Phật Thuyết Kinh đồng Tử Thiện Tư - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐỒNG TỬ THIỆN TƯ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẦN BẢY  

Tất cả pháp sâu mầu

Pháp là chốn vô đắc

Pháp đã không chốn đắc

Chốn ấy không cũng không.

Nếu thành tựu biện tài

Trí sâu xa vô ngại

Mới biết được nghĩa này

Là Kinh không chỗ chấp.

Như Rồng A Nậu Đạt

Ở trong không làm mưa

Nó không có tâm tưởng

Gọi không thể nghĩ bàn.

Nếu muốn nói rộng nhiều

Vô số biện tài thuyết

Y trong Kinh này học

Không dựa tất cả pháp.

Pháp ấy không chỗ đến

Khéo nói như Kinh này

Các pháp không có sinh

Như Kinh này nêu rõ.

Như mặt trời chiếu sáng

Sáng ấy không chỗ đến

Kinh này sáng như vậy

Ánh pháp thường chiếu khắp.

Đời sau, thiện nam tử

Muốn biện tài vô tận

Nên học Quán Đảnh Vương

Khéo nói gốc pháp ấy.

Mau được biện vô ngại

Thâm diệu khó nghĩ bàn

Nếu học Quán Đảnh Vương

Nhiều lợi ích cho đời.

Nếu không tu pháp này

Quán Đảnh Vương vô thượng

Người ấy không thọ trì

Như vậy không thí dụ.

Tất cả bốn bộ chúng

Xa lìa nơi pháp hành

Người không rõ nghĩa này

Không nghĩa ấy là nghĩa.

Nếu có bốn bộ chúng

Khi thực hành hạnh này

Vô thượng trong các pháp

Tức là mắt thế gian.

Như cung điện Đao Lợi

Hiển hiện cao lồng lộng

Kinh Điển này cũng vậy

Là tối thắng thế gian.

Như đứng đỉnh Tu Di

Nhìn thấy người thế gian

Trụ Kinh này cũng vậy

Nhìn thấy tất cả pháp.

Như người trong đêm tối

Cầm cây đuốc cao lớn

Người ấy đi đến đâu

Trọn không còn bóng tối.

Kinh này đã chiếu sáng

Thấy rõ tất cả pháp

Người thọ trì Kinh này

Thì không còn mê tối.

Như mặt trời chiếu khắp

Tất cả chốn đều sáng

Kinh Điển này cũng vậy

Xuất sinh nhiều loại pháp.

Như trăng trong hư không

Lưu chuyển phóng ánh sáng

Kinh Điển này cũng vậy

Chiếu khắp mười phương cõi.

Ấn này ấn các pháp

Ấn trong tất cả ấn

Nên để lại ấn này

Vì các bậc Bồ Tát.

Như muốn ấn hư không

Gốc không cũng không trụ

Hư không cùng với ấn

Cả hai đều phân biệt.

Phật và pháp như vậy

Trong Kinh này đã nêu

Chư Phật không thể nói

Các pháp cũng như thế.

Như khi Vua băng hà

Ân cần khéo phó chúc

Bảo các quan đại thần

Tài sản giao con ta.

Thánh pháp tài cũng vậy

Xưa ta tu tập được

A Nan, ông đời sau

Phó chúc các Bồ Tát.

Ta đã nói Kinh này

Vì các vị Bồ Tát

Người thọ trì Kinh này

Người ấy phước rất lớn.

Hay tin nhận Kinh này

Dựa Quán Đảnh Vương nói

Người ấy nếu còn nghi

Ta sẽ không thành Phật.

Người muốn tự tại biện

Nơi các pháp vô ngại

Nên phải học Kinh này

Ta khéo nói Quán đảnh.

Nói các pháp thế gian

Ấy là đạo bồ đề

Biết rồi chớ biếng trễ

Phải đọc tụng Kinh này.

Những người chánh tín ấy

Trong thế gian không mê

Đã đọc tụng Kinh này

Vì người khác giảng nói.

Đó là pháp Chư Phật

Vì các Bồ Tát nói

Được nghe Kinh này rồi

Sâu xa khó nghĩ bàn.

Khi đang nói Kinh này

Mười phương tất cả Phật

Mỉm cười phóng ánh sáng

Đều nói: Khéo nêu giảng.

Giữ vững cờ đại thắng

Cờ pháp khó nghĩ bàn

Kệ bốn câu Kinh này

Vì đại chúng diễn nêu.

Khéo hành nhiều phương tiện

Trong pháp khó nghĩ bàn

Người thọ trì Kinh này

Lại vì người khác nói.

Người ấy cùng Phật ngữ

Chứng pháp bậc Vô thượng

Người thọ trì Kinh này

Quán đảnh khó nghĩ bàn.

Đức Thế Tôn nói kệ đáp Tôn Giả Xá Lợi Phất rồi, lại bảo Trưởng Lão A Nan: Này A Nan! Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, ở trong đời vị lai có thể có tâm tin nghe Kinh này, thọ trì, đọc tụng thì người ấy sẽ được phước đức rất lớn. Phước đức ấy không thể lường tính, không có biên vực, ví như cõi hư không, không người nào có thể lường tính để biết được giới hạn.

Đúng vậy, đúng vậy! Này A Nan! Trong gốc pháp này, nếu người nào có thể thọ trì, hoặc tự mình đọc tụng, hay vì người khác nói, dù chỉ một bài kệ bốn câu, thì người ấy sẽ được nhiều căn lành công đức không thể lường xét, không thể nói hết, không có giới hạn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Tôn Giả A Nan và đại chúng, nhằm nêu rõ lại ý nghĩa này nên nói kệ:

Nếu đọc tụng Kinh này

Thân phương tiện vô biên

Lợi ích nhiều chúng sinh

Quán Đảnh Vương thương xót.

Giả sử nay ta nói

Hư không có thể lường

Muốn so sánh Kinh ấy

Không thể nào cùng tận.

Tất cả Phật mười phương

Bậc Vô thượng trong đời

Nếu thọ trì Kinh này

Là cúng dường Chư Phật.

Tất cả Phật mười phương

Vua pháp đoạn sinh tử

Người thọ trì Kinh này

Là cúng dường Chư Phật.

Các thế giới mười phương

Đoạn trừ gốc mười ác

Người nghe Kinh Điển này

Là cúng dường chư Thánh.

Hoặc Chư Phật vị lai

Và Như Lai quá khứ

Hiện tại trong mười phương

Lưỡng Túc Tôn vô thượng.

Thường làm Sư Tử gầm

Hẳn đáng được cúng dường

Hay thọ trì Kinh này

Chỗ Chư Phật thuyết giảng.

Đem tài, vật cúng dường

Chẳng phải người chánh trí

Nếu thọ trì Kinh này

Là cúng dường trên hết.

Tất cả mười phương cõi

Đủ Bồ Tát hành thí

Dùng cúng chư Thế Tôn

Thua phước trì Kinh này.

Nếu học Kinh Điển ấy

Quán Đảnh Vương nhất như

Cung kính chư Như Lai

Trong Như chân thật hiện.

Ta đã nói các pháp

Chư Phật không thủ đắc

Người nghe không sợ hãi

Tức là cúng dường Phật.

Là cúng dường sâu xa

Thế gian không người rõ

Chẳng thủ và chẳng xả

Là cúng dường tối thắng.

Chư Phật và các pháp

Tất cả không thủ, xả

Cúng dường tối thắng ấy

Chư Phật Thế Tôn khen.

Thuở xưa Phật Định Quang

Ta cúng dường pháp này

Cúng dường tối thắng ấy

Vì các Bồ Tát nói.

Lúc ở bên Phật đó

Ta giữ cúng dường này

Phật thọ ký cho ta:

Ông sẽ được làm Phật.

Nếu muốn sẽ làm Phật

Vì chúng sinh trên hết

Nên thành tựu đường này

Gọi là cúng dường Phật.

Ta cúng dường như vậy

Nay được thành Phật Đạo

Thông suốt tất cả pháp

Đáng được trời, người cúng.

Tất cả pháp Chư Phật

Bậc vô thượng thế gian

Cúng dường này tối thắng

Trong các pháp cúng dường.

Chứng nơi cảnh giới Phật

Trí tuệ khó nghĩ bàn

Hay gầm tiếng Sư Tử

Như ta nay không sợ.

Gầm tiếng Sư Tử rồi

Đạt các pháp tự tại

Giải thoát các chúng sinh

Vào Niết Bàn vô lậu.

Đức Thế Tôn Giảng nói Kinh này xong, Đồng Tử Thiện Tư và tất cả đại chúng, các chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Ba, A Tu La, Nhân Phi Nhân… ở trong thành Tỳ Da Ly, nghe Phật giảng nói rồi đều hoan hỷ tán thán và tin nhận, phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần