Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý

HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Duy Tịnh, Đời Triệu Tống  

PHẦN NĂM  

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói lại bằng bài kệ:

Tâm đạo đại bồ đề không hoại

Lại cũng không hoại tâm đại bi

Đối với Tam Bảo khéo hộ trì

Chứa nhóm Phật Pháp cũng không mất.

Ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ

Mười lực trang nghiêm thân tướng tốt

Tu hành nhiều pháp, tròn phước trí

Chịu được bức bách nên không thối.

Công đức Cõi Phật nhiều vô biên

Nhờ sức vô nguyện đều nghiêm tịnh

Pháp bảo vô thượng, môn tối thắng

Ta nguyện luôn giữ gìn vững chắc.

Vô số chúng sinh, vô biên cõi

Ta nguyện đều độ thoát khắp cả

Nội tâm không hoại, nhân lợi lạc

Vì vậy lãnh chịu sự bức bách.

Tất cả Thế Giới trong mười phương

Khắp hết tất cả các chúng sinh

Cho đến vô biên cõi chúng sinh

Đều cầm gậy gộc đến bức não.

Gây gỗ khủng bố nổi sân giận

Đánh đập như thế mong khắc phục

Bồ Tát nhờ tu nhân công đức

Khởi tâm mạnh mẽ nhẫn chịu được.

Trải qua vô lượng trăm ngàn kiếp

từ gốc sinh tử đời trước đến

Khi chúng dùng lời ác nhục mạ

Tâm Bồ Tát ấy không não hại.

Do đại trí nên nhẫn chịu được

Chẳng sinh phẫn nộ, chẳng sinh sân.

Bức bách như vậy tùy chỗ biết

Có thể nhẫn chịu, được thanh tịnh.

Lại nữa, khắp hết các chúng sinh

Đều cầm khí giới đến gia hại

Cắt xẻo thân phần ra từng mảnh

Cho đến phân thây ra từng khúc.

Khi ấy Bồ Tát, tâm không động

Chẳng sinh mảy may tâm sân giận

Kiên cố giữ tâm đại bồ đề

Chịu đựng bức bách được thanh tịnh.

Bồ Tát đi đứng hoặc ngồi nằm

Hiện oai nghi ấy khiến người tịnh

Trong đó, tìm kiếm hoặc có người

Tâm đại bồ đề không xả bỏ.

Hoặc hành bố thí và các hạnh

Hoặc lại phát khởi tâm thiện khác

Ngay khi người khác cắt thân mình

Ra từng miếng nhỏ nằm tứ tán.

Bồ Tát dù gặp cảnh khổ này

Tâm cũng vui vẻ với người ấy

Nhớ nghĩ vô biên kiếp đến nay

Trải khắp các nẻo đều tạo tác.

Ba đường địa ngục, quỷ, súc sanh

Cho đến ngày nay được thân người

Tuy thân tan nát quả vẫn còn

Vì cầu trí Phật, thân xả bỏ.

Tuy ta nay được thọ thân người

Vô số các khổ thường bức bách

Nếu so với khổ ngục A tỳ

Khổ này chẳng bằng một phần trăm.

Ta thà ở trong địa ngục ấy

Chịu đựng khổ ấy qua trăm kiếp

Phật và chánh pháp cùng chúng sinh

Ta quyết trọn đời không xả bỏ.

Ta quán thân này pháp vô thường

Sát na diệt, tạ giống như huyễn

Bốn đại hư giả cùng hợp thành

Phật dạy bốn đại như rắn độc.

Nếu ta xả bỏ được thân này

Xa lìa độc hại ở trong thân

Độc phiền não ấy muốn tiêu trừ

Mình, người thành Phật, trí tự nhiên.

Thân này của ta ở thế gian

Nhiều việc sợ hãi sinh sợ hãi

Vì cầu thân các duyên an lạc

Do các dục ăn uống vân vân.

Nếu ta từ bỏ được thân ấy

Dứt được các duyên lìa sợ hãi

Nếu thường hiểu rõ tư duy này

Có thể nhẫn chịu các bức bách.

Chúng sinh thế gian nhiều trăm ngàn

Thường bao che các pháp bất thiện

Ít có người ở trong pháp thiện

Theo sức mình hết sức chở che.

Nên ta đối với pháp bất thiện

Không bao giờ lại giúp sức thêm

Ta nên giúp tu pháp nhẫn nhục

Lời nhẫn nhục Phật đã dạy bảo.

Tất cả Phật mười phương hiện có

Xin Chư Phật chứng minh cho con

Con nay phát khởi tâm quyết định

Ở trong Phật thừa, chẳng chuyển lay.

Chư Hiền thánh có oai lực lớn

Đều chứng cho tâm nhẫn của con

Con sẽ nhẫn chịu sự bức bách

Mà chẳng hề tạo các lỗi lầm.

Như Phật đã dạy thân, ngữ, ý

Cả ba có nhiều thứ áp bức

Với dũng mãnh, đều chịu đựng được

Như trước đã nói, đều không hoại.

Thân ấy có đủ những loại khổ

Những nỗi khổ ấy không biên giới

Đối với khổ đó nếu chịu được

Thân bị bức bách cũng thanh tịnh.

Nếu khi gặp khổ thân chia cắt

Đoạn ra từng khúc, từng miếng nhỏ

Sáu Ba la mật nếu viên thành

Bậc đại trí đức quyền phương tiện.

Đó là bố thí và trì giới

Nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định

Cùng tu ngang bằng tuệ tối thắng

Khoảnh khắc nhiếp thọ đều viên mãn.

Hoặc chỉ nhất thời xả bỏ thân

Lại cũng không thương và không tiếc

Khi ấy cần phải tu thế này

Viên mãn bố thí Ba la mật.

Nếu đối chúng sinh, hành từ rộng

Thì không phá giới hạnh thanh tịnh

Hiện chứng bồ đề được thâu nhận

Viên mãn tịnh giới Ba la mật.

Dù khi thân ấy sắp đoạn hoại

Cần phải giữ vững sức nhẫn nhục

Do đó nếu siêng hành sức nhẫn

Viên mãn nhẫn nhục Ba la mật.

Tinh tấn gánh nặng không mệt mỏi

Trong lòng cũng lại không sinh chán

Thân tuy tan hoại, lực giữ vững

Viên mãn tinh tấn Ba la mật.

Dù khi thân ấy sắp đoạn hoại

Chẳng nghĩ xả bỏ tâm bồ đề

Ở trong bụi phiền não tối tăm

Ra sức khiến chúng đều tiêu diệt.

Vì sức tu thiền định giải thoát

Thà nên hủy hoại thân của mình

Khiến khắp chúng sinh được lìa cấu

Viên mãn thiền định Ba la mật.

Ta quán thân này thật vô ngã

Giống như huyễn hóa, như ánh chớp

Người làm, người thọ thảy đều không

Trong đó, thật không mảy may pháp.

Với tấm thân khổ đau ràng buộc

Vì chúng sinh khéo độ thoát họ

Đến bờ kia, tự tha trọn vẹn

Viên mãn thắng tuệ Ba la mật.

Thường đối với pháp sâu chắc này

Phương tiện tư duy thường khéo tu

Có thể nhẫn chịu bức bách thân

Trong đó, không khởi các tội lỗi.

Nếu khi Bồ Tát nghe lời ác

Chớ có chê bai và hủy báng

Nghe rồi, không sinh tâm sân giận

Luôn khởi tâm từ khéo điều phục.

Xả bỏ sân hận các lỗi lầm

Bố thí thanh tịnh Ba la mật

Tâm từ rộng lớn vận hành khắp

Trì giới thanh tịnh Ba la mật.

Hiện khởi sức nhẫn đối trị lại

Nhẫn nhục thanh tịnh Ba la mật

Luôn khởi tinh tấn cầu trí Phật

Tinh tấn thanh tịnh Ba la mật.

Ở trong các cảnh tâm thường định

Thiền định thanh tịnh Ba la mật

Hiểu các âm thanh, không thủ đắc

Thắng tuệ thanh tịnh Ba la mật.

Bồ Tát nghe các lời ác rồi

Cần phải tư duy pháp sâu xa

Lãnh chịu được lời nói bức bách

Vì vậy chẳng chấp các lỗi lầm.

Giả sử trăm ngàn các chúng ma

Tà kiến, ngoại đạo cùng đi đến

Khuyên bảo xả bỏ phương tiện tu

Cho rằng quả bồ đề khó đắc.

Khi ấy, Bồ Tát tâm bất động

Sức mạnh tăng tiến tu tinh tấn

Vì vậy lãnh chịu bức bách tâm

Dù nhiều bức bách, đều không hoại.

Nhẫn nhục, tinh tấn đều song hành

Khéo tu an trú như núi chúa

Các điều bức bách đều lãnh chịu

Các chúng sinh cùng nhau dũng mãnh.

Tâm báu sửa trị người bức hại

Mười Lực Như Lai đều biết hết

Được thấy Đấng Giác Ngộ hiện chứng

Lại cũng được thọ ky thành Phật.

Lại nữa, Hải Ý! Thế nào là tâm báu nhất thiết trí đã phát của Bồ Tát giả như đâm cũng không thủng?

Nghĩa là nếu Bồ Tát đối với tâm nhất thiết trí kia không chỗ lãnh nạp, không chỗ chấp nương, cũng không chỗ trụ, không xuất, không nhập, không hý luận, không phân biệt, phá bỏ phân biệt, không chỗ an lập, nên dùng chánh trí như thật quán sát nơi pháp thâm diệu.

Pháp thâm sâu ấy là những pháp nào?

Đó là pháp tùy thuận duyên sinh, biết rõ, không nhờ đối tượng duyên, không đoạn, không thường, xa lìa sự hiểu biết thiên lệch, tự tánh vô ngã. Vì tự tánh vô ngã nên tất cả pháp cũng không có tự tánh. Các pháp xưa nay, sinh từ chỗ vô sinh, hiểu rõ về không, tin thuận vô tướng, vô nguyện, vô cầu.

Đối với tuệ chân thật không có tạo tác, rốt ráo vô thường, sắc như khối bọt, thọ như bọt nổi, tưởng như sóng nắng, hành như cây chuối, thức như trò huyễn. Các giới không động, các nhập cùng sinh, tâm không chỗ dừng, cũng không tác ý. Đối với việc làm tăng thượng hay việc làm chẳng tăng thượng, ở nơi pháp bình đẳng, hiểu rõ như thật.

Không có các loại hành tướng cùng một vị như nhau đều cùng trụ nơi đạo nhất thừa, tu trí đạo hạnh, dựa vào thắng nghĩa, dùng trí rõ hiểu nơi nghĩa, không chấp trước. Tất cả âm thanh ấy ngộ nhập phi âm thanh, trí biết tất cả âm thanh, đời trước, đời sau đều dứt, hai loại văn và nghĩa, trí nhập vô nhị, hiện chứng các pháp, nghĩa bất khả thuyết, nghĩa vô ngã là khổ trí.

Nghĩa rốt ráo là tập trí. Nghĩa không hòa hợp là diệt trí. Ngộ nhập hữu vi, vô vi bình đẳng là đạo trí. Lìa khoảng trước sau là thân niệm xứ. Sinh diệt không ngừng là thọ niệm xứ. Quán không đối tượng duyên là tâm niệm xứ.

Pháp Giới phi tánh giới bình đẳng, nghĩa là pháp niệm xứ. Nghĩa tâm tự tại là bốn chánh đoạn. Lìa các chướng ngại là bốn thần túc. Nghĩa xuất sinh là tín căn. Vô niệm là tinh tấn căn. Không tác ý là niệm căn. Siêu vượt hý luận là định căn. Không tin vào khác là tuệ căn. Đối tượng duyên không chướng ngại là tín lực. Thông đạt các lực là tinh tấn lực. Tâm đình trụ là niệm lực. Không gì lay động là định lực.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần