Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tăng Thượng - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BA MƯƠI MỐT

PHẨM TĂNG THƯỢNG  

PHẦN HAI  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở vườn Câu Thâm Cù Sư, nơi bốn Ðức Phật thời quá khứ đã ở. Bấy giờ, Vua Ưu Ðiền cùng phu nhân Xá Di và năm trăm cô gái muốn đến vườn dạo chơi ngắm cảnh.

Ngay khi ấy, trong thành Xá Vệ có một Tỳ Kheo nghĩ: Ta xa Thế Tôn đã lâu, muốn đến lễ bái thăm hỏi. Ðến giờ, Tỳ Kheo đắp y, ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực. Ăn xong thu xếp y bát, tọa cụ. Ông lại dùng thần túc bay lên hư không, đến vườn Câu Thâm. Tỳ Kheo ấy bỏ thần túc, vào rừng đến một chỗ vắng ngồi kiết già tĩnh tọa, chính thân, chính ý, buộc niệm ở trước.

Khi ấy, Phu Nhân Xá Di dẫn năm trăm cô gái đến rừng này. Phu Nhân Xá Di từ xa trông thấy Tỳ Kheo dùng thần túc đến ngồi dưới gốc cây, liền đến trước Tỳ Kheo cúi lạy rồi chắp tay đứng trước, năm trăm cô gái đều cúi lạy và chắp tay đứng vây quanh.

Lúc ấy, Vua Ưu Ðiền từ xa trông thấy năm trăm cô gái chắp tay đứng vây quanh Tỳ Kheo này, liền nghĩ: Trong đây chắc có bầy nai, hoặc có các loài thú chắc chắn không nghi. Vua liền cỡi ngựa chạy mau đến đám đàn bà.

Phu nhân Xá Di Xa thấy Vua đến liền nghĩ: Vua Ưu Ðiền này cực kỳ hung ác, có thể hại Tỳ Kheo này.

Phu Nhân bèn giơ tay mặt lên tay Vua: Ðại Vương nên biết! Ðây là Tỳ Kheo, chớ có kinh sợ.

Vua liền xuống ngựa, bỏ cung đến chỗ Tỳ Kheo, bảo Tỳ Kheo: Tỳ Kheo! Hãy thuyết pháp cho ta! Tỳ Kheo ấy đưa mắt ngước trông Vua, làm thinh chẳng nói.

Vua lại bảo Tỳ Kheo: Mau thuyết pháp cho ta! Tỳ Kheo lại đưa mắt ngước nhìn Vua, làm thinh không nói.

Vua lại nghĩ: Nay ta có thể hỏi việc tu thiền. Nếu thuyết cho ta, ta sẽ cúng dường, trọn đời thí cho y phục, thức ăn uống, giường chõng, thuốc thang trị bệnh. Nếu chẳng thuyết cho ta, ta sẽ giết.

Vua lại bảo Tỳ Kheo: Tỳ Kheo! Thuyết pháp cho ta. Tỳ Kheo kia vẫn làm thinh chẳng đáp. Bấy giờ thọ thần biết tâm Vua, liền hóa ra một bầy nai ở đàng xa, muốn làm loạn tai mắt của Vua khiến khởi nghĩ chuyện khác.

Khi ấy, Vua thấy nai liền nghĩ: Nay hãy bỏ Sa Môn này.

Sa Môn này rốt cuộc đi đâu cho khỏi?

Vua liền cỡi ngựa bắn bầy nai.

Phu nhân bèn thưa: Này Tỳ Kheo đến đâu?

Tỳ Kheo nói: Tôi muốn đến trụ xứ của Phật, đến gặp Thế Tôn.

Phu nhân bạch: Tỳ Kheo! Nay đã đúng lúc. Ngài mau đi đến đó, đừng ở đây nữa, sẽ bị Vua hại thì tội Vua rất nặng. Tỳ Kheo ấy liền đứng lên thu xếp y bát bay lên hư không đi về phương xa.

Phu nhân thấy Tỳ Kheo bay cao trên hư không bèn gọi Vua nói: Kính mong Ðại Vương, xem Tỳ Kheo này có đại thần túc. Nay ở hư không vọt lên, ẩn mất tự tại.

Nay Tỳ Kheo ấy còn có sức này, huống Phật Thích Ca Văn mà có thể bì kịp sao?

Tỳ Kheo ấy đến vườn Cù Sư, xả thần túc, bình thường đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên.

Tại đó Thế Tôn hỏi Tỳ Kheo: Thế nào Tỳ Kheo?

Ngồi hạ ở thành Xá Vệ có nhọc nhằn chăng?

Tùy thời khất thực có mệt mỏi không?

Tỳ Kheo đáp: Con ở thành Xá Vệ không có gì mệt mỏi.

Phật bảo Tỳ Kheo: Hôm nay cớ sao thầy đến đây?

Tỳ Kheo bạch Phật: Con cốt đến hầu thăm sức khỏe Thế Tôn.

Thế Tôn bảo: Nay thầy thấy ta và chỗ trụ của bốn Đức Phật thời quá khứ đây chăng?

Nay Thầy thoát khỏi tay Vua rất lạ lùng!

Sao thầy không thuyết pháp cho Vua?

Lại nữa, Vua Ưu Ðiền nói: Nay Tỳ Kheo nên thuyết pháp cho ta.

Nay ông cớ sao không thuyết pháp cho ta?

Nếu Tỳ Kheo thuyết pháp cho Vua, Vua Ưu Ðiền sẽ rất hoan hỉ. Ðã hoan hỉ, Vua sẽ suốt đời cúng dường y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh.

Tỳ Kheo bạch Phật: Vì Vua muốn hỏi việc tu thiền nên con không đáp nghĩa này.

Thế Tôn bảo: Tỳ Kheo! Sao ông không thuyết việc tu thiền cho Vua?

Tỳ Kheo đáp: Vua Ưu Ðiền dùng thiền này làm gốc, ôm lòng hung bạo, không có tâm từ, sát hại chúng sanh vô kể, tương ưng với dục, ba độc lừng lẫy, chìm trong vực sâu, không thấy chánh pháp, tập hoặc vô tri, nhóm đủ các ác, hành động kiêu mạn, ỷ thế lực Vua, tham đắm tài bảo, khinh mạn người đời, mù không có mắt.

Người này dùng thiền làm gì?

Phàm pháp thiền định là pháp vi diệu trong các pháp, khó thể giác tri, không có hình tướng, chẳng phải đem tâm lường được. Ðây chẳng phải chỗ người thường đến được. Ðó là chỗ người trí biết. Vì những cớ này nên con không thuyết pháp cho Vua.

Bấy giờ Thế Tôn bảo: Nếu y cũ rách cần phải giặt mới sạch. Dục tâm cực thịnh cần nên quán tưởng bất tịnh, sau đó bèn trừ được. Nếu sân giận thịnh thì dùng tâm từ trừ đi. U ám ngu si thì dùng pháp mười hai nhân duyên sau đó trừ hết.

Này Tỳ Kheo! Cớ sao Thầy không thuyết pháp cho Vua Ưu Ðiền?

Nếu thuyết pháp, Vua sẽ hết sức hoan hỷ.

Ngay dù lửa cực mạnh vẫn có thể diệt được, huống nữa là người?

Tỳ Kheo kia im lặng chẳng nói.

Bấy giờ Phật bảo Tỳ Kheo: Như Lai xử thế rất đặc biệt. Dù Trời, Rồng, Quỷ Thần, Càn Thát Bà hỏi nghĩa Như Lai, ta sẽ thuyết cho họ. Giả sử Quốc Vương, Đại Thần, nhân dân hỏi nghĩa Như Lai, ta cũng sẽ thuyết cho họ. Nếu Sát Lợi, bốn dòng đến hỏi nghĩa, ta cũng sẽ thuyết pháp cho.

Vì sao thế?

Hôm nay, Như Lai được Bốn vô sở úy, thuyết pháp không có khiếp nhược, cũng được Tứ thiền, trong đó tự tại, kiêm đắc tứ thần túc chẳng thể tính kể, hành tứ đẳng tâm.

Thế nên, Như Lai thuyết pháp không có khiếp nhược. La Hán, Bích Chi Phật không có thể đến đó được. Thế nên, Như Lai thuyết pháp không khó.

Nay Tỳ Kheo các thầy!

Hãy tìm phương tiện hành tứ đẳng tâm: Từ, bi, hỷ, xả.

Như thế các Tỳ Kheo! Hãy học điều này.

Vì sao thế! Nếu Tỳ Kheo vì chúng sanh, thiện tri thức được gặp, và tất cả cha mẹ, tri thức, thân thuộc đều nên lấy bốn việc dạy khiến họ biết pháp.

Thế nào là bốn?

Nên cung kính Phật là bậc Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, độ người vô lượng.

Nên cầu pháp. Tu hành pháp chính chân, trừ bỏ hạnh uế ác. Ðây là chỗ tu hành của bậc trí giả. Hãy tìm phương tiện cúng dường Chúng Tăng.

Chúng của Như Lai thường hòa hợp nhau không có tranh tụng, pháp thành tựu, giới thành tựu, tam muội thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu.

Ðó là bốn đôi, tám bậc, mười hai Hiền Sĩ. Ðây là Thánh Chúng của Như Lai, đáng tôn đáng quý, là ruộng phước vô thượng của thế gian.

Nên khuyến trợ khiến hành pháp luật Hiền Thánh, không nhiễm ô, tịch tĩnh vô vi. Nếu có Tỳ Kheo muốn hành đạo, thì nên hành đủ pháp bốn việc này. Vì sao thế, pháp cúng dường Tam Bảo, tối tôn, tối thượng không ai sánh kịp. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có bốn hành tích.

Thế nào là bốn?

Có lạc hành tích, việc làm ngu hoặc.

Có lạc hành tích, việc làm lanh lợi.

Có khổ hành tích, việc làm ngu hoặc.

Có khổ hành tích, việc làm lanh lợi.

Thế nào gọi là lạc hành tích, việc làm ngu hoặc?

Hoặc có một người tham dục, sân giận, ngu si lừng lẫy, việc làm rất khó không tương ứng với hạnh bổn. Người ấy năm căn ngu tối không được lanh lợi.

Thế nào là năm?

Nghĩa là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Nếu đem ý ngu để cầu tam muội dứt hữu lậu, thì đấy gọi là lạc hành tích, độn căn đắc đạo.

Thế nào gọi là lạc hành tích việc làm lanh lợi?

Hoặc có một người không dục, không dâm, hằng tự giảm bớt tham dục không ân cần, sân giận, ngu si rất giảm thiểu. Năm căn lanh lợi không buông lung.

Thế nào là năm?

Nghĩa là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Đó là năm căn. Và được năm căn, tam muội thành tựu chuyển hữu lậu thành vô lậu. Ðó gọi là lợi căn hành đạo tích.

Thế nào gọi là khổ hành tích, việc làm ngu muội?

Hoặc có một người lòng dâm quá nhiều, sân giận, ngu si lừng lẫy. Họ dùng pháp này để tự vui thích, dứt sạch hữu lậu thành tựu vô lậu. Ðó gọi là khổ hành tích độn căn.

Thế nào là khổ hành tích, việc làm lanh lợi?

Hoặc có một người ít dục, ít dâm, không sân giận cũng không nghĩ làm ba việc này. Lúc ấy, năm căn này không thiếu sót.

Thế nào là năm?

Nghĩa là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, đó là năm. Người ấy dùng pháp này được tam muội, dứt hữu lậu thành vô lậu. Ðó là khổ hành tích lợi căn.

Ðó là, này Tỳ Kheo! Có bốn hành tích này. Hãy tìm phương tiện bỏ ba hành tích trước, một hạnh sau hãy cùng vâng làm.

Vì cớ sao?

Khổ hành tích tam muội khó được, đã được liền thành đạo, tồn tại lâu ở đời.

Vì sao thế?

Chẳng thể đem lạc cầu lạc, do khổ mào sau mới thành đạo.

Thế nên, các Tỳ Kheo! Hãy thường dùng phương tiện thành tựu hành tích này. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường