Phật Thuyết Kinh Tâm Minh

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH TÂM MINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hoá đến núi Linh Thứu, trong thành Vương Xá, cùng đông đủ năm trăm vị Tỳ Kheo và tứ bộ chúng. Một hôm vào lúc sáng sớm, Đức Phật đắp y ôm bát đến một huyện khất thực.

Chư Thiên, Long thần bay ở trên theo hầu. Khi đến trước của cổng đóng của nhà Phạm Chí, Đức Phật phóng ánh hào quang lớn chiếu khắp mười phương.

Khi ấy, vợ Phạm Chí đang nhen lửa nấu cơm, vừa thấy vầng hào quang tự nhiên toàn thân tràn đầy sự an lạc mát mẻ, tâm bà suy nghĩ: Ánh sáng chiếu rọi sáng hôm nay không giống ánh sáng mặt trời, mặt trăng, hay của Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Thiên Vương hoặc của Chư Thiên.

Bà cung kính mỉm cười vui mừng hơn bao giờ hết, đoạn xoay đầu lại thấy Đức Phật hình dáng đoan chánh tuyệt đẹp, oai nghi kỳ lạ như mặt trăng giữa các vì tinh tú, như ánh sáng bình minh xuất hiện ở chóp núi. Tất cả tướng hảo đầy đủ. Thân thể thanh nhã không có một vẻ xấu nào, đạt được tịch tĩnh tối thượng, đắc đệ nhất định.

Như Chuyển Luân Vương quang lâm đại bảo điện có quan cận thần theo hầu. Lại như Đế Thích ngự trì cung Trời Đao Lợi, như Phạm Thiên Vương ở ngôi tôn quý thứ bảy, như đứng trên đỉnh Tuyết Sơn thấy rõ mọi vật xung quanh.

Vợ Phạm Chí lòng vui mừng hớn hở gấp bội và nghĩ ngợi: Nay được thấy Phật và chúng đệ tử thật là thoả lòng ước nguyện. Ta muốn đem thức ăn dâng cúng cho bậc Chánh Giác, nhưng thầm nghĩ là có ông chồng ngu không có đức tin lòng còn sáu mươi hai là kiến ngoại đạo, thấy ta cúng dường chắc không vui lòng.

Có lẽ đời trước quá nhiều tội lỗi nên ta mất tướng hùng dũng của người nam, phải lấy thân nữ như người bị trói buộc.

Muốn cúng dường Thế Tôn không được thoả lòng mong muốn, mà thuận theo ý phải làm thế nào?

Nghĩ vậy nhưng vợ Phạm Chí cũng lấy bát nước cơm dâng lên Đức Phật. Nhờ thần thông của Phật tự nhiên trong bát nước cơm có trăm nghìn thứ mùi vị ngon.

Đức Phật tiếp nhận bát nước cơm rồi có lời khen ngợi rằng:

Giả sử trăm con ngựa

Yên cương đính bạc vàng

Ân huệ thí cho người

Không bằng bát nước cơm

Thiết bày xe bảy báu

Chở đầy ấp chân châu

Bát nước cơm cúng Phật

Phước này hơn phước kia

Nếu thí trăm Bạch tượng

Ngọc minh châu anh lạc!

Cúng dường Phật nước cơm

Phước này siêu thắng hơn

Như Chuyển Luân Thánh Vương

Và Hoàng Hậu Phổ Hiền

Đoan chánh không ai bằng

Thân anh lạc bảy báu

Mỗi thứ có hàng trăm

Nhiều loại đẹp như thế

Tất cả thí cho người

Không bằng bát nước cơm.

Khi ấy, Phạm Chí đang đứng yên lặng nghe Phật khen ngợi, tâm còn nghi ngờ nên đến trước Phật hỏi: Kính thưa Thế Tôn! Làm sao một bát nước cơm mà cũng được Thế Tôn tán thán như thế?

Còn như đem nhiều thứ châu báu như: Ngựa, voi, xe cộ… để cúng dường thì không thể chê được, mà sao nói không bằng cúng dường bát nước cơm. Bát nước cơm ấy không đáng một tiền lại khen gấp bội như vậy ai mà tin cho được.

Đức Thế Tôn liền hiển lộ tướng lưỡi rộng dài che lên khuôn mặt Ngài, lên đến Phạm Thiên rồi mới bảo Phạm Chí: Ta từ vô số trăm ngàn ức kiếp thường chí thành hành Lục Độ vô hạn định, đem an lạc cho tất cả Hữu Tình mà không tham tiếc nên mới được tướng lưỡi này.

Lẽ nào Ta nói vọng ngữ mà được tướng lưỡi dài như thế này ư?

Ta muốn hỏi ông, ông hãy thành thật mà đáp: Ông đã từng đi qua lại trong thành La Duyệt Kỳ ở nước Xá Vệ, trên đường có cây tên Ni Câu loại tàng cây của nó có thể che rợp mọi người và năm trăm cổ xe phải không?

Dạ đúng thưa Thế Tôn, con người cũng thấy như vậy.

Hạt giống của nó lớn như thế nào?

Dạ lớn bằng hạt cải.

Ông thật hai lưỡi.

Nếu như bằng cây cải làm sao to lớn thế?

Dạ thưa Thế Tôn, con không dám nói dối.

Đức Thế Tôn lại hỏi: Nếu như trồng hạt cải sinh thành cây to lớn, thì mảnh đất ấy không đủ chỗ cho sự sinh sôi phát triển và tàng cây toả rộng che phủ của cây cải, huống chi Như Lai Vô Thượng Chí Chơn, Đẳng Chánh Giác, lành thay là người phước hội phổ thắng, đắc giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, đại từ đại bi vô bờ vô bến, đem bữa ăn cúng dường cho Như Lai công đức khó đo lường.

Phạm Chí im lặng không nói nữa. Khi ấy, Đức Phật mỉm cười hào quang năm sắc từ miệng phóng ra chiếu khắp mười phương Cõi Trời, người, muôn loài trong năm đường, tâm đều vui vẻ. Còn ngạ quỷ no đầy, thống khổ ở đại ngục dừng lại, súc sinh ý khai ngộ tội tiêu trừ. Luồng hào quang phóng rồi đoạn quay lại chỗ Phật.

Pháp cười của Chư Phật thường có tướng tốt như: Quyết định thọ ký cho hàng Bồ Tát, thì ánh hào quang chiếu khắp mười phương rồi theo đỉnh của Phật nhập vào. Thọ ký cho hàng Duyên Giác, thì vầng hào quang nhập vào giữa trán. Thọ ký hàng Thanh Văn hào quang nhập vào vai.

Thuyết chuyện sinh Thiên hào quang nhập vào rốn, thuyết chuyện giáng xuống làm người hào quang nhập vào đầu gối, thuyết về tam đồ khổ hào quang nhập vào lòng bàn chân. Nụ cười hân hoan của Chư Phật không vì dục mà cười, không vì sân, si, phóng dật, lợi dưỡng, vinh hoa, phú quí mà cười.

Nay Đức Phật phổ độ thương xót tất cả chúng sanh, hành pháp đại bi không vì bảy pháp đó mà cười. Hiền Giả A Nan phân biệt bảy pháp nên biết pháp, thấy nghĩ hiểu đúng thời, thông suốt sự việc trong chúng hội.

Tự mình tư duy phản tỉnh hiểu được căn tánh mọi người, liền đứng dậy chỉnh y phục, quì gối bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Vì sao Thế Tôn cười xin Thế Tôn nói ý đó.

Phật bảo A Nan: A Nan! Ông thấy vợ Phạm Chí phát tâm lớn không?

Dạ thưa Thế Tôn thấy.

Phật bảo: Người phụ nữ này sau khi chết sẽ chuyển thân nữ thành thân nam, sinh lên Cõi Trời thành đấng cao quí trong Chư Thiên, sinh ở thế gian là người trên mọi người. Cô ấy hiểu được diệu pháp thâm sâu, rõ các pháp duyên sinh như huyễn, như hoá, như ánh Trăng trong nước, như tiếng vang, như hơi đất.

Trải qua ba mươi kiếp sẽ thành Phật Hiệu là Minh Tâm Như Lai, Chí Chơn Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Vị, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sỹ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư Hiệu Phật, Thế Tôn.

Phạm Chí kính phục năm vóc gieo xuống đất khắc tâm, tự trách và nói lời sám hối: Con như đứa bé ngu si ám độn, hoài nghi do dự không biết Đại Thánh, nói năng vô lễ, hoàn toàn tội lỗi.

Phật bảo: Lành thay! Lành thay! Nếu ông tự thấy lỗi quay về tôn kính Đức Phật, theo phép tắc luật lệ của đạo nếu ăn năn hối cãi lỗi cũ, thì tội lỗi đó tiêu trừ phước đức ngày càng tăng dần.

Phạm Chí kính cẩn bạch: Kính thưa Thế Tôn! Nguyện xin Thế Tôn đại từ gia ân rũ lòng thương xót cho phép con được xuất gia. Đức Phật liền nạp thọ cho Phạm Chí làm Sa Môn, cạo bỏ râu tóc, thân thọ pháp y.

Thế Tôn giảng tứ Thánh đế: khổ, tập, diệt, đạo. Phạm Chí vui mừng giác ngộ lậu hoặc đoạn tận.

Phật nói như vậy, Hiền Giả A Nan và tất cả tứ bộ chúng: Trời, Người, Long Thần,… đều phát ý đạo hoan hỷ đảnh lễ thối lui.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần