Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Tám - Phẩm Thập Bất Thiện - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BỐN MƯƠI TÁM

PHẨM THẬP BẤT THIỆN  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu có chúng sanh làm việc sát sanh, sát sanh cùng khắp, gieo trồng tội báo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì nếu sanh trong loài người chúng sanh ấy thọ mạng sẽ rất ngắn.

Vì sao?

Vì đã hại mạng người khác. Nếu có chúng sanh trộm cắp tài vật của người khác, gieo trồng tội báo trong ba đường ác thì nếu chúng sanh ấy sanh trong loài người thường, sẽ bị nghèo khổ, thiếu thốn, ăn không no, áo không kín thân, đều do tội trộm cắp.

Cưỡng đoạt tài vật tức là làm đoạn dứt mạng sống người khác. Nếu có chúng sanh thích dâm dục, gieo trồng tội báo trong ba đường ác, thì nếu chúng sanh ấy sanh trong loài người, sẽ gặp gia đình không trinh lương, lén lút làm việc dâm dục.

Nếu có chúng sanh nói dối, gieo trồng tội báo địa ngục, thì nếu chúng sanh ấy sanh trong loài người, sẽ bị người khinh chê, nói ra không ai tin, bị người coi rẻ.

Vì sao?

Ðều do đời trước nói dối mà ra. Nếu có chúng sanh nói hai lưỡi, gieo trồng tội báo trong ba đường ác thì nếu chúng sanh ấy sanh trong loài người, tâm thường không định, thường lo buồn.

Vì sao?

Vì người ấy đã tung ra lời hư dối với đôi bên. Nếu có chúng sanh nói lời thô ác, gieo trồng tội báo trong ba đường ác thì nếu chúng sanh ấy sanh trong loài người, sẽ có dáng vẻ xấu xí, thường ưa chửi mắng.

Vì sao?

Vì người ấy nói lời không chuyên chánh nên bị như thế. Nếu có chúng sanh gây đấu loạn đôi bên, gieo trồng tội báo trong ba đường ác thì nếu chúng sanh ấy sanh trong loài người, sẽ có nhiều oán thù, người thân bị ly tán.

Vì sao?

Ðều do đời trước gây đấu loạn mà ra. Nếu có chúng sanh tật đố, gieo trồng tội báo trong ba đường ác thì nếu chúng sanh ấy sanh trong loài người, sẽ bị thiếu y phục.

Vì sao?

Vì người ấy ưa tật đố. Nếu có chúng sanh khởi lòng hại người, gieo trồng tội báo trong ba đường ác thì nếu chúng sanh ấy sanh trong loài người, thường sẽ gặp nhiều hư vọng, không hiểu lý chân thật, tâm rối loạn không định.

Vì sao?

Ðều do đời trước sân giận, không có lòng nhân. Nếu có chúng sanh hành tà kiến, gieo trồng tội báo trong ba đường ác thì nếu chúng sanh ấy sanh trong loài người sẽ phải ở chỗ man rợ, không sanh chốn thủ đô, không gặp được Tam Bảo, không nghe nghĩa lý đạo pháp.

Hoặc là bị câm, điếc, mù, ngọng, thân hình không đoan chánh, không biết rõ nẻo thú hướng của pháp lành, pháp dữ.

Vì sao?

Do đời trước không có lòng tin, cũng không tin Sa Môn, Bà La Môn, cha mẹ, anh em.

Các Tỳ Kheo nên biết! Do quả báo của mười điều ác này, nên gặp những điều ương lụy như thế. Cho nên, này các Tỳ Kheo, nên lìa mười điều ác, tu hành chánh kiến.

Như thế, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Thế Tôn vào ngày rằm thuyết giới, cùng các Tỳ Kheo vây quanh trước sau, đến giảng đường Phổ Hội. Bấy giờ, Thế Tôn lặng yên quan sát trong Thánh Chúng, rồi im lặng không nói.

Khi ấy A Nan bạch Phật: Hôm nay, đại chúng thảy đều vân tập tại giảng đường, cúi xin Thế Tôn nên thuyết giới cấm cho Chúng Tỳ Kheo. Thế Tôn lại im lặng không nói.

Khi ấy, A Nan phút chốc lại bạch Phật: Nay chính đúng thời, nên thuyết giới cấm, đầu đêm gần hết. Thế Tôn cũng im lặng không nói.

Giây lát sau, A Nan lại bạch Phật: Giữa đêm gần hết, Chúng Tăng mệt mỏi. Cúi xin Thế Tôn đúng thời thuyết giới. Thế Tôn cũng im lặng không nói.

Giây lát sau, A Nan, lại bạch Phật: Cuối đêm gần hết, cúi xin Thế Tôn đúng thời thuyết giới.

Phật bảo A Nan: Trong chúng có người không thanh tịnh, nên ta không thuyết giới. Nay cho phép Thượng Tọa thuyết giới cấm, nếu Thượng Tọa không kham thuyết giới, cho phép người trì luật thuyết giới cấm, nếu không có người trì luật, thì ai có thể tụng giới thông suốt, gọi đến khiến thuyết giới.

Từ nay về sau, Như Lai không thuyết giới, vì trong chúng có người không thanh tịnh, nếu Như Lai thuyết giới trong đây, đầu người ấy bị vỡ làm bảy phần, như trái thù la không khác.

Khi ấy, A Nan buồn khóc, nói lên rằng: Hôm nay Thánh Chúng côi cút.

chánh pháp Như Lai xa lìa mau chóng thế sao!

Người không thanh tịnh mau ra khỏi nơi đây!

Khi ấy, Ðại Mục Kiền Liên bèn khởi nghĩ: Trong chúng này, có những người nào hủy pháp khiến Như Lai không thuyết giới cho trong chúng?

Khi ấy, Tôn Giả Mục Kiền Liên nhập định, quán khắp lỗi lầm trong tâm chúng.

Tôn Giả thấy hai Tỳ Kheo Mã Sư và Mãn Túc ở trong chúng, Tôn Giả bèn rời chỗ ngồi đến chỗ hai Tỳ Kheo ấy, rồi nói: Các thầy mau rời khỏi chỗ này. Ðức Như Lai cơ hiềm các thầy nên không thuyết giới cấm. Bấy giờ, hai Tỳ Kheo im lặng không trả lời.

Tôn Giả Mục Kiền Liên nói ba lần: Các thầy mau rời khỏi, không nên ở tại đây. Hai Tỳ Kheo ấy im lặng không đáp.

Lúc đó Mục Kiền Liên bèn nắm tay hai thầy ấy lôi ra khỏi cửa, đóng cửa lại rồi mới đến bạch Phật: Tỳ Kheo không thanh tịnh đã đưa ra ngoài, cúi xin Thế Tôn đúng thời thuyết giới.

Phật bảo Mục Kiền Liên: Thôi, thôi! Này Mục Kiền Liên!

Như Lai không nói giới cho các Tỳ Kheo nữa. Như Lai không nói hai lời. Tôn Giả nên trở về chỗ ngồi.

Tôn Giả Mục Kiền Liên lại bạch Phật: Nay trong chúng này đã sanh lỗi lầm, con không kham làm phép Duy Na, cúi xin Thế Tôn sai người khác. Bấy giờ, Thế Tôn im lặng chấp nhận. Tôn Giả Mục Kiền Liên cúi đầu lễ chân Phật, trở về chỗ ngồi của mình.

Lúc ấy, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Khi Đức Phật Tỳ Bà Thi xuất hiện ở đời, Thánh Chúng nhiều ít?

Trải qua bao lâu mới sanh lỗi lầm?

Cho đến thời Phật Ca Diếp, đệ tử nhiều ít?

Vì sao thuyết giới.

Phật dạy A Nan: Chín mươi mốt kiếp đã qua, có Đức Phật ra đời, hiệu là Tỳ Bà Thi Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian.

Bấy giờ Thánh Chúng có ba hội. Hội thứ nhất có một trăm mười sáu vạn tám ngàn Thánh Chúng, hội thứ hai có mười sáu vạn Thánh Chúng, hội thứ ba có mười vạn Thánh Chúng, đều là bậc A La Hán. Ðức Phật Tỳ Bà Thi thọ tám vạn bốn ngàn tuổi.

Trong một trăm năm đầu Thánh Chúng thanh tịnh, Đức Phật Tỳ Bà Thi thường dùng một bài kệ làm giới cấm:

Nhẫn nhục là bậc nhất,

Phật nói vô vi hơn,

Không do cạo râu tóc,

Làm Sa Môn, hại người.

Bấy giờ, Đức Phật Tỳ Bà Thi dùng một bài kệ này, trong một trăm năm làm cấm giới. Về sau, trong chúng sanh lỗi lầm, Đức Phật bèn lập ra giới cấm.

Lại, trong ba mươi mốt kiếp qua, có Đức Phật Hiệu là Thi Khí Như Lai Chí Nhân Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Thời bấy giờ, có ba hội Thánh Chúng. Hội thứ nhất có mười sáu vạn chúng, hội thứ hai có mười bốn vạn Thánh Chúng, hội thứ ba có mười vạn Thánh Chúng.

Thời Đức Phật Thi Khí, trong tám mươi năm đầu, Thánh Chúng thanh tịnh, Đức Phật cũng nói một bài kệ:

Nếu mắt thấy tà vạy,

Người trí giữ không đắm,

Xả bỏ các điều ác,

Là trí tuệ ở đời.

Bấy giờ, Đức Phật Thi Khí trong tám mươi năm chỉ có một bài kệ này. Về sau, trong chúng có lỗi lầm, Phật bèn lập cấm giới. Ðức Phật Thi Khí thọ bảy vạn tuổi.

Trong kiếp ấy cũng có Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Tỳ Xá La Bà, cũng có ba hội Thánh Chúng. Hội thứ nhất có mười vạn chúng, đều là bậc A La Hán, hội thứ hai có tám vạn A La Hán, hội thứ ba có bảy vạn A La Hán, các lậu đã hết.

Thời Phật Tỳ Xá La Bà, trong bảy mươi năm đầu, Thánh Chúng thanh tịnh, Đức Phật dùng một bài kệ rưỡi làm giới cấm:

Không hại cũng không quấy,

Vâng giữ theo đại giới,

Ăn uống biết vừa đủ,

Giường, tòa cũng như vậy.

Chuyên tâm và chí thành,

Là lời Chư Phật dạy.

Trong bảy mươi năm, Đức Phật ấy dùng kệ này làm giới cấm. Về sau trong chúng có lỗi, mới lập giới cấm. Ðức Phật Tỳ Xá La bà thọ bảy vạn tuổi. Trong hiền kiếp ấy, có Phật xuất hiện hiệu là Câu Lưu Tôn xuất hiện ở thế gian. Thời ấy có hai hội Thánh Chúng.

Hội thứ nhất có bảy vạn Thánh Chúng đều là A La Hán, hội thứ hai có sáu vạn A La Hán. Thời Đức Phật Câu Lưu Tôn, sáu mươi năm đầu, trong chúng thanh tịnh không có lỗi.

Bấy giờ, Đức Phật kia dùng hai bài kệ làm giới cấm:

Ví như ong hút hoa,

Sắc hoa rất sạch, thơm,

Lấy vị ngọt cho người,

Ðạo sĩ vào làng xóm.

Không chê bai việc người,

Cũng không nhìn, phải quấy,

Chỉ tự quán thân, hạnh,

Xem kỹ chánh, không chánh.

Ðức Phật Câu Lưu Tôn trong sáu mươi năm đầu nói hai bài kệ này để làm giới cấm. Từ đây về sau có người phạm giới, mới lập giới cấm. Ðức Phật Câu Lưu Tôn thọ sáu vạn tuổi. Trong hiền kiếp ấy, có Đức Phật xuất hiện, hiệu là Câu Na Hàm Mâu Ni Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác.

Thời ấy có hai hội Thánh Chúng. Hội thứ nhất có mười sáu vạn Thánh Chúng, đều là bậc A La Hán, hội thứ hai có bốn mươi vạn Thánh Chúng, đều là A La Hán.

Thời Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, trong bốn mươi năm đầu trong chúng không tỳ vết, Đức Phật chỉ dùng một bài kệ làm giới cấm:

Giữ chí chớ khinh lờn,

Nên học đạo vắng lặng,

Bậc Hiền không lo buồn,

Nên giữ tâm tịch diệt.

Trong bốn mươi năm đầu, Đức Phật ấy nói một bài kệ này làm cấm giới, về sau trong chúng có người tỳ vết, mới lập giới cấm. Ðức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni thọ bốn vạn tuổi. Trong hiền kiếp ấy, có Phật hiệu Ca Diếp xuất hiện.

Ðức Phật cũng có hai hội Thánh Chúng. Hội thứ nhất có bốn mươi vạn chúng, hội thứ hai có ba mươi vạn chúng, đều là A La Hán.

Trong hai mươi năm đầu, trong chúng không có người phạm giới, Đức Phật thường dùng một bài kệ làm giới cấm:

Chớ làm tất cả ác,

Nên vâng làm điều lành,

Giữ tâm ý thanh tịnh,

Là lời Chư Phật dạy.

Trong hai mươi năm đầu, Đức Phật ấy nói một bài kệ này làm cấm giới, về sau có người phạm giới mới lập giới cấm. Phật Ca Diếp thọ hai vạn tuổi. Nay ta, Như Lai xuất hiện ở đời, có một hội Thánh Chúng là một ngàn hai trăm năm mươi người.

Trong mười hai năm đầu không có người phạm giới, ta dùng một bài kệ làm giới cấm:

Giữ miệng, ý thanh tịnh,

Thân hành cũng thanh tịnh,

Thanh tịnh ba hạnh này,

Tu hành đạo Tiên Nhân.

Trong mười hai năm đầu, ta nói một bài kệ này làm giới cấm, sau có người phạm luật, dần dần có hai trăm năm mươi giới.

Từ nay về sau Chúng Tăng nhóm họp, nên phải bạch đúng theo luật: Chư Hiền cùng nghe, nay là ngày mười lăm thuyết giới, nay Tăng bằng lòng cho Chúng Tăng hòa hợp thuyết giới. Thưa như thế xong, nếu có Tỳ Kheo nói gì thì không nên thuyết giới. Nếu tất cả cùng im lặng, không ai nói gì thì mới thuyết giới.

Cho đến sau khi nói bài tựa giới Kinh rồi, nên hỏi rằng: Thưa Chư Hiền, ai không thanh tịnh?

Hỏi như thế ba lần: Ai không thanh tịnh. Người thanh tịnh thì im lặng giữ gìn. Bởi vì tuổi thọ của người ngày nay rất ngắn, tuổi thọ cao nhất không quá trăm năm.

Thế nên, A Nan! Nên khéo thọ trì điều ta dạy.

Bấy giờ, A Nan bạch Phật: Các Đức Phật ở thời quá khứ lâu xa, tuổi thọ dài lâu, ít người phạm giới, không có tỳ vết. Còn ngày nay, người thọ mạng đã ngắn ít, không quá trăm năm.

Sau khi các Phật đời quá khứ diệt độ, pháp tồn tại ở đời bao lâu?

Phật bảo A Nan: Sau khi các Đức Phật quá khứ diệt độ, pháp không trụ lâu ở đời.

A Nan bạch Phật: Nếu như sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ đời bao lâu?

Phật bảo A Nan: Sau khi ta diệt độ, chánh pháp sẽ trụ đời lâu dài. Sau khi Phật Ca Diếp diệt độ, chánh pháp để lại trụ bảy ngày.

Này A Nan! Nay thầy nghĩ rằng đệ tử của Như Lai ít, chớ nghĩ như thế. Hàng đệ tử của ta ở phương Ðông nhiều vô số ức ngàn, đệ tử ở phương Nam vô số ức ngàn.

Cho nên, A Nan, hãy nghĩ như vậy: Phật Thích Ca của ta thọ mạng rất dài lâu.

Vì sao?

Nhục thân tụy diệt độ nhưng pháp thân tồn tại. Ðây là nghĩa ấy, nên ghi nhớ điều này. Bấy giờ, A Nan và các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường