Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Chín - Phẩm Thọ Ký
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THYẾT
KINH HẢI LONG VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM CHÍN
PHẨM THỌ KÝ
Đến đây, Hải Long Vương bạch Đức Phật: Con từ kiếp đầu tiên ở biển lớn, từ Đức Như Lai Câu Lâu Tần ra đời đến nay, quyến thuộc thê tử của các Rồng trong biển lớn rất ít. Hôm nay thì vợ con, quyến thuộc xa gần của chúng Rồng nhiều lắm, giả sử muốn tính toán cũng chẳng thể cùng tận.
Bạch Thế Tôn! Việc này thế nào?
Có gì biến đổi kỳ lạ?
Đức Phật bảo Long Vương: Ấy là những người ở trong Phật Pháp xuất gia giữ luật, hành giới chẳng đủ, hiện tại thành tựu giới, vi phạm giới hạnh mà chẳng bỏ chân kiến, chẳng đọa địa ngục. Những loại người như thế, sau khi mạng chung rồi đều sinh trong loài Rồng.
Đức Phật nói với Long Vương: Thời Đức Phật Câu Lâu Tần có chín mươi tám ức người tại gia và xuất gia trái phạm cấm giới nên đều sinh trong loài Rồng. Thời Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni có tám mươi ức người tại gia và xuất gia hủy phạm cấm giới, buông thả tâm nên sau khi mạng chung đều sinh ra trong loài Rồng.
Thời Đức Phật Ca Diếp có sáu mươi tư ức người tại gia và xuất gia phạm giới nên sau khi mạng chung đều sinh trong loài Rồng. Ở trong đời của ta có chín trăm chín mươi ức người tại gia và xuất gia với biết bao sự đấu tranh, quen biết bao hành động, bài báng Kinh Điển, giới luật nên sau khi mạng chung đều sinh trong loài Rồng.
Như hôm nay cũng có người sinh ra!
Đức Phật nói với Long Vương: Do đó ở trong biển lớn của ông, vợ con quyến thuộc của các Rồng nhiều chẳng thể tính kể. Sau khi ta vào Niết Bàn có nhiều ác Tỳ Kheo, ác Ưu Bà Tắc trái phạm cấm giới sẽ sinh trong loài Rồng, hoặc đọa vào địa ngục.
Hải Long Vương bạch Đức Phật: Đến nay, Tỳ Kheo bỏ nhà tu đạo mà phạm giới bị đọa vào trong loài Rồng thì có gì đặc thù?
Đức Phật dạy: Bỏ nhà tu hành, tới nay Tỳ Kheo phạm giới bị đọa vào trong loài Rồng, họ tu hành với phương tiện chẳng thể thanh tịnh nhưng lại rất có lòng tin ở Phật Pháp.
Do sức chí tâm, họ ở trong loài Rồng, sau khi mạng chung được sinh lên Trời và nhân gian, sẽ gặp các Đức Phật ra đời của kiếp hiền.
Họ đều sẽ gặp! Giả sử có người chẳng được giải thoát thì đều ở trong kiếp Bạt Đà vào Niết Bàn ngoại trừ người có chí nguyện đại thừa.
Này Long Vương! Hãy xem sự rộng lớn của lời Phật dạy! Nhân duyên khác lạ xuất gia, bỏ các pháp ác được vượt qua các loài khác.
Bấy giờ, có con của Long Vương hiệu là Uy Thủ bạch Đức Phật: Thật chưa từng có, bạch Thế Tôn! Loài Rồng thân cận Đức Như Lai, thật khó gặp, khó nghe!
Tuy có tạo tác mọi tội chướng nhưng nếu khởi lên một ý thiện, tâm nghĩ đến Phật Pháp thì nhất định chẳng mất đức và nhờ hạnh đó mà được diệt độ.
Nay con nguyện phát ý đạo vô thượng chánh chân! Do Đức Phật Thế Tôn khó gặp khó nghe nên khiến cho hành động Bồ Tát không có sai trái khuyết điểm, đi dến Đạo Tràng, không khiến trong lòng quên mất cội gốc đức, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Bất cứ ở đâu cũng thường gặp các Đức Phật, được nghe Kinh Pháp, cúng dường chúng Tăng và khai hóa chúng sinh.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Long Vương tử Uy Thủ: Hay thay, hay thay! Những điều ông hỏi là mới phát tâm cứu hộ tất cả. Hôm nay ông chí tâm khởi Bi Vô Cực mà dấy lên ý đạo.
Nhờ cội gốc đức này, Như Lai khen ngợi ông! Bảy ngày, bảy tháng hoặc đến một năm làm công đức mà phước chẳng thể cùng tận, nhờ gieo Rồng hạnh thiện mới như vậy. Đức Phật thấy được ý nghĩ trong lòng của con Vua Rồng Uy Thủ, liền cười rạng rỡ. Phép cười của Chư Phật có vô lượng số màu sắc, mà từng sắc từng sắc đều khác.
Ánh sáng từ miệng Đức Phật phát ra soi chiếu Thế Giới Chư Phật nhiều chẳng thể kể xiết. Ánh sáng ấy nhiễu quanh thân Đức Phật ba vòng rồi theo đỉnh đầu mà vào.
Bấy giờ, Hiền Giả A Nan dùng kệ khen Đức Phật:
Trăm phước công đức trang nghiêm thân
Thể đủ ba mươi hai tướng tốt
Trong sạch không bẩn như ánh trăng
Ngài cười hôm nay, vui điều gì?
Lìa ba cấu không bụi sạch trong
Như trăm lá hoa, hành không mệt
Được Trời, Người, Thần, Rồng cung kính
An trụ, nay vì sao Ngài cười?
Hay thay! Răng đều bằng sạch trong
Mặt Đấng Thập Lực sắng thơm sạch
Do trừ căn nguyên của tử sinh
Nay Thế Tôn cười vì điều gì?
Không tỳ vết, tâm như hư không
Ý bình đẳng bạn lành, kẻ oán
Giữ chí như đã không ghét thương
Nguyện Thế Tôn sao vui cười vậy?
Lời giảng âm thanh như Phạm Thiên
Như âm chim Ai Loan vi diệu
Lời nói nhu nhuyến ai chẳng mừng
Sao Ngài cười?
Nguyện Thế Tôn nói!
Tâm đôi Thánh Tuệ, không chấp trước
Biết vận hành tâm cả ba đời
Hiểu căn mọi người được vui mừng
Nay Đạo Sư cười, cảm gì vậy?
Vì là thành Y Vương
Trị liệu bệnh chúng sinh
Hay thí yên rốt ráo
Duyên gì cười?
Thế Tôn!
Hộ đức vì con nói
Chư Thiên và nhân gian
Nghe đều sẽ vui sướng
Chí ở các thông tuệ!
Đức Phật bảo Hiền Giả A Nan: Ông có thấy con Vua Rồng Uy Thủ đứng ở trước Phật chí tâm phát ý đạo vô thượng chánh chân chăng?
Tôn Giả A Nan đáp: Thưa vâng, con đã thấy!
Đức Phật dạy: Con Vua Rồng Uy Thủ đó, trải qua tám trăm lần chẳng thể kể vô lượng số kiếp sẽ được làm Phật Hiệu là Tuệ Kiến Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Thế Giới tên là Tịnh Trụ, kiếp tên là Minh Sát.
Con Vua Rồng đó chí thành phụng hành đạo Bồ Tát, gặp vô lượng số các Đức Phật cúng dường phụng sự, thường tu phạm hạnh, khai hóa độ thoát vô lượng chúng sinh, khiến họ an trụ ba thừa.
Thế Giới Tịnh trụ của Đức Như Lai Tuệ Kiến giàu có thuần thục, năm giống lúa dồi dào, an lạc không lường, Trời người đông đúc, quần áo, đồ ăn thức uống giống như trên Cõi Trời Viêm.
Đức Phật ấy sẽ sống lâu đến trăm vạn năm, có sáu mươi ức Hiền Thánh chúng Tăng Thanh Văn, một trăm hai mươi vạn ức Bồ Tát. Những vị thân cận Đức Như Lai Tuệ Kiến ấy đều được Tam Muội từ hạnh.
Đức Như Lai Tuệ Kiến nói Kinh, nếu hành giả Thanh Văn lần đầu thấy Phật thì được đạo tích, thấy lần thứ hai thì được vãng lai, thấy lần thứ ba thì được Bất Hoàn, thấy lần thứ tư thì được vô sở trước.
Người có chí Đại Thừa thì vừa đến hầu hạ Đức Như Lai Tuệ Kiến liền được Nhẫn Nhu Thuận, thấy lần nữa thì được thần thông, thấy lần thứ ba thì được Biện Tài Tổng Trì, thấy lần thứ tư thì được Pháp Nhẫn Bất Khởi.
Thế Giới Tịnh Trụ không có người hủy phạm giới, ý thanh tịnh không tà đều trụ ở chánh kiến. Người ở đó sau khi mạng chung không có đường ác đều sinh lên Trời hay cõi Phật thanh tịnh...
Con Vua Rồng Uy Thủ nghe Đức Phật thọ ký rất đỗi vui mừng, lòng lành phát sinh. Ông dâng trăm ngàn chuỗi ngọc để tung lên trên Đức Phật, chắp tay nói kệ khen:
Nhân Tôn thanh tịnh như ánh trăng
Uy thần, vô lượng chúng tôn kính
Năng lực Tổng Trì ấy không lường
Nguyện cúi lễ Đấng Vô Biên Tuệ
Thánh từ chẳng thể hạn lường
Chẳng thể bàn trí sáng không vết
Cầm giới rộng, định trụ khắp cùng
Cúi đầu Nhân Tôn như hư không
Không lường không hạn ức kiếp số
Không gì chẳng vào, hạnh rốt cùng
Do vậy hiểu biết những chúng sinh
Chỗ về tâm tánh các cội gốc.
Dung nhan Thế Tôn, người nhìn thấy
Một lòng quan sát không nhàm chán
Chẳng bị mê hoặc của trần tục
Bẩn dơ ái dục đều diệt tan.
Ai Loan, Câu Di các Thần, quỷ
Cũng như vậy, tiếng của Phạm Thiên
Tiếng nghe mười phương rất vi diệu
Sánh tiếng Như Lai siêu việt hơn.
Giả như mặt trời rơi xuống đất
Nước biển phải khô, Tu Di tan
Hư không còn nát, đất lật ngược
Trọn không khác, lời nói Thế Tôn.
Thế Tôn chí thành nói chắc chắn
Đem Đại Thánh Tuệ trao cho con
Con không hồ nghi trừ lưới kết
Được Phật tự tại làm chúng hựu.
Mười phương vô lượng ức vạn nước
Đầy trân bảo cưng thầy dẫn đường
Giả sử có người phát tâm đạo
So Rồng đức trước thì đầy hơn.
Cúng dường Chánh Giác, đức đệ nhất
Nếu người phát chí Đạo Phật Tôn
Là đã báo ân Đấng Thập Lực
Mạng Đạo Sư này chẳng đoạn tan.
Con Vua Rồng nói bài kệ khen Đức Phật này rồi, mười ngàn người đều phát ý đạo vô thượng chánh chân và đều nói lên: Khi Đức Như Lai Tuệ Kiến chứng được Tối Chánh Giác thì chúng con đồng lòng nguyện sinh về Thế Giới Tịnh Trụ để phụng trì lời dạy chánh pháp của Đức Như Lai đó, đồng thời cúng dường Đức Phật đó. Sau khi Đức Phật diệt độ, chúng con lần lượt bổ xứ vào cõi ấy, được Tối Chánh Giác.
Đức Phật thọ ký cho họ đều sẽ sinh về Thế Giới Tịnh Trụ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật đảnh Tôn Thắng đà La Ni
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Mười Ba - Phẩm Văn Tự
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Hai Mươi Bảy
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Lực - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Chín - Phẩm Mã Dụ
Phật Thuyết Kinh Bảo Tinh đà La Ni - Phẩm Mười Hai - Phẩm A Tra Bạc Câu