Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Ba - Nhẫn Nhục độ Vô Cực - Kinh Số Bốn Mươi Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

CHƯƠNG BA

NHẪN NHỤC ĐỘ VÔ CỰC  

KINH SỐ BỐN MƯƠI NĂM  

Ngày xưa, có vị Bồ Tát sinh vào một gia đình nghèo. Gia đình nghèo này không nuôi, bèn bọc trong tấm áo lót, chờ đến tối vắng người, đem bỏ ở ngã tư đường với một ngàn đồng tiền đặt trên đầu.

Tục của nước này lấy ngày hôm ấy là ngày lành, cả nước tổ chức lễ hội. Người Quân Tử, kẻ tiểu nhân đều theo từng loại tổ chức ăn uống, vui chơi.

Có một Phạm Chí tham gia buổi hội vui, khen: Vui thay! Những người dự hội hôm nay, riêng có kẻ như lúa canh gạo trắng thuần không chút lẫn lộn, mùi hương thơm phức. Nếu ngày này mà ai sinh được con trai, hay con gái thì đã quý lại hiền. Ngồi trong buổi hội này, có một vị Lý gia cô độc không con nối dõi, nghe lời nói ấy thì mừng thầm, liền sai người đến khắp các ngã tư tìm đứa con nào bị bỏ rơi.

Kẻ đi tìm hỏi người qua đường: Có thấy đứa trẻ nào bị bỏ rơi không?

Người đi đường đáp: Có một người mẹ góa nhận về nuôi rồi. Người đi tìm, lần đến nhà bà lão thì gặp được đứa bé.

Ông ấy nói với bà lão: Nhà chủ của tôi giàu có mà không con nối dõi, nếu bà đem đứa bé này đến giao lại thì sẽ được nhiều của báu.

Bà mẹ nói: Được! Rồi bà giữ lại tiền, đưa đứa bé đến để kiếm của cải. Bà mẹ được của cải như ý muốn.

Lý gia nuôi đứa bé được vài tháng thì người vợ có thai, ông nói: Ta vì không có con nối dõi nên mới nuôi đứa bé khác họ này. Nay Trời trao cho ta con nối dòng thì nuôi nó làm gì nữa. Rồi ông bọc đứa trẻ trong cái áo lót, đang đêm đem bỏ nơi cái giếng cạn.

Bầy dê nhà ban ngày hay tựu về đó cho đứa bé bú, người chăn dê đi tìm thì thấy có đứa bé, liền than: Thượng Đế vì sao làm rơi đứa bé ở đây?

Rồi ông mang nó về nuôi bằng sữa dê.

Lý gia biết được, vặn hỏi: Vì sao ngươi trộm sữa?

Người chăn dê thưa: Tôi được đứa con rơi của Trời nên lấy sữa để nuôi. Tứ Tánh buồn bã, hối hận, đem đứa trẻ về nuôi, được vài tháng thì vợ sinh một con trai, niệm ác lại dấy, ông cũng làm như lần trước, lấy áo lót bọc đứa trẻ rồi đem đặt vào trong vết bánh xe. Đứa trẻ tâm tư nghĩ đến Phật và Tam Bảo, lòng thương hướng về cha mẹ.

Rạng ngày sau có hàng trăm thương nhân đi qua con đường ấy, trâu dừng lại không chịu bước tới, một thương nhân đến xem xét thử vì sao, thì thây một đứa trẻ, cả Kinh nói: Con của Vua Trời vì sao lại ở chỗ này?

Ông liền bồng đứa bé vào trong xe thì trâu liền tiến nhanh như nước chảy. Đi tới phía trước chừng hai mươi dặm, họ dừng trâu nghỉ ngơi. Có một bà mẹ cô độc thưa với vị thương nhân xin đứa trẻ đề giúp đỡ bà lúc tuổi già cùng khốn. Vị thương nhân liền cho bà.

Người mẹ này nuôi đứa bé chưa được bao lâu thì Tứ Tánh lại hay được, áy náy nói: Ta đến nỗi bất nhân tàn hại Đức Trời thế ư. Rồi ông lại lấy của báu đến xin đem đứa bé trở về nhà mình, nghẹn ngào tự trách, nuôi dưỡng hai đứa trẻ như nhau.

Nuôi được khoảng vài năm, ông thấy đứa bé trí tuệ kỳ lạ biến hóa dọc ngang, thì niệm ác lại nảy sinh, nghĩ: Đứa bé này thông minh quá đỗi, con ta chắc thua. Không nên để nó làm gì. Ông lại bọc nó bằng áo lót, đem vào núi bỏ trong bụi trúc, không cho ăn, ất phải chết.

Đứa bé ấy lòng từ niệm: Ta sau này được làm Phật, quyết sẽ tế độ mọi đau khổ của chúng sinh. Gần núi có một lạch nước, đứa trẻ tự sức mình rung lay theo trúc rơi xuống đất, lần hồi bò đến bên bờ nước kia.

Cách lạch nước lối hai mươi dặm, có một đám khiêng người chết và đông đảo người đi lấy củi, thấy xa xa có đứa trẻ, họ kéo đến xem và than: Thượng đế làm rơi đứa con mình xuống đây ư?

Rồi họ bồng về nuôi dưỡng. Tứ Tánh hay được cũng lại ân hận như trước, rồi đem của quý báu đến, buồn khóc xin rước về. Ông dạy cho đứa trẻ về sách lý số, ngẩng xem Thiên văn, cúi xem quẻ bói… học thuật của các đạo, hễ qua mắt đứa bé thì liền giỏi ngay.

Bẩm tánh nó lại nhân, hiếu, lời nói ra liền trở thành giáo hóa, dẫn dắt mọi người, cả nước tôn xưng là Thánh, kẻ có học khắp nơi kéo về. Người cha lại sinh niệm dữ, tánh ác càng nặng. Trước nhà cách thành bảy dặm, có một người thợ đúc.

Muốn mưu giết đứa trẻ, ông Tứ Tánh viết thư báo với người thợ đúc: Xưa nuôi đứa trẻ này làm con. Từ khi nó vào trong nhà ta thì bệnh tật liên miên, của cải hao tổn, gia súc chết nhiều.

Quan thái bốc đoán: Đứa trẻ đã đem tới tai vạ ấy. Thư này đến thì hãy bắt lấy nó ném vào trong lửa ngay.

Đối với đứa trẻ thì ông giả vờ nói: Ta nay tuổi đã xế bóng, lại thêm bệnh nặng, vậy con hãy đến nhà người phường đúc, kê tính rõ tiền bạc, châu báu, đó là tài sản trọn đời của con. Đứa trẻ vâng lời ra đi.

Đến trong cửa thành, nó thấy em cùng với bọn trẻ đang chơi trò bắt trái bồ đào, đứa em nói: Anh đến thật may cho em quá. Anh hãy vì em đánh thắng bọn nó đi.

Anh nói: Cha sai anh đi có việc!

Em nói: Để em đi cho!

Rồi nó giật lấy thư đi đến nhà phường đúc. Người phường đúc theo lời trong thư, bắt đứa bé ném vào lửa. Lòng người cha nôn nao lo sợ, bèn sai người đi tìm đứa trẻ.

Người nhà thấy đứa anh, hỏi: Em đâu rồi?

Đứa anh cứ như thật trả lời, rồi nó về nhà nói lại sự việc. Người cha vội lấy ngựa đuổi theo, đến nơi thì con mình đã ra tro rồi. Người cha vật mình kêu Trời, tức khí uất nghẹn, trở thành phế tật.

Ông lại sinh ý độc ác, nói: Ta giờ đã không người nối dõi, thì chẳng cần để đứa bé ấy làm gì, giết phứt đi cho rồi.

Người cha có một tòa lâu đài cách Kinh Thành lối một ngàn dặm, nhân đó sai đứa bé đi, bảo: Ông đó đã làm tiêu tán tài sản của ta, vậy con đến nơi ấy tính xem, nay ta cho con tòa lâu đài ở đấy, có một phong thư khằn kín bằng sáp ong, con mau đi gấp.

Trong thư người cha ngầm dặn: Đứa trẻ này đến liền lấy đá buộc vào lưng rồi dìm xuống vực sâu. Đứa trẻ nhận lệnh, cỡi ngựa thong thả ra đi. Được nửa đường, đứa trẻ gặp một Phạm Chí ở xa, vốn cảm phục người cha, thường qua lại hỏi nhau về sách cổ. Vị Phạm Chí này có một người con gái, rất hiền lành, thông minh, biết tường tận về chuyện lành dữ, coi Thiên văn, bói toán…

Đứa trẻ đến chỗ Phạm Chí ở, nghĩ: Cha ta với Phạm Chí là chỗ thân quen, ta nên nghỉ lại nơi đây.

Rồi gọi người đi theo bảo: Ta muốn qua đó chào hỏi ông Phạm Chí, có nên không?

Người đi theo nói: Tốt! Liền đi qua hầu thăm.

Ông Phạm Chí vui mừng, nói: A! Con trai anh ta đến kia!

Ông bèn cho gọi các Học Sĩ, nho sinh, những bậc kỳ lão, đạo cao đức trọng cùng đến hội họp, yến tiệc vui chơi. Họ cùng nhau hỏi han các việc còn thắc mắc, không ai là không thỏa thích. Trọn ngày, hết đêm, ai nấy đều mệt mỏi, ngủ say.

Người con gái trộm nhìn người con trai, thấy ngay lưng có mang một phong thư, bèn lén mở lấy đem về, đọc được lời trong thư thì buồn bã, than: Yêu quái nào đây, nỡ giết hại người con trai nhân từ thế này?

Nàng liền xé phong thư ấy viết lại thư khác, rằng: Tuổi ta đã xế bóng, bệnh nặng ngày một khốn đốn, ông Phạm Chí kia với ta là chỗ thân quen. Con gái ông đã hiền lại thông minh, nay thật xứng đôi với con ta. Hãy sắm đầy đủ lụa là, châu báu, làm sính lễ. Xin lo cho thật tốt tiểu lễ dạm hỏi này, còn lễ cưới, ngày cưới, thì căn cứ vào lời dặn nơi thư này.

Viết thư xong, nàng phong kín để lại như cũ. Rạng ngày, người con trai lên đường, Phạm Chí, các Nho Sĩ không ai là không đến khen ngợi. Người ở lâu đài được thư vâng lệnh sẩm đủ lễ vật đến nhà ông Phạm Chí.

Vợ chồng ông Phạm Chí bàn nhau: Phàm về chuyện hôn nhân thì trước hết phải chọn người đi hỏi tên xem tuổi, nếu bên ấy đã sắm đầy đủ lễ vật thì ta mới nhận lời.

Nay bên trai không có mai mối lại đem sính lễ đến, phải chăng họ xem thường ta?

Rồi trở vào nằm nghỉ, lại nghĩ: Từ xưa trai gái làm bạn trăm năm với nhau đều như thế. Hơn nữa trai hiền, gái trinh gặp nhau cũng khó.

Bèn nhận lễ vật, họp cả chín họ lại, đều vui mừng nói: Đây là niềm vinh dự truyền đời. Lễ cưới đã xong, người ở lâu đài vội báo tin cho Tứ Tánh biết. Nghe được việc này, bệnh của Tứ Tánh càng nặng thêm.

Đứa trẻ nghe cha bệnh, nghẹn ngào nói: Ôi! Mạng sống khó bảo toàn, đúng là như huyễn, không thật. Vị Phạm Chí muốn chọn ngày tốt mới cho trở về, lòng Bồ Tát đau đớn nên không nghe theo lời ông ấy, bèn đem cả vợ vội trở về, đến nơi lên nhà cúi đầu lạy cha.

Vợ tìm đến bái lạy, khóc rũ rượi, cứ ba bước lại một lần bái lạy, rồi xưng tên: Con là vợ của con trai cha đó.

Cha mẹ đặt tên con là … phải phụng thờ Tổ Tiên, làm kẻ nâng khăn sửa túi, tận tình giữ lễ, hết lòng hiếu kính, cầu xin Đại Nhân bệnh lành, phước đến, giữ mãi tuổi thọ không chết, cho con thỏa lòng, có được cái đức của người con dâu hiếu thảo. Ông Tứ Tánh kết giận, uất nghẹn mà chết. Bồ Tát thương xót lo việc tông táng đầy đủ, tình nghĩa đậm đà.

Cả nước đều khen là hiếu. Đám tang xong Ngài dốc tu hành, tiếng thơm xông tỏa mười phương.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Đồng Tử ấy là thân ta, vợ là Câu Di, còn ông Tứ Tánh là Điều Đạt. Bồ Tát thực hành pháp nhẫn độ vô cực đã nhẫn nhục như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần