Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tăng Thượng - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BA MƯƠI MỐT

PHẨM TĂNG THƯỢNG  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Bà La Môn Sanh Lậu đến chỗ Thế Tôn, thăm hỏi rồi ngồi một bên.

Bà La Môn bạch Thế Tôn: Ở trong hoang vắng, thật là khổ thay!

Ở riêng, đi đứng một mình dụng tâm rất khó!

Thế Tôn bảo: Ðúng vậy, Phạm Chí! Như lời ông nói.

Ở chỗ hang hoang vắng, thật là khổ thay! Ở riêng, đi một mình dụng tâm rất khó!

Vì sao thế?

Ngày xưa, lúc ta chưa thành đạo, hành hạnh Bồ Tát, ta thường nghĩ: Ở trong hang hoang vắng, thật là khổ thay! Ở riêng, đi một mình dụng tâm rất khó!

Bà La Môn bạch Phật: Nếu có người Vọng tộc do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo. Nay Sa Môn Ca Diếp là Tối thượng thủ, có nhiều lợi ích, dẫn đường cho bọn quần manh.

Thế Tôn bảo: Ðúng vậy, Bà La Môn!

Như lời ông nói. Có các người Vọng tộc do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, ta là tối thượng thủ, có nhiều lợi ích, làm người dẫn đường cho bọn quần manh kia. Nếu thấy ta, họ đều khởi lòng hổ thẹn, đến ở hang vắng vẻ, trong núi khe.

Bấy giờ ta liền nghĩ rằng: Có các Sa Môn, Bà La Môn thân hành bất tịnh, gần gũi chỗ vắng vẻ không người mà thân hành bất tịnh chỉ luống nhọc công, chẳng phải hạnh chân thật mà là pháp đáng sợ, xấu ác, bất thiện. Nhưng hôm nay ta thân hành không bất tịnh, thân cận chỗ vắng vẻ. Có những người thân hành bất tịnh, thân cận chỗ vắng vẻ, ta không có vậy.

Vì sao thế?

Nay ta thân hành thanh tịnh, các A La Hán thân hành thanh tịnh, thích ở yên trong hang, ta là tối thượng thủ.

Như thế, Bà La Môn!

Ta tự quán thân, việc làm thanh tịnh, ưa chỗ nhàn vắng, càng thêm vui thích.

Bấy giờ ta liền nghĩ rằng: Có các Sa Môn, Bà La Môn ý hành chẳng thanh tịnh, mạng chẳng thanh tịnh, gần gũi nơi vắng vẻ không người. Họ tuy có hạnh này vẫn không phải chân chánh. Họ có đầy đủ pháp ác bất thiện, ta không có vậy.

Vì sao thế?

Nay việc làm của ta, thân, miệng, ý mạng đều thanh tịnh. Có các Sa Môn, Bà La Môn, thân, miệng, ý mạng đều thanh tịnh, thích ở nơi vắng vẻ thanh tịnh. Thế thì ta có như vậy.

Vì cớ sao?

Nay ta hành thân, miệng, ý mạng thanh tịnh, ưa ở chỗ nhàn vắng, ta là tối thượng thủ.

Như thế, Bà La Môn!

Khi ta thân, miệng, ý mạng thanh tịnh, ở chỗ vắng vẻ thì càng thêm vui thích.

Bấy giờ ta liền nghĩ: Sa Môn, Bà La Môn khi ở chỗ nhành vắng có nhiều sợ hãi. Khi ấy, họ sợ hãi pháp ác bất thiện. Nhưng hôm nay, ta trọn không sợ hãi ở chỗ vắng vẻ không người. Nếu bảo các Sa Môn, Bà La Môn có tâm sợ hãi ở chỗ vắng vẻ thì ta không có vậy.

Vì cớ sao?

Nay ta trọn không sợ hãi, ở chỗ vắng vẻ mà tự du hí. Những người có tâm sợ hãi ở chỗ vắng vẻ, ta chẳng có vậy.

Vì sao thế?

Nay ta đã lìa khổ hoạn, chẳng đồng với đây.

Như thế! Bà La Môn! Ta quán nghĩa này xong, không có sợ hãi, tăng thêm vui mừng. Có các Sa Môn, Bà La Môn hủy báng người khác, tự đề cao mình, tuy ở chỗ vắng vẻ vẫn có tưởng bất tịnh.

Nhưng Ta, này Phạm Chí! Ta không hủy báng người khác, cũng không tự đề cao mình. Có những người tự khen mình chê người, ta chẳng có vậy.

Vì sao thế?

Nay ta không có mạn. Các Hiền Thánh có mạn, ta là tối thượng thủ. Ta quán nghĩa này xong càng thêm vui mừng. Có các Sa Môn mong cầu lợi dưỡng, không thể dừng nghỉ. Nhưng hôm nay ta không mong cầu lợi dưỡng.

Vì sao thế?

Nay ta không mong ở người, cũng tự biết đủ. Và trong những người biết đủ, ta là tối thượng thủ. Ta quán nghĩa này xong càng thêm vui mừng. Có các Sa Môn, Bà La Môn ôm lòng biếng nhác, không chuyên cần tinh tấn, thân cận chỗ vắng vẻ, ta chẳng có vậy.

Vì sao thế?

Nay ta có tâm dõng mãnh. Nên trong các Bậc Hiền Thánh không giải đãi, có tâm dũng mãnh, ta là tối thượng thủ. Ta tự quán nghĩa này rồi, càng thêm vui mừng.

Bấy giờ ta lại nghĩ: Có các Sa Môn, Bà La Môn hay quên nhiều, ở chỗ vắng vẻ. Tuy có hạnh này vẫn có pháp ác bất thiện. Nhưng hôm nay ta chẳng hay quên.

Nếu lại, này Phạm Chí! Có người hay quên, ta chẳng có vậy. Nếu có Bậc Hiền Thánh không hay quên. ta là tối thượng thủ. Nay ta quán nghĩa này rồi, ở chỗ vắng vẻ càng thêm vui mừng.

Bấy giờ ta lại nghĩ: Có các Sa Môn, Bà La Môn ý loạn chẳng định. Họ liền có pháp ác bất thiện, cùng chung với hạnh ác. Nhưng hôm nay ý ta trọn chẳng loạn, hằng như nhất tâm. Những người có tâm ý loạn động, bất định. ta chẳng có vậy.

Vì sao thế?

Ta hằng nhất tâm. Nếu có Hiền Thánh tâm nhất định, ta là tối thượng thủ. Nay ta quán điều này xong, tuy ở chỗ vắng vẻ càng thêm vui mừng.

Bấy giờ ta lại nghĩ: Có các Sa Môn, Bà La Môn ngu si, tăm tối cũng như bầy dê. Người ấy liền có pháp ác bất thiện, ta chẳng có vậy. Nhưng hôm nay ta hằng có trí tuệ, không có ngu si ở chỗ vắng vẻ.

Nếu có người hành như thế, thì ta có điều này. Nay ta thành tựu trí tuệ. Có các Hiền Thánh thành tựu trí tuệ, ta là tối thượng thủ.

Nay ta quán nghĩa này xong, tuy ở chỗ vắng vẻ, càng thêm vui mừng. Lúc ta ở chỗ vắng vẻ, giả sử cây cối gẫy đổ, chim thú phóng chạy.

Bấy giờ ta nghĩ: Ðây là rừng rất đáng sợ.

Rồi lại nghĩ: Nếu có điều đáng sợ đến, ta sẽ tìm phương tiện không cho nó đến nữa. Nếu ta kinh hành có sự sợ hãi hiện đến, lúc ấy, ta cũng chẳng ngồi, nằm, cốt trừ sợ hãi, sau đó mới ngồi.

Nếu lúc ta đứng có sự sợ hãi đến, lúc ấy, ta cũng chẳng kinh hành cũng lại chẳng ngồi, cốt trừ sợ hãi sau đó mới ngồi. Nếu lúc ta ngồi có sợ hãi đến, ta chẳng kinh hành cốt trừ sợ hãi, rồi sau mới đi.

Nếu lúc ta nằm có sợ hãi đến, lúc ấy, ta chẳng kinh hành cũng lại chẳng ngồi, cốt trừ hết sợ hãi sau đó mới ngồi.

Phạm Chí nên biết! Nếu có Sa Môn, Bà La Môn trong suốt ngày đêm không hiểu đạo lý. Nay ta nói người ấy rất ngu si.

Nhưng Ta, này Phạm Chí! Trong suốt ngày đêm hiểu đạo pháp, thêm có tâm dũng mãnh cũng không hư vọng, ý không lầm lẫn, hằng như nhất tâm, không tưởng tham dục, có giác, có quán, nhớ giữ hỷ lạc đạo ở Sơ Thiền.

Ðó là, này Phạm Chí! Ta sơ tâm ở trong hiện pháp mà tự vui thích. Nếu trừ có giác, có quán, bên trong hoan hỉ, thêm có nhất tâm, không giác, không quán, định niệm hỷ an dạo ở Nhị Thiền.

Ðó là, này Phạm Chí! Ta tâm thứ hai ở trong hiện pháp mà được vui thích. Ta tự quán biết, trong không niệm dục, biết thân an lạc, chỗ các Hiền Thánh hy vọng, xả niệm hoan lạc dạo ở Tam Thiền.

Ðó là, này Phạm Chí! Tâm thứ ba ở trong hiện pháp mà tự vui thích. Nếu lại khổ vui đã trừ, lại không lo, mừng. Không khổ không vui, xả niệm thanh tịnh, dạo ở Tứ Thiền.

Ðó là, này Phạm Chí! Tâm tăng thượng thứ tư mà ta tự giác tri dạo ở tâm ý. Lúc ta đang ở chỗ vắng vẻ có bốn tâm tăng thượng này, ta do tâm tam muội này, thanh tịnh không tỳ vết, cũng không kiết sử, được không sợ hãi, tự biết túc mạng, việc vô số kiếp.

Bấy giờ, ta nhớ việc túc mạng một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, trăm đời, ngàn đời, kiếp thành hoại đều phân biệt hết.

Ta từng sanh chỗ nọ, tên gì, họ gì, ăn thức ăn như thế, chịu khổ vui như thế… từ đó ta chết mà sanh nơi này, chết đây sanh kia, nhân duyên gốc ngọn đều rõ ràng hết.

Phạm Chí nên biết! Vào đầu hôm ta đắc được minh đầu tiên, trừ vô minh không u tối nữa, tâm ưa vắng vẻ để tự giác tri. Ta lại dùng tâm tam muội không tỳ vết, không kiết sử, tâm ý tại định, được không sợ hãi mà biết chúng sanh người sanh, người chết.

Ta lại dùng Thiên nhãn quán chúng sanh người sanh, người chết, sắc lành, sắc dữ, cõi lành, đường dữ, hoặc tốt, hoặc xấu, tùy hạnh thiện ác đều phân biệt hết.

Có các chúng sanh thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, phỉ báng Hiền Thánh, hằng ôm tà kiến, tương ưng với tà kiến thì khi thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục.

Có các chúng sanh thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành, không phỉ báng Hiền Thánh, hằng tu chánh kiến, tương ưng với chánh kiến thì khi thân hoại mạng chung sanh đường lành lên Trời.

Ta lại dùng Thiên nhãn thanh tịnh không tỳ vết quán chúng sanh người sanh, người chết, sắc lành, sắc dữ, đường lành, đường ác, hoặc tốt hay xấu, các hạnh bổn ta đều biết rõ.

Phạm Chí nên biết! Lúc giữa đêm ta được minh thứ hai, không còn tăm tối, tự giác tri, vui ở chỗ vắng. Ta lại dùng tâm tam muội thanh tịnh không tỳ vết, cũng không kiết sử, tâm ý được định, được không sợ hãi, được dứt tâm lậu, cũng biết khổ này như thật chẳng dối.

Ngay khi ấy, ta được tâm này, dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, tâm được giải thoát, liền được trí giải thoát. Sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh, như thật mà biết.

Ðó là, này Phạm Chí! Ta cuối đêm được minh thứ ba không u tối nữa.

Thế nào Phạm Chí?

Nếu có tâm này: Như Lai có tâm dục, tâm sân giận, tâm ngu si chưa dứt mà ở chỗ vắng vẻ thì này Phạm Chí! Chớ xem như thế.

Vì sao thế?

Ngày nay, Như Lai trừ hẳn các lậu, hằng ưa chỗ vắng, không ở nhân gian. Hôm nay ta quán hai nghĩa này rồi, thích chỗ vắng vẻ.

Thế nào là hai?

Là tự dạo chỗ vắng vẻ và độ hết chúng sanh không thể tính kể.

Bấy giờ Phạm Chí Sanh Lậu bạch Phật: Ngài đã vì chúng sanh, thương xót độ cho tất cả.

Rồi Phạm Chí lại bạch Phật: Thôi, thôi! Thế Tôn! Thuyết đã quá nhiều. Ví như người gù được thẳng, người mê được đường, người mù được mắt, trong tối thấy ánh sáng.

Ðúng vậy, Sa Môn Ca Diếp! Ngài dùng vô số phương tiện, vì con mà thuyết pháp. Nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Từ này về sau con thọ trì ngũ giới, không sát sanh nữa, làm Ưu Bà Tắc. Bấy giờ Phạm Chí Sanh Lậu nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường