Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Sáu - Sáu Pháp - Phẩm Sáu - ðại Phẩm - Phần Sáu - Lời Cảm Hứng

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG CHI BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

CHƯƠNG SÁU

SÁU PHÁP  

PHẨM SÁU

ÐẠI PHẨM

SONA  

PHẦN SÁU

LỜI CẢM HỨNG  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala với đại chúng Tỳ Kheo, đi đến một thị trấn của dân chúng Kosala tên là Dandakappaka. Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, ngồi xuống trên chỗ đã được sửa soạn dưới một gốc cây.

Còn các Tỳ Kheo ấy đi vào Dandakappaka để tìm chỗ ở. Bấy giờ Tôn Giả A Nan Đà cùng với một số đông Tỳ Kheo, đi đến sông Aciravatì để rửa tay chân, sau khi rửa tay chân ở sông Aciravatì xong, ra khỏi sông, đứng trên bờ đắp một y để phơi tay chân cho khô.

Rồi một Tỳ Kheo đi đến Tôn Giả A Nan Đà, sau khi đến, thưa với Tôn Giả A Nan Đà: Có phải Thế Tôn tập trung tất cả tâm, thưa Tôn Giả A Nan Đà, để tuyên bố về Devadatta như sau: Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu hộ được hay có phải nhờ một Thiên Nhân?

Thật đúng như Thế Tôn đã tuyên bố. Rồi Tôn Giả A Nan Đà đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tôn Giả A Nan Đà bạch Thế Tôn: Ở đây, bạch Thế Tôn, với một số đông Tỳ Kheo, con đi đến sông Aciravatì để rửa tay chân, sau khi rửa tay chân ở sông Aciravatì xong, ra khỏi sông, đứng trên bờ đắp một tấm y để phơi tay chân cho khô.

Rồi bạch Thế Tôn, một Tỳ Kheo đi đến con, sau khi đến thưa với con: Có phải Thế Tôn tập trung tất cả tâm, thưa Tôn Giả A Nan Đà, để tuyên bố về Devadatta như sau: Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu độ được hay có phải nhờ một Thiên Nhân?

Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời Tỳ Kheo ấy: Thưa Hiền Giả, thật đúng như Thế Tôn đã tuyên bố. Này A Nan Đà, hoặc Tỳ Kheo ấy là vị tân nhập, xuất gia chưa được bao lâu, hay vị ấy là Tỳ Kheo Trưởng Lão ngu si, không thông minh.

Làm sao khi ta đã tuyên bố một chiều, ở đây lại có thể có trường hợp thứ hai được?

Ta không thể thấy về một người nào khác, này A Nan Đà, sau khi tập trung tất cả tâm, ta đã tuyên bố như vậy, trừ với Devadatta!

Cho đến khi nào, này A Nan Đà, ta thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Devadatta, thời ta đã không tuyên bố về Devadatta như sau: Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu độ được.

Cho đến khi nào, này A Nan Đà, ta không thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Davadatta, cho nên ta đã tuyên bố về Devadatta như sau: Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu hộ được. Ví như, này A Nan Đà, một hố phân cao hơn đầu người, đầy cả phân, và một người rơi vào hố phân cho đến cả đầu.

Rồi một người khác đi đến, muốn lợi ích, muốn hạnh phúc, muốn người ấy an ổn khỏi các khổ ách, muốn kéo người ấy ra khỏi hố phân ấy. Người này đi vòng quanh hố phân và không thấy cho đến một điểm nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở người ấy mà không bị dính phân, để có thể nắm lấy chỗ ấy và kéo lên.

Cũng vậy, này A Nan Đà, cho đến khi nào, ta thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Devadatta, thời ta đã không tuyên bố về Devadatta như sau: Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu hộ được. Nếu thầy muốn nghe, này A Nan Đà, Như Lai sẽ phân tích về căn trí của con người.

Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn!

Nay đã đến thời, bạch Thiên Thệ, để Thế Tôn phân tích các căn trí của con người, sau khi nghe Thế Tôn, các Tỳ Kheo sẽ thọ trì.

Vậy này A Nan Đà, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, ta sẽ nói: Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn Giả A Nan Đà vâng đáp Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau: Ở đây, này A Nan Đà, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của một người khác: Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện.

Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người ấy: Trong người này, các pháp thiện đã biến mất, các pháp bất thiện đang hiện hữu, nhưng còn có cội gốc thiện chưa bị cắt đứt. Và pháp thiện sẽ khởi lên từ cội gốc thiện ấy. Như vậy người này sẽ không bị thối đọa trong tương lai.

Ví như, này A Nan Đà, các hột giống chưa bị bể vụn, chưa bị hư thối, chưa bị gió và sức nóng phá hoại, còn giữ được sức sống bám sâu trong cánh đồng, được gieo trên mảnh đất khéo sửa soạn.

Này A Nan Đà, thầy có thể biết những hột giống này sẽ được lớn lên, được tăng trưởng, được lớn mạnh không?

Thưa có, bạch Thế Tôn.

Cũng vậy, này A Nan Đà, ở đây, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của một người khác: Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện.

Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người ấy: Trong người này, các pháp thiện đã biến mất, các pháp bất thiện đang hiện hữu. Nhưng còn có cội gốc thiện chưa bị cắt đứt. Và thiện pháp sẽ khởi lên từ cội gốc thiện ấy. Như vậy người này sẽ không bị thối đọa trong tương lai. Như vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình biết được tâm của loài người.

Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người. Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

Ở đây, này A Nan Đà, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của một người khác: Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện.

Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người ấy: Trong người này, các pháp bất thiện đã biến mất, các pháp thiện đang hiện hữu, nhưng còn có cội gốc bất thiện chưa bị cắt đứt và các pháp bất thiện sẽ khởi lên từ cội gốc bất thiện ấy. Như vậy người này sẽ bị thối đọa trong tương lai.

Ví như, này A Nan Đà, các hột giống chưa bị bể vụn, chưa bị hư thối, chưa bị gió và sức nóng phá hoại, còn giữ được sức sống, được bám sâu trong cánh đồng, được gieo trên mảnh đất đầy sỏi đá.

Này A Nan Đà, thầy có thể rõ biết những hột giống này sẽ không có thể được lớn lên, được tăng trưởng, được lớn mạnh không?

Thưa có, bạch Thế Tôn.

Cũng vậy, này A Nan Đà, ở đây, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người khác: Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện.

Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người ấy: Trong người này, các pháp bất thiện đã biến mất, các pháp thiện đang hiện hữu, nhưng cội gốc của pháp bất thiện chưa được cắt đứt và các pháp bất thiện sẽ khởi lên từ cội gốc bất thiện ấy. Như vậy người này sẽ bị thối đọa trong tương lai. Như vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình, đã biết được tâm của loài người.

Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người. Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

Ở đây, này A Nan Đà, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người khác: Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện.

Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người ấy: Người này không có pháp trắng cho đến nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa. Người này thành tựu với những pháp bất thiện, chỉ một mặt màu đen, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Ví như, này A Nan Đà, các hột giống bị bể vụn, bị hư thối, bị gió và sức nóng phá hoại, được bám sâu trong cánh đồng, được gieo trên mảnh đất khéo sửa soạn.

Này A Nan Đà, thầy có thể rõ biết những hột giống này không thể được lớn lên, được tăng trưởng, được lớn mạnh không?

Thưa có, bạch Thế Tôn.

Cũng vậy, này A Nan Đà, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người khác: Trong người này, có những pháp thiện, và những pháp bất thiện.

Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người ấy: Người này không có pháp trắng cho đến nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa.

Người này thành tựu với những pháp bất thiện, chỉ một mặt màu đen, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình biết được tâm của loài người.

Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người.

Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình, biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

Khi được nói vậy, Tôn Giả A Nan Đà bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, có thể tuyên bố ba hạng người khác đồng loại với ba người này hay không?

Có thể được, này A Nan Đà.

Thế Tôn nói như sau:

Ở đây, này A Nan Đà, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người khác như sau: Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện.

Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người ấy: Trong người này, các pháp thiện đã biến mất, các pháp bất thiện đang hiện khởi, và cội gốc thiện chưa bị cắt đứt và nhưng đi đến hoàn toàn bị nhổ lên bởi người ấy. Như vậy, người này sẽ đi đến thối đọa trong tương lai. Ví như, này A Nan Đà, các cục than cháy đỏ, rực cháy, cháy lửa ngọn, được quăng trên đất sỏi.

Này A Nan Đà, thầy có biết không, đống than này không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh?

Thưa có, bạch Thế Tôn.

Ví như, này A Nan Đà, vào buổi chiều, Mặt Trời đang lặn, thầy có thể biết được chăng, này A Nan Đà, biết rằng: Ánh sáng đã biến mất, bóng tối đã xuất hiện?

Thưa có, bạch Thế Tôn.

Ví như, này A Nan Đà, khi đêm đã qua một phần, trong thời gian ăn cơm, thầy có biết chăng, này A Nan Đà, biết rằng: Ánh sáng đã biến mất, bóng tối đã xuất hiện?

Thưa có, bạch Thế Tôn.

Cũng vậy, này A Nan Đà, ở đây với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người khác như sau: Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện.

Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người ấy, biết rằng: Trong người này, các pháp thiện đã biến mất, các pháp bất thiện đã hiện khởi. Và cội gốc thiện chưa bị cắt đứt, đi đến hoàn toàn bị nhổ lên bởi người ấy. Như vậy, người này sẽ đi đến thối đọa trong tương lai.

Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai biết được tâm của loài người, với tâm của mình.

Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người.

Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình, biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

Ở đây, này A Nan Đà, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người khác như sau: Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện.

Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người ấy: Trong người này, các pháp bất thiện đã biến mất, các pháp thiện hiện khởi. Cội gốc bất thiện chưa bị cắt đứt, nhưng đi đến hoàn toàn bị nhổ lên bởi người ấy. Như vậy, người này sẽ không phải bị thối đọa trong tương lai.

Ví như, này A Nan Đà, đống than cháy đỏ, rực cháy, cháy lửa ngọn, quăng trên một đống cỏ khô, hay trên đống củi khô.

Này A Nan Đà, thầy có biết chăng, đống than này sẽ được lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh?

Thưa có, bạch Thế Tôn.

Ví như, này A Nan Đà, đêm đã gần mãn, mặt trời đang mọc.

Này A Nan Đà, thầy có biết chăng bóng tối sắp sửa biến mất, ánh sáng sẽ hiện ra?

Thưa có, bạch Thế Tôn.

Ví như, này A Nan Đà, trong một thời gian sau, vào giữa trưa, vào giờ ăn cơm, thầy có biết chăng, này A Nan Đà, bóng tối đã biến mất, ánh sáng đã hiện ra?

Thưa có, bạch Thế Tôn.

Cũng vậy, này A Nan Đà, ở đây, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người khác như sau: Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện.

Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người ấy: Trong người này, pháp bất thiện đã biến mất, các pháp thiện được hiện khởi. Cội gốc bất thiện chưa bị cắt đứt, nhưng đi đến hoàn toàn bị nhổ lên bởi người ấy. Như vậy, người này sẽ không phải bị thối đọa trong tương lai.

Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai biết được tâm của loài người với tâm của mình.

Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người.

Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình, biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

Ở đây, này A Nan Đà, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người khác như sau: Trong người này, có những pháp thiện, cũng có những pháp bất thiện.

Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người ấy: Trong người này không có pháp bất thiện cho đến nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa. Người này thành tựu với những pháp thuần túy trắng, những pháp không có lỗi lầm, ngay trong hiện tại, sẽ được nhập Niết Bàn. Ví như, này A Nan Đà, những cục than nguội lạnh, đã dập tắt, bị quăng trên đống cỏ hay trên đống củi khô.

Này A Nan Đà, thầy có biết chăng, đống than này không thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh?

Thưa có, bạch Thế Tôn.

Cũng vậy, ở đây này Aụnanda, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người khác như sau: Trong người này, có những pháp thiện, cũng có những pháp bất thiện.

Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của người ấy: Trong người này không có pháp bất thiện cho đến nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa. Người này thành tựu với những pháp thuần túy trắng, những pháp không có lỗi lầm, ngay trong hiện tại, sẽ được nhập Niết Bàn.

Như vậy, này A Nan Đà, Như Lai biết được tâm của loài người với tâm của mình. Cũng vậy, này A Nan Đà, Như Lai với tâm của mình đã biết được căn trí của mình, biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

Ở đây, này A Nan Đà, ba hạng người trước, một trong ba người ấy không phải bị thối đọa, một phải bị thối đọa, một bị rơi vào đọa xứ, địa ngục.

Ở đây, này A Nan Đà, trong ba hạng người sau, một trong ba hạng người này không phải bị thối đọa, một phải bị thối đọa, một được nhập Niết Bàn. ***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần