Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Bồ Tát Hỏi đạo Tiên A La La - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẨM HAI MƯƠI SÁU

PHẨM BỒ TÁT HỎI

ĐẠO TIÊN A LA LA  

PHẦN MỘT  

Khi Bồ Tát từ biệt hai sứ giả Đại Thần và Quốc Sư Bà La Môn của Phụ Vương, cả hai sứ giả đều rơi lệ.

Sau khi từ giã, Ngài từ từ ra đi hướng về thành Tỳ Xá Ly. Trên đường chưa đến thành, qua chỗ tu tập của một Tiên Nhân, họ Ca Lam tên A La La.

Một đệ tử của Tiên Nhân trông thấy Bồ Tát đi về phía mình nên ngạc nhiên vô cùng, vì từ khi sinh ra cho đến ngày hôm nay chưa từng thấy sự việc này, vội chạy về chỗ Tôn Sư đang ngồi.

Đến nơi, hướng về các vị Đồng Tử bạn học, anh ta lớn tiếng xưng danh tánh mỗi người trong chúng, đây là nhân giả Bạt Già Bà, kia là nhân giả Di Đa Ma La, nọ là nhân giả Thiết Ma.

Này các Đồng Tử, các vị hãy nói rằng: Chúng ta ngày nay đều hoan hỷ, nên từ bỏ pháp cúng tế này. Ngày nay ở đây có bậc đại đức nhân giả là khách phương xa đến, cần phải nghinh tiếp.

Vị nhân giả này đã nhàm chán sự trói buộc của các phiền não, muốn cầu giải thoát vô thượng chí chân, là con của Đại Vương Tịnh Phạn, chúa dòng họ Thích, các tướng trang nghiêm, thân như trụ vàng.

Hào quang tỏa sáng rất mực oai nghiêm, cánh tay rũ xuống, bàn tay quá gối, bàn chân bước đi in hình bánh xe ngàn tăm, dáng đi ung dung oai vệ trông như trâu chúa, vòng hào quang đầy oai đức như vầng mặt nhật, thân như vàng ròng mặc y Ca Sa.

Chúng ta được nhiều phước lợi, nên Đấng Vô Thượng Tối Tôn đang từ từ đi đến. Chúng ta tùy theo khả năng của mình mà chuẩn bị nghinh đón tôn trọng cung kính lễ bái, cúng dường đầy đủ không được thiếu sót.

Rồi đồng tử đọc kệ ca ngợi Bồ Tát:

Ung dung đi bộ thật oai nghiêm

Đôi mắt trông nhìn như trâu chúa

Thân đủ tướng tốt thật trang nghiêm

Tất cả các lông mịn hướng lên,

Bánh xe ngàn căm dưới bàn chân

Lông trắng giữa mày xoay tròn đẹp

Cánh tay khỏe thẳng buông thong thả

Bậc Đại Sư tử trong nhân loại.

Đồng Tử đọc kệ tán thán Bồ Tát, rồi lại bảo các Đồng Tử khác: Nay tất cả các vị Đồng Tử, chúng ta hãy cùng nhau đến gặp Tôn Sư thưa hỏi việc này. Họ cùng nhau kéo về bên Tôn Sư A La La. Đến nơi, họ khép nép trình bày thưa hỏi mọi việc ở trước.

Lời thưa hỏi của các Đồng Tử vừa dứt, ngay lúc đó Bồ Tát ung dung bước đến chỗ Tiên A La La.

Tiên Nhân A La La trông thấy Bồ Tát, khi Ngài gần đến nơi, vị ấy tự nhiên lên tiếng xướng to: Lành thay! Thánh Tử mời đến đây!

Bồ Tát tiến đến bên cạnh Tiên Nhân, hai người đối mặt cùng nhau vấn an sức khỏe: Ít bệnh, ít não, có an ổn hay không?

Vấn an rồi Tiên Nhân A La La mời Bồ Tát an tọa trên tấm thảm cỏ.

Có kệ:

Hai người hội ngộ rất vui mừng

Ít não, ít bệnh hỏi thăm nhau

Đàm đạo vấn an trong chốc lát

Thảm xanh thanh tịnh trải khách ngồi.

Khi Bồ Tát đã an tọa trên thảm cỏ, Tiên A La La chú tâm quán sát thân hình Bồ Tát từ đầu đến chân, lòng rất vui mừng thấy việc chưa từng có, với giọng nói hòa nhã đẹp ý cùng nhau đàm đạo.

Tiên Nhân đem lời ca ngợi Bồ Tát: Nhân giả Cù Đàm, tôi từ lâu nghe danh nhân giả là bậc Trượng phu, xá bỏ Vương vị, cắt đứt màn lưới thân ái ô nhiễm vượt thành xuất gia, như voi chúa thoát khỏi xiềng xích sắt kiên cố, dứt hẳn mọi sự ràng buộc ra sau, tự do vượt khỏi, tùy ý ra đi.

Đúng như vậy! Như vậy, ngày nay nhân giả tâm chí dũng mãnh, xả bỏ cung điện vào nơi núi rừng, đối với mọi hoàn cảnh biết đủ ít muốn, là bậc đại trí tuệ.

Bạch nhân giả Cù Đàm, Ngài đã làm được việc hiếm có như vậy. Đối với công đức phú quý thế gian, Ngài đã đạt được không màng đến, cạo bỏ râu tóc vào núi rừng, việc này thật khó làm.

Còn các Vua đời trước được đầy đủ phước báo của một ngôi vua, thỏa mãn thú vui ngũ dục, đến lúc tuổi già làm lễ quán đảnh cho Thái Tử để trao lại ngôi Vua, rồi sau đó mới rời bỏ nội cung xuất gia đi vào núi rừng tu hành cầu đạo.

Việc này không phải là việc khó, cũng chẳng phải ít có ở đời. Theo chỗ tôi biết, nhân giả tuổi trẻ mà chẳng ham ngũ dục, chẳng màng thế lực phú quý giàu sang, giữ vững tâm mình đến đây cầu đạo.

Ngài đã được ngôi Chuyển Luân Thánh Vương không thể nghĩ bàn, là cảnh giới cao tột, chính đang tuổi đầy sức lực, mà làm chủ được tâm ý, không đam mê dục vọng, chí cầu giải thoát, không bị cảnh đời ràng buộc. Các căn không bị cảnh giới sáu trần cám dỗ, cảnh giác được tất cả khổ trong các cõi, chẳng bị chúng trói buộc.

Tại sao vậy?

Thuở xưa có vị Vua hiệu Đảnh Sinh, nhà Vua thống lãnh bốn châu thiên hạ, thế mà vẫn cho là chưa đủ, bay lên tận Cõi Trời Ba Mươi Ba, được chúa Trời Đế Thích nhường cho nửa tòa ngồi, do vì trong tâm tham lam không biết đủ, liền khi đó mất hết phước báo ngũ dục, bị đọa lạc nơi trần gian.

Lại có vị Vua hiệu Na Hầu Sa cũng làm Vua cai trị bốn châu thiên hạ, lên Cõi Trời Đao Lợi giáo hóa Chư Thiên, thế mà vẫn cho là chưa đủ, nên cũng mất ngôi Thánh Vương, đọa lạc nơi nhân gian.

Cùng các trường hợp này có các Vua như: La Ma, Đà La Hô Di, A Ba Ba Tra Ca, lại có các Chuyển Luân Thánh Vương, khi được ngôi Vua tâm không biết đủ, nên đều bị mất sạch cảnh phú quý của một vị Vua. Ở đời không mấy ai khi đạt được cảnh phú quý tột đỉnh, mà họ lấy làm thỏa mãn. Ví như đống lửa lớn được thêm củi lại càng cháy mạnh.

Tiên A La La dứt lời, Bồ Tát lại nói: Thưa nhân giả Đại Tiên, tôi thấy sự đời là như vậy, lại quán sát tất cả pháp thế gian giống như cây chuối bên trong không cứng chắc, rốt cuộc bị hư nát. Do vậy, tuy tôi được ngôi vua, sợ không biết đủ, không cầu tự lợi, xa lìa dục lạc.

Tôi biết như vậy rồi du phương mọi nơi tìm cầu Chánh Đạo. Như có người đi trong đồng hoang mất bạn đồng hành, không biết phương hướng, không rõ tói đi, lại không có người hướng đạo, mới đi khắp đó đây để tìm kẻ chỉ lối. Tôi nay cũng vậy. Bồ Tát vừa nói lời như vậy.

Tiên A La La liền bạch Bồ Tát: Thưa nhân giả Cù Đàm, tôi từ lâu đã biết được tư tưởng của Đại Sĩ, nên biết đối với sự giải thoát, nhân giả là bậc rất tài giỏi. Bấy giờ trong đại chúng có một Đồng Tử là đệ tử của Tiên A La La chắp tay bạch bổn sư xin tán thán Bồ Tát.

Đồng Tử nói: Thưa thầy, vị này thật hy hữu không thể nghĩ bàn, biết rõ tâm mình. Còn các Vua thuở xưa khi còn niên thiếu ở trong cung điện thọ hưởng ngũ dục, rồi sau đó đến tuổi già râu tóc bạc trắng, họ mới làm lễ quán đảnh truyền trao ngồi Vua cho Thái Tử, để vào rừng núi tu tập hành đạo, mà thành Tiên.

Còn người này không phải vậy, đang niên thiếu sức lực cường tráng, rất ít tật bệnh, khí lực sung túc, tóc đen như quạ, thân thể mềm dẻo, tinh thần hết sức dũng mãnh, chẳng thiếu vật gì.

Chính là thời kỳ tâm ý buông lung say đắm thú vui ngũ dục, lại được Phụ Vương tuổi già trao cho Vương vị.

Thế mà người chẳng màng địa vị, chẳng ham phước báo, lìa bỏ thế gian, xuất gia vào núi cầu đạo.

Tiên A La La bạch Bồ Tát: Nhân giả phát tâm muốn cầu việc gì, muốn thành tựu đạo quả gì, mới phát tâm vào chốn rừng núi này?

Bồ Tát đáp: Thưa Tôn Giả Đại Sư, tôi thấy tất cả chúng sinh ở thế gian bị sinh, già, bệnh, chết trói buộc không thể vượt khỏi, nên nay tôi phát tâm tinh tấn như vậy.

Tiên A La La lại hỏi: Thưa nhân giả Cù Đàm, Ngài phát sinh Tuệ Nhãn như vậy, phát sinh tưởng như vậy, điều này rất chân thật.

Tại sao như vậy?

Rồi vị ấy nói kệ:

Vượt trên các pháp chỉ thực hành

Trì giới, thiền định chẳng qua tâm

Kẻ thù số một là ân ái

Già chết khủng bố khắp ba cõi.

Tiên A La La nói kệ rồi, có một Đồng Tử ở trong chúng là đệ tử của Tiên Nhân thưa Bồ Tát: Ngày nay nhân giả xả bỏ thân ái quyến thuộc mà vào nơi đây có ý gì chăng?

Bồ Tát đáp: Thế Giới có tụ tập nhóm hợp, phải có phân ly.

Ta biết như vậy, nên phát tâm cầu đạo Chí Chân.

Lúc ấy Tiên A La La lại bạch Bồ Tát: Thưa nhân giả ngày nay Ngài sẽ được giải thoát.

Tại sao?

Chúng sinh chìm đắm trong bùn dục vọng khó vượt qua.

Thế gian còn bị trói buộc bởi sợi dây phiền não bền chắc, một mình nhân giả hiểu rõ tâm mình.

Giời đây ta sẽ nói về pháp môn giải thoát là tâm ái, nhân giả cần phải xa lìa.

Tâm ái nghĩa là gì?

Là con giao long rất độc ác ở nơi thế gian.

Nó cư trú trong nước tâm của chúng sinh, làm mất tất cả lợi ích.

Vì lý do đó mà ta quán sát người thế gian không phải chánh hạnh.

Người có khả năng tu pháp chánh hạnh này phải là người trí xa lìa ái nhiễm, cần phải phát tâm, đoạn kiến chấp hữu tướng, làm theo pháp vô tướng.

Bồ Tát đáp: Thưa Tôn Giả Đại Tiên, tôi xin thọ giáo lời Tôn Giả vừa dạy.

Tiên A La La lại hỏi Bồ Tát: Nhân Giả lãnh thọ thế nào?

Bồ Tát đáp: Người thế gian do chấp tướng nên bị tướng ấy trói.

Phàm cha mẹ sinh con, nuôi dưỡng giáo dục để xây dựng gia thế.

Nuôi dưỡng giáo dục con cái để gia thế phát triển, thành tựu sự nghiệp.

Vì lý do đó, cha mẹ nuôi dưỡng con cái.

Nếu không có động cơ ấy, dù là quyến thuộc, cũng không thân cận, huống lại là người dưng.

Phàm người gần gũi vì mong cầu tham lợi. Bạn thật thân thiết với người thật khó tìm thấy.

Tiên A La La lại ca ngợi: Hay thay nhân giả! Ngày nay Ngài đã biết tất cả pháp thế gian, vậy là Sa Môn Cù Đàm hiểu rõ tất cả các trí.

Lúc bấy giờ, trong Pháp Hội có một Đồng Tử cũng là đệ tử của Tiên A La La bạch Bồ Tát: Thưa nhân giả Cù Đàm, ngày nay Ngài đã được niềm vui tối thượng.

Tại sao?

Vì Ngài từ từ xa lìa tất cả ân ái, thì chứng được các pháp không phiền não của thế gian.

Tại vì sao?

Vì tôi nhận thấy thế gian, ít có người không yêu thương vợ con, không mưu cầu tài sản, nên không giơ hai tay kêu khóc với cuộc đời.

Mà ngược lại tôi thấy có nhiều người không ít muốn, không biết đủ, keo kiết của cải, khởi lòng tham đắm quyền lợi thế gian, nhà nhà đều đưa tay kêu khóc.

Rồi vị ấy nói kệ:

Thế gian ít thấy người biết đủ

Ít muốn không cầu khỏi khổ đau

Sở dĩ kêu khóc do ân ái

Phần nhiều tham đắm gom tài sản.

Khi ấy Tiên A La La bạch Bồ Tát: Hy hữu thay nhân giả Cù Đàm! Trí tuệ Ngài quảng bác, như vậy ngày nay nhân giả thật là dũng mãnh, chế phục các căn không để các dục nhiễm tăng trưởng, không bị dục vọng lôi cuốn.

Bồ Tát hỏi Tôn Giả A La La: Thưa Tôn Giả Đại Tiên, tại sao các căn không được an định?

Muốn hàng phục nó phải dùng phương pháp gì?

Cúi xin Tôn Giả vì tôi giải thích.

Tiên A La La đáp: Này Sa Môn Đại Sĩ, ta nay sẽ vì Đại Sĩ trình bày tổng quát các phương pháp hàng phục, phàm là người thế gian muốn thoát ly sinh tử, hãy chú ý lắng nghe.

Có kệ nói:

Đại tôn Tiên Nhân A La La

Mở mang thần trí cho Bồ Tát

Đây bằng kết quả của tự thân

Trình bày phân biệt điều cốt yếu.

Này Đại Sĩ Cù Đàm, phàm muốn loại trừ thể và tướng các căn và cảnh giới của căn, cần phải tư duy phân biệt như thế này.

Tại sao?

Vì tất cả các căn và tất cả các trần cảnh đã do phân biệt mà biết, nên đều phải loại bỏ, cho đến cảnh ái nhiễm trong các căn, sự nhiễm do ái làm cho tham đắm, do sự tham đắm này, làm cho chúng sinh chìm trong thế gian không thể thoát ly ra được.

Các kẻ phàm phu chịu khổ trói buộc bởi lòng tham ái. Tất cả tham ái đều do cảnh giới nên có những sự khổ như vậy.

Đại Sĩ phải hiểu do nhân duyên gì?

Rồi nói kệ:

Dê núi bị giết bởi tiếng kêu

Bướm nọ thiêu thân vì ánh lửa

Cá kia mắc câu bởi đớp mồi

Cảnh đời lôi cuốn người phải chết.

Lúc bấy giờ Bồ Tát nghe bài kệ này xong, lại hỏi: Ngày nay Tôn Giả thuyết minh phương pháp điều phục các căn, do nhiều nhân duyên hợp lại mà thành, thể tánh trống không giả dối không thật, giống như hầm lửa, như giấc chiêm bao, như trò ảo thuật, như sương trên cỏ. Ngày nay, tâm tôi suy xét nên biết được như vậy.

Tiên A La La lại hỏi Bồ Tát Đại Sĩ: Vì lý do gì nhân giả nói cảnh giới vọng tưởng không lợi ích?

Bồ Tát đáp: Phàm người muốn nương các cảnh giới để thọ lấy quả báo, cũng như xây nhà cửa muốn che ánh sáng mặt trời hay tránh mưa gió, như người khát đi tìm nước uống, người đói tìm kiếm thức ăn, như dơ bẩn muốn tắm rửa thân thể.

Như người lõa thể tìm y phục để che thân, như người khốn khổ thiếu phương tiện thì tìm cầu xe cộ, muốn hết lạnh thì tìm chỗ ấm, muốn trừ chỗ nóng nên tìm nơi mát, muốn khỏi mệt mỏi nên ngồi nơi giường chiếu.

Các việc tìm cầu như vậy đều do các khổ đến bức xúc bản thân, do đó mới tìm cầu giải thoát nỗi bức xúc giống như người bệnh nặng mới tìm lương y. Tất cả sự mong cầu của người đời đều như vậy.

Tiên A La La ca ngợi: Tư tưởng của nhân giả Cù Đàm thật hy hữu! Đại Đức tại sao ở trong thế gian mà phát sinh tư tưởng vô thường một cách dễ dàng như vậy?

Hy hữu thay! Hy hữu thay! Thấy được chân thật. Đại Đức là bậc lợi căn, thông minh, dễ ngộ. Người hiểu rõ các pháp như vậy gọi là bậc thấy được chân lý, nếu hiểu khác đây thì gọi là sai lầm mê muội.

Đúng như lời nhân giả nói: Vì đói mà tìm thức ăn, tránh mưa che gió mà làm nhà, do vì trừ nóng lạnh thay thế đoạt của nhau, người thế gian phát sinh vọng tưởng cho là an vui.

Tiên Nhân lại tán thán: Nhân Giả Cù Đàm thật là chiếc cầu pháp có khả năng chịu đựng trọng tải lớn. Tuy ta truyền dạy giáo pháp, trước phải quán sát căn cơ đệ tử có thọ lãnh được giáo pháp hay không, rồi sau đó mới nói các luận.

Theo tôi nhận thấy nhân giả không phải như vậy, bất kỳ hành động gì đều thích nghi mọi trường hợp, chẳng cần giai đoạn quan sát. Ta sẽ vì nhân giả nói hết những nghĩa chân thật trong luận.

Bồ Tát nghe Tiên A La La nói như vậy, hết sức hoan hỷ, rồi lại nói: Ngày nay Tôn Giả chưa biết lòng trung thành của tôi, mà lại vì tôi dạy ngay những giáo pháp vi diệu như vậy. Tôi biết tướng này tuy chưa được ích, nay đã được lợi.

Tại sao?

Ví như có người muốn thấy cảnh vật phải có ánh sáng, như người đi xa cần có kẻ hướng đạo giỏi, như người muốn qua bờ bên kia sông cần kẻ đưa đò.

Ngày nay nhân giả khai thị tâm tôi cũng như vậy. Cúi xin Tôn Giả vì tôi dạy những chỗ hiểu biết của Ngài, làm thế nào để giải thoát sinh, già, bệnh, chết.

Lúc bấy giờ Tiên A La La biết rõ tâm Bồ Tát có đầy đủ năng lực, nên trình bày giáo lý quyết định thành tựu trong luận của mình, mà nói kệ:

Sa Môn Cù Đàm hãy lắng nghe

Luận ta có nói tổng thành tựu

Tuy Ngài còn ở trong phiền não

Mai sau giải thoát tự nhiên thành.

Sau khi nói kệ rồi, Tiên A La La lại nói:

Phàm mỗi chúng sinh có hai phần:

Một là bổn tánh, hai là biến hóa.

Hợp hai phần này gọi là chúng sinh.

bổn tánh là gì?

Tức là ngũ đại.

Ngũ đại là gì?

Đó là địa, thủy, hỏa, phong và không đại cùng ngã và vô tướng gọi là tánh bản thể.

Biến hóa là gì?

Tức là cảnh giới của các căn như tay, chân, nói năng, đi đứng qua lại và phần tinh thần gọi là biến hóa.

Nếu biết các cảnh giới như vậy, gọi là biết cảnh giới.

Biết cảnh giới nghĩa là gì?

Là sự hiểu biết của ngã.

Tư duy về ngã nghĩa là gì?

Là sự tư duy của người trí.

Rồi vị ấy nói kệ:

Nếu như biết được các căn trần

Thế là biết rõ các cảnh giới.

Cảnh giới biết rõ phải thế nào?

Biết do tư duy của người trí.

Tiên Nhân A La La nói: Thế nào là tư duy về ngã?

Người này giống như Tiên Ca Tỳ La và đệ tử của vị ấy cho sự suy lường là cảnh giới của ý.

Còn con của Tiên Nhân Ba Xà Ba Đề gọi chỗ hiểu biết sâu xa của ý cũng vậy. Như có người biết rõ con người luôn chịu sự đau khổ của cảnh sinh, già, bệnh, chết một cách chắc chắn, lại vì người khác giải thích, khiến họ xa lìa tư duy lý này, thì biết rõ tất cả các pháp đều vô tướng.

Tiên Nhân lại nói: Nhân phiền não là gì?

Là kẻ vô trí tham đắm các nghiệp, những nghiệp như vậy thuộc về nhân phiền não.

Nhân phiền não đó có bốn loại.

Người chưa giải thoát sinh tử, do vì họ chưa giải thoát phiền não.

Bốn nhân phiền não là gì?

Một là không tin.

Hai là chấp ngã.

Ba là nghi ngờ.

Bốn là không xác định.

Thế nào là không tin?

Thường làm trái ngược, đáng lẽ hiểu như thế này, mà ngược lại không biết.

Như vậy gọi là không tin.

Thế nào là chấp ngã?

Nói cái này là ta, cái kia chẳng phải là ta, ta nói như thế này, ta lãnh thọ như vậy, ta đi, ta đứng, tướng ta, thân ta.

Xưng ta như vậy, mà mình chẳng hay biết.

Như vậy gọi là chấp ngã.

Thế nào là nghi ngờ?

Đây không phải là nghi tất cả mà chỉ ở một vật.

Như cục bùn.

Như vậy gọi là nghi ngờ.

Thế nào là không xác định?

Như vậy là đúng, phải cũng như vậy, chẳng phải cũng như vậy. Tâm ý tưởng đến tất cả các nghiệp đây là chúng, đây là ta, là đây, là kia. Như vậy gọi là không xác định.

Dư tàn nghĩa là chưa biết chỗ thù thắng, chưa giác, bắt đầu giác, chưa chứng tự tánh, hay mới chứng biết, gọi là dư tàn.

Thế nào là không có phương tiện?

Người không có trí tuệ thì không biết được phương tiện.

Do không có phương tiện, không thể trình bày.

Như vậy gọi là không có phương tiện.

Thế nào là nhiễm trước?

Nghĩa là người vô trí đối với các cảnh được thấy, nghe, cảm xúc và hiểu biết liền sinh tâm tham nhiễm. Hoặc ý tham đắm, hoặc thân tham đắm, hoặc khẩu tham đắm, hoặc ý nghiệp tham đắm tất cả cảnh giới.

Với nơi không nên tham đắm mà mê hoặc tham đắm, như vậy gọi là nhiễm trước.

Thế nào là sa ngã?

Nghĩa là ta là chỗ kia, chỗ kia là ta.

Nếu có ý nghĩ tư duy như vậy, gọi là sa ngã.

Do nhân duyên đó rơi vào phiền não, gọi là vô đức, gọi là vô trí, gọi là năm chỗ khổ não không vui.

Chỗ không vui gọi là hắc ám, ngu si, đại si và hai tạp trụ là năm chỗ.

Sao gọi là hắc ám?

Nghĩa là lười biếng.

Sao gọi là ngu si?

Nghĩa là sinh tử.

Sao gọi là đại si?

Nghĩa là hành dục.

Tại sao?

Tại đây giả sử như có bậc đại đức mà vẫn còn bị mê hoặc không biết tỉnh ngộ.

Cho nên gọi là đại si.

Hai tạp trụ nghĩa là giận và hờn.

Lại hai tạp trụ còn gọi là trễ nải và biếng nhác.

Chúng sinh bị vô minh không biết như vậy để tu, nên si mê chìm đắm trong năm chỗ này, ở trong biển khổ phiền não thuận theo dòng sinh tử.

Ta nghe, ta biết, ta thấy, ta làm rồi dạy cho người khác làm, ta đạt đến như vậy. Do tâm như vậy, do ý như vậy, đưa chúng ta đến chỗ luân hồi trong biển phiền não.

Bốn thứ nguyên nhân trên, nó ràng buộc quấn chặt chúng sinh trong phiền não, mà nói là không nhân quả! Đại Đức Cù Đàm, Ngài phải biết các việc như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần