ Thanh Văn, Duyên Giác, huống gì là kẻ phàm phu ngu tối. Đó là sự vô ngôn thứ năm của Bồ Tát.

Hành thân, miệng, ý thì lấy tuệ làm đầu. Chỗ tu trì của Bồ Tát hành dụng trong sáng, đầy đủ từ tâm thương xót chúng sinh.

Luôn lìa bỏ các việc: Sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, nói hai lưỡi, nói ác, nói thêu dệt, ganh ghét, sân si, tà kiến… nẻo hành của Bồ Tát, tu hạnh chánh kiến cũng đều vô ngôn, hành thân, khẩu, ý với trí tuệ ứng thời. Đó là việc thứ sáu.

Không bỏ chúng sinh, ấy là Bồ Tát phụng tu tâm từ không ngăn ngại, thấy chúng sinh khổ não, thân năm ấm gặp hoạn nạn thì hành dụng, lời nói càng phải từng trải, hưng hiển gốc đức. Vì chúng sinh mà ở tại địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh mà chịu nhiều khổ đau, chẳng hề biếng trễ. Giáo hóa chúng sinh khiến họ an vui.

Ở nơi tất cả dục và những chỗ vui thích mà chẳng đổi dời tâm, càng thêm tinh tấn nhằm độ thoát chúng sinh ra khỏi các khốn khổ độc hại. Cũng chẳng dùng các chỗ rèn tập của Bồ Tát mà chỉ chí nguyện nơi đại bi, làm theo điên đảo lực. Đó là việc thứ bảy khiến tất cả cá loài đều phụng kính, vui thích.

Cho đến Bồ Tát, Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương đều cùng hộ niệm, nên tất cả muôn dân nhìn thấy đều hoan hỷ, chúng sinh nghĩ đến công đức thì tâm chẳng rời hoài bão.

Vì sao?

Vì Bồ Tát ấy nơi túc mạng xa xưa đã phụng hành thanh tịnh, không có lỗi lầm, cho nên mọi người chưa gặp Bồ Tát thì không biết dừng đủ. Bồ Tát cũng dùng vô ngôn mà giáo hóa, ấy là pháp thứ tám. Tâm Bồ Tát kiên cố, ở nơi các thông tuệ khéo mặc áo giáp công đức, ấy mới là Bồ Tát.

Sở dĩ rất khó là vì Bồ Tát ấy phải ra sức siêng năng hành tập. Vào nơi Thanh Văn, Duyên Giác mà tâm nhất thiết trí luôn thanh tịnh sáng rỡ, không chỗ quên mất. Giống như đại minh châu có tên là Tịnh phục tịnh, nó luôn làm nước đục được lắng trong. Giả sử có hồ nước rất nhơ bẩn, dùng minh châu này đặt vào trong đó thì nước đục này liền lắng trong mà không hề đục trở lại.

Cũng vậy, giả sử Bồ Tát cùng sống với kẻ ngu si, nối kết đến trọn đời nhưng Bồ Tát chưa từng bỏ mất nhất thiết trí thanh tịnh sáng trong, trí tuệ vô cực, trừ sạch ái dục, tà kiến, phiền não uế trược của chúng sinh. Trú ở nhất thiết trí sáng trong thanh tịnh mà cũng dùng vô ngôn. Tuy ở nơi kẻ ác, Thanh Văn, Duyên Giác mà không hề bỏ đại đạo, đó là pháp thứ chín.

Trí tuệ của Bồ Tát là pháp tôn quý đã qua bờ giác, ấy là tuệ Bồ Tát được tự tại đầy đủ không thiếu, là bậc Nhất sinh bổ xứ mặc áo lìa cấu uế, đội khăn mão pháp, đeo giây tơ đạo ấn, chẳng rời sự khuyên dạy của bạn lành. Phụng kính Như Lai. Chưa từng khinh mạn thì cũng dùng vô ngôn.

Bồ Tát chưa từng có tu mà khai hóa chúng sinh, không rời Chư Phật và thường thuận theo Như Lai, khiêm cung tự quy. Đó là sự giáo hóa vô ngôn thứ mười. Bồ Tát an trú ở đây thì đạt thành vô ngôn vô thượng của Thế Tôn.

Bồ Tát có mười nghiệp.

Những gì là mười?

1. Làm thanh tịnh khắp Thế Giới, trang nghiêm Cõi Phật.

2. Hưng lập tất cả đạo nghiệp của Chư Phật.

3. Lấy bạn lữ Bồ Tát làm đầu, đồng chung gốc đức.

4. Bồ Tát chỉ dạy nơi cảnh giới chúng sinh, thâu giữ từ gốc đến ngọn và các nghiệp đời sau.

5. Nghĩa là dùng thần túc biến khắp cảnh giới Chư Phật nơi mười phương.

6. Tuy hiện hữu khắp mười phương nhưng không rời khỏi cảnh giới của mình.

7. Bồ Tát dùng ánh sáng diễn khắp vô lượng ánh sáng, mỗi một ánh sáng đều có hoa sen, trên các hoa sen ấy đều có chư Bồ Tát hiện thân ngự tọa, chẳng đoạn Tam Bảo.

8. Sau khi Phật diệt độ thì Bồ Tát phụng hành tuyên thuyết, dạy dỗ không có tự đại, dạo khắp mười phương khai hóa chúng sinh.

9. Vì họ thuyết pháp và khiến họ tuân theo luật giáo, tu bát chánh đạo.

10. Nếu họ ở tà nghiệp thì vì họ mà thị hiện các nguyện khiến mọi người đều tròn đủ.

Đó là mười việc, Bồ Tát an trú ở đây thì thành tựu vô thượng đạo của Như Lai.

Thân Bồ Tát có mười việc.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát vị lai, hiểu rõ tất cả thân đều không chỗ thành, cũng vô sở hữu.

2. Thân Bồ Tát cũng như thân mọi người đều không thể thủ đắc.

3. Thân Bồ Tát, không có chân đế, tùy theo tập khí của chúng sinh mà thị hiện đó thôi.

4. Thân Bồ Tát thì không thể xâm tổn nhưng tùy theo thế tục mà hiển bày chân đế.

5. Thân Bồ Tát cũng không cùng tận, ở các đời vị lai không hề đoạn mất.

6. Thân ấy kiên cố, các ma không thể hủy hoại.

7. Thân ấy dũng mãnh, tất cả tà học, ngoại đạo không thể hủy hoại.

8. Thân ấy vô tướng mà lại thị hiện các tướng thanh tịnh, trăm phước công đức.

9. Thân ấy không đẹp vì lấy pháp tướng làm đẹp, cúi đầu làm lễ. Thân ấy không nơi nào mà không vào.

10. Các Như Lai Chánh chân quá khứ, hiện tại, vị lai đều cùng một thân.

Đó là mười thân của Bồ Tát. Bồ Tát an trú ở đây thì thành tựu Pháp Thân Như Lai vô cực không cùng tận.

Khi giảng nói lời này xong thì tam thiên Thế Giới đều chấn động lớn. Đại ánh sáng ấy biến khắp mười phương. Trời tuôn mưa hoa, đàn sáo nhạc khí không tấu mà tự vang. Các người đến nghe pháp mỗi mỗi đều rất vui mừng vì may mắn được gặp đạo sáng vô cực.

Họ đều hỏi: Muốn gặp pháp này thì tu cái hạnh gì?

Bồ Tát đáp: Phụng kính các pháp, một tâm nghe Kinh, cúng dường Thánh chúng, khiêm cung và tôn kính Pháp Sư như tôn kính Phật.

Thương xót chúng sinh như thương xương tủy của mình. Ở tại ba cõi mà như hoa sen trong nước, như ánh sáng soi tỏa của mặt trời, mặt trăng chiếu đến các nơi u tối. Hành giả như vậy thì mau chóng đắc thành chánh pháp. Lúc giảng nói pháp này thì vô số người đều phát tâm đạo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần