Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Mươi Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI

QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống  

PHẦN MƯỜI HAI  

Lúc ấy Đức Thế Tôn bảo các vị Thiên Vương: Ta cũng muốn vì tất cả chúng sinh chuyển pháp luân, nhưng chỉ vì pháp mà ta chứng được vô cùng vi diệu, sâu xa, khó hiểu khó bàn, chúng sinh thật khó có thể tin và vâng theo, lại sinh lòng phỉ báng mà phải sa vào địa ngục. Ta nay vì thế mà yên lặng.

Trời Phạm Thiên và Đế Thích phải ba lần khuyến thỉnh, đến hết ngày thứ bảy, Phật mới yên lặng nhận lời. Chư Thiên biết Phật đã nhận lời liền cúi lạy xuống chân Phật rồi trở về Thiên Cung.

Sau khi nhận lời khuyến thỉnh của Phạm Thiên và Đế Thích, Thế Tôn liền dùng Phật nhãn quán sát, thấy rõ chúng sinh có ba bậc thượng căn, trung căn và hạ căn. Các phiền não cũng có ba loại thượng, trung và hạ.

Quán sát như thế cho đến mười bốn ngày, Phật lại nghĩ: Ta nay sắp mở cửa cam lộ nhưng ai xứng đáng là người đầu tiên được nghe pháp?

Tiên Nhân A La La là người thông tuệ, có thể hiểu được giáo pháp này. Vị ấy từng nguyện là nếu ta thành đạo thì độ ông ta trước.

Thế Tôn vừa nghĩ như thế thì trong không trung có tiếng: Tiên Nhân A La La vừa qua đời đêm hôm qua.

Đức Thế Tôn đáp: Ta cũng đã biết đêm qua ông ấy qua đời.

Phật lại nghĩ: Tiên Nhân Ca Lan căn tánh lanh lợi, có thể hiểu được giáo pháp của ta, xứng đáng được nghe pháp trước tiên.

Trong không trung lại có tiếng nói: Tiên Nhân Ca Lan cũng đã vừa qua đời đêm hôm qua.

Thế Tôn cũng đáp như trước rồi Ngài lại nghĩ: Năm anh em Kiều Trần Như theo lệnh Quốc Sư và quan Đại Thần ở lại chăm nom, hầu hạ ta, đều là những người thông minh. Ngoài ra trong đời quá khứ, họ đã phát nguyện với ta là mong được nghe pháp trước tiên, ta nay nên vì năm người này mà mở cửa chánh pháp.

Lại nghĩ: Chư Phật quá khứ chuyển pháp luân đều tại vườn Lộc Dã, trụ xứ của các vị Tiên Nhân, thuộc nước Ba La Nại, năm người kia cũng cư trú nơi ấy. Ta nay nên đến đó chuyển đại pháp luân. Nghĩ thế rồi, Thế Tôn đứng dậy đi đến nước Ba La Nại.

Bấy giờ có năm trăm người lái buôn do hai vị thương chủ là Bạt Đà La Tư Na và Bạt Đà La Lê dẫn đầu đang đi qua cánh đồng trống.

Một vị Thiên Tử hiện đến nói với họ: Có Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện, khai hóa cho đời, là ruộng phước cao quý bậc nhất. Các người nên đến trước Ngài cúng dường.

Vị thương chủ nghe vị Thiên Tử nói như thế, mừng rỡ khen ngợi và hỏi: Lời dạy ấy thật là tốt lành! Đức Thế Tôn giờ ở nơi đâu?

Vị Thiên Tử đáp: Không lâu nữa, Thế Tôn sẽ đi ngang qua đây.

Lúc ấy Như Lai có vô số Chư Thiên hộ tống đến thôn Sa Bạt Lợi. Hai người lái buôn thấy Đức Như Lai tướng mạo uy nghi trang nghiêm, lại thấy Chư Thiên vây quanh trước sau hộ tống nên lòng càng vui mừng bèn dùng mật ong và đường dâng lên cúng dường Phật.

Lúc ấy Thế Tôn nghĩ: Chư Phật trong quá khứ dùng Bát Đa La để đựng thức ăn. Bốn vị Thiên Vương biết ý nghĩ của Phật nên mỗi vị đem một cái bát đến dâng cho Phật.

Đức Thế Tôn nghĩ: Nếu ta nhận bát của một vị thì các vị kia sẽ không vui nên Ngài nhận hết và đặt bốn cái bát lên nhau, dùng bàn tay ấn xuống thành một bát, bốn cạnh bát hiện lên rất rõ.

Thế Tôn chú nguyện: Nay các ông cúng dường các món này, mong ta dùng xong sẽ tăng khí lực, ta cũng chú nguyện cho các ông được sức khỏe, bền tâm, vui vẻ, an lạc, yên ổn không bệnh tật, sống lâu và được thiện thần phù hộ.

Do cúng dường trai thực sẽ dứt được gốc rễ ba độc, tương lai sẽ đạt tam kiên pháp, thông minh trí tuệ, hết lòng tin tưởng Phật Pháp, sinh ra ở đâu cũng đều có chánh kiến, không mê muội.

Trong hiện tại cha mẹ vợ con, quyến thuộc thân thích đều sum vậy, không có những chuyện quái lạ, chẳng lành xảy ra, người trong gia đình có ai làm ác mà đọa vào đường dữ sẽ do phước báo bố thí này được sinh trong cõi người, Cõi Trời, không khởi tà kiến, tiến tu công đức, thường được ở gần Chư Phật Như Lai, được nghe pháp nhiệm mầu, chứng được chân lý đầy đủ như ý nguyện.

Đức Thế Tôn chú nguyện xong mới thọ thực.

Sau khi thọ thực, rửa tay và bát xong, Ngài truyền pháp tam quy cho các thương gia: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng già ở tương lai. Trao truyền pháp tam quy xong, Đức Phật từ giã đi tiếp đến vườn Lộc Dã, với oai nghi đĩnh đạc thanh thoát giống như Nga Vương. Trên đường, Phật gặp một người ngoại đạo tên là Ưu Bà Già.

Vị ngoại đạo ấy thấy tướng tốt trang nghiêm, các căn tĩnh lặng của Phật cho là điều kỳ diệu nên nói kệ khen ngợi:

Chúng sinh ở thế gian

Đều bị ba độc trói

Các căn lại phóng dật

Bị ngoại cảnh cuốn lôi

Nhưng nay thấy Nhân Giả

Các căn thật vắng lặng

Ắt đạt đạo giải thoát

Chắc thế không còn nghi

Thầy Nhân Giả là ai?

Tên họ gọi là gì?

Đức Thế Tôn dùng kệ đáp:

Ta nay đã vượt thoát

Khỏi cảnh giới chúng sinh

Pháp vi diệu sâu xa

Ta nay đã biết hết

Ba độc và năm dục

Đoạn hẳn không còn nữa

Như hoa sen trong bùn

Không nhiễm nước bùn hôi

Tự chứng bát chánh đạo

Không thầy không bạn bè

Dùng trí tuệ thanh tịnh

Hàng phục được Ma Vương

Nay đạt đạo Chánh Giác

Xứng là thầy Trời người

Thân miệng ý toàn tịnh

Nên hiệu là Mâu Ni

Muốn đến Ba La Nại

Để chuyển chánh pháp luân

Điều mà Trời người, ma

Không sao giảng nói được.

Ưu Bà Già nghe bài kệ xong, lòng sinh vui mừng khen là chưa từng có, chắp tay cung kính nhiễu quanh Thế Tôn, từ biệt ra đi. Đi một đoạn, Ưu Bà Già còn quay lại nhìn, không thấy Thế Tôn nữa mới đi hẳn.

Đức Thế Tôn đi tiếp đến bờ sông A Xà Ba La thì Trời đã chiều tối nên phải dừng chân nghỉ rồi ngồi nhập định suốt bảy ngày trong mưa gió. Tại dòng sông ấy, có vị Long Vương tên Mục Chân Lân Đà thấy Phật nhập định liền dùng thân quấn quanh Phật bảy vòng suốt trong bảy ngày.

Sau bảy ngày vị ấy liền biến thành hình người cúi đầu lễ dưới chân Phật thưa: Thế Tôn ngồi ở đây suốt trong bảy ngày không ngại Trời mưa gió sao?

Đức Thế Tôn nói kệ đáp:

Chư Thiên và người đời

Vui thích trong ngũ dục

So với vui Thiền định

Không thể nào sánh bằng.

Long Vương nghe lời kệ của Phật vui mừng hớn hở cúi đầu lễ xuống chân Phật rồi trở về Long cung. Đức Thế Tôn lại tiếp tục đi đến thành Ba La Nại, chỗ của năm vị Kiều Trần Như, Ma Ha Na Ma, Bạt Ba, A Xá Bà Xà, Bạt Đà La Xà cư trú.

Năm người ấy thấy Phật từ xa đang đi đến liền bàn với nhau: Sa Môn Cù Đàm bỏ lối tu khổ hạnh, thoái thân trở lại thọ hưởng thú vui ăn uống không còn tâm đạo nữa. Nay ông ta đến đây chúng ta không cần đứng lên tiếp đón, cũng không làm lễ kính, thăm hỏi. Nếu ông ấy muốn cần một chỗ ngồi thì cứ tự ý chọn chỗ để ngồi.

Nói xong, họ đều yên lặng nhưng khi Phật đến gần thì năm người tự động đứng dậy lạy chào, vội vàng cung kính tiếp đón, làm những việc như lúc trước, người tiếp đỡ y bát, người lấy nước rửa, người rửa chân cho Phật… ai cũng làm ngược lại những lời đã giao ước, nhưng vẫn như trước, gọi Phật là Cù Đàm.

Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi anh em Kiều Trần Như: Các người cùng đồng ý với nhau là gặp ta không đứng dậy, nay sao lại trái với lời hẹn ước, vội đứng dậy tiếp đón hầu hạ ta?

Năm người nghe hỏi trong lòng hổ thẹn liền thưa: Cù Đàm đi đường có mỏi mệt không?

Thế Tôn hỏi: Sao các người đối với Bậc Vô Thượng Tôn lại gọi tên họ như thế?

Lòng ta tuy không chấp trách sự hủy báng hay khen ngợi, không có tâm phân biệt nhưng các người kiêu căng sẽ chuốc lấy quả báo dữ. Ví như đối với lễ nghi ở thế gian, con còn không thể gọi cha mẹ bằng tên, huống chi ta nay là cha mẹ của tất cả.

Cả năm vị nghe những lời dạy ấy lại càng hổ thẹn, thưa với Phật: Chúng con ngu si không trí tuệ, không biết nay Ngài đã thành Chánh Giác.

Vì sao?

Vì trước kia thấy Như Lai tu khổ hạnh sáu năm, ngày ăn một hạt gạo, một hạt mè mà nay trở lại hưởng thú vui ăn uống. Do đó chúng con tưởng Phật chưa đạt đạo.

Phật bèn nói với năm người: Các ông chớ dùng trí nhỏ để đo lường đạo ta thành hay chưa thành đạo.

Vì sao?

Vì khi thân xác khổ thì tâm loạn, thân vui sướng thì lòng sẽ say đắm. Do đó khổ và vui, cả hai đều không phải là nguyên nhân thành đạo, chẳng khác gì dùi cây lấy lửa, lại đặt khúc cây trong nước mà dùi thì chắc chắn không có lửa để soi sáng.

Tìm lửa trí tuệ cũng vậy, có nước của khổ vui thì ánh sáng của lửa trí tuệ không sinh, vì lửa trí tuệ không sinh nên không thể diệt trừ được màn đen tối của sinh tử. Nay nếu bỏ được khổ và vui, tu tập theo trung đạo thì tâm sẽ an định, có thể lĩnh hội tu tập theo tám Thánh đạo chân chánh, xa rời mối lo sinh, già, bệnh, chết. Chính ta đã tu tập theo trung đạo nên đạt quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Năm người ấy nghe Như Lai dạy như thế lòng rất vui mừng, vô cùng phấn chấn, nhìn ngắm dung nhan của Phật không rời.

Khi ấy Đức Thế Tôn xét thấy căn tánh của năm vị nhóm ông Kiều Trần Như có thể nhận hiểu được đạo pháp nên dạy: Này Kiều Trần Như, các ông nên biết, thân năm ấm này là khổ, sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, yêu thương mà xa nhau là khổ, căm ghét mà gặp nhau là khổ, mong mỏi không được cũng khổ, mất đi niềm vui sướng khi vinh hiển là khổ.

Này Kiều Trần Như, chưng sinh hữu hình hay vô hình, không chân, có một chân, hai chân, ba chân, bốn chân hay nhiều chân. Không loài nào là không có những nỗi khổ ấy.

Ví như lấy tro phủ lên lửa. Nếu gặp cỏ khô, lửa sẽ bốc cháy. Như vậy những nỗi khổ là do gốc chấp ngã mà sinh ra. Nếu có chúng sinh nào khởi lên niệm tưởng chấp ngã, dù nhỏ nhiệm đến đâu cũng phải chịu những nỗi khổ ấy. Tham dục, giận dữ, ngu si đều do căn bản chấp ngã sinh ra.

Lại nữa, ba độc này là nguyên nhân của khổ, ví như hạt giống có năng lực sinh ra mầm mộng, chúng sinh chính vì chúng nên phải luân hồi trong ba cõi. Nếu diệt được chấp ngã và tham, sân, si thì những nỗi khổ sẽ theo đó đoạn dứt.

Tất cả khổ đau phiền não đều do Bát chánh đạo đó mà diệt trừ, giống như một người lấy nước rưới tắt lửa lớn. Toàn thể chúng sinh không biết cội rễ của khổ đau, nên đều bị luân hồi trong sinh tử. Này Kiều Trần Như, khổ cần nên biết, tập phải đoạn trừ, diệt cần nên chứng, đạo cần nên tu.

Này Kiều Trần Như, ta đã biết khổ, đã dứt tập, đã chứng diệt, đã tu đạo nên đã chứng đắc quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Do đó nay các ông cần phải biết khổ, dứt tập, chứng diệt và tu đạo. Nếu ai không tỏ ngộ Tứ Thánh Đế ấy thì nên biết người ấy chưa được giải thoát.

Bốn chân lý ấy là chân thật: Khổ chính thực là khổ, tập chính thực là tập, diệt chính thực là diệt, đạo chính thực là đạo.

Này Kiều Trần Như, các ông đã thông suốt chưa?

Kiều Trần Như thưa: Bạch Thế Tôn, chúng con đã hiểu, chúng con đã biết.

Vì hiểu rõ pháp Tứ Đế nên từ ấy ông có hiệu là A Nhã Kiều Trần Như. Khi Phật ba lần giảng pháp Tứ Đế và mười hai hành, Kiều Trần Như thông đạt pháp ấy, tâm xa lìa trần cấu và đắc pháp nhãn thanh tịnh. Cùng lúc ấy, tám vạn na do tha Chư Thiên ở trên không trung cũng xa lìa trần cấu đắc pháp nhãn tịnh.

Vị Địa thần thấy Đức Như Lai ở nơi khu đất của mình chuyển pháp luân, lòng rất vui mừng, lớn tiếng xướng:  Như Lai đã ở nơi đây chuyển pháp luân vi diệu.

Tất cả Trời thần trong hư không nghe được lời ấy sinh tâm phấn chấn, truyền nhau hô lớn vang thấu đến Cõi Trời sắc cứu cánh.

Chư Thiên tại nơi ấy nghe được liền hân hoan vô cùng, cao giọng xướng: Hôm nay, trong vườn Lộc Dã, trú xứ của các Tiên Nhân thuộc thành Ba La Nại, Đức Như Lai đã chuyển đại pháp luân, điều mà tất cả thế gian, Trời, Người, Ma Vương, Phạm Thiên, Sa Môn, Bà La Môn không thể giảng nói được.

Lúc đó toàn mặt đất hiện ra mười tám tướng chuyển động, tám bộ chúng Trời, Rồng… ở trên hư không tấu các loại nhạc, trống Trời tự kêu, đốt các danh hương, rải các loài hoa quý, cờ quý, lọng báu cùng ca ngâm khen ngợi, khắp các cõi trong Thế Giới tự nhiên sáng rỡ. A Nhã Kiều Trần Như do tỏ ngộ chánh pháp đầu tiên nên là vị đệ tử thứ nhất của Phật.

Bốn vị kia thấy Phật chuyển pháp luân xong mà chỉ có A Nhã Kiều Trần Như đắc đạo nên trong lòng nghĩ: Nếu Thế Tôn vì chúng ta nói pháp lại lần nữa, chúng ta cũng sẽ đắc đạo. Nghĩ như thế rồi cùng nhau chiêm ngưỡng Đức Phật không rời. Đức Phật biết tâm niệm của bốn người ấy nên giảng nói lại pháp Tứ đế. Sau khi nghe xong, họ cũng xa lìa trần cấu, đắc được pháp nhãn tịnh.

Bấy giờ, sau khi đã thấy chân lý, năm vị liền đảnh lễ Phật, thưa: Bạch Thế Tôn, năm người chúng con đã thấy được chân lý, đã chứng được dấu đạo, nay chúng con muốn xuất gia theo Phật, xin Đức Thế Tôn thương xót nhận.

Đức Thế Tôn liền gọi năm người: Hay lắm các Tỳ Kheo! Râu tóc họ liền tự rụng, khoác Cà Sa trên thân, năm người đều trở thành Sa Môn.

Lúc ấy Thế Tôn hỏi năm vị Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, các ông cho rằng có biết sắc, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường, là khổ hay không khổ, là không hay chẳng phải không, là ngã hay vô ngã.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần