Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh La Hầu La - Phần Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH LA HẦU LA   

PHẦN BỐN  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, Tôn Giả La Hầu La đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật: Lành thay, Thế Tôn! Xin vì con mà nói pháp. Sau khi con nghe pháp, một mình con ở nơi thanh vắng, chuyên tinh tư duy, không buông lung.

Sau khi sống một mình ở nơi thanh vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, con sẽ tư duy về mục đích mà một Thiện Gia Nam Tử cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, tu trì phạm hạnh, ngay trong đời này, tự tri tự tác chứng.

Biết rằng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn xét thấy tâm của La Hầu La tuệ giải thoát chưa thuần thục, chưa có thể nhận lãnh pháp tăng thượng được, nên hỏi La Hầu La: Ngươi đã từng truyền dạy năm thọ ấm cho người chưa?

La Hầu La bạch Phật: Bạch Thế Tôn, chưa!

Phật bảo La Hầu La: Ngươi nên vì người khác mà diễn nói năm thọ ấm. Khi La Hầu La nghe lời dạy của Phật rồi, sau đó vì người khác diễn nói về năm thọ ấm.

Nói xong trở lại chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn con đã vì người khác nói về năm thọ ấm rồi, xin Thế Tôn vì con mà nói pháp. Sau khi con nghe pháp xong rồi sẽ ở một mình chuyên tinh suy nghĩ, sống không buông lung và cho đến tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại xét thấy tâm của La Hầu La Tuệ giải thoát chưa thuần thục, chưa có thể nhận lãnh pháp tăng thượng được, nên hỏi La Hầu La: Ngươi đã vì người khác nói về sáu nhập xứ chưa?

La Hầu La bạch Phật: Bạch Thế Tôn, chưa!

Phật bảo La Hầu La: Ngươi nên vì người khác diễn nói về sáu nhập xứ. Rồi, vào một lúc khác, La Hầu La lại diễn nói sáu nhập xứ cho người khác nghe.

Sau khi nói sáu nhập xứ xong, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con đã vì người khác mà diễn nói sáu nhập xứ rồi. Xin Đức Thế Tôn vì con mà nói pháp. Sau khi con nghe pháp xong sẽ ở một mình nơi vắng vẻ, chuyên tinh suy nghĩ, sống không buông lung, cho đến tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn xét thấy tâm của La Hầu La tuệ giải thoát chưa thuần thục, chưa có thể nhận lãnh pháp tăng thượng được, nên hỏi La Hầu La: Ngươi đã vì người khác nói Pháp Ni Đà Na chưa?

La Hầu La bạch Phật: Bạch Thế Tôn, chưa!

Phật bảo La Hầu La: Ngươi nên vì người khác mà diễn nói Pháp Ni Đà Na đi.

Rồi, vào môt lúc khác, La Hầu La lại vì người khác nói đầy đủ Pháp Ni Đà Na xong, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng lui sang một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn vì con mà nói pháp, sau khi con nghe pháp xong, sẽ ở một mình nơi chỗ vắng chuyên tinh suy nghĩ, sống không buông lung, cho đến tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn xét thấy tâm của La Hầu La tuệ giải thoát vẫn chưa thuần thục, cho đến bảo La Hầu La: Ngươi nên đối với những pháp đã nói ở trên, ở một mình nơi vắng vẻ chuyên tinh suy nghĩ, mà quán sát nghĩa lý của chúng.

Bấy giờ, La Hầu La vâng lời Phật dạy, như pháp đã nói, như pháp đã được nghe, suy nghĩ cân nhắc, quán sát nghĩa lý của chúng, tự nghĩ: Các pháp này, tất cả đều thuận hướng Niết Bàn, lưu nhập Niết Bàn, cuối cùng an trụ Niết Bàn.

Rồi, một lúc khác, La Hầu La đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi lui đứng sang một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, đối với pháp đã được nói, pháp con đã được nghe như trên, con đã ở một mình nơi vắng vẻ, tư duy cân nhắc và quán sát nghĩa lý của chúng, thì biết những pháp này tất cả đều thuận hướng Niết Bàn, lưu nhập Niết Bàn, cuối cùng an trụ Niết Bàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn xét thấy tâm của La Hầu La tuệ giải thoát đã được thuần thục, có thể nhận lãnh được pháp tăng thượng, nên bảo La Hầu La: Tất cả đều vô thường.

Những pháp nào là vô thường?

Mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc v.v… đều vô thường chi tiết như các Kinh trước. Tôn Giả La Hầu La sau khi nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Sau khi La Hầu La đã vâng theo lời Phật dạy rồi, một mình ở nơi vắng vẻ, sống không buông lung, chuyên tinh tư duy về mục đích mà một thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo Cà Sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, chuyên tu phạm hạnh cho đến…

Ngay trong đời này, tự tri tự tác chứng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Thành bậc A La Hán, tâm khéo giải thoát.

Phật nói Kinh này xong, La Hầu La nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường