Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Mười Hai - Kinh Vua Ba Da

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH LỤC TẬP ĐỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN MƯỜI HAI

KINH VUA BA DA  

Xưa, Vua nước Ba La Nại tên là Ba Da, dùng nhân từ trị nước, bỏ binh đao, dẹp roi gậy, hủy nhà tù, ngoài đường không tiếng than trách muôn dân an cư, nước mạnh, dân giàu, Chư Thiên khen ngợi đức nhân từ ấy.

Thành của Vua rộng dài bốn trăm dặm, chu vi một ngàn sáu trăm dặm. Hàng ngày, người trong thành ăn uống Vua đều cho họ theo ý muốn.

Vua nước láng giềng biết nước này giàu có, tai nạn đều dứt bèn cùng quần thần bàn mưu: Nước kia thịnh vượng, dân chúng giàu có an vui, ta muốn chiếm lấy nước đó, nếu ta đến ắt thắng.

Các quan đều tâu: Xin vui theo ý Vua.

Tức thì khởi binh kéo đến đất nước nhân từ. Quần thần nước nhân từ tâu lên Vua muốn xuất quân cự địch.

Vị Vua nhân từ bùi ngùi nói: Vì thân của ta, một mình ta, mà giết hại thân mạng hàng triệu dân. Vì yêu chỉ một mạng người của ta, mà hại thân mạng hàng triệu dân.

Một miệng ngày hai bữa ăn, một thân mặc vài bộ quần áo, có gì phải tranh giành, để bỏ đi cái đức của Trời xuân, giữ lấy sự tàn tệ của loài lang sói?

Ta thà bỏ mạng sống một đời, chứ quyết không bỏ chí nguyện lớn, quên mình để quần sinh được an ổn, đó là nhân đức trùm cả Trời đất.

Bèn lệnh cho các bề tôi: Thôi các khanh hãy trở về, sáng mai rồi hãy bàn. Đêm đến, Nhà Vua vượt thành trốn đi xa, vào tận trong núi, ngồi cạnh gốc cây.

Có vị Phạm Chí, tuổi độ sáu mươi đến hỏi Vua: Vua nước nhân từ kia có được muôn phước an lành không?

Vua đáp: Vua ấy đã chết rồi. Vị Phạm Chí nghe nói thế liền ngã lăn xuống đất khóc thương.

Nhà Vua hỏi ông: Sao ông quá bi ai vậy?

Phạm thưa: Tôi nghe vị Vua ấy nhân đức thấm khắp muôn loài như Đế Thích, nên vội tìm đến để nương thân. Nay Vua ấy đã chết, thân già tôi thật đã cùng đường!

Nhà Vua nói: Vị Vua nhân từ kia chính là ta đây.

Vua nước láng giềng biết nước ta giàu có thịnh vượng, dân chúng đông đúc nhiều của báu, đã lệnh cho võ sĩ: Ai lấy được đầu ta thì sẽ được thưởng tôi tớ nam nữ mỗi loại một ngàn người, ngựa một ngàn con, bò một ngàn con, vàng bạc mỗi thứ một ngàn cân. Nay ông hãy lấy đầu ta, đem mũ vàng, kiếm báu để làm chứng, đến chỗ Vua đó, sẽ được thưởng nhiều, có thể lấy những thứ ấy làm của truyền đời, lòng ta hoàn toàn thanh thản.

Phạm Chí đáp: Bất nhân trái đạo, thà chết chứ không làm!

Vua nói: Ông già rồi, nhờ cậy nơi ta để sống, mà ta nỡ để ông cùng khốn sao?

Ta nay tự lấy đầu cho ông, để ông không có tội.

Rồi Vua đứng dậy, cúi đầu lễ mười phương, rơi nước mắt thề rằng: Quần sinh ai bị nguy khổ, ta sẽ đem an vui lại cho họ. Kẻ bỏ chân theo tà, ta sẽ khiến họ quy mạng Tam Bảo. Nay dùng đầu này để cứu ông khỏi sự nghèo khốn, nên ông không có tội.

Rồi Vua tự rút kiếm hủy mình để cứu nạn cho kẻ ấy. Phạm Chí đem đầu, mũ, kiếm của Vua đến chỗ Vua kia.

Vua hỏi các cựu thần: Vua nhân từ sức mạnh địch cả ngàn người, mà lại bị ông này bắt được sao?

Các cựu thần cúi đầu lăn ra đất khóc than đau đớn, không thể trả lời được. Vua lại hỏi Phạm Chí. Phạm Chí tâu rõ gốc ngọn sự việc. Hàng triệu dân đổ xô ra đường kêu khóc, có người gào đến thổ huyết, có người chết sững. Từ vị Vua ác kia cho tới Quần Thần, Võ Sĩ lớn, nhỏ, không ai là không nghẹn ngào.

Vua ác ngửa mặt lên Trời than dài: Ta thật vô đạo, đã tàn hại một bậc nhân từ như Trời!

Bèn lấy thi thể và đầu vị Vua nhân từ gắn liền lại, dùng vàng dát mỏng phủ lên thân, đặt thân ấy ngồi trên điện, làm Vua ba mươi hai năm, sau mới lập con Vua đó lên kế vị. Nước láng giềng không ai là không thương người con ấy. Vị Vua nhân từ chết rồi được sinh lên Cõi Trời.

Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Vị Vua nhân từ ấy là thân ta, Vua nước láng giềng là Mục Kiền Liên, quần thần nước đó nay là các Tỳ Kheo.

Bồ Tát từ bi thi ân, tu hạnh độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần