Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Của Thái Tử Phước Lực - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH NHÂN DUYÊN 

CỦA THÁI TỬ PHƯỚC LỰC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẦN MỘT  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến rừng An Đà, ngồi bên một gốc cây. Ngài dừng lại nơi đây cả ngày, an nhiên thiền tọa. Lúc ấy, chúng Bí Sô ở trong rừng nhóm họp nơi một ngôi nhà ngồi theo thứ tự.

Đó là Tôn Giả A Nan, Tôn Giả Văn Nhị Bách Ức, Tôn Giả A Nê Lâu Đà, Tôn Giả Xá Lợi Tử…

Các chúng Bí Sô như thế khi đã tập hợp đầy đủ rồi, các Ngài mới nói với nhau: Mọi người ở thế gian tu tập những gì để đạt được nhiều ích lợi?

Tôn Giả A Nan nói: Nếu người tu tập về hạnh nghiệp sắc tướng sẽ đạt được nhiều ích lợi.

Tôn Giả Văn Nhị Bách Ức nói: Nếu người tu tập về hạnh nghiệp tinh tấn sẽ đạt được nhiều ích lợi.

Tôn Giả A Nê Lâu Đà nói: Nếu người tu tập về phương tiện khéo léo sẽ đạt được nhiều ích lợi.

Tôn Giả Xá Lợi Tử nói: Nếu người tu tập về hạnh nghiệp trí tuệ sẽ đạt được ích lợi.

Khi nói như thế rồi, các bậc Tôn Giả lại nghĩ: Chúng ta nêu lên những ý kiến sai khác, không giống nhau, nhưng mỗi ý kiến này đều được kiến lập tối thắng. Nếu đem những vấn đề này đến thỉnh vấn Đức Thế Tôn, chắc chắn Ngài sẽ giảng nói cho chúng ta và chúng ta sẽ phụng trì theo lời dạy của Ngài.

Vì sao?

Vì Đức Thế Tôn là Đấng Đạo Sư có thể đoạn trừ các nghi hoặc của chúng ta, cho nên Ngài là Đấng đại bi. Ví như ánh sáng mặt trời xóa tan bóng tối âm u, dùng nhất thiết trí để phá trừ nghi hoặc, giải trừ lưới khổ và cứu độ chúng sinh, làm cho tất cả trở về chánh đạo.

Đức Phật xem mọi loài cũng như con một của Ngài. Trong tất cả pháp đều tự tại và đem tất cả pháp làm lợi ích cho quần sinh. Đấng Đại Mâu Ni tôn quý có thể chấm dứt sự nghi hoặc cho tất cả.

Ngài luôn luôn giải trừ mọi hoài nghi của chúng ta. Vì thế chúng ta nên đến thỉnh vấn Ngài. Các Bí Sô bàn nhau như thế rồi, muốn đến gặp Phật.

Lúc ấy Đức Thế Tôn ở trong rừng, dùng thiên nhĩ thanh tịnh vượt hơn mọi người, nghe các thầy Bí Sô nhóm họp, luận bàn những vấn đề như thế, Ngài xuất thiền rồi đi đến chỗ các thầy Bí Sô.

Các thầy Bí Sô ra trước nghênh đón Đức Thế Tôn, thiết Tòa phụng thỉnh Đức Phật an tọa, Ngài bảo các thầy Bí Sô: Này các Bí Sô, vừa rồi ta nghe các thầy cùng nhau bàn luận: Mọi người ở thế gian tu tập những gì để đạt nhiều ích lợi.

 Đầu tiên A Nan nói tu tập về sắc tướng sẽ đạt nhiều ích lợi, Văn Nhị Bách Ức nói tu tập về tinh tấn sẽ đạt nhiều ích lợi, A Nê Lâu Đà nói tu tập về phương tiện khéo léo sẽ đạt nhiều ích lợi, Xá Lợi Tử nói tu tập về trí tuệ sẽ đạt nhiều ích lợi.

Khi nói như thế rồi, các thầy Bí Sô lại nghĩ: Chúng ta nêu lên những ý kiến sai khác, không giống nhau nhưng mỗi ý kiến này đều được kiến lập tối thắng. Nếu đem những vấn đề này đến thỉnh vấn Đức Thế Tôn, chắc chắn Ngài sẽ giảng nói cho chúng ta và chúng ta sẽ thực hành theo lời dạy của Ngài.

Sự việc như vậy, đúng không?

Các Bí Sô bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, thật đúng như vậy. Chúng con cùng nhóm họp để bàn luận về vấn đề này. Cúi mong Ngài khai mở giải thích nỗi hoài nghi cho chúng con.

Bấy giờ Đức Thế Tôn vì nhân duyên khởi phát này nên nói kệ:

Sắc tướng, công xảo và tinh tấn

Trong đó trí tuệ là tối thắng

Nếu các hữu tình tu nhân phước

Sẽ đạt phước quả lớn vô cùng.

Nói kệ đó xong, Đức Phật bảo các Bí Sô: Này các Bí Sô, như có người đối sắc tướng… theo đó mà tu tập thì chẳng phải là tất cả trường hợp và tất cả lúc đều đạt được nhiều ích lợi, người nào tu phước lực thì trong trường hợp nào và trong lúc nào cũng đạt nhiều ích lợi.

Này các Bí Sô, ngoài phước lực này ta không thấy một pháp nào mà các chúng hữu tình theo đó tu tập đạt nhiều lợi ích.

Vì sao?

Này các thầy Bí Sô, ta nhớ thời quá khứ có ông vua tên Nhãn Lực, ở trong Vương Thành, khéo cai trị nước, oai thần rộng lớn, an khang thịnh vượng, nhân dân phồn thịnh.

Vua có Hoàng Hậu tên Quảng Chiếu, có nhan sắc xinh đẹp vô cùng nên ai cũng thích nhìn. Một hôm, Hoàng Hậu và vua cùng gặp gỡ vui vẻ chơi đùa, do đó sinh được một người con vóc dáng xinh đẹp, mọi người ưa nhìn. Vì có sắc đẹp tuyệt hảo, thù thắng hơn người, đủ sắc tướng của Cõi Trời, đời đời Thái Tử này trồng nhân duyên về sắc đẹp, do đó, đầy đủ sắc tướng tuyệt đẹp, nên được đặt tên là Sắc Lực.

Tiếp đến thời gian sau, Hoàng Hậu sinh được ba người con: 

Người thứ nhất có đủ hạnh tinh tấn.

Người thứ hai có đủ sự khéo léo.

Người thứ ba có đủ trí tuệ.

Lại nữa này các Bí Sô, cuối cùng Hoàng Hậu Quảng Chiếu có một người con gá thai. Ngày ấy, trong cung Vua bỗng có các loại trân bảo từ Trời rơi xuống. Lại có các loại màn châu báu trang nghiêm vi diệu cùng lúc xuất hiện che trên Vua và Hoàng Hậu.

Vua Nhãn Lực trông thấy sự kiện hy hữu như vậy rất lấy làm ngạc nhiên trong lòng, liền cho gọi các thầy tướng hỏi: Những tướng trạng kỳ đặc, hy hữu này là như thế nào?

Vị thầy tướng tâu: Tâu Đại Vương nên biết, Vương Hậu có con là bậc Thánh gá thai, người con này có phước lớn, có đủ oai đức và danh tốt. Nhà Vua nghe xong vô cùng mừng rỡ.

Sau đó Hoàng Hậu Quảng Chiếu suy nghĩ và nói: Hay thay! Bây giờ ta muốn ngồi trên Tòa Sư Tử thượng diệu, có bạch lọng che và cây phất trần báu. Hoàng Hậu đem ý này tâu với Vua, tâm Vua sinh vui mừng, ra lệnh mọi người trong ngoài cung thành, khắp nơi đều trang nghiêm, trong sạch như ý Hoàng Hậu muốn, tất cả đều thực hiện như thế.

Lại một hôm Hoàng Hậu suy nghĩ và nói: Nay ta đến chỗ nhiều vàng bạc, châu báu và ở trên đó, tùy ý lấy dùng, tự chọn vàng bạc đem bố thí cho tất cả mọi người được đầy đủ của cải châu báu khiến không có ai bị thiếu thốn. Vua nghe việc này, tùy thuận theo ý Hoàng Hậu.

Một hôm Hoàng Hậu lại suy nghĩ và nói: Sung sướng thay, bây giờ ta muốn phóng thích cho tất cả những ai bị trói buộc, tù tội. Nhà Vua nghe việc này, tùy thuận theo ý Hoàng Hậu, ra lệnh trong và ngoài phóng thích tất cả người bị trói buộc, tù tội.

Một hôm Hoàng Hậu suy nghĩ và nói: Vui thay, bây giờ ta muốn đi dạo nơi vườn cây. Nhà Vua nghe việc này, chiều theo ý Hoàng Hậu, hạ lệnh dọn sạch vườn cây để Hoàng Hậu dạo xem.

Một hôm Hoàng Hậu suy nghĩ và nói: Vui thay, bây giờ ta ở trước mọi người trong cung này.

Do ý nghĩ đây, Hoàng Hậu nói lên lời thành thật: Nếu ta thật sự có phước báo thì cúi xin Thiên Nhân hãy mau cho ta Tòa Sư Tử thù thắng, trang nghiêm vi diệu. Nếu được ngồi ở trên Tòa này, ta sẽ tuyên thuyết pháp yếu cho tất cả mọi người. Hoàng Hậu nói như thế xong, bỗng nhiên Chư Thiên hiện ra các tướng hy hữu.

Khi ấy vua Nhãn Lực ở trong cung nghe được việc này liền ra lệnh khắp cả nội, ngoại Vương Thành đều phải sạch sẽ trang nghiêm. Tất cả mọi người đều mặc y phục sạch sẽ và trang sức xinh đẹp, mỗi người đem tràng hoa, hương quý đến tập họp nơi Hoàng Cung.

Hoàng Hậu Quảng Chiếu trang sức bằng các vật tốt đẹp thù thắng vi diệu, cung tần quyến thuộc theo hầu chung quanh, Hoàng Hậu ra trước mọi người, tướng hảo trang nghiêm giống như Thiên Nữ. Tất cả mọi người đều đến chiêm ngưỡng và sinh vui mừng.

Khi ấy, Vương Hậu đối với các loài hữu tình khởi tâm từ, ngước nhìn hư không, dùng gia trì lực chân thật kia thuyết kệ:

Thiên Chủ, nhân chủ và giải thoát

Là ba phước lực rất tối thắng

Nay do phước lực chân thật này

Xin Trời mau ban Tòa Sư Tử.

Vương Hậu thuyết kệ xong, Trời bỗng giáng xuống Tòa Sư Tử thắng diệu và tung rải hoa đẹp. Chư Thiên trên không trung rất hoan hỷ.

Mọi người trông thấy sự kiện cực kỳ đặc biệt hy hữu đều sinh ưa thích, vui vẻ, cùng nhau tán thán, thuyết kệ:

Hy hữu thay đại phước, đại lực

Tất cả mọi người nay cúng dường

Nhân gian mong cầu, Trời thành tựu

Chỉ Thiên phước lực là trên hết.

Khi ấy Hoàng Hậu Quảng Chiếu sinh tâm hoan hỷ, ngồi lên Tòa Sư Tử. Lúc Hoàng Hậu lên Tòa thì trên mặt đất chấn động sáu cách. Tòa Sư Tử ấy từ đất vọt lên trụ trên hư không, cao khoảng bảy người.

Lại có các trân bảo trang nghiêm thù thắng vi diệu, màn giăng che phủ trên Tòa. Mọi người trông thấy tướng phước lực tốt đẹp thù thắng này sinh lòng hân hoan, mỗi người đem tràng hoa, hương quý cung kính chắp tay dâng lên Vương Hậu, tâm họ thêm lợi lạc, ngồi xuống trước Tòa, lắng nghe thọ trì lời Vương Hậu thuyết giáo.

Vua Nhãn Lực trông thấy sự kiện như vậy rất hoan hỷ, Ngài cùng các quan thân cận cung kính chắp tay ngồi theo thứ tự.

Hoàng Hậu Quảng Chiếu thuyết kệ:

Người nên tu tập các nhân phước

Như thế thực hành chớ gián đoạn

Tùy theo lợi lạc khi bố thí

Do nhờ phước tạng được diệu lạc.

Lúc Hoàng Hậu thuyết kệ xong, trên không trung tự nhiên có tiếng ca ngợi: Người này khéo nói, khéo nói lời cao thượng. Trong không trung tấu lên những âm nhạc khả ái vi diệu. Vua Nhãn Lực cùng mọi người nghe thuyết kệ, khi ấy tự nhiên Trời thả xuống y phục và đồ dùng trang nghiêm, rơi trên thân mỗi người.

Nhà Vua và mọi người đem y phục tốt đẹp này dâng lên Hoàng Hậu, tất cả cùng nói lên lời tán thán: Khéo nói, khéo nói! Ngay khi ấy, Vương Hậu từ nơi Tòa Sư Tử ở trên không từ từ đi xuống an ổn trên đất, nhạc Trời ngưng trỗi, lại tấu âm nhạc nhân gian. Nhà Vua và mọi người sinh lòng tôn kính, cung phụng đầy đủ và rất hoan hỷ.

Khi ấy Hoàng Hậu Quảng Chiếu trở lại trong cung! Sau khi Hoàng Hậu vào cung, Tòa Sư Tử kia ẩn mất trong không.

Mọi người rõ ràng trông thấy tướng lành như trên, hoan hỷ tán thán: Lạ thay, phước lực đủ, oai đức lớn! Lạ thay, phước lực là quả ngon ngọt!

Khi ấy, Hoàng Hậu ở trong cung, chấm dứt các vọng tưởng suy niệm, cho đến mười tháng trọn vẹn, khi bình minh vừa xuất hiện thì đản sinh Thái Tử. Thái Tử có sắc tướng đoan nghiêm, ai thấy cũng ưa nhìn.

Lúc ấy mặt đất chấn động sáu cách, nơi cung vua tự nhiên trên không trung Trời mưa bảy loại trân bảo. Nội, ngoại Vương Thành và tất cả khắp nơi đều có mưa các loại y phục Trời tốt đẹp, Trời mưa hoa vô cùng đẹp đẽ, vừa ý. Cây khắp nơi sinh trái, trổ hoa, mưa lành bay lất phất, rưới xuống nơi nơi, gió thổi nhè nhẹ khắp cả mọi miền. 

Thái Tử vừa sinh ra đặt yên trên mặt đất, tức thời Tứ Đại Tứ Đại Thiên Vương dùng oai thần làm đất nứt ra, vọt lên một Tòa Sư Tử làm bằng các báu tốt đẹp trang nghiêm để nâng Thái Tử.

Thiên Chủ Đế Thích dùng lọng Trời vi diệu và mưa các cây phất trần quý để che trên Thái Tử, Thiên Chúng Đao Lợi hoặc rải các y phục Trời tốt đẹp và màn báu, mưa rải các loại trân bảo, hoặc y phục trang nghiêm, hoặc đồ trang sức, đẹp hoặc hoa Trời xanh tốt, hoặc các vòng hoa và hương bột, hương xoa, hoặc âm nhạc Trời phát ra tiếng ca thánh thót.

Thiên Tử Tỳ Thủ Yết Ma dùng thần lực Trời làm cho khắp nơi trong, ngoài thành không còn những thứ gai gốc, đá sỏi, mà được trải lụa thêu, trang nghiêm ngọc anh lạc, được dựng các tràng phan quý vi diệu, khắp nơi đều rưới nước hương Chiên Đàn trong sạch, các bình hoa hảo hạng được đặt giáp vòng chung quanh, rải các loại hoa, cho đến trang hoàng tất cả những gì làm vui lòng người.

Lại có một trăm voi lớn từ nơi đồng trống tự nhiên đi vào cung Vua, đứng ở nơi chuồng. Lại có một trăm con trâu đi đến cánh đồng, không dùng cày bừa, tự nhiên dựa vào thời tiết tất cả hạt giống sẽ tự chín muồi.

Lại ở dưới Tòa Sư Tử có năm kho tàng lớn chứa đầy châu báu, mở cửa kho tàng lấy dùng tùy tiện, không bao giờ hết. Lại nữa, tất cả những hữu tình oan đôi khi ấy chỉ trong thoáng chốc đều hướng về tâm từ.

Lúc đó, Thái Tử do sức túc mạng sinh ra oai đức thần thông rồi, liền quan sát bốn phương, nói kệ:

Người nên tu tập các nhân phước

Như thế thực hành chớ gián đoạn

Tùy thời ưa thích hành bố thí

Do nơi phước tạng được diệu lạc.

Lúc ấy, trong không trung riêng có một số Chư Thiên, thấy việc phước lực quảng đại thần thông, oai đức hy hữu thù đặc này, sinh ra vui mừng, thân tâm yêu thích, cho nên phát khởi phước oai lực, thuyết kệ:

Tứ Đại Tứ Đại Thiên Vương, các Thiên Tử

Thiên Chủ của Đao Lợi Thiên Cung

Các phước lực kia quý vô cùng

Thấy được thắng phước sinh hoan lạc.

Khi ấy, Vua Nhãn Lực cùng các cung tần, thị vệ, quyến thuộc, đại thần kỳ cựu…, thấy rõ tướng cát tường thù thắng như thế, đều lấy làm ngạc nhiên, nói: Lạ thay! Thái Tử có phước lực lớn.

Lạ thay! Thái Tử có đủ danh xưng lớn. Nay sinh trong cõi người mới có tướng trạng cát tường, quảng đại, thù thắng của Cõi Trời như thế đồng thời xuất hiện.

Nhà Vua vui mừng và rất yêu thương con, Ngài ra lệnh cho người thủ kho: Các ngươi hãy mở kho tàng của ta, xuất tất cả vàng bạc, châu báu, ta sẽ bố thí và chúc lành cho tất cả mọi người, khiến cho họ đều được của cải, châu báu, đầy đủ. Mọi người vì ta ca ngợi điều thiện vi diệu, làm sự phước, sau đó ta nguyện đời đời tích tập thắng phước cát tường.

Bây giờ ta đặt tên cho Thái Tử.

Nhà Vua nói với các quan cận thần: Nay chúng ta nên đặt tên cho Thái Tử là gì?

Các vị đại thần phò tá tâu: Tâu Đại Vương, khi Thái Tử mới sinh, xuất hiện nhiều điều phước lực cát tường thù thắng. Vì thế nên đặt cho Thái Tử là Phước Lực.

Nhà Vua liền truyền lệnh đặt tên cho Thái Tử là Phước Lực và giao Thái Tử cho tấm vị nhũ mẫu: Hai vị lo việc bồng bế, hai vị lo việc bú mớm, hai vị lo việc tắm rửa, hai vị lo việc chơi đùa.

Tám vị nhũ mẫu này chăm sóc Thái Tử đúng thời, nuôi nấng, cho bú, tắm rửa và chơi đùa… ngoài ra còn có các nhạc cụ tốt đẹp, cung cấp tất cả, cho thọ dụng đầy đủ, mong sao Thái Tử chóng lớn.

Như hoa sen tinh khiết sống ở ao hồ, Thái Tử dần dần lớn lên, học tập các sách, nghiên cứu nghĩa lý sâu xa vi diệu nơi các bậc thầy dòng dõi Sát Đế Lợi, cho đến tất cả các bậc học giả, các môn học đều thông đạt, nhưng Thái Tử thâm tín, hiền thiện, nội tâm thanh tịnh, mọi hành vi của Ngài luôn hàm chứa lòng bi mẫn tự lợi, lợi tha.

Đối với pháp tự tại, thương xót, cứu vớt loài hữu tình, làm các việc bố thí, không hề chứa để. Thái Tử buông xả tất cả, không có một mảy may nào mà không xả bỏ.

Nếu có Sa Môn, Bà La Môn, người bần cùng cô độc, những người nghèo thiếu xin ăn, hoặc có người đến xin máu thịt thân mình, thì khi ấy Thái Tử đối với những người đến xin, liền khởi tâm từ quán như hư không và suy nghĩ: Vui thay, nay ta sẽ làm cho người đến xin được mãn nguyện, tùy thuận thí cho, huống là vàng bạc, châu báu, thực phẩm, y phục, tràng hoa, hương xoa, các thứ ngọa cụ… và tất cả các vật cần dùng.

Ta nguyện tất cả những gì ta nghĩ đều xuất hiện để ta bố thí cho tất cả mọi người đến xin, khiến ý nguyện của ta thành tựu viên mãn.

Vì Thái Tử đầy đủ phước đức cho nên danh xưng lan khắp cõi Diêm Phù Đề, dưới đến Long Cung, trên suốt Cõi Phạm Thiên, tất cả đều nghe.

Sau đó, Thái Tử Phước Lực cùng với bốn người anh đến khu ngự uyển dạo chơi, nhưng giữa đường có hàng ngàn ngạ quỷ miệng nhỏ như lỗ kim, ở lưng chừng núi.

Dung mạo của quỷ gầy xấu giống như bộ xương, khắp thân lửa cháy. Các quỷ vây quanh con người nhưng họ không thấy, chỉ có Thái Tử Phước Lực thấy tướng trạng họ đầu tiên.

Các quỷ chắp tay tiến đến bạch Thái Tử: Ngài là bậc đại phước đức, có danh tiếng lớn, là người bi mẫn. Chúng tôi đói khát, bị khổ não bức bách, xin Ngài cấp cho chúng tôi chút ít phần ăn uống.

Chúng tôi đời trước tạo nhân keo kiệt nên trong đời này đọa vào cõi ngạ quỷ, vô số ngàn năm không được uống nước, huống gì là trông thấy thức ăn.

Khi ấy, Thái Tử Phước Lực ngước nhìn hư không, liền khởi tâm từ bi: Vui thay cho ta, nếu bây giờ Trời giáng ít thực phẩm, ta sẽ cấp cho các ngạ quỷ đói này. Khi ấy bỗng nhiên có nhiều thức ăn từ Trời rơi xuống. Thái Tử Phước Lực liền đem các thức ăn này đến cho quỷ đói.

Do các nghiệp lực đời trước nên chúng không thấy thức ăn, đều nói: Chúng tôi từng nghe Thái Tử là bậc từ bi, tại sao hôm nay không đem thức ăn cho chúng tôi?

Thái Tử đáp: Ta đem thức ăn của Trời giáng xuống trao cho các ngươi, tại sao các ngươi không lấy?

Ngạ quỷ thưa: Thưa Thái Tử, chúng tôi vì nghiệp lực đời trước nên không thấy được thức ăn.

Thái Tử Phước Lực lại suy nghĩ: Xót thay sự keo kiệt! Thật đáng ghét!

Ngài nói: Nếu các phước báo có năng lực lớn, vì ta như vậy nên nói lời chân thật, thì khiến cho các ngạ quỷ này được thấy thức ăn, thích ứng cho tất cả đều có thể lấy thức ăn.

Thái Tử nói xong, các ngạ quỷ đó đều thấy được thức ăn, tức thì ngạ quỷ được biến hóa vẻ mặt như người. Thái Tử Phước Lực sinh tâm hoan hỷ, liền đem thức ăn ban cho các loài ngạ quỷ, chúng được thức ăn rồi, hết sự đói khát, thân thể thật đầy đủ, không còn hình xấu ác.

Đối với Thái Tử Phước Lực, các loài ngạ quỷ khởi ý thanh tịnh hoan hỷ, nên mạng chung ngay lúc ấy, chúng được sinh lên Trời Đâu Suất, xoay quanh nơi không trung, bạch với Thái Tử: Thưa Thái Tử, chúng tôi được sinh lên Trời Đâu Suất đều nhờ oai thần của Ngài tạo nên. Thái Tử Phước Lực nghe những lời nói tốt đẹp này, rất vui vẻ.

Ngài đi về phía vườn cây có các người anh ở đó, cùng nhau bàn bạc: Mọi người trong thế gian tu tập thế nào để đạt nhiều lợi ích?

Người anh có sắc đẹp hoàn hảo nhất nói: Trong thế gian này, nếu ai tu tập hạnh nghiệp sắc tướng sẽ đạt nhiều lợi ích.

Vì sao biết?

Vì nếu người nào trước đây chưa từng trông thấy, bây giờ trông thấy, liền sinh hoan hỷ. Người nào trước đây chưa từng tín trọng, thấy rồi sinh tín trọng. Như ta trước đây nghe bậc thầy Tiên Nhân cũng nói như thế.

Nếu có người đầy đủ sắc tướng xinh đẹp, được mọi người vui thích nhìn thấy sắc đẹp, chiêm ngưỡng, ưa vui, giống như người trí ưa pháp tối thượng, bày các sự cúng dường.

Tiếp đến, người anh có đầy đủ sự tinh tấn, nói: Chẳng phải tu sắc tướng sẽ đạt được nhiều lợi ích đâu, ở đây nên biết, nếu người tu tập hạnh nghiệp tinh tấn sẽ đạt nhiều lợi ích.

Vì sao?

Vì nếu tu sắc tướng mà không tinh tấn thì làm sao trong đời này và đời khác có thể đạt kết quả như ý! Hoặc cho rằng người tu tập sắc tướng đạt nhiều lợi ích, đó là người ngu, bị si kiến che phủ.

Như ta nói: Hành nghiệp tinh tấn, trong hiện đời được kết quả như ý mong muốn. Cũng như người nông phu trồng trọt đem bán thu lợi, kẻ sĩ thọ lộc, người học thông giáo nghĩa, tu tập thiền định, được khinh an, là nhờ hiện đời tinh tấn nên được kết quả như ý.

Lại nữa, người tinh tấn ở trong đời khác được thành tựu kết quả như ý, sinh vào nẻo thiện và sinh lên Cõi Trời, giàu có an vui, hiện chứng giải thoát, đều do đời khác tinh tấn nên thành tựu như ý. Tất cả công đức này đều lấy tinh tấn làm điểm tựa.

Lại nữa, người tinh tấn có thể đối trị sự khiếp nhược. Nếu vận dụng tinh tấn thì không một pháp nhỏ nào mà không thành tựu.

Người có đầy đủ phương tiện khéo léo, nói: Này các nhân giả, tuy nói nhiều ý kiến nhưng thật ra không có ý kiến nào ta công nhận.

Vì sao?

Vì nếu người tinh tấn mà không có khéo léo thì cuối cùng không đạt được kết quả thiết thực. Nếu thực hành cả tinh tấn và phương tiện khéo léo mới có thể thành tựu kết quả. Vì thế nên biết, người tu tập hạnh nghiệp khéo léo sẽ được nhiều lợi ích.

Lại nữa, người có đầy đủ khéo léo, hoặc là Vua, Quan, hoặc là Sa Môn, Bà La Môn, Trưởng Giả… cho đến người thuộc dòng họ thấp và các người khéo léo đều đến hiến cúng.

Tiếp theo, người có trí tuệ đầy đủ nói: Các người nên biết, người tu tập đạt nhiều lợi ích chẳng phải là sắc tướng, cũng chẳng phải tinh tấn, chẳng phải khéo léo.

Vì sao?

Khi xem sắc tướng nếu không có trí tuệ, thì tuy cũng tương tự nhưng không thực chất.

Khi khởi tinh tấn, nếu không có trí tuệ, tuy được lợi ích nhưng không thành công.

Khi làm khéo léo nếu không có trí tuệ, thì tuy có tu tập nhưng không thể thu nhiếp hộ trì.

Vì thế nên biết, trí tuệ có khả năng thành tựu tất cả sự nghiệp, nếu người tu tập sẽ đạt nhiều lợi ích.

Lại nữa, trí tuệ này có thể được sắc tướng, có thể thành tựu những sự khéo léo, có thể phát khởi tinh tấn, có thể đạt được tất cả sự tuyệt diệu trong cõi người.

Lúc ấy, Thái Tử Phước Lực vui vẻ nhìn người có đủ trí tuệ mà nói: Đúng thế, đúng thế! Những lời Ngài nói rất đúng. Bởi vì có sắc tướng, khéo léo, tinh tấn mà không có trí tuệ thì không thể đạt nhiều lợi ích. Thế nên biết rằng, trí tuệ có công năng bao quát tất cả các quả như thật…

Thưa nhân giả, trí tuệ này nếu không có phước lực thì thực hành các việc cũng không thành tựu.

Thế nên biết chính xác rằng: Nếu người tu phước, được nhiều lợi ích.

Vì sao?

Vì phước là quả vị thuần nhất, phước là quả vị sáng chói, phước là quả khả ý, phước là quả hoan hỷ. Quả phước như vậy, công đức của nó ta không thể nói hết được. Nay vì các Ngài muốn khiến được mở bày đối với phước môn, nói một phần nhỏ.

Các Ngài khéo nghe, do vì có phước nên được sắc tướng, phước đầy đủ tinh tấn, phước được cát tường và giàu có lớn, phước đầy đủ trí tuệ, phước có thể ca vịnh công đức chánh pháp, phước có đủ thông lợi, phước đưa đến chánh đạo, phước sinh dòng họ tôn quý, phước được túc niệm, phước đủ tiếng khen.

Phước viên mãn giới hạnh, phước hay bố thí, phước thường được các căn không hư hoại, phước thường vui vẻ, có phước thường nhận bậc trí cúng dường, phước đầy đủ các lực, phước thường hội ngộ thiện hữu tri thức, phước lực có thể làm tất cả sự nghiệp.

Nghĩa là nếu cày cấy ruộng đồng hoặc buôn bán cầu lợi, công đức bố thí chút ít sẽ đạt nhiều tích tập, được giàu sang tự tại. Người có phước có thể trong khoảng một niệm, trên hư không tự nhiên mưa xuống y phục, thực phẩm và trân bảo, tất cả được đầy đủ, tùy theo đó được an vui.

Phước được nhà cửa vừa ý tốt đẹp, phước ở trong đời hiện tại và sinh vào đời khác thường được vợ con, quyến thuộc xinh đẹp và tài sản, thực phẩm.

Vùng đất nào người có phước đi, tự nhiên không có gai gốc, đá sỏi, đi đứng bình an. Người phước cũng được thân tướng cao lớn. Nếu có người bệnh hoạn, khi người phước sờ tay vào, bệnh theo đó giảm dần.

Lại nếu người phước xúc chạm vào người nào, liền có thể nơi người ấy tuôn ra thực phẩm, y phục, trân bảo, của cải, lúa gạo… cấp dùng không hết. Người phước thường được Trời, Rồng, Dạ Xoa, La Sát, Quỷ… theo hộ vệ.

Giống như khi mưa có Thần che chở cây cỏ mới mọc, sự thủ hộ cũng như vậy. Người phước thường được nhiều người tôn trọng, yêu thích.

Phước có tiếng khen, phước làm cho người ca ngợi, phước thường hay đầy đủ các phần thiện pháp. Người phước nói năng ai cũng tin thuận, người phước thường được rạng rỡ đáng yêu, người phước thường phát ra phạm âm vi diệu, người phước thân thể tự nhiên mềm mại, người phước thường phát ra lời nói hiền thiện đẹp đẽ.

Người phước thường gặp bạn lành, người trí, không phá hoại bà con, người phước không bệnh, người phước được mọi người yêu mến, người phước được tài lợi, người phước mạnh khỏe.

Người có phước lớn được làm Nhân Vương đầy đủ tất cả, lìa các tật bệnh, người phước thường được giàu có không hư hại, người phước gặp được kho tàng lưu động, đầy đủ bảy báu, người phước có thể đi trong hư không.

Người phước oai quang bằng nhật nguyệt, người phước được thành Nguyệt Thiên, người phước được thành Nhật Thiên, người phước được thành Phạm Vương, người phước được thành Đế Thích, người phước có thể sống trong lầu gác Thiên Cung, giống như Thiên Tử.

Người có thế lực lớn như A Tu La Vương, người phước thường sinh nẻo thiện, người phước xa lìa đường ác, người phước thường được diệu hoa cao tột khó có vừa ý, người phước làm việc gì cũng thành tựu, người phước có thể làm các ánh sáng soi chiếu thế gian, người phước thường được Trời, Người, A Tu La… chánh tín cúng dường.

Khi Thái Tử nói về các việc phước này, bốn người anh theo quan điểm khác, tu tập bất đồng, do đó Thái Tử lại nói: Bây giờ em muốn cùng các anh đi dần đến nước khác, tùy theo chỗ ở để chứng nghiệm vấn đề này, là nên tu tập nhiều về sắc tướng tinh tấn, công xảo, trí tuệ hay phước lực?

Bốn người anh nghe Thái Tử nói, đều thực hành theo mà không tâu cho Phụ Vương biết, họ qua đến nước khác, vào nước kia rồi, họ thay đổi trang sức, mỗi người đi tìm chỗ nghỉ ngơi.

Khi ấy người có sắc tướng đầy đủ, vì có sắc đẹp nên mọi người ngắm nhìn đều sinh hoan hỷ, do đó đạt được sự giàu có sung mãn, thọ dụng của cải lợi dưỡng.

Người tinh tấn đầy đủ vì có sức mạnh nên có thể lấy những gì cần có. Bỗng nhiên ông ta thấy trong một con sông lớn, dòng nước chảy xiết, sông vừa sâu vừa rộng đáng sợ, có cây gỗ thơm Chiên Đàn rất lớn.

Người tinh tấn lấy được cây gỗ này, đem bán được tiền, trở thành giàu có, thọ dụng của cải, lợi dưỡng. Người khéo léo đầy đủ dùng sức khéo léo làm được các việc, do đó được giàu có, thọ dụng của cải lợi dưỡng.

Người trí tuệ đầy đủ, vì có trí tuệ tinh xảo có khả năng cởi mở những thù oán sâu nặng, lại thường thân cận người có tài lực làm vui lòng họ khiến sinh hoan hỷ, theo đó nhận được y phục, thực phẩm và của cải quý giá… như thế thọ dụng khoái lạc của cải lợi dưỡng. Thái Tử Phước Lực tùy theo thắng phước và sức đại oai đức của mình đi khắp nơi ban bố phước sự lợi ích. 

Một hôm, tình cờ đi ngang nhà người nghèo, Thái Tử đi vào trong nhà, do oai lực phước đức của Thái Tử nên căn nhà nghèo ấy bỗng có tướng tốt đẹp an lành to lớn xuất hiện đó là vàng, bạc, châu báu, gạo thóc đầy khắp chung quanh.

Người nghèo trong nhà đó thấy thế rất lấy làm lạ và hoan hỷ, suy nghĩ: Việc này từ xưa chưa từng có, do đâu sinh ra, từ đâu mà đến?

Chẳng lẽ người này vào trong nhà ta và do oai lực của ông ấy mà đưa đến sự việc này chăng?

Xưa nay ta chịu rất nhiều sự nghèo khổ, nay được lợi lớn, tất cả đều đầy đủ, ắt là do người này đem đến đây, làm cho trong nhà ta hiện tướng tốt đẹp. Người này có đại phước, có danh tiếng lớn, phải nên tôn trọng, cúng dường người này. Vì thế, người nghèo này tôn kính, thờ phụng liên tục không gián đoạn.

Thái Tử ở trong nhà người nghèo này rất giàu sang và được khoái lạc, mãi đến một thời gian sau, tiếng lành đồn xa, mọi người bảo nhau: Có một nhà kia trước đây rất nghèo khổ, có một người khác vào trong nhà này, vì nhờ oai lực của ông ta, nhà đó bỗng nhiên hiện tướng tốt đẹp.

Mọi người nghe xong đối với Thái Tử Phước Lực sinh lòng tin tôn trọng, cùng nhau ca ngợi: Lạ thay thắng phước, có năng lực lớn, lại do phước đức oai lực của Thái Tử nên ở nơi đó cây cối trổ hoa kết trái, không có tội lỗi, mưa lành rưới khắp, hạt giống sinh trưởng sum suê tươi tốt. Khi ấy mọi người đối với Thái Tử Phước Lực sinh lòng kính yêu, đều đến chiêm ngưỡng Ngài.

Thái Tử vì những người này thu nhiếp tâm họ và suy nghĩ: Vui thay, hôm nay ta ở trong nhà này có thể có được tất cả trân bảo và các loại nhạc cụ. Ta có được những vật tinh xảo vừa ý, ta hãy đem cho những người đến đây, khiến cho họ được đầy đủ. Lúc Thái Tử phát tâm như thế, theo ý nghĩ tức thì những vật trân bảo… đều hiện ra tràn đầy. Mọi người trông thấy kinh dị, khen ngợi.

Lạ thay! Đại phước là quả thơm ngon! Đối với Thái Tử mọi người đều sinh lòng tôn trọng. Khi ấy Thái Tử vì mọi người, đúng theo nhu cầu, dùng tứ nhiếp pháp bình đẳng nhiếp trì, khiến cho tất cả đều hòa hợp, gọi là đồng nhất về bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.

Vì thế tiếng tốt của Ngài vang khắp đất nước, từ thành thị đến thôn quê, làng xóm. Cho đến một hôm, Thái Tử đi dần đến một nước kia, thấy Nhà Vua nước này trị phạt một người, đó là một thầy thuốc giỏi.

Nhà Vua ra lệnh quan cai ngục hủy hoại thân thể, chặt hết chân tay, tội nhân máu ra lênh láng, đau đớn khổ não.

Lúc ấy người bị trị phạt kia trông thấy Thái Tử, cất tiếng kêu la thật lớn, khóc lóc nói: Nhân giả cứu tôi! Nhân giả cứu tôi!

Trước sự kiện này Thái Tử rất xót xa, Ngài suy nghĩ: Bây giờ ta phải tìm cách nào để cứu khổ người này.

Giữa lúc suy nghĩ Thái Tử bỗng sinh trí giải: Ta đã có phước lực về bố thí như thế gian hiện thấy.

Suy nghĩ như thế, trong lòng Thái Tử đầy xúc động xót thương, liền hủy thân mình, máu ra rất nhiều, đưa cho người kia uống, khỏi hẳn sự đau đớn khổ não, Thái Tử lại thấy tay chân ông ta bị chặt rất là khổ não, Ngài dùng dao bén chặt tay chân mình ráp vào chỗ tay chân của người kia đã bị chặt.

Khi ấy, Thái Tử quan sát hư không và khắp tất cả loài hữu tình, theo đó khởi từ tâm, liền phát nguyện chân thật rộng lớn: Ta ở đời này đã gặp rất nhiều phần nghiệp bất thiện, nếu những lời ta nói là chân thật thì nguyện cho chỗ bị chặt tay chân của người này, ngay bây giờ các chi tiết dính lại với nhau, bình phục như cũ.

Thái Tử phát nguyện xong, các chi phần người kia liền liên kết lại với nhau, thân thể đầy đủ hoàn toàn, bình phục như trước.

Thái Tử thấy vậy lấy làm mãn nguyện, Ngài suy nghĩ: Ta tinh cần dũng mãnh, việc làm được thành tựu, chích máu nơi thân, cứu khổ người này, chặt cả tay chân mình nối lại các chi phần cho người ấy. Lại dùng sức đại nguyện chân thật, khiến cho thân mạng người kia hoàn toàn bình phục như cũ.

Ta nguyện đem căn lành tối thượng này thành tựu quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, sẽ đem pháp vị trao cho người kia, cứu cánh được trụ nơi Niết Bàn an lạc. Khi Thái Tử phát nguyện, tất cả đại địa chấn động sáu cách. Cung Trời Đế Thích cũng chấn động như vậy.

Lúc ấy Thiên Chủ Đế Thích suy nghĩ: Hiện tượng gì đây?

Thiên Tử quán sát mới thấy Thái Tử Phước Lực làm cái việc vô cùng cao tột và khó khăn, ông hoan hỷ ca ngợi.

Lại nghĩ: Con người đại oai đức này thể hiện việc làm khó khăn này để mong cầu điều chi?

Ta nên đến đó để chứng nghiệm Thái Tử.

Thiên Chủ Đế Thích biến làm người Bà La Môn từ trên Trời hạ xuống, đứng trước Thái Tử bảo: Ta trông thấy Thái Tử tự chặt tay chân mình.

Vì sao Ngài làm như thế?

Thưa nhân giả, người khác khổ não tức là ta khổ não. Nếu người kia an vui tức là ta an vui. Cho nên vừa rồi ta thấy một người bị Nhà Vua trị phạt rất là khổ não, khi ấy ta mới dùng sức chân thật tự cắt bỏ tay, chân, chi phần của mình để ráp lại những chỗ bị cắt chặt của người kia. Nhớ nguyện lực chân thành, người đó được trở lại như cũ.

Thiên Chủ Đế Thích càng thêm thán phục, liền trở lại nguyên hình, nói với Thái Tử: Ngài há chẳng phải vì không thật tâm hoặc mong cầu điều gì khác, hoặc vì thoái chuyển cho nên tự xả thân chăng?

Thưa Thiên Chủ, tôi đã xả bỏ tay chân của mình với tâm chân thật, không mong cầu điều gì khác, cũng chẳng phải thoái chuyển.

Nếu như thế, Thái Tử làm thế nào để tôi chứng tri việc này?

Thưa Thiên Chủ, Ngài há không nghe những điều tôi làm đều do sức chân thật hay sao?

Thái Tử liền đối với tất cả loài hữu tình khởi lên tâm từ, quán sát bốn phương bằng nguyện lực chân thật và thuyết kệ:

Nếu lời ta nói là chân thật

Tham ái tự thân lắm buộc ràng

Hôm nay chân thật bất thoái chuyển

Thì nguyện thân này vẫn như xưa.

Khi nói kệ này xong, thân thể Thái Tử trở lại như cũ.

Trên không trung Trời mưa hoa khắp nơi, nhạc Trời tấu khúc thánh thót vi diệu, gió mát từ từ thổi nhẹ, hiện ra các tướng tốt đẹp.

Bấy giờ Thiên Chủ Đế Thích thấy Thái Tử Phước Lực được quả báo hiện đời với các tướng lành hy hữu và biết Trời, người đều vui mừng, tâm Thiên Chủ rất ngạc nhiên mới nói với Thái Tử: Hôm nay Thái Tử tinh cần tu tập hạnh thù thắng như thế, có cầu điều chi chăng?

Thái Tử trả lời: Thưa Thiên Chủ, tôi vì cầu chứng quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cứu độ tất cả hữu tình ra khỏi biển sinh tử, làm cho họ an trụ nơi cứu cánh Niết Bàn.

Khi ấy Thiên Chủ Đế Thích biết Thái Tử Phước Lực cần cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thâm tâm bất động như núi Tu Di, thật đúng với ý ông.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần