Phật Thuyết Kinh Ly Cấu Thí Nữ - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH LY CẤU THÍ NỮ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn   

PHẦN MỘT  

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật cùng với một ngàn vị Tỳ Kheo đều là những vị A La Hán ở tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Chư vị Tỳ Kheo này đã dứt hết các lậu hoặc, những việc cần làm đã làm xong, không bị phiền não cấu uế lôi kéo, đã đặt gánh nặng xuống, được lợi mình, đoạn trừ tất cả các thứ kiết phược trước sau, là bậc Thánh tuệ thông đạt, hiểu biết rõ ràng, là bậc Hiền Nhân, giống như hạng rồng lớn tâm luôn được tự tại, ngoại trừ Hiền Giả A Nan còn là bậc Hữu học.

Bồ Tát có một vạn vị, đều thành đại A La Hán, tất cả Thánh chúng cùng đạt đại thần thông, không thoái chuyển nơi pháp luân.

Danh hiệu của chư vị Bồ Tát là: Bồ Tát Bảo Quang, Bồ Tát Trí Tích, Bồ Tát Danh Thủ, Bồ Tát Biện Tích, Bồ Tát Thủ Hàm, Bồ Tát Quang Thế Âm, Bồ Tát Hiền Thủ, Bồ Tát Hỷ Vương, Bồ Tát Hành Vô Tư Nghị Thoát Môn, Bồ Tát Niệm Chư Pháp Vô Trước, Bồ Tát Từ Thị, Bồ Tát Nhập Chí Tánh, Bồ Tát Khí Chư Ác Thú.

Bồ Tát Trừ Chúng Ưu Minh, Bồ Tát Siêu Dục Vô Hư Tích, Bồ Tát Vô Hư Kiến, Bồ Tát Đức Bảo Hiệu Sức, Bồ Tát Kim Bảo Diệu Thủ, Bồ Tát Xả Chư Cái, Bồ Tát Vô Hại Tâm v.v… các Đại Bồ Tát như vậy gồm đủ một vạn vị.

Bấy giờ, chư vị Hiền Giả Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Bân Nậu Văn Đà Phất, Ly Việt, A Na Luật, A Nan, các vị Đồng Chân Phổ Thủ, Bất Hư Kiến, Bảo Anh, Khí Chư Ác Thú, Khí Chư Ấm Cái, Quang Thế Âm Biện Tích, Siêu Độ, Vô Hư Tích, tám vị Bồ Tát và tám vị đệ tử Thanh Văn, vào buổi sáng đắp y, mang bát vào thành khất thực.

Các vị đều cùng nhau bàn luận và mỗi vị phát nguyện:

Xá Lợi Phất: Như hình tướng tam muội chánh định của tôi, khi vào thành khất thực, nguyện sao cho mọi người trong thành đều được lãnh hội pháp bốn Thánh đế.

Đại Mục Liên: Nguyện cầu tất cả mọi người trong thành không có một khoảnh khắc nào để cho các ma sự dấy khởi.

Đại Ca Diếp: Người nào trong thành cúng dường thực phẩm cho tôi thì khiến cho tất cả mọi người đều được phước đức vô tận đạt đến cõi vô vi.

Tu Bồ Đề: Nguyện cho tất cả mọi người trong thành đều cảm thấy ánh sáng. Nhờ nhân duyên về phước báo này nên được sinh nơi Cõi Trời và nhân gian, sau đó lại đắc pháp vô vi.

Bân nậu: Nguyện cầu cho các hàng ngoại đạo, Phạm Chí, Trưởng Giả đều được chánh kiến.

Ly việt: Nguyện cho tất cả mọi người trong thành đều không có tội lỗi, đều đạt được an ổn.

A Na Luật: Nguyện cầu cho tất cả mọi người trong thành đều được thiên nhãn.

A Nan: Nguyện cho tất cả mọi người trong thành đều có thể nhớ nghĩ lại Kinh Pháp đã được nghe từ thời xa xưa.

Văn Thù Sư Lợi: Tôi sẽ biến hóa khiến cho tất cả nhà cửa lớn nhỏ, lầu gác, tinh xá, đồ vật, vàng bạc, cây cỏ, lá hoa, trang sức, y phục, trong thành này đều phát ra âm thanh nêu bày các pháp không, vô tướng, vô nguyện, vô sở đắc, không khởi, không diệt, không phóng dật, không tham đắm âm thanh, không có hình tướng, không có tự ngã, ngã sở.

Vô Hư Kiến: Tôi biến hóa khiến cho tất cả dân chúng nam nữ, lớn nhỏ trong thành những gì mà mắt thấy được đều là hình tượng Phật, sau đó đạt đến cứu cánh là chứng đắc đạo quả Chánh chân vô thượng.

Bảo Anh: Tôi biến hóa khiến cho tất cả kho tàng nơi các ngôi nhà trong thành này đều có nhiều vật báu.

Khí Chư Ác Thú: Tôi biến hóa khiến cho dân chúng trong thành nếu thấy có phạm tội về địa ngục, nhờ pháp hiện tại khiến cho tội nhẹ, đột nhiên dứt hết.

Khí Chư Ấm Cái: Tôi biến hóa khiến cho mọi người trong thành đều trừ bỏ năm thứ ngăn che, không làm cho chúng tăng trưởng.

Quang Thế Âm: Tôi biến hóa khiến cho đóng tất cả các lao ngục, khiến mọi người cùng được giải thoát, những tù nhân đều được giải thoát, mọi sự hãi sợ đều được an ổn.

Biện Tích: Tôi biến hóa khiến cho những người trong thành thấy rõ về ngã, ngã sở đều đạt được biện tài, khiến cho các thứ kỹ nhạc chuyển thành đàm luận.

Siêu Độ Vô Hư Tích: Tôi khiến cho mọi người trong thành mà chúng ta đã thấy đều được cứu cánh đạt đến đạo quả chánh chân vô thượng.

Tám vị Bồ Tát và tám vị đệ tử Thanh Văn bàn luận như vậy rồi lần lượt đi đến cửa thành.

Lúc này, trong thành Vua Ba Tư Nặc có công chúa tên là Duy Ma La Đạt Ly Cấu Thí mười hai tuổi, dung mạo đẹp đẽ, thù thắng, người trông thấy đều vui thích. Tâm ý công chúa luôn trong lành tinh khiết bậc nhất, diện mạo lúc nào cũng như hoa sen.

Vào ngày mùng tám, khi Trời còn đầy sao sáng, công chúa cùng năm trăm tỳ nữ, năm trăm Phạm Chí theo hầu phía sau, xa giá xuất hành đến nơi thờ cúng tổ tiên, vì muốn lập đàn tế tự lớn.

Khi ấy, các Phạm Chí thấy Chư Tỳ Kheo, tâm niệm cho là điều không tốt.

Trong các Phạm Chí, có một Phạm Chí tuổi đã cao, tên là Phạm Thiên, thưa với Vương Nữ Ly Cấu Thí: Thưa công chúa! Hôm nay có điềm không tốt vì thấy các Tỳ Kheo đang đứng ở cửa thành, chúng ta không nên đi mà phải trở về.

Vì thấy những người này thì cầu lợi ích gì đều không được như ý.

Bấy giờ, Vương Nữ Ly Cấu Thí vì Phạm Chí mà nói kệ:

Bậc phạm hạnh ấy

Công đức giáo hóa

Đối với tế tự

Là an lành nhất.

Phạm Chí có thể

Cúng dường các vị

Mọi điều may mắn

Không có sai khác.

Vì họ giữ giới

Định tĩnh, đạm bạc

Vượt khỏi pháp ác

Không vướng bụi bặm.

Nẻo hành các vị

Là thầy thuốc giỏi

Điều trị lành hẳn

Tật bệnh chúng sinh.

Không một vết uế

Bậc thầy đệ nhất

Vì vô số người

Bỏ các việc ác.

Đối với bốn kiến

Đã được sáng suốt

Phạm Chí hãy đến

Bậc tịnh trưởng thượng.

Phật tại thế gian

Vua pháp tối thắng

Chúng đệ tử Phật

Thành tựu La Hán.

Các vị Bồ Tát

Bậc thầy tối tôn

Người nào có trí

Mà lại bỏ đi?

Bậc Lưỡng Túc Tôn

Đầy đủ phước điền

Muốn được sinh thiên

Nên cúng Thế Tôn.

Nếu hành bố thí

Được quả không lường

Dầu đến chỗ nào

Không bị tổn hại.

Theo lời dạy dỗ

Đầy đủ tướng tốt

Là ruộng phước tốt

Ý tánh thanh tịnh.

Giả sử Phạm Chí

Phát tâm hoan hỷ

Thì sẽ đạt được

An ổn lìa dục.

Làm theo lời dạy

Chưa từng não loạn

Còn đi khất thực

Tinh tấn quán chiếu.

Dù ở xứ nào

Khéo giữ các căn

Các căn tịch định

Chúng ấy như biển.

Nước nơi sông biển

Có thể lường tính

Đất khắp mười phương

Có thể đi đến có tâm bố thí

Vua trong cõi người

Tất cả việc làm

Không thể tính lường.

Gặp phải kiếp thiêu

Núi Tu Di hoại

Sông biển khô cạn

Và cả mặt đất.

Ai mà dâng cúng

Vương tôn loài người

Tuy bị tai nạn

Phước không bị thiêu.

Phạm Chí nói kệ đáp Ly Cấu Thí:

Cô không được buông lung

Theo lòng ngu khờ dại

Chớ bảo khi tế tự

Có Tỳ Kheo an lạc.

Sa Môn không tóc này

Lại đắp y Ca Sa

Nếu cô nói giải thoát

Không nghe lời chúng tôi.

Sợ rằng cha mẹ cô

Không lấy đó làm vui

Chúng ta nên bẩm báo

Lên đến Đại Minh Vương.

Việc tế tự của nàng

Sẽ không được an lành

Lành thay cho Vương Nữ

Chớ tin các Tỳ Kheo.

Ly Cấu Thí dùng kệ đáp Phạm Chí:

Nếu đọa vào đường ác

Nạn sinh tử khó thoát

Tuy có đủ cha mẹ

Không thể cứu giúp được.

Cũng không nhờ người khác

Và tiền tài, thần chú

Chỉ độc nhất chúng đây

Mới có thể cứu thoát.

Ta bỏ cả thân mạng

Tan hoại nơi bốn phương

Vẫn khâm phục kính trọng

Tự quy y nơi Phật.

Trọn không đặt hy vọng

Sự cứu của người khác

Chỉ nên quy y nơi

Ba ngôi báu tôn quý.

Ví như người đui mù

Mà ngắm ảnh trong gương

Ngoại đạo học sai lạc

Không có lợi ích gì.

Phạm Chí cũng giống như

Núi Tu Di bị thiêu

Học hiểu rộng như thế

Mới thoát được điều đó.

Chưa từng thấy thiếu kém

Đối với người trí tuệ

Có thể nghe hiểu nhiều

Tất cả sẽ đầy đủ.

Nếu có thể lắng nghe

Và phụng hành điều ấy

Thọ trì đúng như vậy

Vượt tất cả tai nạn.

Ngay lúc ấy, Phạm Chí hỏi Ly Cấu Thí: Công chúa chưa từng thấy Đức Phật và chúng Tỳ Kheo, do đâu mà sinh tâm hoan hỷ thế?

Vương Nữ: Phạm Chí nên biết, lúc ta mới sinh, hoàng hậu đã để ta an tọa nơi giường báu bằng vàng. Trên hư không có năm trăm Thiên Tử đang bay, dùng vô số việc tán thán công đức của Phật, Pháp và Thánh Tăng để ta được thấy nghe âm thanh ấy. Khi đó, trong chúng có một Thiên Tử, chưa từng thấy Như Lai Chí Chân, bèn hỏi các Thiên Tử công đức của Như Lai như thế nào.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần