Phật Thuyết Kinh Mục Kiền Liên Hỏi Năm Trăm Tội Khinh Trọng Trong Giới Luật - Phẩm Hỏi Việc độ Người

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Thiên, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH MỤC KIỀN LIÊN

HỎI NĂM TRĂM TỘI KHINH TRỌNG

TRONG GIỚI LUẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Thiên, Đời Tống  

PHẨM HỎI VIỆC ĐỘ NGƯỜI  

Hỏi: Một Tỳ Kheo được phép độ Sa Di không?

Đáp: Không!

Hai người trở lên mới được độ Sa Di.

Chú giải: Vì cần một vị làm Hòa Thượng, một vị làm giáo thụ A Xà Lê. Hòa Thượng thì đích thân truyền giới pháp, còn A Xà Lê thì dạy cho phép tắc. Không giống như thế gian một người cũng được. Vì thế nhiều người thì càng tốt, chỉ một người thì không thể làm thầy.

Hỏi: Tỳ Kheo độ Sa Di, được phép từ xa thỉnh Hòa Thượng không?

Đáp: Không được!

Chú giải: Một khi đã độ người tức là Bổn Sư của người ấy, nhưng tự mình đã không thể, hơn nữa phải tuân theo thời gian, nên không được phép từ xa thỉnh Hòa Thượng. Không được từ xa thỉnh, nghĩa là không được ở nơi xa thỉnh một thầy khác thay mình độ, vì vị khác độ tức là đệ tử vị đó. Hoặc hướng vào hư không lễ thỉnh, xướng tên Bổn Sư để chứng minh, thì cũng không được, vì khi truyền giới thì thầy trò phải đối mặt thấy nhau.

Hỏi: Tỳ Kheo chưa đủ năm tuổi hạ mà độ người thì phạm tội gì?

Vị đệ tử đó đắc giới không?

Đáp: Nếu biết là không đúng pháp mà vẫn độ, thì phạm tội Đọa. Quá ba lần can gián mà không bỏ thì phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu vị đệ tử không biết đó là phi pháp thì đắc giới, còn biết thì không đắc giới.

Hỏi: Tỳ Kheo không tụng giới, lại không biết các việc của tăng mà độ nhiều người, hoặc làm tam sư thì có phạm tội không?

Đáp: Người này còn không đáng ăn cơm của tín thí, huống là độ người.

Chú giải: Nếu Tỳ Kheo không tụng giới, thì mỗi ngày ăn cơm uống nước là phạm tội trộm cắp, nên nói không được… tự mình mê muội, không thể khiến cho người khác sáng tỏ, nên Phật chế giới này. Đã thụ giới cụ túc, phải siêng năng cần mẫn như cứu lửa cháy đầu. Trước tiên phải theo vị Tỳ Kheo có trí tuệ học giới mới được, chớ lười biếng để cho một đời luống uổng trôi qua.

Hỏi: Nếu người mà cha mẹ, pháp Vua không cho phép độ, nhưng Tỳ Kheo vẫn lén dẫn đi độ xuất gia thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội trọng! Nếu người của nhà quan hay nô bộc đến chỗ Tỳ Kheo học đạo, Tỳ Kheo biết mà vẫn cho ở thì phạm tội trọng, cho dù chưa độ xuất gia.

Hỏi: Nếu con xuất gia trước, cha mẹ đến chỗ người con cầu xin xuất gia thì người con được phép độ không?

Đáp: Được!

Chú giải: xuất gia học đạo lấy việc ngộ lí làm đầu, chỉ luận Phật Pháp, không câu nệ lễ tiết thế gian. Nếu đã có khả năng độ người thì được độ tất cả. Như Vua Tịnh Phạn lễ bái đức Như Lai, Thánh Mẫu Ma Gia nghe Phật nói pháp. Cho nên nói là độ được.

Hỏi: Tỳ Kheo phạm giới được phép độ người không?

Đáp: Nếu Tỳ Kheo phạm giới trọng thì không được độ người, Nếu phạm tội Thâu Lan Giá mà độ người thì đồng như Tỳ Kheo chưa được năm tuổi hạ mà độ người nêu trên. Nếu phạm các giới khinh khác, thì y theo pháp phải sám hối rồi mới được độ người.

Hỏi: Cư Sĩ muốn đến một vị Tỳ Kheo xin xuất gia, Tỳ Kheo liền nhận, nhưng lại thỉnh Hòa Thượng truyền giới cho người này.

Vậy Tỳ Kheo kia có phải là thầy của người ấy không?

Đáp: Không phải là Bổn Sư của người ấy. Nếu sau này theo Tỳ Kheo ấy thụ pháp thì có thể làm Pháp Sư, còn nương theo thì có thể làm thầy y chỉ.

Hỏi: Tỳ Kheo độ nhiều đệ tử, hoặc làm tam sư mà không biết dạy bảo, thì phạm tội gì?

Đáp: Phạm tội Đọa. Thuở xưa, vào thời Phật Ca Diếp có một vị Tỳ Kheo độ đệ tử mà không biết dạy bảo. Các đệ tử làm nhiều việc phi pháp, lúc mạng chung có kẻ sinh làm loài rồng. Theo nghiệp của loài rồng, trong bảy ngày thì có một ngày bị lửa đốt, thịt da cháy sạch chỉ còn bộ xương, sau đó hoàn lại như cũ, rồi lại đốt tiếp, đau khổ không thể chịu nỗi.

Lúc ấy nó suy nghĩ: Kiếp trước ta bị tội gì mà nay chịu khổ như thế này?

Thế là nó liền quán chiếu thân mạng kiếp trước, thì thấy mình là một Sa Môn không giữ giới cấm, thầy mình cũng không dạy bảo. Thế là nó liền khởi niệm ác, giận Bổn Sư của mình, ý muốn hãm hại. Sau đó gặp Bổn Sư và năm trăm người đi thuyền qua biển, con rồng kia từ dưới biển nổi lên giữ thuyền lại.

Mọi người liền hỏi: Ngươi là ai?

Đáp: Ta là rồng.

Hỏi: Tại sao người giữ thuyền chúng tôi?

Đáp: Nếu các ngươi thả vị Tỳ Kheo này xuống biển, thì ta sẽ tha cho các ngươi đi!

Hỏi: Tỳ Kheo này đâu có dính dáng gì đến việc của ngươi mà ngươi chỉ bắt ông ấy, còn tha tất cả mọi người?

Đáp: Vị Tỳ Kheo này vốn là thầy của ta, nhưng không dạy bảo, khiến cho ta hôm nay phải chịu sự thống khổ này, nên tìm bắt. Việc của mọi người thì cứ tiếp tục, ta chỉ muốn bắt vị Tỳ Kheo đưa xuống biển.

Tỳ Kheo nói: Ta tự nhảy xuống nước, không cần ngươi bắt.

Tỳ Kheo nói xong, liền nhảy xuống nước chết. Thần thức thụ sinh vào các nơi đau khổ, chịu vô lượng tội. Kiểm nghiệm chuyện này thì biết việc độ người rất quan trọng, không thể không dạy bảo.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần