Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi - Phẩm Thất Nhật - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BỐN MƯƠI

PHẨM THẤT NHẬT  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, rất nhiều Tỳ Kheo, sau khi thọ thực, tụ tập tại giảng đường Phổ Hội luận nghị thế này: Núi Tu Di này rất rộng lớn, các núi khác không thể bì kịp. Rất kỳ đặc, cao rộng chót vót. Như thế mà không bao lâu cũng sẽ bị bại hoại không còn gì cả. Nương núi Tu Di lại có những núi lớn cũng lại bị bại hoại.

Bấy giờ Thế Tôn dùng Thiên Nhĩ nghe những Tỳ Kheo ấy luận nghị như thế, liền từ tòa đứng lên đến giảng đường và đến chỗ ngồi.

Khi ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy ở đây bàn luận những gì?

Muốn thi hành điều gì?

Các Tỳ Kheo đáp: Mọi người tụ tập ở đây luận bàn việc pháp, điều vừa luận bàn đều đúng pháp.

Thế Tôn bảo: Lành thay! Tỳ Kheo! Các thầy xuất gia đúng là phải nên luận bàn hợp pháp, lại cũng không bỏ sự im lặng của Hiền Thánh.

Vì sao thế?

Nếu Tỳ Kheo tụ tập một chỗ, nên thi hành hai việc.

Thế nào là hai?

Một là cùng nhau luận bàn Phật Pháp. Hai là hãy im lặng như Hiền Thánh. Các thầy luận hai việc này trọn sẽ được an ổn, không mất thời nghi.

Các thầy vừa rồi luận nghị như pháp những gì?

Các Tỳ Kheo đáp:

Nay chúng Tỳ Kheo tụ tập ở giảng đường này luận nghị như vậy: Thật là kỳ đặc! Núi Tu Di này rất là cao lớn rộng rãi, nhưng núi Tu Di này như thế chẳng bao lâu sẽ bị bại hoại và các núi Thiết Vi ở bốn bên cũng sẽ bại hoại như thế. Vừa rồi chúng con tụ tập ở đây bàn luận pháp như thế.

Thế Tôn bảo: Các thầy có muốn nghe sự biến đổi bại hoại của cảnh giới thế gian này không?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Nay thật đúng lúc, cúi mong Thế Tôn hãy diễn thuyết khiến cho chúng sanh tâm được giải thoát.

Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các Thầy hãy khéo suy nghĩ, ghi nhớ trong lòng!

Các Tỳ Kheo đáp: Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Các Tỳ Kheo vâng lời Phật dạy, Thế Tôn bảo: Núi Tu Di rất là rộng lớn, các núi không bì kịp. Nếu Tỳ Kheo muốn biết núi Tu Di vượt trên mặt nước khoảng tám vạn bốn ngàn do tuần, ăn sâu vào nước cũng tám vạn bốn ngàn do tuần. Núi Tu Di do bốn loại báu làm thành là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly.

Lại có bốn góc, cũng làm bằng bốn thứ báu: Vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly. Thành vàng quách bạc, thành bạc quách vàng, thành thủy tinh quách lưu ly, thành lưu ly quách thủy tinh. Trên núi Tu Di có năm bậc Trời cư ngụ ở đó, đều do túc duyên mà trụ.

Năm bậc nào?

Trong thành bạc kia có Trời Tế Khước ở. Trong thành vàng kia có Trời Thi Lợi Sa cư ngụ, trong thành thủy tinh có Trời Hoan Duyệt cư ngụ. Trong thành lưu ly có Trời Lực Thạnh ở đấy.

Giữa thành vàng và bạc có Tỳ Sa Môn Thiên Vương cư ngụ, cùng các Dạ Xoa nhiều không thể kể. Giữa thành vàng và thành thủy tinh có Tỳ Lưu Bác Xoa Thiên Vương, cùng các Long Thần cư ngụ.

Giữa thành thủy tinh và thành lưu ly có Tỳ Lưu Lặc Xoa cư ngụ. Giữa thành lưu ly và thành bạc có Ðề Đầu Lại Tra Thiên Vương cư ngụ.

Tỳ Kheo nên biết, dưới núi Tu Di có A tu la cư trú. Nếu lúc A tu la muốn đánh nhau với Trời Ba Mươi Ba, trước hết họ đánh nhau với Trời Tế Khước. Nếu thắng được, họ lại đến thành vàng đánh với Trời Thi Lợi Sa.

Thắng Trời Thi Lợi Sa rồi, họ lại đến thành thủy tinh đánh Trời Hoan Duyệt. Thắng rồi, họ lại đến thành lưu ly. Thắng được Trời đó mới cùng Trời Ba Mươi Ba đánh nhau.

Tỳ Kheo nên biết!

Trời Ba Mươi Ba cư ngụ trên đỉnh núi Tu Di, ngày đêm chiếu ánh sáng, tự chiếu lẫn nhau nên đến như thế, nước vào núi Tu Di có mặt trời, mặt trăng di chuyển.

Nhật Thiên Tử có thành quách rộng năm mươi mốt do tuần, Nguyệt Thiên Tử có thành quách rộng ba mươi chín do tuần. Ngôi sao lớn nhất rộng một do tuần, ngôi sao nhỏ nhất rộng hai trăm bộ.

Trên đỉnh Tu Di, Ðông, Tây, Nam, Bắc rộng tám vạn bốn ngàn do tuần. Gần núi Tu Di, về phía Nam có núi Ðại Thiết Vi, dài tám vạn bốn ngàn do tuần, cao tám vạn dặm.

Ở ngoài núi này có núi Ni Di Đà bao bọc núi ấy, cách núi Ni Di Đà lại có núi tên là Khư La, cách núi này lại có núi tên Tỷ Sa, cách núi này lại có núi tên Mã Ðầu, rồi lại có núi tên Tỳ Na Da.

Kế núi Tỳ Na Da lại có núi tên Thiết Vi Ðại Thiết Vi. Ở giữa Thiết Vi có tám địa ngục lớn, giữa hai địa ngục có mười sáu bức ngăn.

Núi Thiết Vi có nhiều lợi ích cho cõi Diêm Phù Đề. Diêm Phù Đề nếu không có núi Thiết Vi có núi Hương Tích, bên núi Hương Tích có tám vạn bốn ngàn bạch tượng vương sống ở đó, mỗi con có sáu ngà và đeo vàng bạc.

Trong núi Hương Tích có tám vạn bốn ngàn hang, có voi ở đó. Con voi tối thượng do vàng bạc thủy tinh, lưu ly tạo thành. Thích đề hoàn nhân cưỡi voi tối thượng, còn Chuyển Luân Thánh Vương cưỡi voi thấp nhất. Bên núi Hương Tích có hồ nước Ma Đà, sanh toàn hoa Ưu Bát Liên và hoa Câu Mâu Đầu.

Những con voi kia bới rễ mà ăn. Bên cạnh hồ nước Ma Đà có núi Ưu Xà Già La, núi ấy mọi rất nhiều cây cỏ, chim chóc, cọp trùng báo đều nương núi này, có những vị thần thông đắc đạo ở đó.

Kế đó lại có núi tên Bàn Trà Bà, kế đó lại có núi tên Kỳ Xà Quật. Ðây là nơi cõi Diêm Phù Đề nương tựa.

Tỳ Kheo nên biết, hoặc có lúc thế gian này muốn bại hoại, khi ấy Trời chẳng mưa, những hạt mầm gieo trồng không lớn lên, bao nhiêu khe suối, sông nhỏ đều khô kiệt, tất cả các hành đều quy về vô thường, không tồn tại lâu dài.

Tỳ Kheo nên biết, hoặc có lúc bốn dòng sông lớn là Hằng Hà, Tư Đầu, Tất Đà, Bà Xoa cũng đều khô cạn tất cả. Ðúng thế Tỳ Kheo, vô thường trăm lần biến đổi, chính là thế.

Tỳ Kheo, hoặc có lúc, thế gian có hai mặt trời xuất hiện, khi ấy trăm thứ cỏ cây đều rơi rụng, điêu tàn. Ðúng thế, Tỳ Kheo, vô thường biến đổi không có bền lâu. Lúc ấy các nguồn suối, dòng nước nhỏ đều khô cạn.

Tỳ Kheo nên biết, khi hai mặt trời xuất hiện, nước bốn biển lớn khô cạn, trong khoảng một trăm do tuần, dần dần đến bảy trăm do tuần, nước tự nhiên cạn.

Tỳ Kheo nên biết, lúc thế gian có ba mặt trời xuất hiện, nước bốn biển lớn trong vòng một ngàn do tuần, tự nhiên khô cạn, dần dần đến bảy ngàn do tuần nước tự nhiên cạn.

Tỳ Kheo nên biết, nếu lúc bốn mặt trời xuất hiện ở thế gian, thì nước bốn biển sẽ rút sâu một ngàn do tuần. Ðúng vậy, Tỳ Kheo, tất cả hành đều vô thường không có bền lâu.

Tỳ Kheo nên biết, hoặc có lúc năm mặt trời xuất hiện ở thế gian, khi đó nước bốn biển chỉ còn bảy trăm do tuần, dần dần đến một trăm do tuần.

Tỳ Kheo nên biết, lúc năm mặt trời xuất hiện, khi ấy nước biển còn một do tuần, dần dần khô cạn không còn gì hết. Nếu lúc năm mặt trời xuất hiện, còn đúng bảy thước nước. Lúc năm mặt trời xuất hiện, bốn biển khô cạn không còn chút nước nào.

Tỳ Kheo nên biết, tất cả hành vô thường không được bền lâu.

Tỳ Kheo nên biết, hoặc có lúc sáu mặt trời xuất hiện, cõi đất dày sáu vạn tám ngàn do tuần này sẽ bốc khói hết. Núi Tu Di cũng dần dần chảy tan. Lúc sáu mặt trời xuất hiện, Tam Thiên Đại Thiên Quốc Độ này đều chảy tan hết, ví như người thợ gốm đốt đồ gốm. Lúc ấy Tam Thiên Đại Thiên cõi nước cũng lại như thế, lửa dậy khắp mọi nơi.

Tỳ Kheo nên biết, lúc sáu mặt trời xuất hiện, tám địa ngục lớn cũng bị tiêu diệt, mọi người chết hết. Năm bậc Trời ở núi Tu Di cũng mạng chung, Trời Ba Mươi Ba, Trời Diệm Thiên, cho đến Trời Tha Hóa Tự Tại cũng mạng chung, cung điện trống trơn.

Nếu lúc sáu mặt trời xuất hiện, núi Tu Di và Tam Thiên Đại Thiên cõi nước đều trống không chẳng còn gì.

Ðúng vậy Tỳ Kheo, tất cả hành vô thường, không có bền lâu.

Tỳ Kheo nên biết, có lúc bảy mặt trời xuất hiện ở đời, đất này tuy dày sáu vạn tám ngàn do tuần và Tam Thiên Đại Thiên cõi nước thảy đều bốc lửa.

Lúc bảy mặt trời xuất hiện, núi Tu Di dần dần tan chảy, trăm ngàn do tuần tự nhiên đổ vỡ không còn gì cả, không còn thấy một phần khói bụi huống là thấy tro.

Khi ấy từ Trời Ba Mươi Ba cho đến Trời Tha Hóa Tự Tại, tất cả cung điện đều bốc lửa, lửa hừng nóng đến Trời Tam Thiên Đại Thiên.

Thiên Tử mới sanh ở Cung Trời ấy, vì chưa thấy kiếp thiêu, thấy ánh lửa nóng này thảy đều hoảng sợ, lo sẽ bị lửa đốt.

Nhưng những vị Thiên Tử sống lâu, đã từng thấy kiếp thiêu liền đến an ủi những Thiên Tử sanh sau: Các ông chớ khiếp sợ, lửa này không đến thấu đây. Tỳ Kheo nên biết, lúc bảy mặt trời xuất hiện, từ cõi đời này đến sáu từng Trời Cõi Dục cho đến Tam Thiên Đại Thiên Quốc Độ đều thành tro đất, không còn bóng dáng hình chất.

Ðúng vậy, Tỳ Kheo, tất cả hành vô thường, chẳng thể bảo đảm lâu bền, tất cả đều đi đến hoại diệt.

Khi ấy nhân dân chết hết, sinh vào Quốc Độ phương khác hoặc sanh lên Trời. Các chúng sanh ở trong địa ngục nếu tội cũ đã xong thì sanh lên Trời hoặc cõi nước phương khác.

Tỳ Kheo nên biết, nếu lúc bảy mặt trời xuất hiện, không còn dấu vết của ánh sáng mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Khi đó mặt trời, mặt trăng đã hoại diệt, không còn ngày đêm. Này Tỳ Kheo, đó là do báo duyên nên bị bại hoại như thế.

Tỳ Kheo lại nên biết, lúc kiếp thành tựu trở lại, lúc ấy lửa tự diệt mất, trong hư không có đám mây lớn nổi lên, dần dần mưa xuống, khi đó ba ngàn Đại Thiên Thế Giới tràn ngập nước, lên đến trời Tam Thiên Đại Thiên.

Tỳ Kheo nên biết, lúc đó nước dần dần dừng lại rồi tự tiêu diệt, lại có gió nổi lên gọi là Tùy lam khí núi thổi nước này tụ vào một chỗ.

Khi ấy, gió kia làm nổi lên ngàn núi Tu Di, ngàn núi Kỳ Di Đà, ngàn núi Ni Di Đà, ngàn núi Khư La, ngàn núi Y Sa, ngàn núi Tỳ Na, ngàn núi Thiết Vi, ngàn núi Ðại Thiết Vi.

Lại sanh tám ngàn địa ngục, lại sanh ngàn núi Mã Ðầu, ngàn núi Hương Tích, ngàn núi Bàn Trà Bà, ngàn núi Ưu Xà Già, ngàn Diêm Phù Đề, ngàn Cù Da Ni, ngàn Phất Vu Đệ, ngàn Uất Đơn Việt, lại sanh nước ngàn biển, lại sanh ngàn cung Tứ Thiên Vương, ngàn Trời Ba Mươi Ba, ngàn Diễm Thiên, ngàn Ðâu Suất Thiên, ngàn Hóa Tự Tại Thiên, ngàn Tha Hóa Tự Tại Thiên.

Tỳ Kheo nên biết, lúc ấy nước diệt, đất lại sanh trở lại, trên mặt đất tự nhiên có lớp đất màu mỡ, rất là thơm ngon hơn cả Cam Lồ. Nên biết mùi vị của lớp đất màu mỡ này ví như rượu ngọt bồ đào.

Tỳ Kheo nên biết, khi ấy Trời Quang Âm bảo nhau: Chúng tôi muốn đến Diêm Phù Đề ngắm xem hình thể cõi đất ấy lúc hoàn thành trở lại.

Chư Thiên Trời Quang Âm liền xuống thế gian, thấy trên đất có lớp đất màu mỡ này liền lấy tay quẹt đưa vào miệng nếm và ăn.

Khi ấy Thiên Tử nào ăn lớp đất mày này nhiều thì trở nên mất oai thần, cũng không có ánh sáng, thân thể trở nên nặng nề, sanh ra xương thịt, mất hết thần túc, không bay được nữa.

Thiên Tử nào ăn đất màu ít, thân thể không nặng, không mất thần túc, cũng có thể phi hành trong hư không.

Lúc đó các Thiên Tử mất thần túc, cùng nhau kêu khóc và bảo nhau: Hôm nay, chúng ta thật là nguy khốn, mất hết thần túc, phải ở thế gian, không lên Trời được nữa!

Họ bèn ăn lớp đất màu này và nhìn nhau sắc nhau. Người nào dục ý nhiều thì thành đàn bà, rồi làm tình dục, cùng nhau vui thú.

Này Tỳ Kheo, đó là lúc thế gian mới thành lập, có sự dâm dục lan tràn thế gian. Ðó là cách thức thông thường của đàn bà xuất hiện ở đời, cũng là pháp cũ không phải mới có đây.

Khi ấy, các Thiên Tử Quang Âm khác, thấy các Thiên Tử này đọa lạc, đều đến trách mắng họ: Các ông vì sao lại làm hạnh bất tịnh này?

Khi đó các chúng sanh nghĩ: Chúng ta phải tìm cách nào tiện nghi để ăn ở với nhau cho người chẳng thấy. Rồi từ từ họ làm nhà cửa để che thân thể.

Tỳ Kheo, đó là nguyên nhân ngày nay có nhà cửa.

Tỳ Kheo nên biết, lúc đó, lớp đất màu mỡ tự nhiên chui vào đất, sau lại sanh lúa gạo, rất tươi tốt, sạch sẽ không có lớp vỏ, rất thơm ngon khiến người ăn mập trắng. Sáng, người ta thu thập, chiều nó lại sanh. Nếu chiều thu thì sáng sanh ra.

Tỳ Kheo, từ đó mới sanh ra tên lúa gạo.

Tỳ Kheo, khi ấy nhân dân lười biếng, chẳng siêng năng sinh hoạt, họ nghĩ: Nay ta ngày ngày đi thu gạo thóc làm chi. Hãy để hai ngày đi gom một lần. Khi ấy, người kia để hai ngày mới đi thu một lần.

Nhân dân lần lượt có thai. Do đây mới có việc sanh đẻ.

Lại có chúng sanh bảo người kia: Chúng ta cùng đi thu lúa gạo đi!

Người kia đáp: Tôi đã lấy lương thực hai ngày rồi.

Người này nghe xong liền tự nghĩ: Mình nên chứa lương thực bốn ngày. Rồi liền lo lương thực bốn ngày.

Lại có người bảo người ấy rằng: Nên cùng nhau ra ngoài thu lúa gạo.

Người này đáp: Tôi đã thu lương thực bốn ngày.

Người kia nghe xong liền nghĩ: Ta nên lo lương thực tám ngày. Và người ấy lo dự trữ thức ăn tám ngày. Khi ấy lúa gạo kia không sanh ra nữa.

Mọi người đều nghĩ: Thế gian có tai nạn lớn. Nay lúa gạo này không còn như cũ. Hãy chia lúa gạo này ra. Rồi họ chia lúa gạo.

Bấy giờ chúng sanh lại nghĩ: Nay ta hãy giấu lúa gạo của mình và hãy ăn trộm lúa gạo người khác. Khi ấy, chúng sanh kia giấu lúa gạo của mình rồi ăn trộm lúa gạo người khác.

Người chủ kia thấy trộm lúa gạo mới bảo người ấy: Ông vì sao lấy lúa gạo của ta. Lần này ta tha tội cho ông, chớ có tái phạm. Bấy giờ, thế gian bắt đầu có tâm trộm cắp.

Lại có chúng sanh nghe lời này liền nghĩ: Nay ta nên giấu lúa gạo của mình và ăn trộm lúa gạo người khác. Khi ấy, chúng sanh kia bỏ vật của mình và lấy trộm của người.

Người chủ kia thấy rồi bảo người ấy rằng: Nay ông vì sao lấy lúa gạo của ta?

Nhưng người đó im lặng không đáp.

Lúc đó người chủ mới dùng nắm tay mà đánh nhau: Từ nay về sau chớ có xâm phạm.

Khi ấy, rất nhiều người nghe chúng sanh ăn trộm lẫn nhau, mỗi người đều nhóm họp bảo nhau rằng: Thế gian có việc phi pháp này, mỗi người cùng ăn trộm lẫn nhau. Nay hãy lập người giữ ruộng, để giữ gìn ruộng rẫy. Có chúng sanh tài cao, thông minh, hãy lập làm chủ giữ ruộng.

Bấy giờ, họ chọn lựa điền chủ và bảo: Các ông nên biết, thế gian có sự trộm cắp phi pháp này. Nay ông giữ ruộng hãy coi sóc bông hạt, nhưng người đến lấy lúa gạo của người khác thì nêu tội họ. Khi ấy liền đặt điền chủ.

Tỳ Kheo nên biết! Bấy giờ người giữ ruộng gọi là dòng Sát Lợi. Ðó là pháp cũ, chẳng phải là pháp mới.

Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ này:

Ðầu tiên dòng Sát Lợi,

Cao nhất trong các dòng,

Người thông minh cao tài,

Ðược Trời người cung kính.

Bấy giờ có nhân dân nào xâm phạm vật của người khác thì dòng Sát Lợi sẽ trừng phạt họ. Nhưng sau người kia không sửa lỗi, lại phạm nữa, chủ Sát Lợi ra lệnh làm đao gậy chặt đầu người kia. Lúc ấy thế gian mới bắt đầu có sát sanh.

Nhiều người nghe lệnh giết này: Người ăn trộm lúa gạo người khác, Sát Lợi chủ sẽ bắt giết đều sợ hãi, lông tóc dựng ngược. Ai nấy đều cất nhà cỏ, ngồi Thiền trong đó, nhất tâm tu phạm hạnh, bỏ lìa nghiệp nhà, vợ con, hầu thiếp. Một mình ở chỗ vắng vẻ, dốc chí tu phạm hạnh. Nhân đây về sau có tên họ của Bà La Môn.

Khi đó, có hai chủng tánh xuất hiện ở đời. Tỳ Kheo nên biết, khi ấy do trộm cắp mà có sát sanh, do sát sanh nên có dao gậy.

Sát Lợi chủ bảo nhân dân: Người nào đoan chính tài cao, hãy cho thống lãnh nhân dân này.

Sát Lợi chủ lại bảo họ rằng: Nhân dân nào ăn trộm thì cho trừng trị tội nó. Khi đó liền có chủng tánh Tỳ Xá xuất hiện ở đời.

Có nhiều chúng sanh nghĩ rằng: Ngày nay chúng sanh sát sinh lẫn nhau đều do tiền nghiệp gây ra. Nay ta nên qua lại xoay vần để tự sinh sống. Bấy giờ liền có chủng tánh Thủ Đà La xuất hiện thế gian.

Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ này:

Trước tiên dòng Sát Lợi,

Kế có Bà La Môn,

Thứ ba là Tỳ Xá,

Tiếp là họ Thủ Đà.

Có bốn chúng tánh này,

Lần lần sanh lẫn nhau,

Ðều là thân Trời đến,

Cùng đồng là một vẻ.

Tỳ Kheo nên biết, lúc có tâm giết và trộm này, không còn có lúa gạo tự nhiên hiện nữa.

Khi ấy, liền có năm loại ngũ cốc: Rễ, cọng, cành, hoa, trái, và sanh các hạt giống khác. Ðó là năm hạt giống đều là từ cõi nước phương khác theo gió thổi đến, người ta lấy trồng dùng đây để sống.

Như thế, Tỳ Kheo thế gian có điềm ứng này, liền có sanh, già, bệnh, chết đến, khiến hôm nay có thân năm ấm, chẳng dứt được mé khổ. Ðây gọi là sự biến đổi của kiếp thành hoại.

Ta nói với các thầy! Việc đáng làm của Chư Phật Thế Tôn, nay ta đã nói hết cho các thầy, hãy ưa thích chỗ vắng vẻ, nên nhớ Tọa Thiền chớ giải đãi, ngày nay nếu không tinh thành, sau hối hận vô ích. Ðây là lời dạy của ta. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường