Phật Thuyết Kinh Phổ Diệu - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Ba Môn Học Khác

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH PHỔ DIỆU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI BỐN

PHẨM BA MÔN HỌC KHÁC  

Bấy giờ Bồ Tát đi vào trong chốn núi rừng, đến bên bờ sông Ni Liên, ưa ở chỗ thanh vắng, tâm ý tĩnh lặng, lòng từ bi nghĩ nhớ đến mười phương, muốn làm lợi ích cho Trời, Người.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Bồ Tát trông thấy Uất Đầu Lam phất đang được các đệ tử tôn trọng, thờ kính. Ông thông hiểu các môn đồ sấm, toán thuật, các tai biến sắp xảy ra trong Trời Đất, làm vị thầy cao tột trong chúng.

Bồ Tát nghĩ: Nay những vị này tự bản thân mình tính biết toán thuật, tinh tú và các tai biến khác thường, làm vị thầy được mọi người phụng sự.

Ta nên đi đến chỗ ông ta hỏi về pháp thực hành để có thể biết được chỗ thù thắng. Như vậy mới hàng phục để giảng pháp hữu lậu, vô lậu, nhất tâm, giải thoát môn, tam muội chánh định, vượt hẳn chỗ học của ông ta, dùng quyền phương tiện quán sát gốc ngọn của ông, thấy rõ chỗ của những người này đang thực hành là định ý thế tục.

Rồi sau đó mới vì họ thuyết giảng về thiền định sâu xa tam muội vô vi, mới đưa họ quay về với đạo lớn.

Bấy giờ Bồ Tát suy nghĩ như vậy rồi, đi đến chỗ ông ta hỏi: Hiền Giả! Ngài thờ vị thầy nào?

Ai là người thuyết pháp cho Ngài để có được học nghiệp này?

Uất đầu lam phất đáp: Tôi không có thầy, tự nhiên đạt được.

Lại hỏi: Nay chỗ Ngài đạt là đạt được cái gì?

Đáp: Đạt được định Hữu Tưởng, Vô Tưởng.

Bồ Tát bảo: Đâu có thể từ nơi người mà đạt được học định này ư?

Đáp: Lành thay! Từ nơi chí hướng ưa thích.

Khi ấy Bồ Tát từ nơi chỗ vắng vẻ ngồi kiết già. Bồ Tát vừa ngồi liền đạt được công đức thù thắng đặc biệt.

Thánh tuệ không ai bằng, việc Đời trước đã từng làm đặc biệt có khác. Vào tất cả các định ý chánh thọ.

Một mình cất bước không có bạn bè mà không một chỗ nào không thông suốt. Đầy đủ tất cả trăm ngàn định ý, giống như soi gương bèn được tự tại, không trở ngại.

Bấy giờ Bồ Tát từ nơi thiền định dậy, lại đi đến chỗ Uất Đầu Lam Phất, hỏi: Còn có định nào cao hơn định Vô Tưởng để tiến đến đạo chăng?

Đáp: Không có.

Bồ Tát tự nghĩ: Lam phất không tin, riêng ta có tin.

Lam phất không tinh tấn, niệm, định ý, trí tuệ, riêng ta có tinh tấn, niệm, định ý, trí tuệ.

Suy nghĩ như vậy rồi liền từ giã ra đi.

Ngài đi đến chỗ Ca La Vô Đề, hỏi: Ai là bậc thầy lãnh đạo của Ngài?

Ngài thọ pháp với ai?

Ca La Vô Đề đáp: Tôi không có thầy, tự nhiên thông suốt.

Lại hỏi: Ngài thông suốt những gì và đạt được những gì?

Đáp: Đạt được tam muội vô dụng hư không.

Bấy giờ Bồ Tát nhập tam muội chánh thọ hết sức thù diệu đặc biệt.

Ca La Vô Đề liền bảo: Lành thay! Học nghiệp này, chỗ tôi đã đạt được, nay nhân giả cũng đạt được. Như vậy hãy ở lại đây, cùng với mọi người làm bà con quyến thuộc.

Bồ Tát đáp: Nay học nghiệp này không đưa đến chỗ diệt độ, không lìa dục, không đạt vô vi, không đưa đến tịch lặng, không có Sa Môn, không đến Chánh Giác, không phải là Niết Bàn.

Bấy giờ Bồ Tát cùng với Lam phất và Ca La Thảo luận với nhau, biết họ chưa đạt được, Ngài liền từ giã họ ra đi. Ngài lần đi về phía trước, đến yết kiến ba Phạm Chí. Người thứ nhất tên Ưu Vi Ca Diếp, người thứ hai tên Na Đề Ca Diếp, người thứ ba tên Kiệt Di Ca Diếp. Ba anh em có một ngàn người đệ tử.

Bồ Tát đi đến hỏi: Quý Vị phụng thờ gì?

Đáp: Chúng tôi phụng thờ nước, lửa và mặt trời, mặt trăng lên đến Phạm Thiên.

Bồ Tát nói: Như vậy là không chân chánh bởi vì nước không thường đầy, lửa không cháy mãi, mặt trời mọc rồi lặn, mặt trăng tròn lại khuyết, Phạm Thiên vô thường, tuy sống lâu nhưng chắc chắn có ngày phải chấm dứt. Chỉ có vô vi vô thỉ vô chung mới có thể không cùng tột. Luận bàn vừa xong, Ngài liền bỏ đi, trở về chỗ của mình.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Bấy giờ, Bồ Tát nghĩ: Ta nay ở nơi đời ngũ trược gặp các vị có học thuyết dẫy đầy, họ đều rơi vào chín mươi sáu dị kiến và sáu mươi hai sự nghi ngờ.

Tham thân, yêu mạng bị che lấp ngu tối, say đắm tình dục, ôm lòng tổn hại, không nhận lời dạy bảo, không hướng đến sự thanh tịnh, chỉ ham thích ăn uống, ưa thích đất đai, thường làm những việc phi nghĩa, không có chí hướng tốt đẹp, không ưa bố thí, chỉ ham tiền của, ưa ganh ghét.

Chí hướng đó không tồn tại trong ý nghĩa của đạo phẩm này, không nhắm đến vô ngại, rong ruổi theo tình cảm, ở nơi mười điều ác, không lìa bỏ tự đại, không cứu các ách nạn, buông lung, bất định, khó có thể khai hóa.

Lung ý, giết hại, uống rượu vô độ, chỉ ưa dục lạc. Hoặc thờ nước, lửa, mặt trời, mặt trăng, Phạm Thiên.

Hoặc thờ Thần Núi, Thần Thổ Địa, Thần Hư Không, Thiên Thần, Thần biển, sông, suối, ao, cây cối. Hoặc lại ăn quả, hạt, vào núi lượm ăn.

Hoặc một ngày ăn một bữa, hai ngày, ba ngày, hoặc cho đến bảy ngày ăn một bữa. Hoặc một ngày ăn một nắm. Hai, ba cho đến bảy ngày ăn một nắm.

Hoặc mười lăm ngày cho đến một tháng ăn một bữa. Tịnh tu phạm hạnh, Tứ thiền, Tứ đẳng, sinh lên Tiên Phạm Thiên, nhưng không dứt sinh tử.

Hoặc có phái lõa hình, hoặc mặc da nai, hoặc thờ Quỷ Thần, La Sát, A Tu Luân, không ra khỏi đường ác, không thể thành đạo, mà cho đó là tự chứng, không có phép tắc mẫu mực, không dùng để mở bày chỉ dạy cho các chúng tà kiến dị học ở đời được.

Nay ta đâu có thể chỉ dạy hạnh thanh tịnh để nhiếp phục các chúng ngoại học, hiển bày học nghiệp chân chánh, khiến cho họ xả bỏ mê hoặc, biết điều đáng làm theo. Không thể dạy họ theo Cõi Dục, Cõi Sắc mà thành Phật Đạo được.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần