Phật Thuyết Kinh Phật Lên Trời đao Lợi Thuyết Pháp Cho Thân Mẫu - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

PHẬT LÊN TRỜI ĐAO LỢI

THUYẾT PHÁP CHO THÂN MẪU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN MỘT

 

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật lên Trời Đao Lợi, tại tảng đá trắng Vô Cấu dưới cây Trúc Độ. Vì thương xót mẫu thân, nên thuyết pháp để cứu độ.

Suốt trong ba tháng an cư, cùng đông đủ chúng Đại Tỳ Kheo, gồm có tám ngàn vị, đều là bậc A La Hán, các lậu đã hết, được đại thần túc, oai quang rực rỡ, chấm dứt sinh tử, không còn trần cấu.

Vứt bỏ gánh nặng, việc cần làm đã làm xong, đã được tự lợi, tâm được tự tại, được nhẫn bình đẳng, tâm đã được giải thoát, đạt đến trí tuệ, khắp nơi tôn xưng là chánh sĩ, là ruộng phước thế gian, phần lớn được sự an ổn, chỉ trừ một người là Hiền Giả A Nan.

Có bảy vạn hai ngàn Bồ Tát. Tất cả đại chúng đã đạt được Thần Thông. Đạt được Tổng trì biện tài vô ngại. Những vị ấy đều từ Thế Giới của Đức Phật khác, ở các phương khác cùng đến để hội họp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn với vô số trăm ngàn chúng quyến thuộc vây quanh, để nghe thuyết pháp.

Khi ấy, trong chúng hội, có hai Thiên Tử, tên là Nguyệt Thị và Nguyệt Thượng.

Thiên Tử Nguyệt Thị từ tòa đứng dậy, sửa lại y phục, bày áo vai phải, chắp tay, quỳ dài, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con có điều muốn thưa hỏi Đức Như Lai Chí Chân, Chánh Đẳng Chánh Giác.

Nếu Đức Thế Tôn cho phép, con mới dám thưa hỏi: Phật bảo Thiên Tử: Ông muốn hỏi Như Lai về vấn đề gì?

Thiên Tử Nguyệt Thị dùng kệ tụng để thưa:

Đối với loại chúng sinh

Phát khởi lòng thương xót

Để mong cầu Phật Đạo

Chí cam lồ không bẩn.

Tự thương nghiệp thân mình

Và thương xót quần chúng

Con vì những việc ấy

Nên hỏi Thích Sư Tử.

Việc làm trong ức kiếp

Đều cố nhẫn, cần, khổ

Tất cả đem ban cho

Chí lặng yên không nghĩ.

Bình đẳng với quần sinh

Đều cứu độ tất cả

Con hỏi thắng nghĩa này

Đem lợi lạc mọi người.

Giả sử thấy đạo này

Tướng đẹp tự trang nghiêm

Ba hai tướng không nhơ

Là ruộng phước đặc biệt.

Người đạt công đức này

Được phụng kính như biển

Nay con hỏi Đại Thánh

Để hiểu về nghĩa này.

Giả sử tâm không khác

Sẽ không có nghĩ khác

Chí luôn cầu tuệ tốt

Bậc cao cả loài người.

Không có ý Thanh Văn

Không thích việc Duyên Giác

Nay con hỏi nghĩa này

Bậc vững tin không lỗi.

Có lợi hay không lợi

Bình đẳng trước khen, chê

Có danh hay không danh

Khổ vui không lay chuyển.

Tuy sử dụng pháp tục

Mà không bị động chuyển

Nay con hỏi nghĩa này

Bậc xa lìa sợ hãi.

Vì thương việc thân mình

Nên xót thương mọi người

Can ngăn chưa từng có

Hóa độ khắp ba chốn.

Mà tu tập tâm từ

Không ô uế dua nịnh

Nay con hỏi nghĩa này

Hiền tướng giữ Thập Địa.

Tâm luôn siêng năng làm

Bố thí, giới, lìa tà

Thân họ được lặng yên

Giới phẩm không hủy diệt.

Thân, miệng, ý chân chánh

Tướng điều thuận ủng hộ

Nay hỏi thắng nghĩa này

Giữa cấu uế không nhiễm.

Nhẫn nhục, điều nhu đó

Được rồi càng tu thêm

Hay tu sự khổ hoạn

Các huyên náo buông thả.

Cứu độ hết tất cả

Mà không sinh sân hận

Do đó nên con hỏi

Muốn chấm dứt hồ nghi.

Thường siêng năng gắng sức

Cung thuận, không trái nghĩa

Thương xót khắp thế gian

Thí thân không vì mình.

Hành đạo không chán mỏi

Như biển nhận các sông

Nên con hỏi Tối Thắng

Đức ấy như biển lớn.

Tuy tồn tại ba nơi

Không lui theo các tưởng

Dùng trí tuệ Hiền Thánh

Trừ sạch các trần cấu.

Lấy diệu thông thiền định

Thần túc tự sướng vui

Nên con hỏi nghĩa này

Bậc khai hóa tất cả.

Trí tuệ đến bờ kia

Thánh đạt không ngằn mé

Vất bỏ các tư tưởng

Xuất gia trừ gốc rễ.

Tự tại không sợ hãi

Hiểu rõ pháp tuệ này

Cho nên nay con hỏi

Bậc Đại Thánh vô cực.

Thần túc được phân biệt

Hiểu rõ hạnh tùy thuận

Du hóa ức Cõi Phật

Không có tưởng cõi nước.

Cúng dường nhiều ức Phật

Không có tưởng Chư Phật

Nên con hỏi nghĩa này

Khắp mọi người thọ vui.

Đều lìa ma trần, dục

Chợt hóa thân ma ấm

Đã lìa bỏ tử ma

Hàng phục các Thiên Ma.

Trừ sạch tất cả ma

Sẽ được thành Phật Đạo

Nên con hỏi nghĩa này

Bậc bỏ hẳn tăm tối.

Làm chấn động đất Trời

Cây cối và núi non

Ngộ xong thành Phật Đạo

Tuệ vô lượng cao tột.

Giả sử được nhất tâm

Tu tập sáng tịch định

Nên con đem nghĩa này

Thưa hỏi Như Kỳ Tượng.

Hiểu rõ tất cả tuệ

Oai quang thật vòi vọi

Nếu ở nơi Phật Giáo

Khéo kiến lập pháp hạnh.

Làm lợi ích các Thánh

Chẳng ai chẳng khai hóa

Nên con hỏi nghĩa này

Bậc tế độ ba cõi.

Thiên Tử Nguyệt Thị lại hỏi Đức Thế Tôn: Kính thưa Đại Thánh! Sao gọi là Bồ Tát được hạnh thần thông đặc biệt cao cả của bậc Đại Thánh, để vượt qua bờ bên kia?

Sao gọi là Bồ Tát đạt đến phương tiện thiện xảo, đầy đủ trí tuệ, khuyến khích và hỗ trợ không thể nghĩ bàn?

Sao gọi là Bồ Tát, đối với tất cả pháp, chỉ dùng một nghĩa, nhập vào một vị, thú hướng đồng đều, nhập vào một tuệ, nói năng bình đẳng?

Sao gọi là Bồ Tát phụng trì cấm giới sâu xa, tu hành không buông lung, để thành đạo Vô Thượng Chánh Chân, là rất Chánh Giác?

Đức Phật nói: Lành thay, lành thay! Này Thiên Tử Nguyệt Thị! Ông vì nhiều lòng thương tưởng, vì nhiều an ổn, thương xót các Trời và người trong mười phương, mới có thể thưa hỏi Như Lai những nghĩa như vậy.

Các Bồ Tát tu hành trí tuệ Phật Đạo chánh chân, mặc áo giáp lớn, xây dựng đại thừa, nương trên thuyền lớn, vượt qua biển dục lớn, chuyển bánh xe pháp lớn, ban phát pháp vô tận, khôi phục trí tuệ, mưa pháp cam lồ, diễn nói chánh pháp, đánh trống pháp lớn, chí tợ như sấm sét, lập tràng pháp lớn, thổi loa đại pháp, nêu ánh sáng đại pháp, nắm giữ chánh pháp.

Diễn nói pháp vô cực, đem ánh sáng soi khắp thế gian, khiến cho đại thừa mãi mãi tồn tại không đứt đoạn, làm cho sự kế thừa được rốt ráo tròn đầy. Nên dùng những công đức vô cùng cực này, để thương xót quần sinh. Cho nên mới hỏi Như Lai như thế.

Vậy hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ. Ta sẽ vì ngươi phân biệt giải thích. Việc làm của các Bồ Tát Đại Sĩ và Bậc Thánh thông là rất to lớn, đầy đủ giới đức, đã đạt được đạo vô thượng chánh chân, là bậc Chánh Giác cao tột.

Thiên Tử Nguyệt Thị và các đại chúng lắng nghe lời chỉ dạy của Phật và đồng thanh, thưa: Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Đức Phật bảo Thiên Tử: Bồ Tát có bốn pháp hạnh, đó là hạnh của bậc Đại Thánh thông, rất đặc biệt và kỳ diệu, vượt qua được bờ bên kia.

Những gì là bốn?

Bồ Tát Đại Sĩ hiểu rõ các pháp nên phù hợp với chân đế, đối với tất cả pháp không có chỗ dính mắc hay nương dựa. Bình đẳng nghĩ đến các pháp, không bao giờ dứt. Đạt được Thánh tuệ để làm ngọn đèn sáng, rong chơi trong tất cả pháp, gần gũi tất cả phép tắc. Tuy ở tại các pháp, nhưng không ra khỏi pháp và không thấy pháp khác.

1. Sao gọi là đối với các pháp được phù hợp chân đế?

Như quá khứ là không, tương lai, hiện tại cũng là không.

Này Thiên Tử! Nếu muốn hiểu rõ cái không ba đời bình đẳng này, thì không có chỗ để tưởng về nó. Những người có trí tuệ, phân biệt nơi chốn, chỗ ở, tạo dựng, mở bày giải thích thông suốt đạo phẩm, thông hiểu chánh nghiệp, nên đạt được nghĩa lý ấy. Đó là nhờ hiểu rõ, nên phù hợp với chân đế.

2. Sao gọi là đối với tất cả pháp, không có chỗ dính mắc hay nương tựa?

Tất cả các pháp trụ nơi ngã sở, trụ nơi hiện hữu, đối với ngã mà phi ngã. Đó gọi là Bồ Tát hiểu rõ các pháp, không có tôi ta, không nương tựa nơi thân, cho nên gọi là không có chỗ dính mắc hay nương tựa.

Giả sử Bồ Tát đối với các pháp này, thân không chỗ dính mắc, đã không dính mắc rồi, thì không trụ pháp khác. Họ đối với các pháp không sinh, không trụ, nên mới không có chỗ dính mắc, nương dựa hay ỷ lại. Việc cúng dường các pháp, tức là đối với các pháp không có chỗ để ỷ lại.

3. Sao gọi là Bồ Tát hiểu rõ tất cả đều giống như hư không?

Đó là: Ba cõi này đều do tâm làm ra. Nhưng cái tâm này không có sắc và hình tượng, không thể xem thấy, không có nơi chốn, không có sự sai khiến, giống như huyễn hóa. Nếu lấy cái gốc tâm này, để cầu các pháp, thì không thể được. Nếu đối với tâm, không cầu nơi tâm, sẽ không đạt được, vì tâm không thể đuổi bắt. Vì không được tâm, tất cả các pháp cũng không thể được.

Các pháp sẽ không có pháp, tưởng không hình loại, cũng không có ảnh, nên không sở hữu, cùng với thật tế, cũng không chỗ thấy. Vì không chỗ thấy, nên đối với tất cả pháp, tâm không chỗ nhập vào, biết tất cả pháp, là không thể thành tựu, cũng không chỗ sinh ra, ví như hư không.

Do vậy này Thiên Tử! Muốn quán sát hư không, hoàn toàn không sinh, không chỗ thành tựu, hiểu rõ tất cả pháp, cũng đều như vậy. Giống như hư không, gọi là hư vô, nó làm cho hoảng hốt. Tất cả các pháp cũng lại như vậy, chỉ là giả danh tự, nó vốn vắng lặng.

4. Sao gọi là Bồ Tát đối với tất cả pháp mà thân cận Kinh Điển?

Bồ Tát Đại Sĩ quán sát và suy nghĩ về tất cả các pháp. Thấy nó không hiểu biết, cũng không chỗ để thấy, mắt không biết tai, cũng không có chỗ thấy. Tai không biết mắt, cũng không có chỗ thấy. Mũi không biết lưỡi, cũng không có chỗ thấy.

Lưỡi không biết mũi, cũng không có chỗ thấy. Thân không biết ý, cũng không có chỗ thấy. Ý không biết thân, cũng không có chỗ thấy. Tất cả các pháp, tuy có si, ám, tăm tối, mù mịt, nhưng thấy nơi cõi pháp, tuệ thường bình đẳng, việc làm đầy đủ.

Với sáu tình giới, có sự chiếu diệu, nên có chỗ tồn tại, xét ở gốc không có nội pháp, giáo huấn bên ngoài như không có pháp ngoài, giáo huấn bên trong thấy cũng như vậy. Nếu thấy được như vậy, sẽ không có pháp, không có sự khởi lên, cũng không có pháp có chỗ tạo ra. Nếu có trụ, dù nhìn không chỗ thấy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần