Phật Thuyết Kinh Phạm Thiên Thưa Hỏi - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH PHẠM THIÊN THƯA HỎI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẦN BẢY  

Này Phạm Thiên! nhất thiết trí đối với các pháp không có đối tượng thọ nhận.

Vì sao?

Vì nhất thiết trí không phải là pháp khí thọ nhận.

Này Phạm Thiên! Nói không phải là pháp khí, ở đây gọi là không vật mà có thể thọ nhận đầy đủ. Nói không vật tức gọi là không. Không đồng với hư không, gọi là nhất thiết trí. Vì ý nghĩa này nên không thể thọ nhận pháp.

Này Phạm Thiên! Ví như tất cả chỗ tạo tác đều nương nơi hư không mà hư không ấy không nương vào đâu. Do vậy trí nhất thiết trí đều từ nhất thiết trí phát sinh, nhưng nhất thiết trí không nương vào đâu cả.

Phạm Thiên Thắng Tư Duy bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nói nhất thiết trí thì nhất thiết trí ấy là gì?

Vì nghĩa gì mà gọi là nhất thiết trí?

Phật dạy: Này Phạm Thiên! Tất cả các hành nơi trí nhất thiết trí kia nhận biết đó là hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật và tất cả thế gian. Vì ý nghĩa đó, nên gọi là nhất thiết trí.

Các trí bình đẳng có nẻo hành: Biết các tâm, biết các hành, biết các tâm Từ Bi, biết các sở học, biết các sự phát khởi tu hành, gọi là nhất thiết trí.

Có thể xa lìa các tướng, có thể phá bỏ tất cả tri giác, gọi là nhất thiết trí.

Biết như thật cái gì đáng nói, cái gì không đáng nói, gọi là nhất thiết trí.

Biết như thật về tâm hành của tất cả chúng sinh, gọi là nhất thiết trí.

Biết như thật về tất cả trí chứng đắc, gọi là nhất thiết trí.

Biết như thật về trí vô học, trí của Thanh Văn, trí của Bích Chi Phật, biết như thật về tất cả các loại trí đều từ trong nhất thiết trí phát sinh ra. Do nghĩa đó nên gọi là nhất thiết trí.

Biết như thật về chánh hạnh đều từ nhất thiết trí phát sinh ra, nên gọi là nhất thiết trí.

Biết như thật tất cả các thứ thuốc, gọi là nhất thiết trí.

Có thể khiến tất cả đều dứt bệnh, gọi là nhất thiết trí.

Có thể xa lìa tất cả sự trói buộc nên gọi là nhất thiết trí.

Có thể diệt trừ tất cả tập khí phiền não, nên gọi là nhất thiết trí.

Vì thường ở nơi tất cả định nên gọi là nhất thiết trí.

Vì không chướng ngại đối với tất cả pháp nên gọi là nhất thiết trí.

Vì từ nhất thiết trí sinh ra tất cả trí tuệ thế gian và xuất thế gian nên gọi là nhất thiết trí.

Vì nhận biết tướng phương tiện của tất cẳ trí tuệ nên gọi là nhất thiết trí.

Này Phạm Thiên! Tất cả các pháp phương tiện đều từ pháp này phát sinh ra, nên gọi là nhất thiết trí.

Bấy giờ, Phạm Thiên Thắng Tư Duy bạch Phật: Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Trí tuệ của các Đức Phật, Như Lai là rất thâm diệu, tâm không có đối tượng duyên mà nhận biêt hành tướng của tâm, tâm sở của tất cả chúng sinh.

Bạch Thế Tôn! Nhất thiết trí ấy có vô lượng công đức như vậy, thì Thiện Nam, Thiện Nữ nào có trí tuệ, nghe lãnh thọ về nhất thiết trí mà chẳng phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ, Bồ Tát Võng Minh bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát nào đặt hy vọng về lợi ích của công đức mà phát tâm bồ đề thì sự phát tâm của vị ấy không phải là phát tâm của đại thừa.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp không có lợi ích của công đức, do không có chỗ đối trị.

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát không nên vì lợi ích của công đức mà phát tâm bồ đề.

Chỉ vì tâm đại bi, vì diệt trừ khổ não của chúng sinh, vì sinh các pháp thiện, vì giải thoát các tà kiến, diệt trừ các bệnh, xả bỏ những sự tham đắm về ngã sở, không thấy chỗ yêu ghét, không làm mất pháp thế gian vì nhàm chán pháp hữu vi, vì an trú nơi Niết Bàn nên phát tâm bồ đề.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát không nên cầu sự báo ân của các chúng sinh, cũng không nên xem xét họ có làm hay không làm. Lại đối với đau khổ hay an lạc tâm đều không lay động.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát với các thiện căn thanh tịnh?

Đức Phật dạy: Này Thiện Nam! Bồ Tát gồm đủ thiện căn, nếu sinh vào nơi của Chuyển Luân Thánh Vương không được gọi là thiện căn thanh tịnh. Nếu sinh vào nơi Vua Đế Thích, Vua Phạm Thiên cũng không gọi là thiện căn thanh tịnh.

Ở nơi chôn mình sinh cho dù là hàng súc sinh mà không đánh mất thiện căn cũng khiến cho chúng sinh tăng trưởng các thiện căn. Đó gọi là Bồ Tát với thiện căn thanh tịnh.

Lại nữa, này Bồ Tát Võng Minh! Thê nào là Bồ Tát với thiện căn thanh tịnh?

Này Thiện Nam! Bố thí là thiện căn thanh tịnh, vì xả bỏ tất cả tài vật.

Trì giới là thiện căn thanh tịnh, vì diệt trừ khổ não, đạt được sự trong lành mát mẻ.

Nhẫn nhục là thiện căn thanh tịnh, vì tâm không còn phân biệt.

Tinh tấn là thiện căn thanh tịnh, vì xa lìa mọi sự biếng trễ.

Thiền định là thiện căn thanh tịnh, vì không có suy nghĩ đến các thừa khác.

Trí tuệ là thiện căn thanh tịnh, vì xa lìa các kiến chấp.

Tâm Từ là thiện căn thanh tịnh, vì nhận thức bình đẳng.

Tâm Bi là thiện căn thanh tịnh, vì chân tâm thanh tịnh.

Tâm Hỷ là thiện căn thanh tịnh, vì vui thích nơi các pháp mà không sinh ái nhiễm.

Tâm Xả là thiện căn thanh tịnh, vì xa lìa các tội lỗi.

Không bỏ tâm bồ đề là thiện căn thanh tịnh, vì không tham đắm quả vị Thanh Văn và Bích Chi Phật.

Bấy giờ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ở trong đại chúng im lặng an trụ không có đàm luận.

Phạm Thiên Thắng Tư Duy bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ở trong đại chúng vì sao không thuyết pháp, chỉ có im lặng?

Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Hôm nay ở nơi Pháp Hội này, sao ông chỉ im lặng?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp mà Ngài chứng đắc có các tướng chăng?

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Pháp mà Như Lai chứng đắc không có hình tướng.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp ấy có thể giảng thuyết, trình bày và luận giải không?

Đức Phật dạy: Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Pháp ấy không thể thuyết giảng, không thể diễn đạt, không thể luận giải.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu pháp ấy không thể giảng thuyết, diễn đạt và luận giải thì không thể hiển bày.

Bấy giờ, Phạm Thiên Thắng Tư Duy thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát không vì chúng sinh mà thuyết giảng pháp sao?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Ở trong pháp tánh có thể có hai tướng chăng?

Phạm Thiên đáp: Không.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Tất cả các pháp không nhập vào pháp tánh sao?

Phạm Thiên đáp: Đúng vậy! Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Nếu pháp tánh ấy không có hai tướng, thì tất cả các pháp đều nhập trong pháp tánh.

Vậy tại sao lại vì chúng sinh Thuyết Pháp?

Phạm Thiên hỏi: Nếu như có giảng nói pháp cũng không có hai tướng sao?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Nếu quyết định có người thuyết pháp, có người nghe pháp thì có thể giảng nói pháp mà không có hai tướng.

Phạm Thiên hỏi: Như Lai đã có thể không thuyết pháp sao?

Bồ Tát Yăn thù sư lợi đáp: Này Phạm Thiên! Phật tuy giảng nói pháp nhưng không dùng hai tướng.

Vì sao?

Vì Như Lai Thuyết Pháp không có hai thuyết. Tuy có đối tượng được thuyết giảng mà không có hai tướng.

Phạm Thiên hỏi: Nếu tất cả pháp là không hai, tại sao các hàng phàm phu không hai mà làm thành hai?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Người phàm phu tham chấp nơi ngã nên phân biệt làm hai. Nếu không phân biệt làm hai thì trọn không phải là hai. Tuy lại mỗi mỗi phân biệt làm hai, nhưng nơi thật tế thì không có hai tướng.

Phạm Thiên hỏi: Làm sao nhận biết là không có hai pháp?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Nếu không có hai thì có thể nhận biết chẳng phải là không hai.

Vì sao?

Này Phạm Thiên! Không có hai tướng thì không thể nhận biết.

Này Phạm Thiên! Như Lai nói pháp không có hai pháp. Pháp ấy nói như vậy mà không phải là như vậy.

Vì sao?

Vì pháp ấy không có tên gọi, không có chương cú.

Phạm Thiên hỏi: Pháp Như Lai thuyết giảng có thủ chấp gì không?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Pháp Như Lai thuyết giảng không có chỗ chấp thủ.

Phạm Thiên hỏi: Phật thuyết pháp không giữ lấy về Niết Bàn sao?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Này Phạm Thiên! Đối với Niết Bàn, trong Niết Bàn, có giữ lấy và xả bỏ sao?

Phạm Thiên đáp: Niết Bàn luận là không đi, không đến.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Đúng vậy, này Phạm Thiên! Pháp mà Phật thuyết giảng thì không đi, không đến.

Phạm Thiên hỏi: Pháp này được lãnh hội như thế nào?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Lãnh hội đúng như chỗ Ngài thuyết giảng.

Như chỗ đã thuyết giảng là thế nào?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Như là không biết, không nghe tức đúng như điều Ngài thuyết giảng.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể lãnh hội pháp của Như Lai như vậy?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Người không tham chấp vướng mác, không rơi vào các cảnh giới.

Phạm Thiên hỏi: Ai có thể nhận biết pháp ấy?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Những người nào không tranh luận, không biết, không tùy hỷ.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào gọi là Tỳ Kheo nhiều tranh luận?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Nếu Tỳ Kheo cho thế này là tốt, thế này là xấu, thế này là tương ưng, thế này là không tương ưng, thì Tỳ Kheo ấy gọi là tranh luận.

Cái này là đúng, cái này là không đúng, cái này là nhơ, cái này là sạch, cái này là thiện, cái này là không thiện, pháp này là đáng khiển trách, pháp này không đáng khiển trách, pháp này là hữu lậu, pháp này là vô lậu.

Pháp này là thế gian, pháp này là xuất thế gian, pháp này là hữu vi, pháp này là vô vi, đây là trì giới, đây là phá giới, đây là có thể tạo tác, đây là không thể tạo tác, đây có thể đạt được, đây có thể không đạt được.

Này Phạm Thiên! Tỳ Kheo ấy gọi là tranh luận.

Này Phạm Thiên! Nếu đối với các pháp tâm luôn có sự cao thấp, tham vướng chấp chủ thọ nhận đều gọi là Tỳ Kheo tranh luận. Phật thuyết giảng pháp không có tranh luận.

Này Phạm Thiên! Người thích hý luận không gì là không tranh luận. Người ưa tranh luận không phải là pháp Sa Môn. Người ưa thích pháp Sa Môn thì không có vọng tưởng.

Phạm Thiên hỏi: Thế nào là Tỳ Kheo tùy thuận nơi Phật ngữ, tùy thuận nơi Phật Giáo?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Phạm Thiên! Nếu Tỳ Kheo đối với sự khen chê mà tâm không lay động thì gọi là tùy thuận nơi Phật Giáo. Không dựa theo văn tự, lời nói thì gọi là tùy thuận nơi Phật ngữ.

Lại nữa, nếu Tỳ Kheo diệt trừ tướng nơi tất cả các pháp, thì gọi là tùy thuận nơi Phật Giáo. Không trái đổì với nghĩa lý thì gọi là tùy thuận nơi Phật ngữ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần