Phật Thuyết Kinh Phật A Tỳ đàm Xuất Gia Tướng - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần

PHẬT THUYẾT KINH

PHẬT A TỲ ĐÀM XUẤT GIA TƯỚNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

 Pháp Sư Chân Đế, Đời Trần  

PHẦN NĂM  

Này Thiện Nam! Tuổi đã đủ hai mươi, ba y, bình bát đầy đủ chưa?

Cha mẹ đã cho phép chưa?

Cha mẹ còn sống hay đã chết?

Ngươi không phải là nô tỳ phải không?

Ngươi không phải là người trộm cướp phải không?

Ngươi không phải là quan viên tại chức phải không?

Ngươi không phải là người bị giam giữ phải không?

Ngươi không phải là đang bị đuổi bắt phải không?

Ngươi không phải là Vua, quan phải không?

Ngươi không phải là người bị Vua oán ghét phải không?

Ngươi không phải là người muốn làm Vua nên làm điều không lợi ích phải không?

Ngươi không phải là người làm Vua làm điều phiền muộn và khiến người làm điều ấy phải không?

Ngươi không phải là người trốn nợ phải không?

Ngươi không phải là người có liên quan đến ít nhiều vật của người khác phải không?

Ngươi không phải là người không thể đứng vững phải không?

Ngươi không phải là người đổi căn phải không?

Ngươi không phải là người có việc gấp gáp gì phải không?

Ngươi không phải là người bị mất căn phải không?

Ngươi không phải là huỳnh môn phải không?

Ngươi không phải là ngoại đạo phải không?

Ngươi không phải là người thân thiết với ngoại đạo phải không?

Ngươi không phải là tạp trụ phải không?

Ngươi không phải là vô trụ phải không?

Ngươi không phải là vô trụ phải không?

Ngươi không phải là súc sanh phải không?

Ngươi không phải là người biến hóa phải không?

Ngươi không phải là phi nhân phải không?

Ngươi không phải là người bỏ đạo phải không?

Ngươi không phải là người có tính ác phải không?

Ngươi không phải làm ô nhiễm Tỳ Kheo Ni phải không?

Ngươi không giết mẹ phải không?

Ngươi không giết cha phải không?

Ngươi không giết A La Hán phải không?

Ngươi không phá hòa hiệp Tăng phải không?

Ngươi không làm thân Phật chảy máu phải không?

Đều thưa: Dạ không!

Này Thiện Nam! Hãy lắng nghe, trong thân người nam có các bệnh sau đây: Bệnh cùi, bệnh hủi, bệnh ung nhọt, bệnh ghẻ lác, bệnh ghẻ lở, bệnh mụt nhọt, bệnh ốm gầy, bệnh ho đờm, bệnh khô người, bệnh động kinh, bệnh máu nóng.

Bệnh gân mạch, bệnh loãng máu, bệnh có khối u trong bụng, bệnh về miệng, bệnh nhiệt, lở miệng, bệnh nóng thân, nóng ngực, đau nhức xương cốt, bệnh nôn mửa, bệnh suyễn, bệnh nóng lạnh, đau buốt thân thể, nhức hông, đau lưng, bệnh sốt rét, một ngày, hai ngày, ba ngày bốn ngày, nhiều bệnh đau nhức xương răng v.v…

Trong thân của ngươi có các bệnh và các bệnh khác như vậy không?

Đáp: Thưa không!

Trước đây ngươi đã từng xuất gia chưa?

Đáp: Thưa chưa.

Nếu đáp đã từng xuất gia thì nên hỏi như sau: Ngươi trì giới không thiếu khuyết phải không?

Đáp: Thưa con không có tâm biếng nhác mà như pháp xả giới.

Trước đây, ngươi đã xuất gia, vậy tên gọi là gì?

Đáp: Con tên là…

Hòa Thượng của ngươi tên gì?

Đáp: Do ý nghĩa nơi nhân duyên mà Hòa Thượng của con tên là…

Xin Đại đức ghi nhận! giới tử tên… theo Hòa Thượng tên… cầu thọ giới Cụ Túc, giới tử tên… là người nam, tuổi đủ hai mươi, đầy đủ ba y, bình bát, tự nói thanh tịnh không có các nạn, giới tử tên…

Theo Đại đức Tăng cầu xin thọ giới Cụ Túc với Hòa Thượng… nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp nhận, Tăng truyền cho giới tử… giới Cụ Túc, với Hòa Thượng tên… bạch như vậy.

Xin Đại đức Tăng xin lắng nghe! Giới tử tên… theo Hòa Thượng tên… cầu thọ giới Cụ Túc, giới tử là người nam, tuổi đủ hai mươi, đầy đủ ba y, bình bát, tự nói thanh tịnh không có các nạn.

Giới tử tên… theo Tăng xin thọ giới Cụ Túc với Hòa Thượng… Tăng nay chấp nhận cho giới tử tên… thọ Cụ Túc với Hòa Thượng tên… các Trưởng Lão nào chấp nhận cho giới tử…

Thọ giới Cụ Túc với Hòa Thượng… thì im lặng. Ai không chấp thuận thì hãy nói ra. Đây là Yết Ma lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba cũng Yết Ma như lần đầu.

Đây là Yết Ma lần thứ ba.

Giới tử đã thọ giới Cụ Túc với Hòa Thượng… rồi, Tăng chấp thuận vì im lặng. Việc này xin ghi nhận như vậy, tính theo đó mà độ cho.

Ngươi tên… hãy lắng nghe pháp bốn y này, Đức Thế Tôn đã thấy rồi đã biết khắp, Đấng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, đã nói pháp bốn y cho Tỳ Kheo, nương theo đây mà xuất gia, thọ giới Cụ Túc, nương theo pháp bốn y này để xuất gia thọ giới Cụ Túc làm Tỳ Kheo trong pháp an nhiên.

Pháp bốn y này rất khó được, là như pháp, là vô ngại, bậc nhất không đắm nhiễm, đã được chế định từ xưa đến nay.

Những gì là bốn?

Tỳ Kheo nương vào y phấn tảo xuất gia thọ giới Cụ Túc làm Tỳ Kheo trong pháp an nhiên.

Ngươi tên là… có thể trọn đời mặc y phấn tảo không?

Đáp: Dạ có thể.

Nếu được người cúng dường suốt đời các loại: Một y được lựa chọn từ dạ trắng Y Mỏng, Y Tơ, Y Nạp, Y Sô Ma, Y Kiêu Xa Da, Y Xa Na, Y Bàng Già, Y Bằng Lông Lạc Đà, Y Bằng Lông Dài, Y Nhũng Cổ Bối, Y Tản Mị Để, Y A Lực Đa Kha, Y Ba Đâu La, Y Đề Bà Điền Để, Y Cao Ma Lợi, Y Chỉ Để, Y Ca Lê Ca, Y A Phán Na…

Những y như vậy hoặc có được từ Chúng Tăng, hoặc tự mình có được, ngươi nên biết để thọ nhận và cất giữ đúng lượng, ngươi có thể thực hành như vậy được không?

Đáp: Có thể được.

Ngươi… lắng nghe! Tỳ Kheo sống nương nơi gốc cây mà ở, xuất gia thọ giới Cụ Túc làm Tỳ Kheo trong pháp an nhiên có thể trọn đời sống nương nơi gốc cây mà ở được không?

Đáp: Có thể được. Nếu được cúng dường trọn đời, phòng nhà, bàn thờ, lầu gác, cung điện, xây theo hình bán nguyệt, phía trên thông thoáng mở cửa bốn hướng, bên trong có các bàn thờ hướng vào nhau, hoặc một bên có cửa sổ.

Hoặc ở chỗ có đường đi hoặc không có đường đi, am thất bằng cỏ, hoặc am thất bằng lá cây, hoặc thất cỏ, hoặc thất lá, hoặc thất bằng gỗ, hoặc lợp bằng cỏ, hoặc lợp bằng lá, hoặc lợp bằng gai, hoặc lợp bằng chiếu.

Hoặc ban thờ bằng đất, hoặc ban thờ bằng đá, hoặc nền cao, hoặc nền không cao, những loại như vậy, hoặc có được từ Chúng Tăng, hay tự mình có được, ngươi nên biết đúng lượng để thọ nhận và chứa giữ, ngươi có thể làm như vậy được không?

Đáp: Có thể được.

Ngươi… lắng nghe! Pháp bốn y này Đức Thế Tôn biết rõ, thấy rõ, Đấng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác đã giảng nói như vậy cho người thọ giới Cụ Túc làm Tỳ Kheo như vậy.

Nếu Tỳ Kheo không thực hành theo pháp này thì chẳng phải là Tỳ Kheo, chẳng phải là người xuất gia, chẳng phải là Thích tử, mất hết pháp Tỳ Kheo, thì rơi rụng, thì đoạn diệt, thì luân hồi, thì đoạ lạc, thì thối lui, không thể giữ gìn pháp của Sa Môn.

Như cây Đa La, bị chặt không thể sanh mầm, tăng trưởng tươi tốt trở lại, Tỳ Kheo cũng vậy, đối với bốn pháp này nếu không thực hành theo bất cứ pháp nào thì chẳng phải là Tỳ Kheo, chẳng phải là người xuất gia, chẳng phải là Thích tử, mất hết pháp Tỳ Kheo, phá hoại pháp của Sa Môn, là rơi rụng, là đoạn diệt, là luân hồi, là đoạ lạc, là thối lui, không thể giữ gìn pháp của Sa Môn.

Những gì là bốn?

Đức Thế Tôn biết rõ, thấy rõ, Đấng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác đã quở trách dâm dục là hố sâu, dâm dục là ô nhiễm, dâm dục là hoàn toàn tham đắm.

Nhiều tham đắm thì rơi xuống hố sâu đến chỗ tận cùng, dâm dục như vậy, là dối gạt, là hư vọng, là pháp vô minh, mê hoặc người nghe, hôi hám bất tịnh. Nếu có thể xa lìa dâm dục, vô dục là hoàn toàn tịch diệt. Ngươi tên… từ ngày hôm nay không được nhìn người nữ với tâm ái nhiễm, huống là hai người cùng nhau hòa hợp làm việc dâm dục.

Ngươi tên… Đức Thế Tôn đã dạy. Nếu Tỳ Kheo và Tỳ Kheo cùng học giới, không xả giới, nếu phá giới mà che đậy, làm việc không đúng hạnh, làm điều dâm dục, cho đến cùng với súc sanh, do việc này cho nên phạm pháp của Tỳ Kheo, phá hủy hạnh của Sa Môn, bị đoạ lạc, bị đoạn diệt, bị luân hồi, bị rơi rớt, bị thối lui, không thể giữ gìn pháp của Sa Môn.

Như cây đa la, bị chặt không thể nảy mầm, tăng trưởng tươi tốt trở lại, không thể sanh trưởng, Tỳ Kheo không thực hành theo pháp này cũng như vậy, chẳng phải là Tỳ Kheo, chẳng phải là Sa Môn, chẳng phải là Thích tử, mất hết pháp Tỳ Kheo, huỷ hoại pháp của Sa Môn, thì bị đọa lạc, bị đoạn diệt, bị luân hồi, bị rơi rớt, bị thối lui, không thể giữ gìn pháp của Sa Môn.

Ngươi từ hôm nay không được tái phạm, không lỗi đối với pháp này, phải gia tâm ghi nhớ giữ gìn liên tục, cẩn thận chớ buông lung. Nếu có chỗ nào, người nào làm việc này, ngươi đừng thuận theo.

Này Trưởng Lão!… Đức Thế Tôn với tri kiến của Ngài đã thấy rõ, biết rõ, Đấng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác đã quở trách, việc lấy của không cho, khen ngợi việc không lấy của không cho, ngươi tên… từ nay không được lấy vật của người không cho, cho đến một hạt trấu, một hạt mè cũng không được khởi tâm trộm cắp, huống chi là lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền.

Đức Thế Tôn đã giảng nói: Nếu Tỳ Kheo ở trong xóm làng, hoặc ở giữa đồng trống, đối với vật của người khác không cho mà khởi tâm trộm lấy, vật này không cho mà lấy, bị Vua hoặc quan bắt, hoặc đánh, hoặc trói hoặc đuổi.

Những người ấy nói: Này người kia ngươi là kẻ trộm, ngươi là kẻ ngu, ngươi là kẻ si, ngươi là kẻ ăn cắp. Nếu Tỳ Kheo phạm điều này chẳng phải là Tỳ Kheo, chẳng phải là Sa Môn, chẳng phải là Thích tử, mất hết pháp Tỳ Kheo, bị rơi rụng, bị đoạn diệt, bị đoạ lạc, bị thối lui, không thể giữ gìn pháp của Sa Môn.

Như cây đa la, bị chặt không thể sanh mầm xanh tươi lại được, không thể tăng trưởng, không thể to lớn, Tỳ Kheo cũng vậy, nếu phạm điều này chẳng phải là Tỳ Kheo, chẳng phải là Sa Môn, chẳng phải là Thích tử, mất hết pháp Tỳ Kheo, hủy hoại pháp của Samôn, bị rơi rụng, bị đoạn diệt, bị luân hồi, bị đoạ lạc, bị thối lui, không thể giữ gìn pháp của Sa Môn.

Ngươi từ hôm nay không được tái phạm, không nên phạm lỗi lầm đối với pháp này, phải gia tâm, ân cần ghi nhớ giữ gìn chánh niệm, cẩn thận đừng buông lung. Nếu có chỗ nào, người nào làm việc này, ngươi không được thuận theo.

Ngươi tên… Đức Thế Tôn với tri kiến của Ngài đã thấy rõ, biết rõ, Đấng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đằng Giác đã quở trách, việc sát sanh, khen ngợi hạnh xả bỏ sát sanh.

Ngươi tên… từ nay không nên phạm, cho đến các loại côn trùng như: Muỗi, mòng, kiến… không nên khởi tâm giết chúng, huống gì là giết người và thuộc loài người.

Ngươi tên… Đức Thế Tôn đã thuyết giảng: nếu Tỳ Kheo khởi tâm suy nghĩ, tự tay giết người hoặc thuộc loài người, hoặc cầm dao đưa cho người, hoặc sai người giết, hoặc thấy giết vui theo, hoặc khen ngợi việc giết, này người kia! Ngươi lại chịu sống với thân khổ, xấu ác, bất tịnh này.

Này người kia! Thà chết còn hơn! Ngươi chết còn tốt hơn sống! Hoặc khởi tâm vui theo, hoặc suy nghĩ, dùng vô số nhân duyên khen ngợi sự chết.

Nếu người do đó mà chết thì chẳng phải là Tỳ Kheo, chẳng phải là Sa Môn, chẳng phải là Thích Tử, mất hết pháp Tỳ Kheo, hủy hoại pháp của Sa Môn, bị rơi rụng, bị đoạn diệt, bị luân hồi, bị đọa lạc, bị thối lui, không thể giữ gìn pháp của Sa Môn.

Như cây đa la, bị chặt không thể sanh mầm xanh tươi lại được, không thể tăng trưởng, không thể to lớn, Tỳ Kheo cũng vậy, nếu phạm điều này chẳng phải là Tỳ Kheo, chẳng phải là Sa Môn, chẳng phải là Thích tử, mất hết pháp Tỳ Kheo, hủy hoại pháp của Sa Môn, bị rơi rụng, bị đoạn diệt, bị luân hồi, bị đoạ lạc, bị thối lui, không thể giữ gìn pháp của Sa Môn.

Ngươi từ ngày nay không được tái phạm, không nên phạm lỗi lầm đối với pháp này, phải gia tâm, ân cần ghi nhớ giữ gìn chánh niệm, cẩn thận đừng buông lung. Nếu có chỗ nào, người nào làm việc này, ngươi đừng thuận theo.

Ngươi tên… Đức Thế Tôn với tri kiến của Ngài thấy rõ, biết rõ, Đấng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đã quở trách việc nói dối, khen ngợi hạnh không nói dối.

Ngươi tên… Từ hôm nay không nên nói dối, cho đến nói đùa cũng không được, huống là thật sự không có mà nói là có, pháp hơn người, có trí tuệ hơn hẳn Pháp của bậc Thánh, hoặc tự cho mình chứng đắc tự cho mình hiểu biết, nên nói như vậy: Tôi biết như vậy, thấy như vậy. Ngươi tên…

Đức Thế Tôn đã dạy: Nếu Tỳ Kheo không biết, chưa từng biết, không có mà nói có, nói pháp hơn người, đã chứng đắc cảnh giới của Bậc Thánh, hoặc chứng hoặc thấy. Tôi biết như vậy, thấy như vậy.

Thế nào là biết?

Là biết khổ, biết tập, biết diệt biết đạo.

Thế nào là thấy?

Là thấy Trời, thấy Rồng, thấy Dạ Xoa, thấy A Tu La, thấy Ca Lầu La, thấy Càn Thát Bà, thấy Khẩn Na La, thấy Ma Hầu La Già, thấy Ngạ Quỷ, thấy Quỷ Cưu Bàn Tra cho đến Quỷ Phấn Tảo.

Trời cũng thấy tôi, Rồng, Dạ Xoa, A Tu La, Ca Lâu La, Càn Thát Bà, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Ngạ Quỷ, Quỷ Cưu Bàn Trà cho đến Quỷ Phấn Tảo cũng đều thấy tôi.

Tôi cũng đi đến chỗ Trời, Rồng, Dạ Xoa, A Tu La, Ca Lầu La, Càn Thát Bà, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Ngạ Quỷ, Quỷ Cưu Bàn Trà cho đến Quỷ Phấn Tảo.

Trời cũng đi đến chỗ tôi, Rồng, Dạ Xoa, A Tu La, Ca Lầu La, Càn Thát Bà, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Ngạ Quỷ, Quỷ, Cưu Bàn Trà cho đến Quỷ Phấn Tảo cũng đều đi đến chỗ tôi.

Tôi nói với Trời: Cùng nhau thăm hỏi, cùng nhau bàn luận, tôi cũng nói chuyện với Rồng, Dạ Xoa, A Tu La, Ca Lầu La, Càn Thát Bà, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Ngạ Quỷ, Quỷ Cưu Bàn Trà cho đến Quỷ Phấn Tảo, cũng cùng nhau thăm hỏi, cùng nhau bàn luận. Trời cũng nói chuyện với tôi, cùng nhau thăm hỏi, bàn luận.

Rồng, Dạ Xoa, A Tu La, Ca Lầu La, Càn Thát Bà, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Ngạ Quỷ, Quỷ Cưu Bàn Trà cho đến Quỷ Phấn Tảo cũng đều nói chuyện với ta, cùng tôi thăm hỏi, bàn luận. Những điều mà họ có được thì tôi cũng đạt được.

Như tưởng về vô thường, tưởng về khổ, tưởng về vô ngã, tưởng về nhàm chán sự ăn uống, tưởng về tất cả thế gian không hề an vui, tưởng về bất tịnh, tưởng về màu xanh, tưởng về trắng, tưởng về sự phình trướng máu mủ, tưởng về sự phân rã, tưởng về nhàm chán, tưởng về ly dục, tưởng về diệt, tưởng về xương cốt, tưởng về quán không.

Họ đạt được như vậy, tôi cũng đạt được từ, bi, hỷ, xả như vậy, chứng đắc Thiền thứ nhất, Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, Vô sỡ hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thần túc lực, thiên nhĩ thức, thiên nhãn thức, túc mạng thông, lậu tận thông, tôi là bậc A La Hán đã được tám Thiền giải thoát.

Nếu Tỳ Kheo phạm điều này, thì chẳng phải là Tỳ Kheo, chẳng phải là Sa Môn, chẳng phải là Thích Tử, mất hết pháp của Tỳ Kheo, hủy hoại pháp của Sa Môn, rời rụng, bị đoạn thiệt, bị luân hồi, bị đọa lạc, bị thối lui, không thể giữ gìn pháp của Sa Môn.

Giống như cây Đa la bị chặt, không thể sanh mầm tươi tốt lại được, không thể tăng trưởng, không thể to lớn, Tỳ Kheo phạm điều này, cũng vậy không phải là Tỳ Kheo, không phải là Sa Môn, không phải là Thích tử, mất hết pháp của Tỳ Kheo, hủy hoại pháp của Sa Môn, rơi rụng, bị đoạn diệt, bị luân hồi, bị đọa lạc, bị thối lui, không thể giữ gìn pháp của Sa Môn.

Ngươi… từ hôm nay không được trái phạm, không phạm lỗi lầm đối với pháp này, nên gia tâm, ân cần nhớ nghĩ, giữ gìn chánh niệm, cẩn thận đừng buông lung, nếu chỗ nào và người nào làm điều này ngươi đừng thuận theo.

Pháp bốn y này Đức Thế Tôn đã biết, đã thấy Đấng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri giảng nói cho người xuất gia thọ giới Cụ Túc làm Tỳ Kheo, thực hành pháp Sa Môn, để làm một Sa Môn hoàn hảo, căn Tỳ Kheo suốt đời phải tu học.

Những gì là bốn?

Ngươi… bị mắng chửi, không nên mắng chửi lại. Đây là pháp thứ nhất của Sa Môn. Điều này ngươi phải suốt đời nên tu tập theo.

Nếu bị người khác giận dữ không nên giận dữ lại. Đây là pháp thứ hai của Sa Môn. Đối với pháp này, ngươi suốt đời nên tu học.

Nếu bị chê trách, không nên chê trách lại. Đây là pháp thứ ba của Sa Môn. Đối với pháp này, ngươi suốt đời nên tu học.

Nếu bị đánh đập, không nên đánh đập lại. Đây là pháp thứ tư của Sa Môn. Đối với pháp này, ngươi suốt đời nên tu học. Đây là bốn pháp nên học.

Ngươi tên… lắng nghe! Ngươi đã mong cầu được lâu dài ở trong giáo pháp an nhiên, xuất gia thọ giới Cụ Túc làm Tỳ Kheo. Nếu người xuất gia được gặp Hòa Thượng như pháp, được A Xà Lê như pháp, được Chúng Tăng như pháp, bạch tứ Yết Ma ở chỗ yên tĩnh như pháp.

Nếu Tỳ Kheo xuất gia thọ giới Cụ Túc làm Tỳ Kheo, học theo pháp này được một trăm năm thì cùng một giới với người mới xuất gia thọ giới Cụ Túc, đồng học đồng nói một giới Ba La Đề Mộc Xoa. Ngươi nên gần gữi ở nơi này cho đến suốt đời nên cúng dường Hòa Thượng.

Hòa Thượng của ngươi có bệnh, ngươi phải chăm sốc, ngươi ở với Hòa Thượng cho đến lúc qua đời, đối với Hòa Thượng nên nghĩ như Cha, Hòa Thượng cũng đối với ngươi xem như là con. Ngươi… từ hôm nay đối với người đồng học, phải nên cung kính, nên hoan hỷ, nên lo sợ, cẩn thận tùy thuận bậc Thượng Tọa cho đến Hạ Tọa.

Từ hôm nay phải luôn theo học, đọc tụng, thọ trì, giảng nói, phải khéo học, phân biệt rõ ràng về các ấm, phân biệt rõ ràng về các giới, phân biệt rõ ràng về các nhập, phân biệt rõ ràng về mười hai nhân duyên, nên bỏ gánh nặng xuống, chưa được thì làm cho được, chưa giải thoát, làm cho giải thoát, chưa chứng làm cho chứng. Ngươi phải tu học, nên dứt hết các lậu.

Ngươi tên… hãy lắng nghe! Hôm nay ta ở trong Chúng Tăng, vì ngươi mà thuyết giới tối thắng này, còn các giới khác, Hòa Thượng, A Xà Lê… sẽ phân biệt giảng nói cho ngươi.

Ngoài ra, các Tỳ Kheo đồng học, cùng nói chuyện, cùng bàn luận, lại cùng nhau khen ngợi vui vẻ, đồng Hòa Thương, đồng A Xà Lê cũng sẽ giảng nói cho ngươi. Trong mỗi nửa tháng thuyết giới, người nên đến để nghe. Ngươi… đã thọ giới Cụ Túc, đối với giáo pháp trí tuệ tối thắng, ngươi phải khéo léo gần gũi.

Gặp được giới pháp này là rất khó, thân tướng trang nghiêm, làm người xuất gia thanh tịnh, thọ giới đã giảng thuyết. Đây mới thật sự là Chánh Giác, là tri kiến thiện. Ngươi… đã ba trăm mười thọ giới Cụ Túc, ngươi hãy khéo giữ gìn, cẩn thận đừng buông lung.

Đức Thế Tôn vì các Tỳ Kheo, giảng nói về sự thọ giới Cụ Túc như vậy.

Lúc ấy, có Tỳ Kheo, mới một hạ lạp, độ người thọ giới Cụ Túc. Ở đây, có duyên khởi riêng, nên làm tròn bổn phận của mình. Như vậy, Tỳ Kheo hai hạ lạp, ba hạ hạp, bốn hạ hạp, năm hạ hạp, độ người xuất gia thọ giới Cụ Túc. Tỳ Kheo đem việc này bạch Phật.

Phật dạy: Tỳ Kheo một hạ lạp không được độ người xuất gia thọ giới Cụ Túc, cho đến chín hạ lạp cũng không được độ người xuất gia thọ giới Cụ Túc, nếu độ người xuất gia thọ giới Cụ Túc, phạm Sa Để Sa La.

Mười hạ lạp thì được độ người xuất gia thọ giới Cụ Túc. Khi đó, Đức Thế Tôn cho phép Tỳ Kheo mười hạ lạp tuổi hạ được độ người xuất gia thọ giới Cụ Túc.

Lúc này, có Tỳ Kheo đủ mười tuổi hạ, độ người xuất gia thọ giới Cụ Túc, nhưng vị Tỳ Kheo mười tuổi hạ này rất ngu si, rất chậm chạp, không sáng suốt, chẳng biết phương tiện… Tự mình chưa điều phục mà muốn điều phục người khác… điều đó không thể có.

Đức Phật dạy: Người đủ mười tuổi hạ nhưng chưa biết rõ ràng, không được được độ người xuất gia thọ giới Cụ Túc, nếu độ người xuất gia thọ giới Cụ Túc, phạm Sa Để Sa La.

Người đủ mười tuổi hạ, thông minh, biết gánh vác Phật Sự, thì được độ người xuất gia thọ giới Cụ Túc. Nếu không thực hành theo lời dạy như vậy, phạm Sa Để Sa La.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần