Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Kinh Thí Dụ

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG

KINH THÍ DỤ  

Về thời quá khứ, trải qua vô số kiếp, có một người đàn bà cô độc làm nghề bán dầu mè. Bấy giờ, có một vị Tỳ Kheo theo sự hứa cho của bà, ngày ngày đến lấy dầu mè về thắp đèn cho Đức Phật.

Trải qua nhiều năm, về sau Đức Phật thọ ký cho vị Tỳ Kheo ấy: Ông sau này sẽ thành Phật. Chư Thiên, Quốc Vương và dân chúng đều đến chúc mừng vị Tỳ Kheo.

Vị ấy nói: Tôi xin nhận lấy cái ân này.

Người đàn bà cô độc bán dầu kia nghe vị Tỳ Kheo được Phật thọ ký liền đến chỗ Phật, thưa với Ngài: Vị Tỳ Kheo ấy thắp đèn bằng dầu của con cúng dường, xin Đức Phật thọ ký cho con nữa.

Đức Phật nói: Khi vị Tỳ Kheo ấy thành tựu quả Phật, bà hãy theo Đức Phật ấy mà xin thọ ký.

Đức Phật nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất: Vị Tỳ Kheo khi đó là Đức Phật Đề Hòa Kiệt, còn người đàn bà cô độc bán dầu kia là bản thân ta.

Thuở xưa, ở nước Duy Da Ly có một vị trưởng giả nghe Đức Phật đến du hóa liền tìm tới chỗ Phật, cúi đầu làm lễ nơi chân Ngài, rồi thưa: Ý con muôn thỉnh Phật về nhà con an cư ba tháng. Đức Phật lặng thinh chấp nhận, bèn mang y, cầm bát đến nhà ông trưởng giả.

Những người khác không thỉnh được Đức Phật, liền sinh lòng tức giận, có ý đồ muốn hại vị trưởng giả. Họ hẹn ngày giờ đem đám tay chân tới vây quanh nhà ông nhiều lớp. Ông trưởng giả sợ quá nên hết lòng niệm Phật, không nghĩ tưởng đến chuyện khác.

Đức Phật đã vì gia đình ông mà thuyết pháp với bao lời chỉ dạy quan trọng khiến vị trưởng giả và quyến thuộc đều chứng được pháp nhãn bất khởi. Đức Phật từ tòa ngồi đứng dậy, ra thuyết giảng với đám người bên ngoài. Ngài nói về cái quả báo đau khổ do sự tức giận tác hại, ngợi ca phước đức của sự từ ái, hòa nhã.

Từng ấy lời giảng dạy cốt yếu đã làm cho mọi người lòng dạ cởi mở, khiến cho đến tám vạn bốn ngàn người phát tâm cầu đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Các vị Tỳ Kheo thưa với Đức Phật: Ở đại hội này, mọi người gặp được Phật khiến cho tâm ý được cởi mở, đó là sự gặp gỡ tình cờ hay là do nhân duyên từ trước?

Đức Phật nói: Nay ở chúng hội này, trong một lúc đã được hóa độ là đều do đời trước đã có nhân duyên với Đức Phật.

Các Tỳ Kheo thưa: Nguyện xin Đức Phật nói rõ đầu đuôi về việc đó để cho người nghe được tăng thêm công đức.

Đức Phật kể: Thuở xưa, có một nước ở gần biển lớn, Nhà Vua tên là Tất Hòa Đạt luôn đem lòng nhân từ trị nước, xem dân chúng như con. Lúc đó, trong nước gặp đại hạn, ba năm liền không mưa, khiến dân chúng đói khát.

Nhà Vua triệu Đạo Sĩ Phạm Chí vào cung hỏi: Trời có mưa được chăng?

Đạo Sĩ chiếm quẻ rồi nói: Phải đủ đến mười năm thì mới có mưa.

Nhà Vua nghe lời ấy, lo sợ muôn dân chết hết nên ưu sầu chẳng vui Vua nghĩ: Phải có phương kế gì để cứu vớt muôn người. Hay là ta hy sinh thân mình để cứu chúng sinh.

Nghĩ ngợi xong, Vua liền trai giới thanh tịnh, chắp tay hướng lên mười phương mà nguyện: Trẫm trước sau đã làm các điều thiện, như có được phước báo thì nguyện sinh vào trong biển làm con cá thân thật lớn để dùng thịt cung cấp, nuôi dưỡng chúng sinh.

Nguyện xong, Nhà Vua dứt mọi sự ăn uống, qua bảy ngày thì mạng chung, được sinh làm con cá có thân dài bốn ngàn dặm, vì biết rõ thân mạng đời trước của mình nên cá đã tới nằm trên bờ biển, trông giống như một hòn núi đen. Dân chúng trông thấy sao lại có một hòn núi quái lạ ở đây, nên kéo nhau đến xem, mới biết đó là một con cá lớn.

Người trong cả nước đều kéo tới cùng nhau làm thịt con cá đem về ăn, tránh khỏi được nạn đói, đất nước nhờ đó trở nên no đủ như xưa.

Đức Phật bảo cho các vị Tỳ Kheo biết: Con cá thời bấy giờ là bản thân ta, những người ăn thịt cá lúc đó nay là dân chúng nước Duy Da Ly. Ngày ấy, Đức Như Lai đã dùng thịt mình để cứu sống chúng sinh trong một đời như vậy.

Ngày nay, ta cũng đem cái ánh sáng của trí tuệ giác ngộ để cứu độ tâm thức họ, đem họ trở về với bản tánh chân như, xa lìa ba cõi, tiêu diệt hoàn toàn hết mọi khổ đau. Là Bồ Tát phải luôn tinh cần, chịu khổ, thực hiện đầy đủ ba việc bố thí.

Những gì là ba việc bố thí?

Đó là ngoại thí, nội thí và đại thí. Đem cho ăn cho mặc, các thứ của báu cả đến đất nước, vợ con… đó là ngoại thí. Đem cho các phần của cơ thể mình như thịt, xương, đầu, mắt, tủy, não… đó là nội thí. Đem bốn tâm vô lượng, sáu độ, bốn Diệu Đế, pháp môn vô thường, mười hai Bộ Kinh… vì chúng sinh mà thuyết giảng, đó là đại thí.

Phương pháp cầu đạt đạo quả phải thực hành đủ ba việc bố thí ấy thì mới mau chóng thành tựu quả vị Phật. Lúc Đức Phật thuyết giảng xong điều này thì có vô số chúng sinh cùng phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Ngài Thủ Đạt tuổi cao đáng kính, giáo hóa được năm ngàn người, Ngài Duy Tiên tuổi trẻ, trí tuệ sâu rộng, đi tới nhiều nước, giáo hóa được sáu vạn người. Lần lượt trên con đường đi du hóa, hai vị này gặp nhau, các đệ tử của Ngài Thủ Đạt thấy Ngài Duy Tiên trí tuệ dũng mãnh thảy đều muốn đến để tỏ lòng sùng bái.

Ngài Thủ Đạt gọi các đệ tử lại bảo: Ông Duy Tiên tuổi còn nhỏ, trí tuệ cạn cợt, ít ỏi.

Ngài Duy Tiên nghe được lời nói đó, bèn nghĩ: Người tu hạnh Bồ Tát, phải nên cúng dường nhau, du hóa đến các nước gặp nhau coi như gặp được Phật. Nay ta thật không muốn ủng hộ Ngài Thủ Đạt nhưng vẫn luôn nghĩ về tình đồng đạo. Ngài Duy Tiên ngay trong đêm đó lặng lẽ bỏ sang nước khác.

Vì sao thế?

Là vì muốn cho các đệ tử kia vẫn tiếp tục cúng dường Ngài Thủ Đạt. Ngài Thủ Đạt do đã bài báng Ngài Duy Tiên nên phải bị đọa vào loài Ma Ha Nê Lê đến sáu mươi kiếp, khi đã thoát được ra làm người thì phải chịu sáu mươi kiếp làm người không có lưỡi.

Tại sao thế?

Là vì Ngài đã không tự chế ngự được ba nghiệp thân, khẩu, ý, làm mất đi pháp hạnh của Bồ Tát. Về sau, tội lỗi hết, nhờ công đức đã vun trồng từ trước và nỗ lực tự tu tập nên được thành Phật Hiệu là Thích Ca Văn.

Đức Phật bảo các đệ tử: Ông Thủ Đạt kia chính là bản thân ta, Ngài Duy Tiên hiện nay là Đức Phật A Di Đà.

Tất cả các vị ngồi ở đây đều nói: Lỗi lầm kia nhỏ mà tội phải gánh chịu thì quá lớn!

Đức Phật bảo mọi người trong Pháp Hội: Thân, khẩu, ý, ba nghiệp ấy không thể không quyết chế ngự, giữ gìn, những ai trọn tin điều này và phụng hành thì đắc đạo. Nếu có phạm lỗi xấu ác tự biết ăn năn sửa đổi thì lỗi đó trở nên nhẹ bớt đi.

Từ vô số kiếp xa xưa, có một người phát tâm thực hiện một cuộc bố thí lớn, cúng đường cho các Phạm Chí ngoại đạo đông đảo, có đến hàng vô số ngàn người, suốt trong nhiều năm.

Phép tắc của các Phạm Chí là người nào biết nhiều Kinh Điển thì được ngồi nơi tòa cao nhất, nên trong số các Phạm Chí ấy, có một vị tuổi cao, nhiều trí tuệ được xem là bậc nhất trong chúng hội. Lúc đó, Bồ Tát Nho Đồng ở trong núi tu học các Kinh thuật, không gì là không thông thạo.

Khi Ngài đi đến chỗ chúng hội ấy thì ngồi ở phía cuối cùng, Theo thứ tự vấn đáp về sự hiểu biết của các Phạm Chí, lần lượt chẳng ai bằng Ngài, cho đến bậc ngồi trên cao nhất kia thì mọi sự hiểu biết của vị Phạm Chí Trưởng Lão cũng không bằng Ngài Nho Đồng.

Mười hai năm đã gần đủ, những người giỏi Kinh Điển được dâng cúng chín món vật dụng, gồm: Ngựa bằng vàng, yên cương bằng bạc, người con gái đoan chánh, bình múc nước tắm bằng vàng, chậu đựng nước tắm cũng bằng vàng, bạc, tất cả đều hết sức đẹp đẽ.

Ông Phạm Chí Trưởng Lão bèn tự suy gẫm: Ta trong mười hai năm, không ai bắt bẻ được, mà nay bị người thiếu niên này lý luận thắng ta. Người có thể xấu hổ, vật thì không đủ lời nói, mất thanh danh không phải là chuyện dễ.

Ông liền nói với Ngài Nho Đồng: Chín vật được bố thí sẽ cùng được giao hết, người nhỏ phải ở dưới ta, để ta ở trên.

Ngài Nho Đồng đáp: Tôi tự dùng lý luận để được chứ không cưỡng cầu để lên bậc trên, nếu sự hiểu biết của tôi kém cỏi thì tôi tự xuống dưới, không chút ân hận. Ông Phạm Chí Trưởng Lão buồn bã nhường chỗ ngồi cao cho Ngài Nho Đồng. Chỗ ngồi đó được trang sức bằng bảy thứ vật báu rất đẹp đẽ, tinh tế hết mực.

Nhân đó, ông hỏi Ngài Nho Đồng: Học vấn của ông đã cầu được ở đâu?

Nho Đồng đáp: Tôi cầu nơi Đức Phật A Duy tam nhằm độ thoát muôn loài.

Ông Phạm Chí sinh lòng giận dữ, độc ác, thề nguyện trong lòng rằng: Ta phải đời đời quyết hủy hoại tâm của người này, khiến nó không đạt được gì, nếu nó được làm Phật thì ta cũng quyết quấy phá.

Ông lại nghĩ: Thiện ác khác đường, sợ chẳng gần nhau, nên phải tu đức thật nhiều thì đó đây mới gặp gỡ được. Ông thực hành pháp sáu độ vô cực, cùng tu tập các pháp thiện, thường xuyên không có ý bê trễ. Thế rồi, ông ra đi luôn. Người chủ của chín vật bố thí đem hết cho các Phạm Chí để chia nhau. Mỗi Phạm Chí giảm bớt một tiền đem cho Ngài Nho Đồng.

Họ nói: Ngài không nhận chín món vật, bọn chúng tôi phải phân chia cho nhau, còn đây là phần Ngài. Ngài Nho Đồng nhận lấy rồi mỗi người mạnh ai nấy ra đi. Bồ Tát thành tựu đạo quả, Điều Đạt thường cùng với Bồ Tát theo nhau, cùng sinh cùng tử, cùng làm anh em, luôn theo để hủy hoại Bồ Tát.

Ông Phạm Chí Trưởng Lão lúc đó là ông Điều Đạt, còn Nho Đồng là Đức Phật Thích Ca Văn. Do lời thề xưa nên thường chẳng rời nhau, đó chính là gốc ngọn của câu chuyện này.

Lời Thầy dạy: Học nên nương theo bậc thiện tri thức. Thuở xưa, có một con lừa, chủ luôn cho đi theo với ngựa, đi lại, ăn uống đều thường cùng làm với ngựa. Ngựa đi trăm dặm, nó cũng đi trăm dặm, ngựa chạy ngàn dặm, lừa cũng chạy như vậy, lông bờm kêu rống y như ngựa.

Thời gian sau, lừa cùng với ngựa theo nhau ăn uống, đi lại, cùng làm bạn với lừa, lừa đi trăm dặm, ngựa cũng đi trăm dặm, lừa đi ngàn dặm, ngựa cũng đi ngàn dặm, lông bờm đầu mình nó đều giống lừa. Tiếng kêu la ai, ai của ngựa cũng y như là lừa. Từ đấy đến khi chết nó không còn là ngựa nữa.

Người đi học cũng như thế, theo thiện tri thức thì ngày ngày tinh tấn, sẽ trở nên người tinh tấn, đắc đạo mau chóng. Còn theo bạn xấu, ngày ngày lười biếng thì sẽ trở nên người lười biếng, bị chìm đắm mãi trong sinh tử.

Thuở xưa, có một người Bà La Môn nước ngoài thờ Trời, xây dựng Tự Viện, khéo tạc tượng Trời, dùng vàng làm đầu pho tượng.

Lúc ấy, có tên trộm leo lên tượng Trời ấy để lấy cái đầu tượng bằng vàng, kéo mãi không lay động được, hắn liền niệm Nam Mô Phật thì lấy được đầu tượng và mang đi. Sáng ngày, người Bà La Môn thấy mất đầu của tượng Trời. Đầu tượng Trời vì mất đi nên mọi người tụ lại cho là Thần Trời đã mất đầu, vậy là không có Thần Linh nữa.

Thần Trời nhập vào người Bà La Môn bảo: Kẻ đạo tặc lấy đầu ta không được, hắn liền niệm: Nam Mô Phật, khiến Chư Thiên đều kinh động, nên nó lấy được đầu ta mang đi.

Các người Bà La Môn nói: Trời không bằng Phật, nên đi thờ Phật, không thờ Trời nữa, kẻ ăn trộm kia chỉ niệm Nam Mô Phật là lấy được đầu tượng Trời đem đi, huống gì các Bậc Hiền Giả luôn niệm Nam Mô Phật thì mười phương thần luôn tôn quý, không dám trái nghịch, vậy phải tinh tấn không được biếng trễ.

Ngày xưa, có thầy Sa Môn ngày đêm tụng Kinh, khi ấy có con chó nằm dưới giường một lòng nghe Kinh, không nghĩ đến ăn uống, như thế trải qua nhiều năm, sau khi qua đời được sinh làm người con gái sống ở nước Xá Vệ.

Lớn lên, hễ gặp các thầy Tỳ Kheo khất thực là nàng vui vẻ lấy đồ ăn mang đến cho. Về sau, nàng theo các thầy Sa Môn làm Tỳ Kheo Ni, tinh tấn tu hành, chứng được đạo quả ứng chân.

Ngày xưa, có một vị Quốc Vương, tổ chức biểu diễn một buổi hòa nhạc lớn ở ngoài thành, dân chúng trong nước đều kéo nhau đến xem. Trong thành ấy có một gia đình người cha bị tật nên không đi xem được.

Cả nhà xúm nhau dìu dắt, cố sức đem ông ra khỏi thành, dừng lại bên gốc cây, ông biết mình không đi xem được nên nói với gia đình: Các ngươi đến xem đi, rồi trở lại đem ta về.

Khi ấy, Trời Đế Thích hiện làm một đạo nhân đi qua gần người đó, liền gọi người bệnh, nói: Ngươi theo ta đi, ta có thể làm cho bệnh của ngươi bớt được. 

Người kia nghe rất vui mừng liền đi theo Trời Đế Thích đem ông lên Cõi Trời, đến Cung Trời Đế Thích, ông trông thấy vàng, bạc, châu báu rất nhiều, thế gian không thể có nên nảy ý muốn cầu xin, lại cũng đã nghe có người nói nên xin cái bình, nên ông liền nói với Trời Đế Thích: Con muốn trở về, nguyện xin cho cái bình này.

Đế Thích liền cho còn nói: Trong cái bình này có vật dụng, hễ ngươi có lòng cầu xin là có ngay. Người bệnh mang bình về nhà, cả nhà đều cùng đến xem, tức thời theo trong tâm ý mong muốn họ liền có được nhiều vàng bạc, châu báu. Nhân đấy, họ tổ chức một hội lớn cho cả gia tộc gồm bà con nội, ngoại để ăn mừng vui chơi.

Sau khi đã no say rồi, ông già cầm cái bình nhảy nhót và nói: Ta chịu ân người đã cho ta giàu có. Ông nhảy mãi không dừng, bị té nhào xuống đất, làm vỡ tan cái bình quý, thế là chỗ mong cầu không thể còn được. 

Kinh giới của Đức Phật cũng như cái bình quý báu ấy. Khi mới lãnh hội thì tinh tấn, mọi sở nguyện đều được, về sau lười biếng dần, quên Kinh, phạm giới giống như cái bình bị vỡ, không làm sao lành lại được.

Phép đeo vàng bạc, châu báu của đàn bà con gái trong nhà, có bốn cách để được sinh lên Cõi Trời: 

Một là đeo vàng bạc châu báu, nếu có người hiểu rõ nghĩa của Kinh, giảng Kinh nghe mà hoan hỷ bỏ của cải ra bố thí, đó là một phước báu được sinh lên Cõi Trời.

Hai là người đó gặp thầy Sa Môn ở phương xa, đang lo xây dựng Chùa Tháp, hoan hỷ bỏ vàng bạc ra bố thí khuyến trợ, ấy là phước báo thứ hai được sinh lên Cõi Trời.

Ba là nếu người đó gặp kẻ nghèo cùng khốn khó, nghe lời Đức Phật dạy: Bố thí là hạnh nên làm bậc nhất liền đem của cải ra bố thí, đó là phước báo thứ ba được sinh lên Cõi Trời.

Bốn là người đó bị bệnh sắp lâm chung, đem của cải ra bố thí để nhằm cứu trợ mạng mình, chính mắt người ấy nhìn thấy sự bố thí và khi chết vui vẻ không sợ hãi thì được sinh lên Cõi Trời.

Đó là pháp trong gia đình của đàn bà con gái có bốn việc phải làm để được sinh lên Cõi Trời khi đeo vàng bạc châu báu.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần