Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ma La Ca Cữu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH MA LA CA CỮU
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, có Ma La Ca Cữu đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật: Lành thay! Bạch Thế Tôn, xin vì con mà nói pháp.
Khi nghe pháp xong, một mình con ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến: Không còn tái sanh đời sau nữa.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma La Ca Cữu: Những người trẻ tuổi, thông minh, lanh lợi, xuất gia chưa bao lâu, đối với pháp luật của ta còn không biếng nhác. Huống chi là ngày nay tuổi của ngươi đã già, các căn đã suy yếu, mà đối với pháp luật của ta lại muốn nghe ta giáo giới vắn tắt.
Ma La Ca Cữu bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con tuy tuổi già, các căn suy yếu, nhưng con vẫn còn muốn nghe Thế Tôn sơ lược chỉ dạy, nhắc nhở. Xin Thế Tôn vì con mà chỉ dạy sơ lược, nhắc nhở.
Sau khi nghe pháp xong, một mình con sẽ ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy,… cho đến: Tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Ma La Ca Cữu bạch như vậy ba lần.
Phật bảo Ma La Ca Cữu: Hãy thôi đi! Ba lần nói như vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma La Ca Cữu: Bây giờ, ta hỏi ngươi, cứ tùy ý mà đáp lời của ta.
Phật bảo Ma La Ca Cữu: Nếu đối với sắc mà mắt chưa từng thấy, ngươi sẽ muốn thấy.
Ở nơi sắc này ngươi có khởi lên dục, khởi lên ái, khởi niệm, khởi nhiễm trước không?
Ma La Ca Cữu đáp: Bạch Thế Tôn, không.
Tai đối với âm thanh, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng nói như vậy.
Phật bảo Ma La Ca Cữu: Lành thay!
Này Ma La Ca Cữu, thấy, do thấy giới hạn. Nghe, do nghe giới hạn. Cảm giác, do cảm giác giới hạn. Nhận thức, do nhận thức giới hạn.
Và Phật nói bài kệ:
Nếu ngươi chẳng phải kia,
Kia cũng chẳng phải đây,
Cũng chẳng giữa hai bên,
Thì đây là mé khổ.
Ma La Ca Cữu bạch Phật: Con đã hiểu, bạch Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ.
Phật bảo Ma La Ca Cữu: Ngươi hiểu thế nào về cái nghĩa rộng rãi của pháp mà ta đã nói lược?
Ma La Ca Cữu trình lên Phật bài kệ:
Nếu mắt đã thấy sắc,
Mà mất đi chánh niệm,
Thì đối sắc được thấy,
Giữ lấy tướng yêu nhớ.
Người giữ tướng yêu thích,
Tâm thường bị vướng mắc,
Khởi lên các thứ ái,
Vô lượng sắc tập sanh.
Tham dục, nhuế, hại, giác,
Khiến tâm mình sụt giảm,
Nuôi lớn thêm các khổ,
Vĩnh viễn lìa Niết Bàn.
Thấy sắc chẳng chấp tướng,
Tâm mình theo chánh niệm,
Không nhiễm ái, ác tâm,
Cũng chẳng sanh hệ lụy.
Không khởi lên các ái,
Vô lượng sắc tập sinh,
Tham dục, nhuế, hại, giác,
Chẳng thể hại tâm mình.
Ít nuôi lớn các khổ,
Lần lượt gần Niết Bàn.
Đấng Nhật Tôn đã nói,
Lìa ái, đạt Niết Bàn.
Nếu tai nghe các tiếng,
Tâm mất đi chánh niệm,
Cứ giữ tướng âm thanh,
Giữ chặt mà không xả.
Mũi, hương, lưỡi thưởng vị,
Thân, xúc, ý nhớ pháp,
Quên mất đi chánh niệm,
Giữ tướng cũng như vậy.
Tâm mình sanh yêu thích,
Buộc đắm bám vững chắc,
Khởi lên các thứ ái,
Vô lượng pháp tập sanh,
Tham dục, nhuế, hại, giác,
Sụt giảm hại tâm mình,
Nuôi lớn các tụ khổ,
Vĩnh viễn lìa Niết Bàn.
Chẳng nhiễm nơi các pháp,
Chánh trí, trụ chánh niệm,
Tâm mình chẳng nhiễm ô,
Lại cũng không thích đắm,
Chẳng khởi lên các ái,
Vô lượng pháp tập sanh,
Tham, sân, nhuế, hại, giác,
Chẳng lui giảm tâm mình,
Các khổ theo đó giảm,
Dần dần gần Niết Bàn.
Ái tận, Bát Niết Bàn,
Thế Tôn đã nói thế.
Đó gọi là giải rộng nghĩa của Pháp Phật đã lược nói.
Phật bảo Ma La Ca Cữu: Thật sự ngươi đã giải thích rộng nghĩa của nó đối với pháp ta đã nói lược.
Vì sao?
Vì như ngươi đã nói kệ:
Nếu mắt thấy các sắc,
Quên mất đi chánh niệm,
Thì đối sắc được thấy,
Giữ lấy tướng ái niệm.
Như trên, nói đầy đủ chi tiết.
Tôn Giả Ma La Ca Cữu, sau khi nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ, làm lễ rồi đi. Sau khi, Tôn Giả Ma La Ca Cữu đã giải thích rộng nghĩa của nó, đối với Pháp Thế Tôn đã nói lược, rồi một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến thành A La Hán, tâm được giải thoát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - Phẩm Mười Hai - Phẩm Hiện Hóa
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh ðoạn Giảm - Phần Ba - đoạn Giảm
Phật Thuyết Kinh đại Lâu Thán - Phẩm Tám - Phẩm Tứ Thiên Vương
Phật Thuyết Kinh Năm Giới Tướng Của ưu Bà Tắc - Phần Hai - Giới Trộm
Phật Thuyết Kinh A Tra Bà Câu Quỷ Thần đại Tướng Thượng Phật đà La Ni Thần Chú