Phật Thuyết Kinh đại Thừa Hiển Thức - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA HIỂN THỨC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Địa Bà Ha La, Đời Đường  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ngự tại rừng trúc Ca Lan Đà thuộc thành Vương Xá cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị hội đủ.

Các vị ấy đều là những bậc A La Hán đã dứt hết lậu hoặc, không còn phiền não, được tự tại, tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn, đối với các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai đều hiểu rõ, thông suốt không bị chướng ngại.

Những vị A La Hán ấy theo đúng lời Phật dạy, những việc cần làm đã làm xong, bỏ gánh nặng xuống, tự mình được lợi ích, đoạn dứt mọi khổ nơi sinh tử lưu chuyển, dùng lực của chánh trí, khéo biết chỗ hướng đến của tâm chúng sinh, Trưởng Lão Xá Lợi Phất là bậc thượng thủ ở trong chúng đại Thanh Văn này.

Lại có vô lượng chúng Đại Bồ Tát đều vân tập đến đông đủ.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo ở chỗ Đức Thế Tôn phần nhiều bị mệt mỏi, biếng nhác, mất hết sự nương tựa, không thể thọ trì.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn từ trên diện môn phóng ra hào quang như hoa sen nở, khiến cho các Tỳ Kheo đều tỉnh ngộ, mỗi người đều tự trang nghiêm, tề chỉnh và nghĩ: Hôm nay Đức Thế Tôn dung mạo rực rỡ, hào quang từ trên diện môn tỏa sáng là muốn khai thị pháp nhãn gì đây, để tạo ra sự lợi ích lớn?

Lúc đó, Bồ Tát Hiền Hộ là bậc đồng chân thắng thượng, dung mạo tươi vui, đầy đủ ánh sáng và các sắc tướng, có sáu vạn thương chủ vây quanh trước sau theo hầu, tiếng vang ầm ầm như động đất, đi đến chỗ Đức Phật, thấy các công đức an ổn, tịch tĩnh của Đức Thế Tôn được tích chứa, hiển bày lồng lộng, sáng chói như cây vàng lớn, trong tâm càng tăng thêm niềm tin sâu xa.

Chấp tay suy nghĩ như vậy: Mọi người đều tán thán Đức Phật là bậc Nhất thiết trí thấy khắp tất cả, đấng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác thật không hư dối. Tất cả đoàn người đều cung kính đảnh lễ nơi chân Phật rồi cùng đứng lên nhìn kỹ.

Đức Phật thấy Đồng chân Hiền Hộ, liền chuyển mình, phóng ra ánh sáng chiếu đến chỗ Hiền Hộ, Hiền Hộ liền được sự không sợ hãi, bèn đi quanh chỗ Đức Phật ba vòng.

Đảnh lễ dưới chân và bạch: Nguyện xin Đức Thế Tôn từ bi thương xót chỉ dạy, con vừa ở nơi chỗ Phật, nay có được tâm tin tưởng thanh tịnh, tâm mong cầu pháp vi diệu, muốn được thưa hỏi, nhưng từ lâu con chìm trong sinh tử, bị các thứ khổ.

Phiền não làm cho niệm luôn tán loạn, đối với các nẻo học như giới định chưa có sự tạo tác tương ưng, tuy tâm luôn mong cầu mà nay vẫn còn chưa rõ, ở trong lưới ngu tối mê lầm, nghi ngờ này làm sao vượt thoát được sinh tử?

Thế Tôn là bậc Nhất thiết trí, thấy khắp tất cả. Đức Phật ra đời thật là hy hữu, rất khó gặp. Như ngọc như ý ban niềm vui cho chúng sinh. Phật là ngọc báu như ý lớn, tất cả chúng sinh nhờ được nương tựa mà đạt sự an lạc lớn, là bậc cha mẹ của chúng sinh, nhờ Phật mà chúng sinh thấy được con đường chân chánh. Nguyện xin Đức Phật từ bi thương xót mở bày chỉ rõ điều nghi ngờ tối tăm cho con.

Đức Phật bảo Bồ Tát Hiền Hộ: Ông có điều gì nghi ngờ cứ tùy ý hỏi, ta sẽ phân biệt, thuyết giảng.

Lúc ấy, Bồ Tát Hiền Hộ được Phật cho phép chuyên tâm thưa hỏi, bèn đứng qua một bên.

Bấy giờ, Trưởng Lão A Nan thấy Bồ Tát Hiền Hộ dung mạo tươi sáng, đầy đủ các sắc tướng bèn thưa: Bạch Thế Tôn! Thật chưa từng có! Bồ Tát Hiền Hộ này có phước đức lớn, đầy đủ ánh sáng, sắc tướng khiến cho oai lực của các Vua đều bị che, không thể hiện được.

Đức Phật bao Tôn Giả A Nan: Bồ Tát Hiền Hộ phước nghiệp thắng thượng đã đạt được, tuy ở cõi người mà hưởng được quả báo thù thắng của Cõi Trời, an ổn, sung sướng tột bậc, tâm ý vui vẻ giống như Trời Đế Thích, ở cõi Diêm Phù Đề chỉ trừ Bồ Tát Nguyệt Thật, ngoài ra không ai sánh bằng.

Tôn Giả A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Hiền Hộ nhờ đời trước gieo trồng căn lành gì mà được phước báo có nhiều của cải, vật dụng, xin Đức Phật giảng nói.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Bồ Tát Hiền Hộ trong đời hiện tại hưởng quả báo an vui, của cải giàu có là do nhân duyên thù thắng từ đời trước, nay ông nên lắng nghe.

Này Tôn Giả A Nan! Bồ Tát Hiền Hộ ấy có sáu vạn thương chủ giàu có, vàng bạc, của cải đầy dẫy, nhiều người cung kính thọ giáo thường theo hầu hạ.

Trong nhà có sáu vạn giường nằm đều trải tọa cụ, mền, nệm bằng gấm vóc và những gối thêu thùa, đủ các màu sắc, anh sáng chiếu soi tăng vẻ nghiêm trang, nhiều màn, rèm bằng the lụa, vải vóc bao bọc xung quanh, đính các ngọc báu ở giữa cùng tỏa ra ánh sáng rực rỡ lần lượt nối tiếp nhau như vẽ. Có sáu vạn kỹ nữ mặc các thứ y phục đủ sắc màu, trang sức bằng vàng, ngọc, hoa tươi, những thứ tô điểm nơi mặt, mắt họ chiếu ra ánh sáng óng ánh mềm mại trông như Thiên Ca Già.

Tùy theo tâm ý ưa thích, cùng nhau vui vẻ ca hát, cười nói, dạo chơi trong sự đoan nghiêm, thanh khiết, cung kính hầu hạ chủ nhân. Đối với người khác, tâm dứt tuyệt ái dục, luôn e thẹn cúi đầu hoặc che đầu làm dáng, da dẻ đầy đặn, mịn màng, các ngón tay, chân, gót chân, xương, gần đều không lộ ra ngoài, răng trắng đều, tóc đen mượt xoay về bên phải, như mũi nhọn đầu cây viết của người thợ vẽ. Giòng họ cao quý, danh tiếng vang xa.

Những người kỹ nữ cúng dường thức ăn, cơm, bánh đủ các màu sắc khác nhau, hương vị thơm ngon như những món ăn của Chư Thiên. Nước uống đủ tám công đức, khiến người nhìn thấy tâm luôn vui vẻ, thân an ổn, vừa ý, không mệt mỏi, nóng bức. Nhờ phước này, tùy theo tâm nghĩ mà có thức ăn khiến cho các thứ cấu uế bệnh tật không còn.

Bên ngoài sân, trước hiên nơi lâu đài treo đủ sáu vạn ngọc báu ma ni, lưu ly và các loại lưới rủ xuống, ở giữa các thứ báu, đồ trang sức nối tiếp thành hàng oai nghiêm đẹp đẽ, tơ lụa che phủ, chuông lắc treo nối nhau, theo gió lay động phát ra tiếng. Mặt đất bằng lưu ly hiện ra các hình tượng, các thứ hoa tung rải khắp nơi mát mẻ, vui thích, dạo chơi nghĩ ngợi trên lầu, tâm vui thích, vừa ý.

Lại có tiếng vỗ tay, đàn sắt, ống sáo, chập chõa bằng đồng, tiếng ca hát trong trẻo, gồm có sáu vạn âm thanh hay hòa nhau, âm vang ấy nghe vọng lại từ xa, tiếng ca hát, ồn ào xen lẫn nhau khua động đánh thức khắp nước. Nhờ phước nghiệp nên luôn hưởng được sự vui vẻ, không dứt.

Những tiếng ca hót của các loài chim bay lượn tụ họp, hòa cùng các âm thanh khác khiến cho tâm càng thêm vui vẻ. Các dây hoa leo vòng quanh lâu đài, hoa tươi, cành lá sum suê. Tiếng chuống, mõ, nhạc cụ, giống như cung điện nơi Cõi Trời. Gian phòng, hành lang sáng rỡ giống như núi Tu Di chiếu ra ánh sáng vi diệu. Có sáu vạn bức thành, tường cao sừng sững, đủ các mái lầu, đường đi rộng rãi, các ngả tư, ngả ba đều thông suốt, sạch đẹp.

Khắp nơi đều đến hội họp đông đảo, các thứ y phục, trang sức, ngôn ngữ, pháp luật chế ra vạn điều khác nhau, bao gồm các hình trạng sai biệt. Có trăm ngàn thương gia tự do trao đổi hàng hóa quý giá, tiếng mua bán, ca hát vang khắp nước.

Vườn rừng với các cây lớn, nhỏ đều tốt tươi. Dây hoa, cỏ thuốc, muôn loài hoa đua nhau sinh trưởng. Màu xanh bao bọc xung quanh xen lẫn ánh sáng rực rỡ đẹp như tấm thảm trải ra. Trăm ngàn voi ngựa, xe cộ qua lại không ngớt khắp cả thành ấp.

Này Tôn Giả A Nan! Trong sáu vạn thành có bậc cao đức danh tiếng.

Những người giàu có và các thương chủ hằng ngày tán thán Bồ Tát Hiền Hộ, tuyên dương về danh xưng, oai đức, cung kính chấp tay lễ bái. Vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La phước đức uy lực to lớn, so với Hiền Hộ vẫn thuộc hạng bần cùng.

Bồ Tát Nguyệt Thật có vô lượng trăm ngàn kỹ nữ vây quanh hầu hạ, cung kính phụng sự, thương yêu, luôn đem đến những sự vui vẻ. Tuy Trời Đế Thích có gấp ngàn vạn lần cũng không bằng Bồ Tát Nguyệt Thật. Đồng chân Hiền Hộ dung mạo sắc tướng đẹp đẽ, phú quý, tự tại, an lạc, vui vẻ gấp trăm ngàn vạn lần vẫn không bằng Bồ Tát Nguyệt Thật. Đây là do phước đức từ đời chiêu cảm, chẳng phải do oai lực mà đạt được.

Này Tôn Giả A Nan! Bồ Tát Hiền Hộ lại có ngọc báu như ý, xe ngựa lớn trang hoàng bằng các ngọc báu Trời, ánh sáng luôn rực rỡ như ánh sáng của ngàn vàng, kim cương, ngọc báu, nhiều đồ trang sức quý giá xen lẫn rất đẹp trông như sao, di chuyển nhanh như gió, như chim bay.

Cỗ xe ngựa quý bằng ngọc ngà châu báu tùy theo tâm nhớ nghĩ mà có, thân không mệt mỏi, trái lại thường được an vui.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan đảnh lễ nơi chân Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Hiền Hộ gieo trồng những căn lành gì?

Tu những phước nghiệp gì mà được của cải giàu có, thọ hưởng quả báo an lạc lớn, được cung điện nhà cửa đẹp đẽ, xe ngựa bằng ngọc báu hiếm có?

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Bồ Tát Hiền Hộ nhờ đời trước ở trong pháp Phật tu tập gieo trồng phước đức, nên ngày nay được quả an vui.

Về đời quá khứ, có Phật hiệu là Lạc Quang gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Lúc ấy, Bồ Tát Hiền Hộ ở trong pháp của Đức Phật đó xuất gia làm Tỳ Kheo hiệu là Pháp Kế, nhờ hành trì nhiều giới và khéo thuyết giảng Kinh, Luật, Luận đối với tam tạng thâm diệu đều thấu hiểu thông suốt.

Thường vì chúng sinh tuyên dương, thuyết giảng, bố thí pháp không ngừng, âm thanh vi diệu, thẳng thắn, thanh cao, phân tích rõ ràng khiến cho người được nghe thuyết pháp đều vui mừng, tư duy tu hành và người được thoát khỏi đường ác số nhiều đến vô lượng.

Này Tôn Giả A Nan! Tỳ Kheo Pháp Kế nhờ công đức bố thí pháp mà ở trong chín mươi kiếp hưởng phước báo nơi Cõi Trời, người.

Lại thấy các Tỳ Kheo trì giới thanh tịnh, thân hình ốm yếu, thường ban cho thức ăn, giày dép, nhờ tâm thanh tịnh chân thật bố thí nên ngày nay được phước báo giàu có an vui, cung điện, nhà cửa, của báu xe cộ thù diệu đặc biệt.

Lại được gặp Đức Phật Ca Diếp giáo hóa chỉ dạy: Ông vào đời vị lai của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ được thọ ký. Vì thế, ngày nay gặp ta thuyết pháp chỉ dạy khiến được thành tựu.

Tôn Giả A Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Hiền Hộ thắng thượng, của cải giàu có, vàng ngọc chất đầy, tự tại mà tâm khiêm nhường, thật là kỳ lạ.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Bậc đại trí không vì ưa thích, ham muốn tài sản quý báu mà kiêu mạn. Bồ Tát Hiền Hộ từ lâu đã tu hạnh lành, nhờ pháp thiện này nên thường được phước báo về của cải, thức ăn.

Bồ Tát Hiền Hộ được Đức Phật và Tôn Giả A Nan khen ngợi rồi, bèn cung kính chấp tay đảnh lễ thưa: Đức Thế Tôn thương xót che chở tất cả chúng sinh, nay con có điều muốn thưa hỏi, xin Phật từ bi chấp thuận.

Đức Phật bảo Bồ Tát Hiền Hộ: Cho phép ông có điều nghi ngờ cứ tùy ý hỏi, ta sẽ thuyết giảng rõ ràng cho ông.

Bồ Tát Hiền Hộ thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng sinh tuy biết có thức nhưng như ngọc báu giấu trong rương không hiển bày nên không rõ.

Bạch Thế Tôn! Chẳng hay thức này tạo ra hình dáng thế nào, vì sao gọi là thức?

Chúng sinh lúc chết tay chân loạn động, mắt sắc đều biến đổi, không được tự tại, các căn hoại diệt, các đại ly tán, thức ở nơi thân biến đổi đi về đâu, tự tánh thế nào, sắc tướng ra sao, làm thế nào bỏ thân này lại thọ thân khác, vì sao đã bỏ thân này rồi vẫn còn theo các nhập chịu quả báo ở đời sau, thọ các thân khác không giống nhau?

Bạch Thế Tôn! Vì sao chúng sinh thân hoại diệt rồi lại sinh ra các nhập, đời này tích tập phước nghiệp, đời sau hưởng quả báo, thân hiện tại làm phước, thân sau thọ nhận?

Tại sao thức có thể tăng trưởng nơi thân, thức nhập theo thân chuyển biến?

Đức Phật dạy: Lành thay Bồ Tát Hiền Hộ! Lành thay khéo thưa hỏi! Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ giảng nói cho ông.

Bồ Tát Hiền Hộ thưa: Bạch Thế Tôn! Con xin vâng lời.

Phật bảo Bồ Tát Hiền Hộ: Sự chuyển biến qua lại dời, diệt của thức giống như phong đại, không màu sắc, không hình tướng, chẳng hiển hiện mà có thể làm lay động vạn vật, chỉ rõ các tướng trạng sai khác của chúng, hoặc làm rung chuyển rừng, tàn phá, bẻ gãy cây cối, phát ra tiếng động lớn, hoặc tạo lạnh, nóng xúc chạm nơi thân chúng sinh tạo ra khổ vui. Gió không có hình dáng, tay chân, mặt mũi, cũng không có các màu đen, trắng, vàng, đỏ.

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Thức giới cũng như vậy, không hiện rõ màu sắc, hình tướng, ánh sáng, do nhân duyên nên hiện ra các hoạt dụng khác nhau. Nên biết thức thọ nhận để biết về pháp giới cũng thế, không màu sắc, không hình tướng, do nhân duyên nên phát sinh hoạt dụng.

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Chúng sinh khi đã chết, sự nhận biết về pháp giới, thức giới đều xa lìa thân, thức van hành nhận biết về pháp giới để thọ thân khác. Ví như gió thổi đến các loại hoa thơm, hoa ở đấy mà hương thì bay xa. Thể của gió không giữ lại hương của hoa đẹp. Thể của hương, của gió, cùng căn thân đều không có hình sắc, nhưng không nhờ sức gió thì hương không thể bay xa được.

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Thân chúng sinh khi chết, thức giữ lại sự nhận biết về pháp giới để sinh đến cõi khác. Nhờ duyên nơi cha mẹ, thức gá vào. Sự nhận biết pháp giới đều tùy nơi thức cũng như vậy. Như từ sức thù thắng của hoa mà mũi có thể ngửi mùi, do sức thù thắng của ngửi mà biết được cảnh giới của hương.

Lại như từ gió nơi sức thù thắng của thân mà được sự tiếp xúc nơi sắc của gió. Nhờ nơi sức thù thắng của gió nên hương được bay xa. Như vậy, từ thức có thọ, từ thọ có sự nhận biết, từ sự nhận biết mà có pháp, theo đó có thể nhận biết pháp thiện và bất thiện.

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Như người thợ vẽ chuẩn bị tường, bảng, chỗ để vẽ và những cách vẽ đẹp nhất, tùy ý vẽ nên những hình tượng nơi bức tranh, thức trí của người thợ ấy đều không có hình sắc mà vẫn vẽ ra đủ loại nét đẹp kỳ lạ, đủ thứ hình tượng khác nhau.

Như vậy, thức trí không hình mà sinh ra sáu sắc, nghĩa là nhân nơi mắt thấy sắc nhưng nhãn thức thì không có hình tướng. Do nơi tai nghe tiếng, nhưng tiếng không có hình sắc. Do nơi mũi ngửi hương mà hương không có hình sắc. Nhờ lưỡi biết vị nhưng vị không có hình sắc. Nhân nơi thân biết xúc chạm nhưng xúc không có hình sắc. Các pháp nhập nơi các cảnh giới đều không có hình tướng. Thức không có hình sắc cũng lại như vậy.

Này Bồ Tát Hiền Hộ! Thức bỏ thân này thọ sinh thân khác, chúng sinh khi chết, thức bị nghiệp chướng ràng buộc, quả báo hết, thân mạng chấm dứt giống như thức của A La Hán nơi định diệt tận.

Như lúc A La Hán nhập định diệt tận, thức của A La Hán này từ thân diệt mà biến chuyển. Như vậy, thức của người chết là bỏ thân và cảnh giới, nương theo niệm lực mà tạo tác. Biết được điều đó như vậy, thì ta cùng người khi sống đã tạo các nghiệp, lúc chết đều nhớ lại và hiện rõ, thân và tâm cả hai đều chịu sự bức bách.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần