Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Chín - Chín Pháp- Phẩm Hai - Phẩm Tiếng Rống Con Sư Tử - Phần Một - Sau Khi An Cư

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG CHI BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

CHƯƠNG CHÍN

CHÍN PHÁP  

PHẨM HAI

PHẨM TIẾNG RỐNG CON SƯ TỬ  

PHẦN MỘT

SAU KHI AN CƯ  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika, rồi Tôn Giả Sàriputta đi đến Thế Tôn. Sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tôn Giả Sàriputta bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, con đã sống an cư trong mùa mưa tại Sàvatthi.

Bạch Thế Tôn, nay con muốn ra đi du hành trong Quốc Độ.

Này Sàriputta, nay thầy hãy làm những gì thầy nghĩ là hợp thời.

Rồi Tôn Giả Sàriputta từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

Rồi một Tỳ Kheo, sau khi Tôn Giả Sàriputta ra đi không bao lâu, bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Tôn Giả Sàriputta xâm phạm con, đã bỏ đi du hành, không có xin lỗi con.

Thế Tôn cho gọi một Tỳ Kheo: Này Tỳ Kheo, hãy đến nhân danh ta, nói với Sàriputta: Thưa Hiền Giả, bậc Ðạo Sư cho gọi Hiền Giả.

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tỳ Kheo ấy, vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn Giả Sàriputta, sau khi đến, nói với Tôn Giả Sàriputta: Thưa Hiền Giả Sàriputta, bậc Ðạo Sư cho gọi Hiền Giả.

Thưa vâng, này Hiền Giả.

Tôn Giả Sàriputta vâng đáp Tỳ Kheo ấy.

Lúc bấy giờ, Tôn Giả Mahà Moggallàna và Tôn Giả Ananda cầm chìa khóa, đi từ tinh xá này đến tinh xá khác nói rằng: Chư Tôn Giả hãy đến! Chư Tôn Giả hãy đến!

Nay Tôn Giả Sàriputta sẽ rống tiếng rống con sư tử trước mặt Thế Tôn.

Rồi Tôn Giả Sàriputta đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên Thế Tôn, nói với Tôn Giả Sàriputta đang ngồi xuống một bên: Ở đây, này Sàriputta, một đồng phạm hạnh có điều bất mãn với thầy: Bạch Thế Tôn, Tôn Giả Sàriputta xâm phạm con đã bỏ đi du hành, không có xin lỗi con. 

Thật vậy, bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm trên thân, người ấy, ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.

Ví như, bạch Thế Tôn, trên đất, người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ bất tịnh, quăng phẩn uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu. Tuy vậy đất không lo âu, không xấu hổ, hay không nhàm chán.

Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như đất, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.

Ví như, bạch Thế Tôn, trong nước người ta rửa đồ tịnh, rửa đồ bất tịnh, rửa sạch phẩn uế, rửa sạch nước tiểu, rửa sạch nước miếng, rửa sạch máu, rửa sạch mủ.

Tuy vậy nước không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như nước, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân.

Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.

Ví như, bạch Thế Tôn, lửa đốt các đồ tịnh, đốt các đồ bất tịnh, đốt phẩn uế, đốt nước tiểu, đốt nước miếng, đốt mủ, đốt máu. Tuy vậy lửa không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán.

Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như lửa, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.

Ví như, bạch Thế Tôn, gió thổi các đồ tịnh, thổi các đồ bất tịnh, thổi phẩn uế, thổi nước tiểu, thổi nước miếng, thổi mủ, thổi máu. Tuy vậy gió không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán.

Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như gió, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.

Ví như, bạch Thế Tôn, một miếng vải lau chùi lau các đồ tịnh, lau các đồ bất tịnh, lau phẩn uế, lau nước tiểu, lau nước miếng, lau mủ, lau máu. Tuy vậy miếng vải lau chùi không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán.

Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như miếng vải lau chùi, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.

Ví như, bạch Thế Tôn, con trai của một người Candàla Chiên Đà La: Hạ liệt hay con gái của một người Candàla, với tây cầm bát ăn xin, mặc đồ rách rưới, đi vào làng hay đi vào thị trấn, với một tâm trạng hạ liệt.

Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm giống như con trai của một người Candàla hay con gái của một người Candàla, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.

Ví như, bạch Thế Tôn, một con bò đực, với sừng bị cưa, hiền lương, khéo điều phục, khéo huấn luyện, đi lang thang từ đường này đến đường khác, từ ngã tư này đến ngã tư khác, không hại một ai với chân hay với sừng.

Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm giống như một con bò đực với sừng bị cưa, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.

Ví như, bạch Thế Tôn, một nữ nhân hay một nam nhân còn trẻ tuổi, thanh niên, ưa thích trang điểm, sau khi gội đầu, sẽ lo âu, xấu hổ, nhàm chán nếu xác rắn, hay xác chó, hay xác người được cuốn vào cổ người ấy.

Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con lo âu, xấu hổ, nhàm chán với cái thân đầy bất tịnh này.

Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi. Ví như, bạch Thế Tôn, có người mang một cái bát đầy mỡ, có thủng nhiều lỗ, thủng nhiều đường, bị chảy, bị rỉ.

Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con mang cái thân này, có thủng nhiều lỗ, có thủng nhiều đường, bị chảy, bị rỉ. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xâm phạm một vị đồng phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, không có xin lỗi.

Rồi Tỳ Kheo ấy từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, con đã phạm một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện. Con đã xuyên tạc Tôn Giả Sàriputta, không ý thức, trống không, vọng ngôn, không thật. Mong Thế Tôn chấp nhận cho con tội ấy là một tội để con ngăn đón về tương lai.

Này Tỳ Kheo, thật là một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, thầy đã xuyên tạc Tôn Giả Sàriputta, không ý thức, trống không, vọng ngôn, không thật.

Này Tỳ Kheo, vì thầy đã thấy tội ấy là một tội, đã phát lộ đúng pháp, ta chấp nhận tội ấy cho thầy. Ðây là một sự tiến bộ, này Tỳ Kheo, trong pháp luật của Bậc Thánh, những ai thấy tội là tội, phát lộ đúng pháp, và ngăn đón trong tương lai.

Rồi Thế Tôn, nói với Tôn Giả Sàriputta: Này Sàriputta, hãy tha thứ kẻ ngu si này, trước khi ở đây, đầu nó sẽ bị vỡ tan làm bảy mảnh.

Bạch Thế Tôn, con tha thứ cho Tôn Giả ấy, nếu Tôn Giả ấy nói với con: Hãy tha thứ cho, và cũng mong Tôn Giả ấy tha thứ cho con.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần