Phật Thuyết Kinh Hiệu Lượng Số Châu Công đức
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bảo Tư Duy, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
HIỆU LƯỢNG SỐ CHÂU CÔNG ĐỨC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bảo Tư Duy, Đời Đường
Bấy giờ Ngài Văn Thù Sư Lỵ Pháp Vương Tử, Bồ Tát Ma Ha Tát, vì muốn đem lợi ích cho mọi loài hữu tình, nên Ngài lấy tâm đại bi bảo đại chúng rằng: Các ông nên nghe cho khéo, nay tôi sẽ vì các ông diễn thuyết về vấn đề so lường công đức thụ trì việc lần tràng hạt sổ châu được lợi ích khác nhau thế nào?
Và, nếu có ai tụng niệm những Thần Chú cùng danh hiệu Phật thời thế nào?
Vì muốn lợi mình và giúp người, cầu mong mọi pháp chóng được thành tựu, hiệu nghiệm, phương pháp lần tràng ấy cần phải như thế này, nên gắng thụ trì:
Nếu ai dùng sắt làm tràng hạt, lần, tụng một lượt được phúc gấp năm lần niệm không.
Nếu ai dùng đồng đỏ làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp mười lần niệm không.
Nếu ai dùng chân châu, san hô… làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp trăm lần niệm không.
Nếu ai dùng hạt cây tra mộc hoạn tử làm tràng, lần, tụng một lượt, được phúc gấp nghìn lần niệm không.
Nếu cầu sinh sang những Cõi Thanh Tịnh của Chư Phật cùng muốn sinh lên Thiên Cung, nên thụ trì cỗ tràng này.
Nếu ai dùng hạt sen làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp vạn lần niệm không.
Nếu ai dùng hạt Nhân Đà La khư soa làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp trăm vạn lần niệm không.
Nếu ai dùng hạt Ô Lô Đà La khư soa làm tràng hạt, lần, tụng một lượt được phúc gấp nghìn vạn lần niệm không.
Nếu ai dùng, hạt thủy tinh làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp vạn vạn lần niệm không.
Nếu ai dùng hạt Bồ Đề làm tràng hạt, hoặc dùng để lần, niệm, hoặc chỉ cầm tay, lần, tụng một lượt, phúc ấy vô lượng, không sao tính kể và khó thể so lường được.
Các Thiện Nam! Cỗ tràng bằng hạt bồ đề ấy, nếu có người tay tuy cầm tràng, chẳng hay y pháp niệm, tụng danh hiệu Phật cùng Thần Chú, song, thường đem theo mình, khi đi, khi ở, khi ngồi, khi nằm, dầu nói thế nào, người ấy do mang giữ hạt bồ đề, được phúc cũng như là niệm danh hiệu Phật và tụng Thần Chú không khác, nghĩa là được phúc vô lượng.
Tràng cầm phải đủ một trăm tám hạt. Như khó tìm đủ được, hoặc làm năm mươi tư hạt hay hai mươi bảy hạt, mười bốn hạt cũng đều dùng được. Đó là pháp nhân sai khác của tràng hạt.
Các Thiện Nam! Vì nhân duyên gì nay tôi chỉ tán thán việc dùng hạt Bồ Đề được lợi ích tối thắng?
Các ông nghe cho khéo, tôi vì các ông nói lại nhân trước của việc này: Xưa kia có Đức Phật ra đời và thành ngôi Đẳng Chánh Giác ở dưới gốc cây Bồ Đề.
Bấy giờ có một người ngoại đạo mê tín tà kiến, hủy báng Tam Bảo song, người ấy có một người con trai thình lình bị loài phi nhân quỷ thần đánh chết, người ngoại đạo ấy tự niệm rằng:
Ta nay tà thịnh, chửa biết Chư Phật có thần lực gì: Như Lai đã thành ngôi Đẳng Chánh Giác ở dưới gốc cây này, nếu nơi Phật ngồi là Thánh thụ, thời phải có sự cảm ứng?
Nghĩ rồi, liền đem thây người con trai chết ấy để nằm dưới gốc cây Bồ Đề và nói như thế này: Cây Phật ngồi nếu quả là Thánh thụ thời con tôi quyết định được sống lại. Suốt trong bảy ngày người ấy tụng niệm danh hiệu Phật, con họ được sống lại thực.
Sau đó, người ngoại đạo ấy tán thán rằng: Thần lực Chư Phật, tôi chưa từng thấy, cây Phật thành đạo, hiện sự lạ lùng, uy đức rất lớn, khó thể nghĩ, bàn. Và, từ đấy những người ngoại đạo đều bỏ tà quy chính, phát tâm Bồ Đề. Mọi người đều tin và biết uy lực của Phật không thể nghĩ bàn được nên đều gọi là cây duyên mệnh.
Bởi nhân duyên ấy, cây này có hai tên Bồ Đề và Duyên Mệnh các ông nên biết. Và, vì thế tôi mới vì các ông chỉ bảo cho những chỗ cốt yếu về vấn đề này.
Ngài Văn Thù nói những lời ấy rồi, Đức Phật liền dạy rằng: Quý hóa thay, quý hóa thay ông Văn Thù Sư Lỵ Pháp Vương Tử! Như lời ông nói, thực không có gì khác cả. Hết thảy đại chúng được nghe sự so lường về công đức thụ trì tràng hạt này, ai nấy đều hoan hỷ, tín thụ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Công đức Tin Phật
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Ba Mươi Bảy - Phẩm Sa Môn - Thí Dụ Sáu Mươi Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - Phẩm Bốn - Phẩm Pháp Giới - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi - Kinh Bóng Vàng đáy Nước
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Hai Mươi - Phẩm đà Lân Ni