Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Tám Mươi Năm - Phẩm Có Và Không

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn  

PHẨM TÁM MƯƠI NĂM

PHẨM CÓ VÀ KHÔNG  

Tu Bồ Đề bạch Phật:Thưa Thế Tôn! Giả sử các pháp sở hữu, không có sinh hoạt, chẳng phải do Phật làm ra, chẳng phải do A La Hán, Bích Chi Phật và Bồ Tát làm ra.

Tại sao có nhiều cõi thiện ác khác nhau, có ba cõi ác, loài người từ Cõi Trời Tứ Thiên Vương lên đến Cõi Trời Trường thọ, cao thấp có khác nhau?

Tại sao nói làm cái này thì kết quả thế này?

Người làm ác thì đọa vào ba cõi ác, còn người làm thiện thì được sinh vào loài người hoặc sinh lên Cõi Trời?

Tại sao hành đạo thì được Tu Đà Hoàn, cho đến A La Hán và Bích Chi Phật?

Còn làm theo pháp Bồ Tát, thì được Chánh Đẳng Chánh Giác.

Thưa Thế Tôn! Pháp không có sở hữu không có tạo tác, không có hành, cũng không có hành của Thanh Văn, hành của Bích Chi Phật, hành của Bồ Tát và hành của Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng không đạt được trí nhất thiết, để độ thoát chúng sinh, việc này thế nào?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Đúng vậy, đúng vậy! Pháp không có sở hữu ấy, cũng không tạo tác, cũng không có hạnh để đạt được. Phàm phu ngu muội không thể biết được pháp của Thánh Hiền, cũng không biết được pháp sở hữu và không có sở hữu, bị bốn kiến thức điên đảo lừa dối. Làm được bao nhiêu hạnh thì được bấy nhiêu quả báo nên có năm cõi sinh tử. Pháp không có sở hữu không có hành và không lãnh thọ.

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Tu Đà Hoàn cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Giác có sở hữu không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Từ Tu Đà Hoàn cho đến Chánh Đẳng Chánh Giác đều không có sở hữu.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Không có sở hữu có thể được pháp không có sở hữu không?

Đáp rằng: Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Vậy cho nên pháp không có sở hữu là đạo. Tất cả các pháp không hội hợp, cũng không chia lìa, không có hình, không thể thấy, cũng không thấy một tướng. Một tướng tức là vô tướng.

Tu Bồ Đề! Vậy cho nên Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện quyền xảo, thấy các chúng sinh đi vào điên đảo, vào năm ấm, nên đối với vô thường, tưởng là thường, khổ tưởng là vui, vô ngã tưởng là ngã, bất tịnh tưởng là tịnh, đều thuộc pháp hữu vi.

Bồ Tát dùng phương tiện quyền xảo, làm cho chúng sinh xa lìa các hữu.

Tu Bồ Đề bạch Phật:Thưa Thế Tôn! Chỗ chúng sinh vào là năm cõi, vậy còn có nhân duyên nào làm ngăn ngại và có quan trọng không?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Không có, không có! Các hành khác không đáng kể, chỉ vì chúng sinh đắm trước bốn điên đảo mà có năm cõi.

Tu Bồ Đề! Hãy lắng nghe, lắng nghe! Do việc này ta nói cho ông được hiểu.

Ý ông thế nào?

Ở trong mộng thấy vui với năm dục, vậy có người làm không?

Tu Bồ Đề đáp: Thưa Thế Tôn! Mộng còn không có huống chi có năm dục.

Phật dạy: Ý ông thế nào, các pháp hữu vi, vô vi, hữu lậu và vô lậu vậy có pháp nào không như mộng không?

Đáp: Bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp đều như mộng.

Phật dạy: Ý ông thế nào?

Người trong mộng có thuộc năm cõi không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Người trong mộng có đạo niệm, có chấp trước, có từ bỏ không?

Đáp rằng: Bạch Thế Tôn! Không có.

Tại sao?

Thưa Thế Tôn, pháp vô hình không có chỗ tạo tác, pháp chấp trước, từ bỏ cũng không có chỗ.

Phật hỏi: Tu Bồ Đề! Tại sao vậy?

Vì có gương nên thấy bóng. Vậy bóng ấy có hành động, có quả báo sinh tử của năm cõi không?

Đáp rằng: Bạch Thế Tôn! Không.

Tại sao?

Vì bóng trong gương đó vốn không có mà phàm phu bị mê hoặc tự cho là có. Bóng trong gương đó, cũng không có năm cõi, không tạo tác, không hành động.

Phật hỏi: Này Tu Bồ Đề! Bóng trong gương có đạo niệm, có chấp trước, có từ bỏ không?

Đáp: Thưa Thế Tôn! Không có.

Tại sao vậy?

Vì pháp vô hình không có chỗ tạo tác, cũng không chấp trước, không từ bỏ và cũng không ở đâu cả.

Phật dạy: Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Tiếng vang từ trong núi phát ra, tiếng vang ấy có hành động, có tạo tác sinh ra năm cõi không?

Tu Bồ Đề đáp: Thưa Thế Tôn! Không có.

Tại sao?

Vì pháp vô hình này không hành động, không tạo tác nên không sinh năm cõi.

Phật hỏi: Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Tiếng vang có đạo niệm, có chấp trước và từ bỏ không?

Đáp: Không có! Tại sao?

Vì pháp không có sở hữu, không có tạo tác, không chấp trước, không từ bỏ cũng không ở đâu cả.

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Ví như lúc sóng nắng, không có nước sông tưởng có nước sông. Không có thành quách, tưởng có thành quách. Không có vườn cây, tưởng có vườn cây.

Ý ông thế nào?

Sóng nắng này có thể tạo ra năm cõi không?

Tu Bồ Đề thưa: Thưa Thế Tôn! Sóng nắng không có, chỉ vì lừa dối con mắt phàm phu nên có bóng dáng mà thôi.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Sóng nắng đó có đạo niệm, chấp trước và từ bỏ không?

Tu Bồ Đề đáp: Thưa Thế Tôn! Không có. Pháp vô hình thì không có tạo tác, không có chấp trước, từ bỏ, cũng không ở nơi nào khác.

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Ví như nhà ảo thuật hóa ra voi, ngựa, người với các loại hình dáng.

Người được hóa ra đó có hành động đưa đến năm cõi không?

Tu Bồ Đề đáp: Thưa Thế Tôn! Không có.

Tại sao?

Vì huyễn nên không hình thật.

Phật hỏi: Tu Bồ Đề! Người huyễn được hóa ra có đạo niệm, chấp trước, có từ bỏ không?

Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Không có. Pháp vô hình thì không có sự tạo tác, không chấp trước, không từ bỏ và không có nơi chốn.

Phật hỏi: Tu Bồ Đề! Sự biến hóa của Như Lai có hành động đưa đến năm cõi không?

Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Không có.

Tại sao?

Vì sự biến hóa đó không có.

Phật hỏi: Này Tu Bồ Đề! Sự biến hóa có đạo niệm chấp trước và từ bỏ không?

Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Không. Pháp vô hình không có đạo niệm, không có chấp trước, từ bỏ và cũng không có nơi chốn.

Phật hỏi: Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Các pháp đó có chấp trước, từ bỏ không?

Tu Bồ Đề đáp: Bạch Thế Tôn! Không. Không chấp trước và từ bỏ.

Phật dạy: Nếu như không có chấp trước, từ bỏ thì đó là không có chấp trước và từ bỏ.

Tại sao?

Vì chúng sinh có chấp ngã, nên có chấp trước, có từ bỏ, nhưng bậc kiến đế không chấp trước, không từ bỏ. Chỗ thấy của chúng sinh không phải kiến đế, nên có chấp trước, có từ bỏ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần