Phật Thuyết Kinh Tam Muội Ngồi Thiền - Phần Năm - Pháp Môn Trị ðẳng Phần - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT
KINH TAM MUỘI NGỒI THIỀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN NĂM
PHÁP MÔN TRỊ ÐẲNG PHẦN
TẬP MỘT
Phần thứ năm là pháp môn trị đẳng phần, và người phạm trọng tội cầu làm Phật.
Những người như thế nên dạy nhất tâm Niệm Phật Tam Muội. Niệm Phật Tam Muội có ba hạng là hạng mới tập, hạng đã tập, hạng đã tập lâu.
Nếu người mới tập, nên dẫn đến trước Tượng Phật, hoặc bảo họ tự đến, xem kỹ những tướng tốt của Tượng Phật, mỗi tướng rõ ràng, nhất tâm ghi nhớ, trở về ngồi yên tĩnh, dùng mắt tâm quán Tượng Phật, không cho ý lay chuyển, cột niệm tại hình tượng, không nghĩ việc khác, có suy nghĩ khác liền thu nhiếp về trụ ở hình Phật.
Nếu hành giả tâm không trụ thì thầy phải dạy rằng:
Ông nên tự trách tâm: Do ngươi mà ta phải chịu tội không thể tính kể, chết sống không cùng, mọi thứ khổ não đều đã trải qua, hoặc ở địa ngục nuốt hòn sắt nóng, uống nước đồng sôi, hoặc trong loài súc sanh nhai cỏ ăn phân, hoặc ở ngạ quỷ chịu khổ đói khát, hoặc trong loài người nghèo cùng, nguy khốn, hoặc ở Cõi Trời sầu não vì mất ngũ dục.
Bởi thường theo ngươi nên làm cho thân tâm ta chịu vô lượng khổ não như vậy. Nay ta phải chế phục ngươi, ngươi phải theo ta, buộc ngươi một chỗ, ta quyết định không để ngươi làm ta khốn đốn nữa, lại phải chịu mọi sự khổ độc. Ngươi thường làm khổ ta, nay ta phải làm khổ ngươi. Quở trách như vậy thì tâm hết tán loạn.
Khi ấy liền được mắt tâm sáng suốt, thấy tướng Tượng Phật rõ ràng, như mắt nhìn thấy không khác, như thế tâm được trụ. Ðó là hành giả mới tập tư duy.
Khi ấy hành giả lại nghĩ: Hình tướng này là ai?
Là hình Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ở quá khứ. Như nay ta thấy hình Tượng Phật, hình Phật cũng không đến, ta cũng không đi.
Tâm tưởng như thế, thấy Phật thời quá khứ, khi mới giáng thần, chấn động Trời Đất, có ba mươi hai tướng Đại Nhân:
1. Lòng bàn chân bằng phẳng.
2. Dưới bàn chân có thiên bức luân.
3. Ngón tay dài, đẹp.
4. Gót chân rộng.
5. Kẻ ngón tay ngón chân đều có màng lưới mỏng.
6. Mu bàn chân cao, bằng, đẹp.
7. Chân thon, tròn đầy như nai chúa.
8. Ðứng thẳng, tay quá gối.
9. Tướng mã âm tàng.
10. Thân tròn, thẳng như cây Ni câu lô đà.
11. Mỗi lỗ chân lông đều có một sợi lông.
12. Lông hướng lên và xoay qua phải.
13. Sắc thân thể hơn sắc vàng ròng.
14. Hào quang tỏa quanh thân một trượng.
15. Da mỏng, đẹp.
16. Bảy chỗ đầy đặn.
17. Dưới hai nách bằng đẹp.
18. Thân trên như sư tử.
19. Thân rất đẹp, ngay ngắn.
20. Vai tròn đẹp.
21. Có bốn mươi cái răng.
22. Răng trắng, bằng khít, chân sâu.
23. Bốn răng cửa trắng, lớn.
24. Má vuông như má sư tử.
25. Trong vị giác được thượng vị.
26. Lưỡi lớn, rộng, dài mà mỏng.
27. Tiếng Phạm âm sâu xa.
28. Âm thanh như tiếng Ca Lăng Tần Già.
29. Mắt màu xanh biếc như trời xanh.
30. Lông mi như trâu chúa.
31. Trên đảnh có nhục kế.
32. Giữa chặn mày có tướng bạch hào dài, đẹp, xoắn về bên phải.
Lại có tám mươi vẻ đẹp:
1. Tướng vô kiến đảnh.
2. Mũi cao, thẳng, đẹp, kín.
3. Lông mày như vầng trăng lưỡi liềm, xanh như màu lưu ly.
4. Tai đẹp.
5. Thân như Na La Diên.
6. Xương mắc nhau như mắc xích.
7. Khi xoay thân như voi chúa.
8. Khi đi, chân cách đất bốn tấc mà vẫn in dấu.
9. Móng tay màu như đồng đỏ, mỏng và bóng sáng.
10. Ðầu gối tròn đẹp.
11. Thân tinh khiết.
12. Thân mềm mại.
13. Thân không cong.
14. Ngón tay thon dài.
15. Ðường chỉ tay đẹp như bức họa nhiều màu.
16. Mạch sâu không lộ.
17. Mắt cá ẩn không lồi.
18. Thân sáng, bóng láng.
19. Thân vững, không xiêu quẹo.
20. Thân đầy đủ tháng ba thọ thai, tháng hai sanh.
21. Ðầy đủ dung nghi.
22. Ðứng vững chãi như trâu chúa bất động.
23. Uy dũng trùm khắp.
24. Chúng sanh thích chiêm ngưỡng.
25. Mặt không dài.
26. Dung mạo đoan chánh, không có sắc xen tạp.
27. Môi đỏ như màu quả Tần Bà.
28. Mặt tròn đầy.
29. Âm thanh vang xa.
30. Rốn tròn sâu, không lồi.
31. Lông khắp thân đều xoay về bên phải.
32. Chân tay đầy đặn.
33. Tay chân như ý, trong ngoài đều nắm được.
34. Ðường chỉ tay chân đều rõ ràng và thẳng.
35. Chỉ tay dài.
36. Chỉ tay không đứt đoạn.
37. Tất cả chúng sanh có ác tâm, khi thấy đều lộ vẻ vui mừng.
38. Mặt rộng, đẹp.
39. Mặt như vầng trăng.
40. Chúng sanh thấy không kinh sợ.
41. Lỗ chân lông tỏa mùi thơm.
42. Miệng thoảng mùi hương, người gặp, được pháp lạc bảy ngày.
43. Dung nghi như sư tử.
44. Tiến, dừng như voi chúa.
45. Ði như ngỗng chúa.
46. Ðầu như quả Ma Đa La, quả này không tròn không dài.
47. Ðầy đủ âm thanh, có sáu mươi loại âm thanh, Phật đều biết hết.
48. Răng sắc bén.
49. Vì chữ Hán không có tên gọi nên không nêu.
50. Lưỡi rộng và đỏ.
51. Lưỡi mỏng.
52. Lông màu hồng, sạch sẽ.
53. Mắt rộng, dài.
54. Khổng môn đầy, tướng cửu khiếu đủ và đầy đặn.
55. Chân tay trắng đỏ như màu hoa sen.
56. Bụng không lồi.
57. Bụng không lép.
58. Thân bất động.
59. Thân nặng.
60. Thân lớn.
61. Thân cao lớn.
62. Chân tay sạch, đầy đặn.
63. Quanh thân có hào quang lớn, khi đi ánh sáng chiếu khắp.
64. Coi chúng sanh như nhau.
65. Giáo hóa chẳng chấp trước, không ham đệ tử.
66. Nói âm thanh vừa phải tuỳ theo từng loài chúng sanh thích nghe.
67. Tùy theo ngôn ngữ của chúng sanh mà thuyết pháp.
68. Lời nói không ngăn ngại.
69. Thuyết pháp theo thứ lớp, không gián đoạn.
70. Tướng Phật, chúng sanh nhìn ngắm không thể biết hết.
71. Ngắm không nhàm chán.
72. Tóc dài, đẹp.
73. Tóc xoắn đẹp.
74. Tóc không rối.
75. Tóc không hư.
76. Tóc mềm mại.
77. Tóc màu xanh như ngọc Tỳ Lưu Ly.
78. Bề mặt tóc mềm.
79. Tóc không thưa.
80. Ngực có chữ Ðức, chân có chữ Kiết. Ánh sáng chiếu suốt vô lượng thế giới.
Lúc mới sanh đi bảy bước, miệng nói lên lời quan trọng. Xuất gia chuyên cần khổ hạnh. Dưới cội Bồ Đề hàng phục quân ma. Khi trời gần sáng thành bậc Ðẳng Chánh Giác, tướng ánh sáng rõ ràng chiếu khắp mười phương. Trên không, không đâu không có Chư Thiên đàn ca, rải hoa, mưa hương cúng dường.
Tất cả chúng sanh vô cùng cung kính, một mình qua lại trong ba cõi, xoay mình như voi chúa, quán xem đạo thọ, chuyển pháp lần đầu Trời người đều ngộ. Tu đạo tự chứng đạt đến Niết Bàn.
Thân Phật như thế, cảm phát vô lượng. Chuyên tâm niệm Phật, không nghĩ việc khác, có nghĩ việc khác liền thu nhiếp trở về. Như vậy thì không loạn động.
Khi ấy liền được thấy sắc thân một Đức Phật, hai Đức Phật, cho đến mười phương Chư Phật, trong vô lượng thế giới. Do dùng tâm tưởng nên được thấy như vậy.
Ðã thấy Phật, sau được nghe thuyết pháp, hoặc tự thưa hỏi, được Phật, thuyết pháp trừ các nghi ngờ.
Ðã được Phật nghĩ tưởng, lại nên niệm công đức pháp thân của Phật có vô lượng đại tuệ, trí sâu thẳm không bờ mé, đức không thể tính kể:
Ða Ðà A Già Ðộ: Như Lai.
A Lê: Ứng Cúng.
Tam Miệu Tam Phật Ðà: Chánh Biến Tri.
Tỳ Già Giá La Na Tam Bát Na: Minh Hạnh Túc.
Túc Già Ðà: Thiện Thệ.
Lộ Già Bại: Thế Gian Giải.
A Nậu Ða La: Vô Thượng Sĩ.
Phú Lâu Sa Ðàm Miệu: Ðiều Ngự Trượng Phu.
Xá Ða Ðề Bà Ma Nậu Xá Nam: Thiên Nhân Sư.
Phật Bà Già Bà: Phật Thế Tôn.
Bấy giờ, lại niệm thần đức của hai, ba, bốn, năm…, cho đến vô lượng cùng tận cả hư không Phật đều như vậy, trở lại thấy một Đức Phật. Có thể quán một Đức Phật hóa ra mười phương Chư Phật. Quán mười phương Chư Phật hợp lại thành một Đức Phật.
Có thể quán từ một màu thành các màu: Vàng, bạc, thủy tinh,… màu ngọc lưu ly, tùy ý người thích, tất cả đều được thấy.
Khi ấy chỉ quán hai việc: Thân Phật hư không và các công đức của Phật. Lại không nghĩ việc khác thì tâm được tự tại, ý không dong ruổi. Khi ấy được thành tựu Niệm Phật Tam Muội.
Nếu tâm còn chạy theo ngũ trần hoặc nghĩ về sáu việc nêu ở trước thì nên cố gắng kiềm chế, dùng tâm mạnh mẽ để điều phục nó, tư duy như vậy: Thân người khó được, Phật Pháp khó gặp, nên mới nói các thứ ánh sáng thì mặt trời là hơn hết. Các bậc Trí Phật là bậc nhất.
Vì sao?
Vì Phật đối với tất cả chúng sanh thường khởi lòng đại bi, đem đầu, mắt, tủy, não để cứu chúng sanh thì tại sao ta lại phóng tâm, không chuyên chú niệm Phật, cố phụ ơn nặng ấy?
Nếu Phật không xuất hiện ở đời thì không có đường đến cõi người, trời và Niết Bàn. Nếu người đem hương hoa cúng dường, lấy xương, thịt, máu, tủy để xây Tháp cúng dường thì cũng không bằng người đem pháp cúng dường để đạt đến Niết Bàn.
Tuy nhiên, hễ phụ ân Phật thì dù có niệm Phật thì cũng rỗng không, không được gì. Vì vậy, ta cần chuyên tâm niệm Phật không xao lãng để báo ân Ngài.
Huống nữa niệm Phật được các tam muội, trí tuệ và thành Phật mà không chuyên tâm niệm ư?
Vì thế hành giả thường phải chuyên tâm làm cho ý không tán loạn thì được thấy Phật, thưa hỏi giải nghi. Ðó gọi là Niệm Phật Tam Muội, trừ diệt đẳng phần và các trọng tội.
Bấy giờ, hành giả tuy được nhất tâm, nhưng định lực chưa thành thục vì còn bị phiền não Dục Giới làm loạn động, nên tạo phương tiện tiến đến học Sơ Thiền, trách bỏ ái dục.
Thế nào là trách bỏ ái dục?
Quán tội lỗi của Dục Giới: Dục là bất tịnh, mỗi mỗi đều bất thiện, nên nghĩ về sự an ổn, vui vẻ của Sơ Thiền.
Quán dục như thế nào?
Quán ái dục là vô thường, oan gia của công đức, nó như huyễn, như hóa, không thật, vô sở đắc. Nghĩ đến dục mà chưa được thì tâm si đã rối loạn, huống gì khi bị dâm dục trói buộc.
Cái vui Cõi Trời còn không an ổn, huống gì ở cõi người. Lòng người say mê ái dục không nhàm chán, như lửa gặp củi, như biển nuốt nước.
Như Vua Ðảnh Sanh tuy được trời mưa bảy báu, làm Vua bốn châu thiên hạ, Ðế Thích chia cho tòa ngồi mà vẫn không vừa lòng.
Như Na Hầu Sa là Vua Chuyển Kim Luân bị dục thúc bách mà đọa trong loài Mãng Xà. Lại như vị Tiên ăn trái cây, mặc áo cỏ, ở ẩn trong núi sâu, đầu bù tóc rối cầu đạo mà vẫn chưa thoát khỏi sự phá hoại của giặc ái dục.
Cái vui của ái dục rất ít mà sự độc hại, thù oán quá nhiều, người đắm ái dục, bạn ác gần gũi, người hiền xa lánh. Dục là rượu độc làm người ngu si mê hoặc, say sưa đến chết. Dục là thứ dối trá, sai khiến người ngu khổ sở muôn bề, không được tự tai.
Chỉ có lìa dục, thân tâm mới an ổn, khoái lạc vô cùng. Dục không nắm bắt được, như chó gặm xương khô. Tìm dục khổ sở nhọc nhằn mới được, được thì rất khó, mất lại quá dễ, chỉ tạm bợ chốc lát, không lâu dài, như thấy mộng chợt tỉnh, liền mất.
Dục là tai họa, mong cầu đã khổ, được càng khổ thêm. Ðược nhiều khổ nhiều. Như lửa gặp củi, càng nhiều càng cháy mạnh.
Dục như miếng thịt, bầy chim giành nhau. Nói tóm lại, như con thiêu thân bay vào trong lửa, như cá mắc câu, như nai theo tiếng, như khát uống nước mặn…
Tất cả chúng sanh vì dục mà rước họa, nên không có khổ nào mà chẳng chuốc lấy. Vì vậy phải biết dục là độc hại, nên cầu Sơ Thiền dập tắt lửa dục.
Hành giả nhất tâm chuyên cần tin vui, khiến tâm tăng trưởng, ý không tán loạn. Quán nhàm chán tâm dục để trừ hết kiết sử phiền não, được định Sơ Thiền, lìa lửa dữ dục, được định mát mẻ, như nóng được bóng mát, như nghèo được giàu sang. Khi ấy liền được niềm vui của Sơ Thiền. Tư duy mỗi công đức trong thiền định, quán xét phân biệt sự tốt xấu, liền được nhất tâm.
Hỏi: Người tu thiền được tướng nhất tâm, làm sao có thể biết?
Ðáp: Người ấy sắc mặt vui tươi, bước đi thong thả, trầm lặng, đoan chánh, không mất nhất tâm, mắt không đắm sắc.
Do sức định của thần đức nên không ham danh lợi, phá trừ kiêu mạn, tính tình nhu hòa, không ôm lòng độc hại, lại không xan tham ganh ghét, tâm thanh tịnh, lòng tin chân chánh, luận bàn không tranh cãi, thân không lừa dối, nói năng dễ dãi, hòa nhã, biết hổ thẹn.
Tâm thường trụ trong pháp, siêng tu tinh tấn, giữ giới trọn vẹn, tụng Kinh ghi nhớ đúng đắn, suy nghĩ thực hành theo pháp, ý thường vui vẻ, việc đáng giận mà không giận, trong bốn sự cúng dường không thanh tịnh thì không nhận. Bố thí thanh tịnh thì nhận nhưng biết lượng vừa đủ.
Thức dậy thanh thản, hay làm hai việc: Bố thí nhẫn nhục, trừ đi tà vạy, bàn luận không tự mãn, nói năng rất ít, khiêm nhường, cung kính bậc Thượng Trung Hạ tọa. Thường gần gũi thầy hiền bạn tốt, ăn uống biết tiết độ, không đắm vị dục, thích một mình ở nơi yên tĩnh.
Ðối với khổ vui, tâm nhẫn không động, không oán, không tranh, không thích tranh cãi. Có các tướng như vậy thì biết được đó là tướng nhất tâm.
Hai giác quán này làm loạn tâm thiền định, như nước lắng trong, sóng dậy thì đục. Hành giả cũng vậy, bên trong đã được nhất tâm nhưng còn bị giác quán làm loạn, như mệt được nghỉ, như ngủ được an.
Khi ấy, dần dần hết giác, hết quán, phát sanh định thanh tịnh, bên trong thanh tịnh mừng vui được vào Nhị Thiền. Tâm yên lặng, xưa chưa từng có, nay mới được cái mừng này.
Khi ấy, tâm quán cái mừng là họa hoạn như giác, quán ở trên, thực tập pháp không mừng mới lìa địa vị mừng mà được cái vui của Hiền Thánh đã nói. Nhất tâm biết rõ, hộ trì niệm được vào Tam Thiền. Ðã bỏ cái mừng nên biết rõ sự nhớ nghĩ, hộ trì cái vui.
Thánh Nhân nói hộ trì cái vui, người thường khó bỏ cái vui bậc nhất, vì khi đã qua rồi thì cái vui không trở lại. Vì vậy, tất cả Thánh Nhân ở trong tất cả địa vị thanh tịnh thì nói niềm vui của từ là bậc nhất.
Vui là họa hoạn, vì sao?
Vì trong tầng thiền bậc nhất, tâm không động chuyển nhờ vô sự. Nếu có động thì có chuyển, mà có chuyển thì có khổ. Cho nên Tam Thiền cho vui là họa. Lại dùng cái thiện diệu để bỏ cái khổ vui này. Trước bỏ lo mừng, trừ ý khổ vui, hộ trì niệm thanh tịnh, được vào Tứ Thiền không khổ không vui, hộ trì niệm nhất tâm thanh tịnh.
Thế nên Phật nói: Hộ trì cái thanh tịnh tột bậc thì gọi là Tứ Thiền. Vì Tam Thiền cái vui còn xao động nên gọi là khổ. Vì thế Tứ Thiền trừ hết khổ vui, nên gọi là bất động.
Tiếp đến quán Không xứ để phá tưởng về sắc bên trong và ngoài, diệt trừ tưởng hữu đối, không nghĩ tưởng các sắc. Quán vô lượng không xứ, thường quán lỗi của sắc, nghĩ đến công đức cao đẹp của định Không xứ. Tập nghĩ pháp đó thì đạt đến không xứ.
Nghĩ đến vô lượng thức xứ thì quán lỗi của không xứ. Nghĩ đến công đức của vô lượng thức xứ, tập nghĩ pháp này thì đạt đến thức xứ.
Nghĩ đến vô sở hữu xứ thì quán lỗi của thức xứ, nghĩ về công đức của vô sở hữu xứ. Tập nghĩ pháp này liền được vô sở hữu xứ.
Nghĩ đến phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thì tất cả các tưởng kia có rất nhiều họa hoạn, như bệnh, như ghẻ,… còn vô tưởng là chỗ ngu si. Vì thế phi hữu tưởng phi vô tưởng là cảnh giới lành, an ổn bậc nhất. Quán lỗi của vô sở hữu xứ, nghĩ về công đức của phi hữu tưởng phi vô tưởng, tập nghĩ pháp này thì được phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ.
Hoặc có hành giả bắt đầu từ sơ địa tiến dần đến thượng địa, lại ở thượng địa thực tập tâm từ, trước để tự mình được vui và phá cái độc sân hận, sau làm tâm từ lan dần đến vô lượng chúng sanh trong mười phương. Lúc ấy liền được từ tâm tam muội. Tâm bi thương xót nỗi khổ của chúng sanh và hay phá các sự não hại, rộng đến vô lượng chúng sanh thì khi ấy liền đắc bi tâm tam muội.
Hay phá điều không vui, khiến cho vô lượng chúng sanh đều được vui mừng, khi ấy liền được hỷ tâm tam muội. Hay phá khổ vui, quán ngay đến vô lượng chúng sanh trong mười phương, khi ấy liền được hộ tâm tam muội.
Nhị Thiền cũng lại như vậy. Tam Thiền, Tứ Thiền thì trừ mừng. Kế đến học ngũ thông thì thân có thể bay đi, biến hóa tự tại. Hành giả chuyên tâm với dục định, tinh tấn định, nhất tâm định và tuệ định.
Chuyên tâm quán thân, thường khởi tưởng nhẹ nhàng, muốn bay đi. Hoặc lớn, hoặc nhỏ, hai thứ này đều là họa hoạn. Chuyên cần tinh tấn, thường nhất tâm tư duy quán nhẹ nhàng.
Như người có thể nổi trên nước là nhờ tâm lực mạnh nên không chìm. Cũng như khỉ từ trên cao rơi xuống, nhờ tâm lực mạnh nên thân không bị đau đớn. Ðây cũng như vậy, nhờ sức của dục, tinh tấn, nhất tâm và tuệ rộng lớn mà thân nhỏ lại, có thể vận hành.
Tiếp đến, quán phần không giới trong thân, thường tập quán này thì sức dục, tinh tấn, nhất tâm và tuệ cực kỳ rộng lớn, liền có thể nhấc thân lên, như sức gió mạnh nhấc vật nặng đi xa.
Ðây cũng như vậy, lúc đầu tự thử nhấc mình cách đất một hai thước, dần lên đến mười thước rồi trở về chỗ cũ. Như chim non tập bay, em bé tập đi, tư duy tự xét biết tâm lực đã mạnh thì có thể bay đi xa. Học quán bốn đại thì bỏ đi địa đại, chỉ quán ba đại kia. Tâm niệm không tán loạn, liền được tự tại, thân không ngăn ngại, như chim bay đi. Lại phải học xa tưởng gần, cho nên chỗ gần mất liền đến chỗ xa.
Lại có thể biến hóa các vật. Như quán địa chủng của cây, trừ các chủng kia thì cây này liền biến thành đất.
Vì sao?
Vì cây có thành phần của đất. Nước, lửa, gió, không, vàng bạc, vật báu… thảy đều như vậy.
Vì sao?
Vì cây có thành phần của các thứ ấy. Ðó là thần thông cơ bản.
Bốn thiền có mười bốn loại tâm biến hóa:
Sơ Thiền có hai:
1. Sơ Thiền.
2. Dục Giới.
Nhị Thiền có ba:
1. Nhị Thiền.
2. Sơ Thiền.
3. Dục Giới.
Tam Thiền có bốn:
1. Tam Thiền.
2. Nhị Thiền.
3. Sơ Thiền.
4. Dục Giới.
Tứ Thiền có năm:
1. Tứ Thiền.
2. Tam Thiền.
3. Nhị Thiền.
4. Sơ Thiền.
5. Dục Giới.
Các thần thông khác như trong Luận Ðại Thừa đã nói. Ðệ tử Thế Tôn học tập năm pháp môn, chí chỉ cầu Niết Bàn.
Có hai hạng người: Hoặc người ưa định nhiều vì thích vui vẻ, hoặc người ưa trí nhiều vì sợ họa khổ. Người định nhiều thì trước học pháp thiền, sau học Niết Bàn. Người trí nhiều thì thẳng đến Niết Bàn.
Người thẳng đến Niết Bàn mà chưa đoạn phiền não thì cũng chưa đắc thiền, chỉ chuyên tâm không tán loạn, thẳng cầu Niết Bàn, vượt qua các phiền não như ái… gọi đó là Niết Bàn.
Thân thật vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, mà điên đảo cho thân là thường, lạc, ngã, tịnh. Vì thế cho nên mọi việc đều đắm mến thân. Ðó là chúng sanh thấp hèn.
Hành giả muốn phá điên đảo nên tập quán bốn niệm chỉ quán. Quán thân có nhiều thứ họa khổ. Do nhân duyên sanh nên vô thường.
Vì nhiều thứ sầu não nên khổ. Thân có ba mươi sáu vật nên bất tịnh. Bởi không tự tại nên vô ngã. Tập quán như vậy, quán trong thân, quán ngoài thân, quán trong và ngoài thân. Tập quán như vậy gọi là thân niệm chỉ. Tướng thật của thân là như vậy.
Vì sao sanh điên đảo, chấp đắm thân này?
Suy xét kỹ, bên cạnh cảm giác vui là do yêu thích nên mới đắm trước thân này. Nên quán cảm giác vui thật sự không thể nắm bắt được.
Tại sao không phải nhờ ăn mặc đưa đến vui?
Vì vui qua thì khổ sanh, nên chẳng phải là cái vui thật. Như bệnh mụt nhọt là khổ, dùng thuốc bôi lên, hết đau là vui. Do cái khổ lớn mà cho cái khổ nhỏ là vui, nên chẳng phải là cái vui thật.
Lại nữa, vì cái khổ cũ là khổ nên cái khổ mới là vui. Như gánh nặng chuyển vai thì cho cái nặng mới là vui, chẳng phải thực sự là cái vui thường hằng vậy. Như tánh của lửa là nóng, chưa từng có lúc lạnh. Nếu là cái vui thật thì đáng lẽ không có cái không vui.
Hỏi: Nói rằng: Bên ngoài tưởng là việc vui nhưng không hẳn là vui, vì có lúc là nhân vui, có khi là nhân khổ. Nếu như tâm pháp cùng với ái tương ưng thì khi ấy là vui, cùng tương ưng với giận thì khi ấy là khổ, cùng tương ưng với si thì không khổ không vui.
Lấy đó mà suy thì có thể biết là có vui hay không vui?
Ðáp: Không phải vậy. Dâm dục không phải là vui.
Vì sao?
Vì dâm dục nếu bên trong thì đâu phải tìm nữ sắc bên ngoài. Do tìm nữ sắc bên ngoài nên biết dâm là khổ. Còn nếu dâm là vui thì phải không có khi chán, mà có lúc chán thì không phải là vui.
Ở trong cái khổ lớn thì cho cái khổ nhỏ là vui. Như người đáng tội chết, tha toàn mạng sống, chỉ đánh đòn thì cho đó là vui. Tâm dục đốt thiêu, hành dục cho là vui.
Khi già chán dục thì biết dục chẳng phải vui. Nếu tưởng vui là thật thì không phải nhàm chán. Các nhân duyên như vậy, hết vui thì khổ, nên tướng vui của dục thật sự không thể nắm bắt được.
Phật dạy: Cảm giác vui nên quán là khổ, cảm giác khổ nên quán là vui, như tên bắn vào thân. Không khổ không vui nên quán sanh diệt vô thường. Ðó là thống niệm chỉ. Nên biết tâm cảm nhận khổ vui và không khổ không vui.
Tâm như thế nào?
Tâm ấy vô thường, từ nhân duyên sanh, sanh diệt không dừng, tương tợ như có, chỉ vì điên đảo cho đó là nhất. Xưa không nay có, có lại hoàn không, thế nên vô thường. Quán biết tâm là không.
Thế nào là không?
Từ nhân duyên sanh nên có mắt có cảnh, có thể thấy và nhớ nghĩ. Do ý muốn thấy và các duyên như vậy hòa hợp sanh ra nhãn thức. Như châu nhật ái, có mặt trời, có châu, cỏ khô và phân bò, các duyên ấy hòa hợp thì sanh ra lửa.
Trong mỗi duyên tìm lửa không thể có, duyên hợp sanh lửa, nhãn thức cũng vậy, không ở trong mắt, cũng không ở cảnh vật, cũng không ở khoảng giữa, không có chỗ trụ, cũng không phải không trụ.
Thế nên Phật nói như huyễn như hóa, tâm hiện tại quán tâm quá khứ, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui, mỗi mỗi tâm đều khác, mỗi mỗi tâm tự diệt.
Có tâm dục hay không có tâm dục cũng như vậy, mỗi mỗi đều khác, mỗi mỗi tự diệt. Quán trong tâm, quán ngoài tâm, quán trong và ngoài tâm cũng như vậy, gọi là tâm niệm chỉ.
Lại quán tâm thuộc về ai?
Quán tưởng, tư duy, nhớ nghĩ, mong muốn… các tâm tương ưng với pháp và không tương ưng với pháp.
Quán sát kỹ cái chủ thể mà không thấy được, vì sao?
Vì từ nhân duyên sanh nên vô thường. Do vô thường nên khổ, khổ nên không tự tại, không tự tại nên không có chủ, không có chủ nên là không.
Ðoạn trước quán riêng về thân, thống thọ, tâm, pháp không thể nắm bắt được. Nay lại tổng quán cái chủ thể của bốn niệm chỉ cũng không thể nắm bắt được. Lìa bỏ chỗ này, tìm cầu cũng không thể nắm bắt được.
Nếu thường không thể được thì vô thường cũng không thể nắm bắt được.
Nếu thường thì phải thường khổ, thường vui, đáng lẽ không mất.
Nếu có một thần hồn thường còn thì không có tội giết hại, cũng không có Niết Bàn. Nếu thân là thần hồn thì thân vô thường hoại diệt, thần hồn cũng phải diệt, cũng không có đời sau, cũng không có tội phước.
Quán khắp như vậy, không có chủ, các pháp đều không, không tự tại, nhân duyên hòa hợp nên sanh, nhân duyên tan hoại nên diệt, pháp duyên hợp như vậy gọi là pháp niệm chỉ.
Nếu hành giả đắc pháp niệm chỉ thì nhàm chán thế gian là không, hiện tượng già bệnh chết đều không có chút thường lạc ngã tịnh.
Ta đối với pháp không này, còn mong cầu cái gì?
Cần phải vào Niết Bàn, an trú trong pháp thiện bậc nhất, biết lập sức tinh tấn đắc định sâu xa. Khi đắc định sâu xa thì trụ trong pháp niệm chỉ thứ tư, quán tướng các pháp đều khổ, không vui. Không vui là sự thật. Nói khác là nói dối.
Nhân của khổ là ái v.v… các phiền não và nghiệp, chẳng phải Trời, chẳng phải thời, chẳng phải trần… mà từ trong các sự nói dối phát sanh. Phiền não ấy và nghiệp phát sanh cái khổ này.
Khi vào Niết Bàn thì tất cả khổ đều diệt hết, chứ chẳng phải Cõi Sắc Giới và Vô Sắc Giới và cái khởi đầu của thế giới ngoại đạo cho cái ban đầu tạo ra tất cả sự vật là thế giới thỉ. Các sự dối trá ấy có thể diệt cái khổ này.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Trang Nghiêm Pháp Môn - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Chương Mười Bảy - ánh Sáng đến, Bóng Tối Tan
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bát
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phật độ Nghiêm Tịnh - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Phương Tiện Phật Báo ân - Phẩm Một - Phẩm Tựa
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tài Lợi
Phật Thuyết Kinh Niệm Tụng được Lược Ra Trong Kim Cương đỉnh Du Già - Phần Một