Phật Thuyết Kinh Nhu Thủ Bồ Tát Vô Thượng Thanh Tịnh Phân Vệ - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tường Công, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH NHU THỦ BỒ TÁT

VÔ THƯỢNG THANH TỊNH PHÂN VỆ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tường Công, Đời Tống  

PHẦN NĂM  

Lại đối với các hàng Thanh Văn, Duyên Giác tưởng ấy trái nghịch khởi lên tranh chấp. Vì tranh chấp cho nên phải chịu nhận tội lớn, do tranh chấp ấy nên còn ở trong sinh tử luân hồi, nên trở về, đường tranh chấp vào nẻo sinh tử. Tất cả các Bậc Thánh hoàn toàn không khen ngợi, các bậc giác ngộ đã xa lìa.

Này thiện nam! Ví như có thành, quách xóm làng cách đây không xa chứa nhiều thứ ô uế. Đối với những người đi đến chỗ ấy, ngày đêm không dừng nghỉ, đồ vật ở nơi ấy làm tăng thêm ô uế, bất tịnh không sạch.

Các hàng phàm phu ngu si ở trong năm đường, các tưởng về không, sinh diệt không dứt, không đoạn dứt sinh tử, làm tăng thêm sự khổ đau ấy. Vì họ không hiểu rõ lại không sáng suốt, không biết rõ nó là không, không thấu hiểu nó vốn là không.

Cái lồng tối mờ chứa đựng sự ngu si nên chịu luân hồi trong nẻo sinh tử, ở mãi nơi năm đường, hoặc sinh vào địa ngục, hoặc sinh nơi ngạ quỷ, hoặc sinh nẻo súc sanh, hoặc sinh lên Cõi Trời, hoặc sinh vào cõi người, thần biến vô thường, đau khổ nơi năm đường, tai hoạn điên đảo thống khổ bức bách.

Nguyên nhân của đau khổ do đã tạo các khổ, làm tăng thêm đồ bất tịnh ô uế chảy tràn, khiến cho đệ tử của Bậc Hiền thánh sáng suốt kia mới trừ diệt và xa lìa tật bệnh.

Lại nữa, các bậc Tuệ sĩ lẽ ra được xa lìa, nhưng vì các tạp cấu kia nên không giải thoát, làm cho các loài ấy hướng đến nẻo sinh, rồi lại bị nơi đau khổ của sinh, già, bệnh, chết, vạn thứ sầu não, bị vô số tai nạn của bệnh, chết ấy hành hạ.

Người thiện thì được an lạc vui vẻ, tạo tội thì mang tai họa. Nói tóm lại, tai họa đó biến đổi nhanh, cho đến tập hợp các thứ rất thống khổ, nên họ không thể thoát khỏi sinh tử. Vì do chưa hiểu nó vốn là không, cho nên phải chịu sinh tử, tăng thêm thứ ô uế như trên.

Bồ Tát Long Thủ nói với Bồ Tát Nhu Thủ: Thế nào?

Này Bồ Tát Nhu Thủ! Biết rõ được nguồn gốc kia, nói vì không có tâm tưởng nên hành vắng lặng, nhờ hướng đến nẻo tịch tĩnh nên chắc chắn nhập vào chỗ thanh tịnh, người ấy an trụ thì biết rõ được nguồn gốc kia.

Nói vì sao?

Này Bồ Tát Nhu Thủ! Vì sao gọi là tịch tĩnh của huyễn?

Đáp: Vì hiểu rõ nó như huyễn. Đây là tịch tĩnh của huyễn, nên nhập vào thanh tịnh.

Bấy giờ, Trưởng Lão Tu Bồ Đề đến chỗ Bồ Tát Nhu Thủ thấy đại chúng kia, liền hỏi: Các Bậc Chánh Sĩ đến khắp hội này, nhằm giảng nói điều gì chăng?

Đáp: Thưa Hiền Giả Tu Bồ Đề! Tôi đối với các ngôn ngữ đều không có đối tượng giảng nói.

Lại nữa, thưa Hiền Giả Tu Bồ Đề! Đâu có nghe các bậc huyễn nhân có đối tượng giảng nói ư?

Giống như tiếng vang trong núi, như giấc mộng, như ảnh trong gương, như sóng nắng là có bàn nói chăng?

Lại nghe có người nói chăng?

Lại nữa, thưa Hiền Giả Tu Bồ Đề! Như Lai đã hóa thì đâu có tai nghe tiếng, tiếng ấy đâu có người nghe, không phải có thức, có chấp giữ ngôn ngữ, danh tự, câu cú để nêu bày không?

Đáp: Không phải!

Khi ấy, Trưởng Lão Tu Bồ Đề yên lặng vui mừng, ngồi ngay nơi ấy tịch tĩnh mà vào diệt định.

Bấy giờ, Trưởng Lão Xá Lợi Phất đến chỗ của Bồ Tát Nhu Thủ, thấy đại chúng ngồi khắp trong Đạo Tràng, các Bồ Tát đều nghe Bồ Tát Nhu Thủ đã nêu giảng, thấy Trưởng Lão Tu Bồ Đề ngồi tịch tĩnh mà nhập diệt định.

Liền hỏi: Này Bồ Tát Nhu Thủ! Hiền Giả này vì sao hướng đến chỗ diệt định ấy?

Đáp: Này Trưởng Lão Xá Lợi Phất! Trưởng Lão Tu Bồ Đề này tuy diệt đinh nhưng không tranh chấp nơi pháp, như Hiền Giả đây không tranh chấp về hành, không an trụ, không chấp trước, không luân hồi, không xứ sở, vượt khỏi các pháp Tam ma việt Thiền định.

Khi ấy, Trưởng Lão Tu Bồ Đề nhập và xuất diệt định ấy, từ chỗ ngồi đứng dậy hướng về Thế Tôn, liền bày vai bên phải quỳ gối chắp tay thưa: Con Quy Y Chư Phật là Bậc Chánh Giác Vô Thượng, là bậc đã hiện bày, diễn nói pháp vi diệu sâu xa, văn tự khó biết như thế, không thể nghĩ bàn, đã đoạn dứt sự chấp trước, xa lìa các tưởng, đã chứng đắc sự tịch tĩnh.

Bậc Đại Sĩ không thoái chuyển và các Bồ Tát mới phát tâm, đã nghe giảng nói về pháp này, không thật vui sao!

Bồ Tát Nhu Thủ nói với Trưởng Lão Tu Bồ Đề: Không phải đối với pháp này mà có nói, có khuyên gắng, có hướng đến nẻo ấy.

Vì sao?

Vì các pháp không khuyên gắng, không nói năng, không bàn luận, không có thức. Lại nữa, nghĩa lý cốt yếu này không có ngôn ngữ, không trụ, không động, không đi, không đến, không ngồi, không nằm, không nương tựa, không nơi chốn, đều là không thực có.

Vì sao?

Vì các pháp vốn là không, đều là không thật có, pháp ấy vốn không thể thủ đắc.

Vì sao nói vốn là pháp hành ấy?

Trưởng Lão Tu Bồ Đề nói: Thưa Bồ Tát Nhu Thủ! Nguyện xin Hiền Giả nói rõ các pháp vô hành chính là yếu chỉ của hành, nên làm theo hành ấy, hiểu rõ hành chính là hành mới gọi là hành. Nếu có thể như vậy đều cùng với hành cầu thức ăn.

Này Bồ Tát Nhu Thủ! Tôi không đi vào xóm làng khất thực.

Vì sao?

Vì nghe pháp yếu này đã xa lìa xóm làng, cũng xa lìa tưởng về thành, xa lìa tưởng về sắc. Nói tóm lại, cũng xa lìa tưởng của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đều xa lìa các tưởng, cũng không có tưởng niệm.

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Chỉ có Trưởng Lão Tu Bồ Đề và hành giả mới xa lìa tưởng ấy, đã nói như thế thì có tiến đến dừng lại ư?

Trưởng Lão Tu Bồ Đề đáp: Này Bồ Tát Nhu Thủ! Vì sao nói Như Lai đã biến hóa sắc, thọ, tưởng, hành, thức?

Lấy gì để biết pháp Như Lai đã hiện hóa, lấy tưởng gì mà có tiến đến, dừng lại, có đối tượng quán sát lại còn co duỗi ư?

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Lành thay, lành thay! Này Trưởng Lão Tu Bồ Đề! Như Đức Thế Tôn đã khen ngợi Nhân Giả là hành giả hiểu biết đệ nhất về chỗ không.

Bồ Tát Nhu Thủ lại nói: Thưa Trưởng Lão Tu Bồ Đề! Có thể cùng tôi đi đến chỗ Phật để đảnh lễ cúng dường?

Bồ Tát Nhu Thủ nói: Thưa Hiền Giả! Tôi dùng thức ăn thanh tịnh mời Nhân Giả.

Khi ấy, Trưởng Lão Xá Lợi Phất nói với Bồ Tát Nhu Thủ: Tôi ăn những chỗ nào?

Nên bày ra những món ăn gì?

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Thưa Hiền Giả! Đối với người ăn ấy cũng không có ăn, cũng không phải là không ăn, lại không ăn uống, không có sắc, thanh, không có hương vị, cũng không có xúc. Đối với chỗ ăn ấy, không ở nơi Dục Giới, lại không ở Sắc Giới và Vô Sắc Giới, không ở nơi Ba Cõi cũng không lìa nơi ấy. Đó là chỗ ăn của Chư Phật Thế Tôn.

Trưởng Lão Xá Lợi Phất nói với Bồ Tát Nhu Thủ: Lành thay, lành thay! Như Nhân Giả nói ra tôi đã đầy đủ. Khi ấy, khen ngợi tên của món ăn vô thượng, huống chi đã ăn và đang ăn.

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Thưa Hiền Giả! Món ăn kia không phải thấy bằng mắt bên trong hay bên ngoài, không có sự thấy của thiên nhãn hay tuệ nhãn, ăn như vậy mới thích ứng với món ăn này.

Bấy giờ, Trưởng Lão Tu Bồ Đề, Trưởng Lão Xá Lợi Phất và các chúng sinh nghe giảng về việc khen ngợi món ăn này, tức ở nơi ấy đạt được diệt định.

Khi ấy, Bồ Tát Diệu Tâm nói với Bồ Tát Nhu Thủ: Ăn nên ăn bằng gì?

Trưởng Lão Tu Bồ Đề và Trưởng Lão Xá Lợi Phất… đã ăn món ăn gì mà vào được Tam Ma Việt?

Bồ Tát Nhu Thủ đáp: Dùng món ăn vô lậu. Hành giả không chấp trước món ăn, hành giả không có các thức ăn, hành giả thực hành điều này thì người tạo món ăn kia cũng không còn ăn món ăn của Ba Cõi.

Bấy giờ, Trưởng Lão Tu Bồ Đề, Trưởng Lão Xá Lợi Phất từ nơi diệt định xuất ra đi khất thực. Khi ấy, Trưởng Lão Tu Bồ Đề vào nhà của đại Trưởng Giả ở nơi thành để khất thực.

Vợ của Trưởng Giả ấy tên là Ưu Bà Di, thấy Trưởng Lão Tu Bồ Đề đứng yên lặng, liền hỏi: Thưa Hiền Giả! Ngài đang làm gì?

Đáp: Này chị! Tôi đến đây khất thực.

Hỏi: Thưa Hiền Giả! Hiền Giả còn có tưởng về khất thực, hiểu rõ sự đến và dừng không?

Đáp: Này chị! Tôi từ nơi bản tế đã biết rõ tưởng về khất thực.

Hỏi: Thưa Hiền Giả Tu Bồ Đề! Bản tế ấy đâu có hiểu và chưa hiểu, sao nói là tôi từ bản tế đã biết rõ tưởng về khất thực ư?

Đáp: Này chị! Nếu bản tế không thì mạt tế cũng không, tất cả đều không.

Ưu Bà Di nói: Như vậy, thưa Hiền Giả! Đã là không vì sao lại nói là rõ với không rõ?

Nhân Giả hãy đưa tay ra con sẽ dâng thực phẩm.

Trưởng Lão Tu Bồ Đề đưa tay ra và nói: Này Hiền Giả! Là bậc A La Hán, mà không hiểu rõ nguồn gốc lại giữ lấy sự diệt chứng hay sao?

Trưởng Lão Tu Bồ Đề nói tiếp: Này chị! Tay của bậc A La Hán không hình, không thể thấy, cũng không co duỗi.

Ví như Huyễn sĩ làm huyễn hóa tạo ra lời nói này, thì chỗ nào gọi là tay của huyễn sĩ?

Hỏi: Lại nói có thể là tay của huyễn sĩ co duỗi chăng?

Nói: Này chị! Tay của huyễn giả có thấy không?

Lại có thể duỗi ư?

Đáp: Không thể!

Trưởng Lão Tu Bồ Đề nói: Này chị! Thế Tôn nói tất cả các pháp như huyễn vốn là không.

Hỏi: Thế nên, này Hiền Giả! Thế Tôn nói tất cả là không.

Vì sao Hiền Giả tiếp tục cầu thức ăn?

Khi ấy, Ưu Bà Di chưa dâng thức ăn cho Trưởng Lão Tu Bồ Đề.

Lại nói: Này Hiền Giả! Hãy đưa bát ra trước.

Khi Trưởng Lão Tu Bồ Đề đưa bát ra bát ấy bỗng biến mất. Lúc ấy Ưu Bà Di dùng tay lấy bát mà bát không có nơi chốn, tay cũng không gần nơi Trưởng Lão Tu Bồ Đề.

Ưu Bà Di nói: Lành thay, lành thay! Thân ấy thanh tịnh không chấp trước, thật ứng hợp với cái không của hành giả mà Đức Phật đã khen ngợi.

Khi Ưu Bà Di vừa nói thì cái bát liền tự xuất hiện.

Khi ấy, Trưởng Lão Tu Bồ Đề liền trao bát, Ưu Bà Di lấy bát đựng đầy cơm đưa cho Trưởng Lão Tu Bồ Đề, và nói: Hiền Giả là bậc được Đức Phật Thích Ca Văn khen ngợi ở chỗ không nhàn, chẳng phải do bát.

Tu Bồ Đề đáp: Này chị! Như Đức Phật đã giảng nói, hạnh không nhàn của hành giả chẳng phải có bát.

Hỏi: Như chỗ không nhàn của nhàn của hành giả chẳng phải có bát ư?

Đáp: Không phải!

Hỏi: Thưa Hiền Giả! Ở chỗ không nhàn còn không có bát thì lấy đâu thọ nhận được thức ăn ư?

Này Hiền Giả! Đã không có chỗ không nhàn thì không có A La Hán chứng nhận diệt sao?

Này Hiền Giả ăn cơm ấy rồi, nên biết người ăn như huyễn, đối tượng ăn như hóa. Lại nữa, người ăn như hóa thì đối với huyễn giả cũng giống như người khát nước uống bằng sóng nắng. Đã ăn thức ăn ấy nên mới biết như vậy, hiểu rõ người ấy mới ứng hợp với Như Lai là thông đạt ba cõi vốn không có đi khất thực.

Này Hiền Giả! Khởi lên niệm bố thí và có nghĩ về người thọ nhận, liền tạo ra sự phân biệt về chúng đồng phần. Người đã nhận về đồng phần thì có nhị kiến, do nhị kiến nên cùng với hàng phàm phu luân hồi trong năm đường, đồng trôi lăn trong sinh tử.

Khi ấy, Ưu Bà Di nói với Trưởng Lão Tu Bồ Đề: Thưa Hiền Giả! Giáo pháp của Chư Phật không có người bố thí và người nhận sự bố thí, nên biết rõ như huyễn, như hóa. Vì vốn là không, nên không có đạt đến pháp sinh tử và Niết Bàn. Cũng nên biết rõ như mộng, như huyễn, như sóng nắng, như hình bóng, như tiếng vang đều vốn là không, đối với các pháp cũng đều là như vậy.

Các pháp thanh tịnh đều không thật có, không bố thí không thọ nhận, không giới không phạm, không nhẫn nhục không tranh cãi, không siêng năng không biếng nhác, không thiền định không tán loạn, không trí tuệ không ngu si.

Đối với các pháp đều là không thực có, hạnh ấy mới thích hợp với sự thọ nhận thức ăn đúng pháp của Đức Thế Tôn. Các đệ tử hành pháp như thế sẽ biết được sự khất thực của hành giả, đối với Ba Cõi không nghĩ về thức ăn, cũng không vui mừng nơi Niết Bàn.

Trưởng Lão Tu Bồ Đề nghe Ưu Bà Di nói xong thì im lặng vì không biết nói gì hơn nữa.

Ưu Bà Di nói: Này Hiền Giả! Niết Bàn rỗng lặng chăng?

Lẽ nào không có lời để nói hay sao?

Trưởng Lão Tu Bồ Đề đáp: Này Ưu Bà Di! Vì sao nói như vậy?

Trưởng Lão Tu Bồ Đề lại nói: Này chị! Biết rõ các pháp huyễn chăng?

Đáp: Này Hiền Giả! Tôi biết rõ các pháp đều như huyễn hóa, người huyễn và biến hóa cũng vốn là không, đều không là thật có.

Khi ấy, Trưởng Lão Tu Bồ Đề ngay ở chỗ đó bỗng nhiên nhập diệt định, nhằm biết rõ tâm Ưu Bà Di mong cầu thừa gì mà được chứng như vậy, biện tài dũng mãnh như thế, mới dám rống lên tiếng rống Sư Tử, biết rõ pháp huyễn, tùy ý giảng nói không bị chướng ngại. Tôn Giả dùng hết năng lực quán sát thì biết, Ưu Bà Di đạt được A Na Hàm.

Trưởng Lão Tu Bồ Đề hỏi: Này chị! Chị đã chứng đắc A Na Hàm chăng?

Ưu Bà Di nói: Thế này?

Thưa Hiền Giả! Pháp của Như Lai đâu có hành pháp của A Na Hàm.

Lại nữa, này Hiền Giả! Pháp không có hình sắc, cũng không mong cầu dấu vết của hình tướng, thức không đây kia, không ở giữa hành, cũng không có đối tượng về tướng, không thủ không chứng, cũng không có nơi chốn, biết rõ nẻo hành của Đạo.

Vừa rồi Hiền Giả hỏi: Nơi nào có chứng quả A Na Hàm rồi thì có thích chứng pháp A La Hán không?

Này Hiền Giả! Pháp không đi đến, nếu có đi đến thì có chỗ hướng đến, có chỗ hướng đến thì có sinh có diệt, có niệm có tưởng, đều bị đọa vào sinh tử luân hồi không thể đếm được.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần